Sáng 12-1-2013, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Năm 2012 là năm hết sức khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và ngành than nói riêng. Tuy vậy, ngành than-khoáng sản đã nỗ lực hoàn thành tất cả các mục tiêu cơ bản, bảo đảm được tài chính an toàn, đủ năng lực xuống sâu để đáp ứng năng lượng cho đất nước. Bên cạnh đó, thực hiện tốt mục tiêu cắt giảm chi phí, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật, khoán các định mức xuống các mỏ, chuyển đổi phương thức thiết bị để tiết kiệm năng lượng. “Tiềm năng tiết kiệm không bao giờ hết”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng ngành than là một trong những ngành phải đi liền với giữ gìn môi trường, tạo sự đồng thuận trong xã hội; đi đầu với ứng dụng công nghệ mới; tập trung đầu tư vào những mỏ xuống sâu. Việc nâng cao trữ lượng thăm dò thêm 100 triệu tấn than trong những năm khó khăn gần đây là hết sức quan trọng đối với ngành.

Về những tồn tại của ngành, Phó Thủ tướng lưu ý đến công tác an toàn lao động, xác định trách nhiệm cá nhân từ Hội đồng thành viên, Giám đốc các đơn vị trong công tác này. Đồng thời tập trung thu xếp vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản. “Gía than kiên quyết phải đi theo thị trường nhưng phải chống được than thổ phỉ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với những mục tiêu của năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Tập đoàn chuẩn bị các giải pháp ngay từ đầu năm để giải quyết than tồn kho, kiên quyết yêu cầu các hộ tiêu thụ phải ký hợp đồng dài hạn. Chính phủ đang xem xét đề án tái cơ cấu Tập đoàn theo hướng chỉ phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính. Chính phủ cũng giao cho Tập đoàn làm đầu mối nhập khẩu than để chuẩn bị nguồn than cho đất nước trong những năm tới. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, rà soát lại các định mức kinh tế kỹ thuật, có so sánh với các quốc gia trong khu vực để phát triển bền vững.

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Vinacomin Lê Minh Chuẩn cho biết, năm 2012, Tập đoàn đã sản xuất 44,5 triệu tấn than nguyên khai, đạt 101% kế hoạch và bằng 92% so với năm 2011. Than tiêu thụ đạt mức 39,2 triệu tấn, tăng 3% kế hoạch và bằng 87% so với mức tiêu thụ năm 2011. Đến cuối năm, than tồn kho vào khoảng 7,5 triệu tấn; trong đó, than sạch khoảng 6 triệu tấn và bán thành phẩm 1,5 triệu tấn. Với tổng doanh thu đạt 95,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch điều chỉnh; trong đó doanh thu sản xuất than tăng 4%; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản tăng 5%; sản xuất và bán điện tăng 9% so với kế hoạch. Trong năm, Tập đoàn đã đạt lợi nhuận 2.500 tỷ đồng, nhưng chỉ bằng 30% so với lợi nhuận năm 2011; nộp ngân sách 14.000 tỷ đồng.

Ông Chuẩn chỉ rõ, trong điều kiện sản xuất kinh doanh còn khó khăn nhưng Tập đoàn đã có những giải pháp chỉ đạo điều hành sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tiết kiệm 5% chi phí so với kế hoạch đã giao khoán đầu năm với tổng số tiền khoảng 1.710 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã chủ động rà soát, xây dựng phương án tái cơ cấu cho các doanh nghiệp và Tập đoàn. Đồng thời, thoái vốn trong các lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Theo đó, thoái vốn tại 2 công ty là Đường cao tốc BIDV 9,5 tỷ đồng và Bảo hiểm SVIC 50 tỷ đồng, bảo đảm bảo toàn vốn. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang triển khai thoái vốn tại Công ty Tài chính và Công ty Bảo hiểm hàng không.

Năm 2013, Vinacomin đặt mục tiêu tiêu thụ 43 triệu tấn than, tăng 3,7 triệu tấn so với năm 2012, với tổng doanh thu tăng 15%, lợi nhuận giữ mức như năm 2012. Để đạt mục tiêu này, một trong những giải pháp được Tập đoàn chú trọng triển khai là quản lý điều hành tiêu thụ. Theo đó, bám sát thị trường để điểu hành sản xuất phù hợp với tiêu thụ. Khi thị trường có khó khăn, phải giảm sản lượng, Tập đoàn sẽ áp dụng phương thức chào mua nội bộ. Cụ thể giành khoảng 10-20% thị trường để mua theo phương thức đơn vị có giá thấp, giá thành giảm so kế hoạch sẽ được ưu tiên mua trước. Bên cạnh đó, hoàn thiện kênh bán hàng để đẩy mạnh tiêu thụ, tăng cường giám sát kỷ luật giao than tại đầu nguồn và cuối nguồn. Đồng thời kiểm soát nghiêm tiến độ nhận, giao than và thanh toán theo các cam kết trong hợp đồng đã ký. Tập đoàn còn khuyến khích các đơn vị tăng cường chế biến nâng cao chất lượng than, đặc biệt là chế biến than cục và tuyển nâng cấp chất lượng than./.