“Dân vận khéo” khắp Bắc - Trung - Nam
“Dân vận khéo” chính là giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra từ thực tiễn
Long An là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với nhiều hình thức phù hợp để nhân dân tham gia ý kiến bàn bạc các vấn đề nhạy cảm có liên quan trực tiếp đến đền bù, giải tỏa thu hồi đất nông nghiệp làm khu công nghiệp, khu đô thị nên đã không để xảy ra điểm nóng về khiếu kiện. Làm được điều đó, chính là do chúng tôi đã thấu suốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Làm tốt công tác dân vận đã có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bình quân trên 13%/năm, tổng sản lượng lương thực đến nay lên đến gần 2 triệu tấn/năm. Hằng năm, tỉnh đã giải quyết việc làm trên 30.000 lao động; cơ bản xóa hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn 10,5%, theo tiêu chí mới của tỉnh.
Tuy vậy, so với yêu cầu, nhiệm vụ mới công tác dân vận vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm; hướng tới cần tiếp tục tìm tòi, đổi mới hơn nữa cả về nội dung, phương thức vận động cho đến sự đa dạng hóa về hình thức tập hợp nhân dân. Để làm tốt hơn nữa công tác “dân vận khéo”, các vấn đề đặt ra từ thực tiễn như: chính sách, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền hiện nay phải được tập trung giải quyết hiệu quả như:
- Phải có những đột phá về chính sách, sớm ban hành tiêu chuẩn cụ thể đối với đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và thực hiện việc chuẩn hóa cán bộ vào năm 2015 làm công tác dân vận ở cơ sở. Cán bộ chuyên trách công tác dân vận cấp huyện cần có từ 4-5 biên chế (hiện nay cấp huyện có 2,5 biên chế).
- Vấn đề phó bí thư Đảng ủy xã, kiêm “trưởng khối vận”, thì phụ cấp kiêm nhiệm bao nhiêu % là vừa? Về kinh phí hoạt động của đoàn thể xã, ngoài lương, hiện nay thấp nhất 1,5 triệu đồng, cao nhất là 3,5 triệu đồng/biên chế/năm, không đủ chi phí cho hoạt động ở địa bàn xã rộng, dân số đông, ở phân tán. Đề nghị phải phân bổ ngân sách ít nhất là 5 triệu đồng/biên chế/năm mới bảo đảm đủ yêu cầu hoạt động.
- Thường trực cấp ủy, Thường trực ủy ban nhân dân các cấp phải thường xuyên lấy ý kiến đóng góp của của nhân dân; đối với các vấn đề nhân dân bức xúc, có biện pháp xử lý không để kéo dài ; một số vụ việc nhạy cảm phát sinh trong dân đều phân công cán bộ chủ chốt trong cấp ủy trực tiếp đối thoại, giải quyết.
Củng cố thế trận lòng dân, làm điểm tựa vững chắc để bảo vệ biên cương
Cấp ủy, chỉ huy đồn Biên phòng Cửa khẩu Bình Hiệp, nhận thức rõ công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được bảo đảm, chỉ khi phát huy hiệu quả vai trò các tổ chức quần chúng ở cơ sở trên địa bàn.
Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu Bình Hiệp tổ chức các hoạt động giúp dân: thu hoạch lúa chạy lũ, khám bệnh cho bà con nghèo, giúp trẻ em xóa mù chữ, phổ cập văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa vùng biên giới thực sự được nhân dân tin yêu. Trong năm 2009, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bình Hiệp đã xây dựng 18 căn nhà đại đoàn kết, giúp dân sửa chữa 36 căn nhà, khám chữa bệnh cho 140 bệnh nhân các xã biên giới, cấp thuốc giá trị 14 triệu đồng, mở 6 lớp học tình thương, xóa mù chữ cho 63 thanh thiếu niên 2 xã Bình Tân và Bình Hiệp.
Chính nhờ thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, nên ở tất cả các khu vực dân cư trên địa bàn do đồn quản lý đều có lực lượng dân quân, dân phòng tham gia tích cực vào quá trình giữ gìn an ninh trật tự, trấn áp tội phạm. Các mô hình “Tiếng mõ an ninh trật tự”, “Tuyến biên giới bình yên”; “Kẻng báo động, điện thoại báo tin, gậy phòng gian với tuần tra chốt chặn”; “áp dụng cả 4 biện pháp cơ bản là: lực lượng quần chúng, pháp luật, nghiệp vụ và vũ trang” đã đạt nhiều kết quả tốt, tạo ra thế trận lòng dân trên địa bàn biên giới, làm cơ sở vững chắc cho xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương.
Rèn luyện “kỹ năng” công tác dân vận
Những năm qua, công tác dân vận trên địa bàn quận Thanh Khê tạo được sự đồng thuận, nhân dân tin tưởng, ngoài vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, còn có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ quận đến khu dân cư. Theo tôi, người cán bộ dân vận nói chung, ngoài đạo đức, tác phong, chuẩn mực chung, cần phải trau dồi, rèn luyện “kỹ năng” công tác dân vận; phải có sự hiểu biết rộng và sâu về nhiều lĩnh vực; không ngừng sáng tạo, tìm cách vận động, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu và hành động. Khi giải quyết những tình huống, để “dân vận khéo”, đồng thời áp dụng 3 yếu tố: Giữ vững nguyên tắc - giải quyết linh hoạt – sáng tạo (bao gồm cả nhanh chóng, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, sáng tạo của quần chúng và sự sáng tạo của người lãnh đạo).
Đội ngũ làm công tác vận động quần chúng ở quận Thanh Khê được các cấp ủy đầu tư củng cố, kiện toàn, hầu hết có phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị, nhiệt tình với công việc; có kỹ năng, nghiệp vụ về công tác dân vận; được nhân dân tin yêu và hoạt động có hiệu quả. Nhờ đó, Quận ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ, quyền tự do, dân chủ của nhân dân theo pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như: nhà ở, việc làm, môi trường sống, an sinh xã hội... nhằm từng bước thực hiện mục tiêu an dân. Quận ủy Thanh Khê chú trọng tổng kết thực tiễn, phát huy hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm huy động tiềm lực vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, sự đồng thuận chính trị trên địa bàn quận ngày càng được tăng cường, sức mạnh vật chất, tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Công tác vận động quần chúng phải linh hoạt
Đối với cán bộ làm công tác dân vận phải có 3 điều kiện cần thiết: Một là, bản thân và gia đình phải thực sự gương mẫu; hai là, phải có kiến thức và phương pháp vận động quần chúng tốt; ba là, có nhiệt tình, sâu sát gần gũi nhân dân, để hiểu biết tâm tư nguyện vọng của dân. Có đủ những điều kiện đó cán bộ dân vận mới đề ra được phương pháp vận động phù hợp trong từng trường hợp và hoàn cảnh.
Cụ thể là, trong công tác vận động phải hết sức tế nhị, nhất là trong sinh hoạt phải nêu được cả 2 mặt, nhưng trước hết phải nêu bật cho được những ưu điểm của tập thể, biểu dương những cá nhân xuất sắc tiêu biểu, sau đó mới nêu khuyết điểm tồn tại và chỉ ra nguyên nhân của nó, để rút ra kinh nghiệm và đề ra phương hướng nhiệm vụ mới, trên cơ sở phát huy dân chủ, bàn bạc thống nhất cao. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải hiểu được tâm lý người nghe, khi tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nên tóm tắt một cách dễ hiểu để tiếp thu. Viết ngắn, nói gọn và biện pháp hết sức cụ thể, mới có tác dụng.
Công tác dân vận xây dựng cho được lực lượng nòng cốt, cốt cán trong cộng đồng dân cư. Vì trong cộng đồng dân cư bao giờ cũng tồn tại ba thành phần: thành phần tích cực, trung bình và tiêu cực. Thành phần tích cực và tiêu cực thường chiếm số ít so với thành phần trung bình. Nhưng nếu công tác dân vận biết phát huy tác dụng thành phần tích cực sẽ lôi kéo đa số thành phần trung bình về thành phần tích cực. Còn thành phần tiêu cực thường có tác phong, phát ngôn vì lợi ích riêng, nên không được sự ủng hộ và bị cô lập, khi bị cô lập thì họ tự kiểm điểm lại bản thân. Nếu biết vận động lúc này thì họ sẽ nhận thức và trở thành người tiến bộ.
Phụ cấp với cán bộ làm dân vận cơ sở
Khối lượng công việc của người làm dân vận tại cơ sở rất lớn, như phường Hồng Hà hiện nay chia làm 9 khu phố, tổng số gần 4.000 hộ dân. Cán bộ dân vận phải quản lý, tập hợp, vận động gần 2.000 người dân mỗi khu phố. Mặc dù vậy, người làm dân vận tại cơ sở rất mỏng, hầu hết đều kiêm nhiệm. Ở xã, phường, thường các đồng chí phó bí thư, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc kiêm nhiệm, ở khu phố, thôn thì bí thư chi bộ kiêm nhiệm. Làm dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng thiết nghĩ, với khối lượng công việc như trên, các đồng chí cán bộ dân vận cơ sở bị “quá tải”, trong khi chế độ, chính sách còn bất cập.
Chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở nói chung, đặc biệt là cán bộ dân vận hiện nay không bảo đảm điều kiện hoạt động, chưa nói là để có thể thu hút được cán bộ có năng lực về cơ sở công tác. Đơn cử như các đồng chí là trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể ở khu dân cư, ngoài nhiệm vụ đoàn thể của mình còn là những thành viên nòng cốt tham gia công tác dân vận. Bộn bề công việc, nhưng hiện nay chưa có phụ cấp kiêm nhiệm, mặc dù với các đồng chí này, phụ cấp có ý nghĩa động viên là chính, vì bản thân họ tham gia từ đầu đã xuất phát từ lòng nhiệt tình là chủ yếu. Hiện nay, nhiều địa phương đã có những chính sách cụ thể đối với khối dân vận và cán bộ dân vận cơ sở, như: bổ sung 1 cán bộ không chuyên trách cho khối dân vận cấp xã, phường, cùng mức phụ cấp tương đương cấp phó các đoàn thể, thực hiện chi phụ cấp kiêm nhiệm cho trưởng ban Công tác Mặt trận... Được biết, Quảng Ninh không bố trí cán bộ dân vận chuyên trách cấp xã, phường, vì bộ máy cồng kềnh, mà sắp tới, dù muộn so với nhiều địa phương, tập trung thực hiện phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ làm dân vận và phụ cấp cán bộ cấp thôn, khu.
Huy động sức mạnh của nhân dân vào xây dựng nông thôn mới
Ông Bùi Mạnh Hà, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Xây dựng nông thôn mới với cách làm khoa học, bài bản được coi là hướng phát triển đột phá và bền vững của Thái Bình, với mục tiêu cốt lõi là nâng cao thực sự đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân. Theo chỉ tiêu của tỉnh, xây dựng nông thôn mới bao gồm 19 chỉ tiêu và 40 nội dung, bao gồm toàn diện các mặt phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và dân sinh, văn hóa, môi trường, quy hoạch, kiến trúc...
Thanh Tân là xã đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới của Thái Bình. Đến nay, xã đã thực hiện xong quy hoạch chi tiết vùng sản xuất hàng hóa và vùng dân cư ở địa phương, đang xây dựng khu văn hóa, thể thao, hồ bơi, khu vui chơi giải trí trung tâm xã. Với nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2009 – 2011 khoảng trên 20 tỉ đồng, mặc dù được bố trí ngân sách hằng năm của tỉnh, nhưng với khối lượng công việc tương đối đồ sộ, xã vẫn phải dựa vào nội lực của địa phương, sự đóng góp của nhân dân và con em địa phương làm ăn ở xa, theo đó cộng đồng dân cư làm chủ và tự lựa chọn các nội dung triển khai, tự xây dựng kế hoạch thực hiện, giám sát, tổng kết, đánh giá. Kinh phí thực hiện, đối ứng của nhân dân chủ yếu là công lao động và đất giải phóng mặt bằng.
Để cả cộng đồng dồn sức cho mục tiêu phát triển Thanh Tân thành một hình mẫu về xây dựng nông thôn mới, xã đẩy mạnh công tác dân vận, vận động, tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức cho cán bộ và nhân dân về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Sự cần thiết và khả năng thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới theo các mục tiêu đã đề ra, từ đó tạo sự đồng thuận và quyết tâm hành động với trách nhiệm cao nhất, huy động sự đóng góp của cộng đồng cả về trí tuệ, công sức và tài chính. Một phong trào thi đua nở rộ, mỗi thôn đảm nhận đi đầu một công việc, như: Thôn An Cơ Nam vận động nhân dân nạo vét kênh tiêu nước và đường vào thôn; Thôn An Cơ Bắc tổ chức thành công ngày lễ Phật đản; thôn Phú Mãn vận động nhân dân xây dựng làng văn hóa; Thôn An Thọ thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức ăn uống ở đám tang... Hợp lòng dân, từ sức dân, nông thôn ở Thanh Tân đang thay da đổi thịt từng ngày./.
Hoạt động vì quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm an sinh xã hội  (14/01/2010)
Hai mươi năm nỗ lực, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội tin cậy của cấp ủy, chính quyền các cấp  (13/01/2010)
Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu  (13/01/2010)
Tìm hiểu khái niệm “G20”  (12/01/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên