Tư tưởng “Dân vận” của Hồ Chí Minh - “cẩm nang” của công tác dân vận thời kỳ mới
Giữa lúc công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta ở vào thời điểm vô cùng cam go, quyết liệt, tác phẩm “Dân vận” ra đời. Đó thực sự là một “cẩm nang”, kịp thời chỉ dẫn một cách đầy đủ và sâu sắc cả về mục đích, đối tượng; cả về nhiệm vụ, phương pháp, tính hiệu quả... của công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên; tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể lúc bấy giờ.
Trước hết, “dân vận”, hiểu theo nghĩa giản dị nhất - chính là công tác tuyên truyền và vận động nhân dân.
Về hình thức: Đây là một bài viết rất ngắn gọn, từ đầu đề (chỉ vỏn vẹn 2 từ), đến dung lượng (chỉ có 573 từ); được diễn đạt bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng; văn phong súc tích, có tính khái quát cao; cùng một kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, sáng rõ - là phong cách hành văn vốn có của Hồ Chí Minh nên rất dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo.
Về nội dung: Giản dị, ngắn gọn mà không hề sơ lược. Tác phẩm “Dân vận” đã gói ghém một cách đầy đủ và sâu sắc những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác này.
Về tầm quan trọng của công tác dân vận: Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Từ đó, chúng ta hiểu: Dân vận là cái gốc, là điểm xuất phát của mọi phong trào cách mạng của quần chúng và là sự khởi đầu của mọi thành công. Muốn sự nghiệp cách mạng thành công, trước hết phải biết tuyên truyền và vận động nhân dân - chính là làm tốt công tác dân vận.
Về mục đích của công tác dân vận: Cái đích chung và cao nhất của sự nghiệp cách mạng mà Đảng ta và Hồ Chí Minh chủ trương trước sau vẫn là “từ dân, vì dân, cho dân”. Để đạt được điều đó, phải xây dựng cho được một nhà nước dân chủ - nhà nước mà trong đó, người dân được thực sự làm chủ cuộc đời mình: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “... ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; đồng nghĩa với mọi người dân đều được sống trong một xã hội mà đời sống vật chất lẫn văn hóa - tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao. Theo đó, tuyên truyền, vận động toàn dân để xây dựng một nền dân chủ thực sự là cái đích cao nhất mà công tác dân vận hướng tới.
Về bản chất của công tác dân vận: Theo Hồ Chí Minh, thực chất hay bản chất của công tác dân vận, chính là nhằm “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho...”. Nghĩa là phải tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân (mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng) vào các phong trào cách mạng.
Về lực lượng làm công tác dân vận: Chỉ rõ ai là người làm công tác dân vận, Hồ Chí Minh viết: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả các hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v..) đều phải phụ trách dân vận”. Như vậy, lực lượng làm công tác dân vận - theo Hồ Chí Minh - không chỉ là những người chuyên trách công tác này, mà rất đông đảo, với nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Đó chính là sức mạnh tập thể trong các phong trào cách mạng nói chung, trên các mặt trận và lĩnh vực cụ thể nói riêng, trong đó có lĩnh vực dân vận.
Về cách thức, phương pháp làm công tác dân vận: Trong nội dung này, Hồ Chí Minh tập trung chỉ rõ những phương thức, cách thức, cũng đồng thời là các yêu cầu cụ thể của công tác dân vận. Đó là: “Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
- Óc nghĩ: Điều này được Hồ Chí Minh đặt ở vị trí hàng đầu, cho thấy Người đặc biệt đề cao trí tuệ và yêu cầu về sự động não của người làm công tác dân vận. Hoạt động dân vận trước hết chính là tham gia tổ chức các phong trào cách mạng của quần chúng. Để việc tổ chức đạt hiệu quả cao, rõ ràng bên cạnh am hiểu thực tế phải có sự hiểu biết về lý luận. Với người cán bộ dân vận, đó là lý luận của chủ nghĩa Mác -Lê-nin, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm vững lý luận và dựa trên thực tiễn để suy nghĩ ra những phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng; tức là óc phải luôn luôn suy nghĩ để không chỉ biết đúng, sai, mà còn biết cách làm và làm như thế nào cho đúng và đạt hiệu quả.
- Mắt trông: Là quan sát mọi sự việc, hiện tượng từ thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng, để “trăm nghe không bằng một thấy”. Nhưng không phải “nhìn” chỉ để mà nhìn. Mà phải có sự nhạy cảm, tinh tế trong việc quan sát, từ đó kết hợp với “óc nghĩ” xác định được đúng, sai, nhận rõ bản chất và hiện tượng của từng sự việc, từng vấn đề để làm đúng và tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước những đề xuất, kiến nghị; từ đó có các giải pháp đúng đắn để đưa phong trào của quần chúng đi đúng hướng. Điều này cũng gián tiếp cho thấy, Hồ Chí Minh muốn nhắc nhở cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận, phải thường xuyên sâu sát cơ sở. Vì chỉ có sát cơ sở mới có thể “thấy” mọi sự việc, vấn đề. Theo đó, muốn vận động quần chúng một cách thiết thực, muốn làm tốt vai trò tham mưu phải “mục sở thị” được các sự việc và vấn đề liên quan đến công tác dân vận.
- Tai nghe: Đây là một phương pháp khoa học của công tác dân vận. Theo Hồ Chí Minh, cùng với “óc nghĩ”, “mắt trông”, người làm công tác dân vận còn phải đồng thời nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng. Đòi hỏi phải biết nghe dân nói, từ đó mà hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân; loại trừ những thông tin thiếu chân thực, chính xác. Nghe dân nói, cũng là để biết dân đã hiểu gì, hiểu đến mức thế nào, đã làm như thế nào và làm được đến đâu... làm cơ sở để báo cáo với cấp trên; còn bản thân mình cũng thấy được những gì cần phải bổ sung, điều chỉnh khi thực thi công tác dân vận. Tuy nhiên, để nghe đúng và chính xác, phải có thái độ khách quan và tinh thần cầu thị khi tiếp xúc với nhân dân thì nhân dân mới tin tưởng và sẵn sàng nói ra những suy nghĩ, nguyện vọng của mình cũng như phản ánh đúng thực trạng của cơ sở.
- Chân đi: Chỉ có đi mới thấy, mới nghe, mới biết, và mới truyền đạt được những điều cần tuyên truyền, vận động với dân. Đi để gần dân, sát dân, chính là giúp người làm dân vận không xa rời và lạc hậu với thực tiễn sinh động của cơ sở. “Chân đi” cũng là thể hiện sự xông xáo, nhiệt tình của người cán bộ, đảng viên dân vận đối với các địa bàn làm “dân vận”. Và càng đi, người làm công tác này càng có dịp nhìn xa trông rộng, nghe nhiều, cập nhật được những việc, những vấn đề mới mẻ của cuộc sống; thôi thúc họ nghĩ nhiều, từ đó mà làm nhiều, đi kịp và đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong công tác dân vận.
- Miệng nói: Không chỉ nghe dân nói, mà cán bộ dân vận phải biết nói cho dân nghe. Đó là nói để dân biết, dân hiểu rõ các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước; nói để dân hiểu được quyền lợi và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội... của mình. Để dân có thể tiếp thu và hiểu được mà thực hiện, phải tuyên truyền bằng miệng và phải có cách nói để có sức truyền cảm và thuyết phục, từ đó mà dân hiểu, dân tin.
- Tay làm: Nếu nói là để dân nghe, thì làm là để dân thấy, dân tin, dân học làm theo. Đó chính là gắn “ngôn” với “hành” (lời nói đi đôi với hành động). Đây là một yêu cầu, một phương pháp hết sức quan trọng đối với cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác dân vận nói riêng. Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến hai mặt của một vấn đề này. Người từng có hàng loạt bài viết, bài nói phê phán những cán bộ, đảng viên “nói không đi đôi với làm”, “nói hay mà làm dở” hoặc “đánh trống bỏ dùi”. Người chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói, tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì nói vô ích”. Người cũng từng nhấn mạnh rằng, nói về đạo đức đi đôi với thực hành bằng đạo đức, coi trọng hiệu quả công việc, lấy hiệu quả của công việc làm thước đo đạo đức: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình...”. Người cũng từng cho rằng, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội và lòng tin của dân đối với Đảng không phải lý tưởng cao xa mà trước hết, cụ thể và trực tiếp nhất là ở tấm gương của những người cộng sản đang cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân, đặc biệt là những người có chức có quyền. “Dân vận không chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước hết là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.
Cuối cùng, để phát huy hiệu quả của công tác dân vận, Hồ Chí Minh chỉ ra những kinh nghiệm: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra sức thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm tra lại công việc rút ra kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Điều này thật thấm thía! Vì cũng theo Hồ Chí Minh: “Mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có đồng, tâm mới đồng, tâm đã đồng lại phải biết cách làm, thì làm mới chóng”. Đó chính là khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà ngày nay chúng ta thường đề cập.
Như vậy, từ “đi” đến “nhìn”, từ “nghe” đến “nghĩ” và từ “nói” đến “làm” là những công việc liên hoàn của người cán bộ, đảng viên và các tổ chức làm công tác dân vận. Và đó cũng là phẩm chất và hành động tự nhiên của người làm công tác này.
Đây cũng chính là tư tưởng nhất quán từ trong sâu thẳm của sự suy nghĩ đến hành động thường nhật suốt cả cuộc đời của Hồ Chủ tịch; đã làm nên một nhân cách lớn và vô cùng vĩ đại - nhân cách Hồ Chí Minh./.
Hoạt động vì quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm an sinh xã hội  (14/01/2010)
Hai mươi năm nỗ lực, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội tin cậy của cấp ủy, chính quyền các cấp  (13/01/2010)
Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu  (13/01/2010)
Tìm hiểu khái niệm “G20”  (12/01/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên