TCCS - Tiếp tục thực hiện chiến lược công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) và hội nhập quốc tế, Đại hội XI của Đảng đã quyết định: “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” theo quan điểm “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển” với khâu đột phá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”. Sau khi nghiên cứu triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, tác giả bài viết trình bày ý kiến về ba nội dung vừa nêu.

Thành tựu về giáo dục

Hệ thống giáo dục nước ta đã đạt được như hiện nay là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Số liệu thống kê dưới đây là minh chứng rõ ràng cho sự đánh giá đó.

Trước tháng 8-1945

năm 2010

Dân số cả nước

khoảng 20 triệu người

hơn 86 triệu người

Tỷ lệ dân cư biết chữ

5%

94%

Tỷ lệ dân cư đi học

3%

27%

Số trường học

937

khoảng 40.000

Số người tốt nghiệp đại học

vài trăm người

gần 3 triệu người

Số phó giáo sư

không có

7.029 người

Số giáo sư

không có

1.333 người


Về chất lượng, thành tựu rõ nhất là sản phẩm giáo dục của nước nhà đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất giang sơn, đổi mới đất nước. Từ khi đổi mới (năm 1986) nền giáo dục nước nhà đã làm được một số việc đáng kể, như năm 2000 hoàn thành công cuộc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2010 phổ cập trung học phổ thông cơ sở theo tiêu chí chung của thế giới (Tuyên bố Giôm-chiêng, 1990); hiện nay đang thực hiện phổ cập trung học (trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trung học nghề) và phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Chúng ta đã xây dựng được hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ bậc học mầm non đến đại học (bao gồm cả sau đại học), cả hệ chính quy và hệ thường xuyên, hằng năm thu hút được khoảng 22 -23 triệu người đi học,... Sáu mươi bảy năm qua, chúng ta đã trải qua 30 năm (không kể trước và sau đó) chiến tranh biết bao hy sinh nặng nề, cực kỳ gian khổ, lại mất 10 năm (1975 -1985) khủng hoảng kinh tế - xã hội, đến nay mới thoát ra khỏi nhóm nước nghèo, hơn 70% dân cư sống ở nông thôn..., mà có được nền giáo dục như vừa điểm qua vài nét ở trên, là điều thật đáng mừng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Được như vậy là nhờ nhân dân ta phát huy được truyền thống hiếu học, có những đóng góp rất to lớn với nòng cốt là mấy thế hệ nhà giáo, làm nên những thành tựu hết sức quý báu.

Sự mất cân đối (mâu thuẫn)

Khắc phục bệnh thành tích, chủ quan, tự mãn, trong nhiều Văn kiện của Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ, ngành giáo dục và đào tạo đang đứng trước nhiều mâu thuẫn (mất cân đối) đầy thách thức. Nhận định này được cả xã hội và các nhà khoa học, các nhà giáo rất đồng tình.

Có thể nêu 3 mâu thuẫn: 1 - Mâu thuẫn giữa chính sách phát triển giáo dục nhanh, quy mô lớn và chính sách đầu tư. Tuy Đảng và Nhà nước đã tăng đầu tư cho giáo dục và đào tạo từ hơn 5% (năm 1987) lên 20% (từ năm 2008) ngân sách nhà nước, nhưng không hiểu thực hư thế nào, phần đóng góp từ phía xã hội vẫn còn khoảng một nửa ngân sách giáo dục, thế mà đến bây giờ nhiều nơi còn thiếu phòng học khá nghiêm trọng, nhiều lớp sĩ số học sinh quá đông (50 -60 em); chủ trương dạy 2 buổi/ngày ở tiểu học từ năm 1994 đến nay trên phạm vi cả nước mới chỉ đạt khoảng 50%, ở trung học phổ thông và trung học cơ sở tỷ lệ này rất thấp. Trong khi ở hầu hết các nước trên thế giới, trường học đều dạy 2 buổi/ ngày (vì vậy, so sánh với 22 nước số giờ học ở giáo dục phổ thông nước ta đứng trong nhóm thấp nhất). Đã nêu quan điểm đầu tư cho giáo dục (bao gồm cả đào tạo) là đầu tư phát triển, giáo dục là kết cấu hạ tầng của kinh tế - xã hội, tức là giáo dục phải đi trước kinh tế - xã hội một bước, nhưng đến nay thực tế không được như vậy; còn 8 năm nữa nước ta “về cơ bản là nước công nghiệp” thế mà chỉ có khoảng 30% lực lượng lao động được qua đào tạo. 2 - Mất cân đối giữa cơ cấu đào tạo và cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế (hằng năm số sinh viên vào học các ngành nông - lâm - ngư nghiệp rất ít, nhiều năm chỉ dưới 10% tổng số sinh viên nhập học; ngành cơ khí tình hình còn xấu hơn; nhiều trường, nhất là các trường dân lập, tư thục đổ xô đào tạo các ngành “thời thượng”, như quản trị, kinh doanh, ngoại ngữ, tin học,...); giữa đào tạo và sử dụng không ăn khớp. Tóm lại, đào tạo không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đã nói lên sự bất cập cả về chất lượng và số lượng trong phát triển giáo dục của chúng ta. 3 - Trong nội bộ ngành, hoạt động dạy và học mất cân đối giữa yêu cầu giáo dục toàn diện và điều kiện, nhất là đội ngũ nhà giáo, giữa phát triển thể chất và phát triển tinh thần, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dạy kiến thức và dạy kỹ năng sống, giữa học vấn và năng lực hoạt động, giữa hiểu biết và văn hóa ứng xử... Vấn đề quan trọng nhất là giáo dục con người, làm người đang được cả xã hội rất băn khoăn, lo lắng.

Thách thức

Qua 3 mất cân đối (mâu thuẫn) vừa nêu có thể kể ra nhiều thách thức đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo hiện nay: 1 - Quan điểm tư tưởng coi giáo dục (gồm cả đào tạo) là quốc sách hàng đầu do Đảng ta nêu ra trong thời đổi mới được nhân dân cả nước, nhất là các nhà giáo và nhà khoa học, nhiệt liệt hưởng ứng, rất phù hợp với xu thế của thời đại. Rất tiếc, như Kết luận của Bộ chính trị khóa X (tháng 4-2008) đã chỉ ra, nhưng các cấp từ Trung ương đến cơ sở không nơi nào thực hiện tốt. Đây là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng giáo dục hiện nay. 2 - Dân ta có truyền thống rất tốt đẹp là hiếu học, nhưng đến nay phần lớn các bậc phụ huynh (kéo theo cả xã hội) vẫn mang nặng tâm lý bằng mọi giá để con em mình có được mảnh bằng, nhất là bằng đại học mà không quan tâm tới chất lượng và công dụng cho cuộc sống. Với tâm lý như vậy trong xã hội, thì ngành giáo dục khó xoay chuyển được tình thế. Thêm vào đó, lúc này lúc khác, nơi này nơi kia lại có chính sách riêng trong tuyển dụng đã góp phần củng cố và tăng cường tâm lý sai lệch đó, làm cho tình hình thêm rối ren. 3 - Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong những năm qua đã có nhiều cố gắng cải tiến, nhưng cuối cùng vẫn là chạy theo triết lý “từ chương, khoa cử, quan trường” (nói gọn là chủ yếu dạy chữ để đi thi), không nghiên cứu kỹ nên mỗi năm một kiểu thi, đủ loại thi, trước sau vẫn trong vòng xoáy của “bệnh thành tích”; trong một thời gian ngắn mở ồ ạt nhiều trường đại học, cao đẳng, ít tính đến điều kiện dạy - học và mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; khôi phục mãi mới được ngành dạy nghề, không tổ chức phân luồng học sinh sau phổ thông cơ sở và phổ thông trung học, như Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII của Đảng (năm 1996) đã đề ra, tất cả đều nhằm lên phổ thông trung học để chạy theo tấm bằng đại học. Thêm vào đó, một số trường, trung tâm, cơ sở đại học lợi dụng tâm lý nói trên, tìm mọi cách mở và vận hành nhà trường, gọi là theo cơ chế thị trường, nhưng thực chất là thương mại hóa giáo dục, chạy theo “chỉ tiêu”, chỉ chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo. 4 - Một thách thức đáng kể là chương trình, sách giáo khoa bậc phổ thông sửa đi sửa lại vẫn “vừa thừa, vừa thiếu”: thừa những tri thức không cần thiết, thiếu nội dung cơ bản dạy và học thành người, dạy cho có nghề, kỹ năng sống, nói chung vẫn trong quỹ đạo của tâm lý “thi cử, bằng cấp”. 5 - Một thách thức lớn nhất là vấn đề đội ngũ nhà giáo, nhiều nơi chạy theo “chuẩn” một cách hình thức, không ít nơi “hành chính hóa” việc lên lớp. Nhà nước đã có một số chính sách về chế độ phụ cấp, động viên các thầy cô giáo, nhưng đời sống của nhiều giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong tương quan về thu nhập với một số ngành nghề khác gây nhiều ưu tư bất bình ngay từ chính những thầy cô giáo.

Nếu không từng bước giải quyết được các mất cân đối (mâu thuẫn) và vượt qua được các thách thức vừa nêu chúng ta sẽ khó thực hiện được “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”

Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục?

Nói “đổi mới” chúng ta đều rõ, còn “căn bản”, theo duy danh định nghĩa, là tận gốc rễ, “toàn diện” cũng dễ hiểu: mọi mặt. “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” đó là nội hàm của khái niệm “cải cách giáo dục”, trước hết, có thay đổi hay điều chỉnh mục tiêu chung giáo dục hoặc mục tiêu cụ thể. Ví dụ, từ mục tiêu cụ thể (trên thực tế) “từ chương, khoa cử, quan trường” sang giáo dục thành người có năng lực nghề nghiệp,... mà lần đổi mới này chúng ta phải tập trung làm một cách quyết liệt. Thường cải cách giáo dục hay thay đổi hệ thống giáo dục. Bây giờ hệ thống giáo dục nước ta có giáo dục mầm non đến 6 tuổi, tiểu học (5 lớp), trung học cơ sở (4 lớp), trung học phổ thông (3 lớp), cao đẳng (3 năm), đại học (4 đến 6 năm). Đến nay phần nhiều các chuyên gia cho rằng không cần thay đổi, vì thực tế ở nước ta như vậy là hợp lý; hơn nữa, trên thế giới 163/206 (78,7%) nước và vùng lãnh thổ có hệ thống giáo dục phổ thông gồm từ 12 năm trở lên. Hệ thống giáo dục nước ta hiện nay phù hợp với chuẩn phân loại giáo dục quốc tế do Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) quy định. Chúng ta giữ hệ thống giáo dục như hiện nay phát huy được kinh nghiệm của chính chúng ta và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội nước nhà, đồng thời phục vụ được cả mục tiêu hội nhập quốc tế và với yêu cầu chung của thời đại.

Yêu cầu của thời đại

Vấn đề này trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nói, ở đây chỉ xin được nhắc lại vài nét khái quát như là đề dẫn cho các mục tiếp theo. Nổi bật nhất ai cũng thấy là công nghệ thông tin với các loại máy tính và mạng toàn cầu, theo đó các công nghệ mới (vật liệu mới, năng lượng mới,...), kinh tế tri thức, xã hội tri thức, xã hội thông tin, xã hội học tập (quan điểm học suốt đời, giáo dục thường xuyên). Có thể nói thời đại này là thời đại công nghệ, tất cả các nước đều chú trọng dạy và học công nghệ. Bên cạnh đó là các vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, địa - chính trị, tính liên kết khu vực, chiến tranh cục bộ,... Nhưng xu thế tiến bộ vẫn theo đuổi mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển. Vì vậy, chương trình phát triển của các tổ chức giáo dục quốc tế và từng nước vẫn chú ý tới giáo dục nhân văn.

Đường lối phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước ta

Đường lối chung: phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục là kết cấu hạ tầng của kinh tế - xã hội, đầu tư vào giáo dục là đầu tư phát triển.

Sứ mệnh chung: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Mục tiêu cụ thể: phát triển bền vững con người (giáo dục người học thành người, làm người), phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phương châm: phát triển giáo dục trên cơ sở bảo đảm chất lượng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa.

Tính chất nền giáo dục: nhân văn và công nghệ.

Triết lý hoạt động dạy và học: thực học, thực nghiệp, hình thành và phát triển giá trị bản thân.

Nền giáo dục nhân văn - công nghệ

Dân tộc ta có một giá trị truyền thống rất quý báu là sống với nhau có tình có nghĩa, nói văn vẻ gọi là “chủ nghĩa nhân văn”, trong thời đại mới đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu và đúc kết trong các tác phẩm của Người, có thể tóm tắt vào mấy điểm sau: 1 - Yêu thương vô hạn con người; 2 - Tôn trọng con người; 3 - Giải phóng con người khỏi ách áp bức, nô lệ, nghèo khổ, lầm than; 4 -Khoan dung trong đối xử; 5 - Sử dụng đúng từng người vừa có lợi cho người ấy, vừa có ích cho cộng đồng, xã hội. Đó chính là nội dung của tính người và tình người mà nhà trường phải giáo dục cho người học. Nhà giáo, các môn học, nhất là quốc sử, quốc ngữ, quốc văn, địa lý nước nhà, từng hoạt động giáo dục đều phải quán triệt tính nhân văn của nền giáo dục của chúng ta. Đấy là nền tảng giáo dục nhân cách, giáo dục con người, như một quan điểm phát triển nước nhà do Đại hội XI của Đảng đã đề ra.

Trên nền tảng đó xây dựng nên vốn kiến thức cần thiết cho cuộc sống của con người và cộng đồng, xã hội. Muốn vậy, nhà trường phải dạy cho người học cách đem kiến thức áp dụng vào thực tế, cho mình và cho đời, dạy các kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, lao động và công tác. Từ khoa học, kỹ thuật phải thành ra công nghệ mới là sản xuất. Ở phổ thông các môn học đã phải khởi đầu giúp các em định hướng nghề nghiệp, có phần định hướng kỹ thuật - công nghệ, cuối phổ thông trung học cần bổ sung giờ dạy nghề (chủ yếu làm cơ sở cho hướng nghiệp). Các trường nghề, chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học đều nên đào tạo người học có một nghề. Trong thời đại ngày nay, phần lớn các nghề đều phải có hiểu biết công nghệ tương ứng và biết vận hành công nghệ đó trong sản xuất hay công việc. Gần đây chúng ta đã chú trọng giáo dục kỹ năng sống. Đây là một hướng đổi mới không thể thiếu, cuộc sống đang đòi hỏi như vậy: giáo dục và đào tạo phải phục vụ mục tiêu “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao”, như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 -2020 đã đặt ra.

Thực học, thực nghiệp, hình thành và phát triển giá trị bản thân

Giáo dục được xã hội tôn vinh, vì nó giúp con người tạo ra giá trị của chính mình với điều kiện là “dạy tốt, học tốt”. Đó chính là thực học, thực nghiệp. Kết quả là đạo đức, tri thức và kỹ năng mỗi người học thu nhận từ quá trình giáo dục được chuyển hóa thành vốn của bản thân. Mỗi người sẽ là một tế bào xã hội, một thực thể hoàn chỉnh, hoàn thiện phát triển bền vững. Quan trọng là hình thành được định hướng giá trị và thái độ giá trị đúng (biết đánh giá ý nghĩa của sự vật, hiện tượng,...), trong đó có tự đánh giá giá trị của chính mình đối với bản thân và gia đình, cộng đồng, xã hội, rồi đem giá trị bản thân ra lập thân, lập nghiệp, bảo đảm cuộc sống, hạnh phúc của mình và gia đình, cống hiến cho xã hội. Về phía cộng đồng, xã hội cần tạo môi trường cho con người phát huy giá trị của từng cá nhân. Giá trị của từng cá nhân là tổng hợp các năng lực của mỗi người. Làm được như vậy, thế hệ trẻ sẽ có đủ sức mạnh tiếp nối cha anh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.