Đế quốc Mỹ tàn phá Thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972

Trung tá, Tiến sĩ Trương Mai Hương Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
17:40, ngày 26-12-2012
TCCSĐT - Cuối năm 1972, đế quốc Mỹ huy động đến mức cao nhất máy bay chiến lược B-52 đánh phá Hà Nội. Bước phiêu lưu quân sự mới được Nhà Trắng tính toán kỹ. Âm mưu của chúng là dùng sức mạnh B-52 đánh phá, hủy diệt để “răn đe”, gây sự hoảng loạn trong nhân dân, làm cho Hà Nội choáng váng, phải chịu khuất phục và nhượng bộ Mỹ trong thương lượng.

Để thực hiện mưu đồ đó, đế quốc Mỹ sử dụng đồng thời một lực lượng lớn không quân chiến lược (với khoảng 50% số máy bay Mỹ) và toàn bộ lực lượng không quân chiến thuật, không quân hải quân triển khai ở khu vực Đông Nam châu Á. Trong 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972, có khoảng 663 lần/chiếc B-52 và 3.920 lần/chiếc máy bay chiến thuật của Mỹ đánh phá vào Thủ đô Hà Nội - trung tâm lãnh đạo và trái tim của cả nước, không phân biệt mục tiêu quân sự hay dân sự, đánh phá bừa bãi vào vùng đông dân cư.

Trong chiến dịch này, Mỹ đã sử dụng hơn 444 lần/chiếc B-52 (chiếm 60% trong số lần/chiếc B-52 xuất kích), hơn 1.000 lần/chiếc máy bay cường kích, trút xuống Hà Nội hàng vạn tấn bom và hàng trăm quả tên lửa. Tính bình quân, mỗi ki-lô-mét vuông ở Hà Nội đã có tới 68,5 tấn bom Mỹ đánh vào 830 điểm, hơn 1.000 lần chúng đánh vào các điểm dân cư, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội ở khắp 4 khu phố và 4 huyện, trong đó có 39 khối phố nội thành, 3 thị trấn và 78 trong số 102 xã ngoại thành. 

Nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô bị địch đánh đi đánh lại nhiều lần đến mức san phẳng. Nhiều cơ sở kinh tế, công trình lợi ích công cộng của Hà Nội bị đánh phá nặng nề. Trên địa bàn thành phố có 7 trong số 9 ga xe lửa bị phá hỏng, 4 trong 5 chiếc cầu cùng 4 trong 5 bến phà bị phá sập và hỏng nặng. Cảng sông Hồng, cảng duy nhất của Hà Nội không thể hoạt động được. Một phần ba trong số gần 200 nhà máy, xí nghiệp bị đánh, sản xuất ngừng trệ(1); 5 bệnh viện, 45 trường học từ mẫu giáo đến đại học, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng nhiều cơ sở văn hóa, khoa học kỹ thuật bị phá hủy. Toàn thành phố có trên 13.000 ngôi nhà, gần 50 đình, chùa, nhà thờ cùng nhiều di tích lịch sử bị địch đánh phá. Có gần 15.000 ha đồng ruộng bị bom cày xới(2). Mỹ hy vọng chiến dịch này sẽ: “Làm tê liệt đời sống hằng ngày của Hà Nội”(3).
Vào lúc 22 giờ đêm 26-12-1972, 30 máy bay B-52 của Mỹ đã ném bom rải thảm xuống phố Khâm Thiên. Cả 17 khối phố bị thiệt hại, trong đó khối 44, 45, 46, 47 hầu như bị hủy diệt hoàn toàn. Nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng lương thực, thực phẩm, đình Tương Thuận, di tích lịch sử, rạp hát, nhiều cơ sở sản xuất cùng hàng nghìn nhà dân bị sập đổ.

Một đường phố lâu đời, đông đúc của trung tâm thành phố bỗng chốc trở thành một bãi gạch ngói ngổn ngang và bụi khói mờ mịt. Trận bom ấy đã làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em; làm cho 178 cháu mồ côi trong đó có 66 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, 290 người bị thương. Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, bảy người sống trong ngôi nhà này không còn ai sống sót.
Bệnh viện Bạch Mai - trung tâm trị bệnh cứu người đã bị giặc Mỹ ném hơn 100 quả bom loại 2.000 bảng Anh, giết hại 28 người gồm những bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý, nhân viên kỹ thuật, người bệnh; làm đổ sập 3 khu nhà cao tầng, phá hủy hàng nghìn máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế.

Tiếp theo, ngày 28-12-1972, giặc Mỹ còn ném bom vào khu Trường Đại học Thủy Lợi, bắn tên lửa vào khu vực trụ sở Công đoàn thành phố. Trong 12 ngày đêm ấy, sự tàn bạo, hiểm độc gia tăng. Hằng đêm, một trăm máy bay B-52 và hàng trăm máy bay ném bom đã giội bom xuống những thôn xóm, chi chít như mắt lưới tại các vùng của Thủ đô Hà Nội. Người ta khó có thể hình dung được hết tất cả những nỗi khủng khiếp, những cảnh tàn sát mù quáng nhưng cố ý, những cảnh làm con người bị tàn phế, đau đớn về thể xác và tinh thần mà những hành động này gây ra.

Tại khu vực Gia Lâm, trong 12 ngày đêm bị đánh phá, hủy diệt, 2.610 ngôi nhà bị phá hủy, hàng trăm người chết và bị thương, hơn 500 ha ruộng bị cày xới do bom đạn, hàng chục ki-lô-mét đê, mương, máng đã bị bom Mỹ phá hủy,… Nhưng người Gia Lâm không vì thế mà lùi bước. Họ vẫn kiên cường bất khuất. Lực lượng cứu sập, cứu hỏa lao động quên mình dưới làn bom đạn địch. Cán bộ, công nhân viên các ngành thương nghiệp, ăn uống, giao thông vận tải,… không quản ngày đêm phục vụ bộ đội, dân quân tự vệ và bà con khắc phục hậu quả.

Khu tập thể An Dương, nơi cư trú của những người lao động cũng bị máy bay Mỹ tấn công. Vệt bom B-52 kéo dài gần 2 km, rộng hàng trăm mét đã làm cho 47 dãy nhà ở cùng với hệ thống trường mẫu giáo mầm non, trường cấp 1, cấp 2, trạm y tế bị đổ sập. Bom Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 174 người, trong đó có 5 phụ nữ mang thai, 5 gia đình bị chết cả nhà, 154 người bị thương.

Khu vực Yên Viên cũng bị đánh phá nặng nề, gần 5.500 quả bom các loại đánh thẳng vào 73 điểm dân cư, kinh tế, ga, cầu, đê điều… phá hủy 886 ngôi nhà, làm chết và bị thương 56 người. Ga Yên Viên và thôn Yên Viên bị phá hủy hoàn toàn. Tại xã Uy Nỗ, B-52 đã ném bom từ trận đầu tiên đến trận cuối cùng. Đây là một trong những nơi bị đánh phá nặng nề nhất, làm gần 1.000 ngôi nhà bị bom phá hủy. Chỉ tính riêng thôn Cường Nỗ, kẻ thù tàn bạo đã trút xuống 2.000 quả bom lớn. Trong 12 ngày đêm chúng đã cho 22 đợt B-52, đánh 11 trận vào thôn xóm, đồng ruộng, 80% số nhà cửa bị phá, phần lớn diện tích canh tác bị cày xới(4). 

Có thể thấy rõ trong 12 ngày đếm ấy, sự tàn phá đã đạt tới mức diệt chủng bởi: 

Thứ nhất, Ních-xơn đã thực hiện hành động mở rộng chiến tranh quy mô, tàn bạo mà Giôn-xơn và các đời Tổng thống Mỹ trước đó không dám làm. Việc sử dụng B-52 đánh vào Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước là hành động liều lĩnh nhất, chưa từng có của Mỹ từ trước đến lúc bấy giờ, chỉ trừ vũ khí nguyên tử là Ních-xơn chưa sử dụng đến.

Thứ hai, về thời gian, theo kế hoạch dự kiến ban đầu của Mỹ là tập trung tối đa lực lượng B-52 và các loại máy bay khác đánh phá ồ ạt vào Hà Nội là đủ gây sức ép. Nhưng do vấp phải hệ thống phòng không dày đặc và có hiệu quả của ta, bị tổn thất nặng nề, Mỹ quyết định kéo dài đợt ném bom tới 12 ngày.

Thứ ba, cường độ sử dụng các loại máy bay trong 12 ngày đêm của Mỹ thuộc loại cao nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh. Các phương tiện khí tài hiện đại cũng được Mỹ sử dụng triệt để nhằm gây thiệt hại nặng nề cho đối phương và hạn chế tổn thất. Đó là vũ khí điều khiển bằng laze, tên lửa không đối không và không đối đất, hệ thống máy gây nhiễu, trinh sát điện từ tầm xa,… Bên cạnh đó, Mỹ còn phối hợp sử dụng đồng thời nhiều loại máy bay với nhiều tính năng, tác dụng khác nhau nhằm đạt hiệu quả đánh phá cao nhất.

Thứ tư, về tính đa dạng của mục tiêu ném bom, Mỹ đã không chừa bất cứ một mục tiêu nào, cả quân sự lẫn dân sự, đánh thẳng vào Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Nhà ga, bến cảng, đường giao thông, bệnh viện, khu dân cư, trường học,… đều trở thành mục tiêu ném bom của quân đội Mỹ. Hàng nghìn dân thường đã chết và bị thương dưới các đợt bom rải thảm của B-52 và các loại máy bay khác của Mỹ.
Theo các nhà sử học quân sự Mỹ, trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, Mỹ đã tiến hành một cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá lớn hơn sự tàn phá của các cuộc ném bom trong suốt cả cuộc chiến tranh từ trước cho đến lúc bấy giờ; khối lượng bom đạn ném xuống trong cuộc tập kích này tương đương với 5 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Bởi vì, Ních-xơn và các nhà chiến lược quân sự Mỹ tin chắc rằng, với sức mạnh tàn phá ấy, Hà Nội nhất định phải khuất phục.

Nhưng ngược lại, Hà Nội vẫn hiên ngang và bình tĩnh đánh trả từng đợt bom B-52 của kẻ thù. Bên cạnh đó, đế quốc Mỹ cũng vấp phải sự phản đối trong nước, bị cô lập trên trường quốc tế và vấp phải sự chống trả hiệu quả gây thiệt hại lớn cho lực lượng không quân chiến lược mà không thể buộc đối phương thay đổi lập trường. Vào ngày 30-12-1972, Tổng thống Ních-xơn đã phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch, đề nghị nối lại đàm phán tại Pa-ri và cuối cùng nhanh chóng ký kết Hiệp định Pa-ri trên cơ sở dự thảo mà phía Mỹ trước đó đã từ chối ký kết.

Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng sự tàn phá ghê khủng của đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Thủ đô Hà Nội trong những ngày cuối năm 1972 vẫn còn đó với bất cứ ai đã sống trong thời kỳ của bom đạn, thời kỳ của công cuộc bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước. Người dân sống ở Khâm Thiên, ở Gia Lâm, Yên Viên, Đông Anh hay Bệnh viện Bạch Mai,… hẳn không bao giờ quên những hình ảnh tang thương mà bom đạn của kẻ thù đã trút xuống. Bom B-52 rải thảm Hà Nội, máu rơi, nhà đổ, phố phường tan hoang,… nhưng ở đó luôn hằn lên ý chí của người dân Thủ đô “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”./. 

----------------------------------------

(1)  Hà Nội tháng 12 năm 1972 hãy nhớ lấy, Nxb Hà Nội, 1983, tr.50
(2)  Hà Nội tháng 12 năm 1972 hãy nhớ lấy, Nxb Hà Nội, 1983, tr.51
(3)  Giô- dép A.Am-tơ, Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.243.
(4)  Báo Nhân dân, số ra ngày 17 tháng 1 năm 1973, lưu Thông tấn xã Việt Nam.