Đánh thắng B 52 trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972: Những giá trị lý luận và thực tiễn

Vũ Quang Đạo Thiếu tướng, PGS, TS, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
19:20, ngày 25-12-2012
TCCSĐT - Đánh thắng B 52 trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Gần 40 năm qua, ở nước ta, khoa học lịch sử nói chung, lịch sử quân sự nói riêng đã dành sự quan tâm đặc biệt để tìm hiểu, nghiên cứu về sự kiện mang tầm vóc của một trận “Điện Biên Phủ thứ hai” - “Điện Biên Phủ trên không”. Chủ điểm mà giới nghiên cứu trong nước tập trung khai thác chính là đi sâu luận giải về những nhân tố thắng lợi của chiến dịch phòng không cuối năm 1972; tầm vóc, ý nghĩa của trận đánh đối với cục diện cuộc chiến tranh; tác động của nó đối với chính quyền Mỹ, nhân dân Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.

Thành tựu nghiên cứu gần 40 năm qua cho phép chúng ta có cái nhìn tương đối toàn diện về sự kiện lịch sử 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề, những góc cạnh cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử để làm giàu kho tàng lý luận quân sự của Đảng, làm rõ bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời vận dụng những bài học ấy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Trên ý nghĩa đó, bài viết đề cập một số nội dung có giá trị lý luận và thực tiễn xung quanh sự kiện lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Phải thấu suốt luận điểm “quân sự phục tùng chính trị”

Trong quá trình lãnh đạo, điều hành chiến tranh, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng nhuần nhuyễn, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa chính trị và quân sự trên cơ sở nguyên lý “chính trị quyết định quân sự, quân sự phục tùng chính trị”. Thực tiễn của cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung, của cuộc đối đầu giữa quân và dân ta với không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972 nói riêng, càng khẳng định tính đúng đắn của luận điểm “quân sự phục tùng chính trị”. Đòn tiến công quân sự, suy cho cùng, đều nhằm mục đích giải quyết yêu cầu chính trị và những nhiệm vụ chiến lược mà chính trị đặt ra.

Trong quá trình nắm bắt ý đồ chiến lược, bản chất chính trị của cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa mà Mỹ gây ra ở Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự liệu bước phiêu lưu quân sự của Mỹ, chủ động trong công tác chuẩn bị, trước những bước leo thang, mở rộng chiến tranh của đối phương. Âm mưu và hành động của Mỹ đối với việc đánh phá ra hậu phương miền Bắc và cuối cùng tập trung lực lượng không quân chiến lược đánh đòn quyết định trên bầu trời Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên lượng: Cuối cùng rồi Mỹ cũng thua, nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội. Nắm được bản chất chính trị của cuộc chiến tranh phi nghĩa, phán đoán đúng ý đồ của kẻ xâm lược, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã có chủ trương chiến lược đúng, có bước chuẩn bị về mọi mặt, từ tổ chức, con người đến vũ khí trang bị kỹ thuật, trong đó chú trọng công tác huấn luyện, tổng kết rút kinh nghiệm qua từng trận chiến đấu để hoàn thiện khả năng phối hợp hiệp đồng và kỹ năng chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân. Nhờ đó, chúng ta đã có một thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không hoàn bị, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chiến lược bảo vệ miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, sẵn sàng đánh bại mọi bước phiêu lưu chiến tranh của Mỹ.

Vì có sự chuẩn từ sớm và hết sức chủ động, nên khi bước vào cuộc đấu trí, đấu lực với “con át chủ bài - pháo đài bay B 52” của không lực Mỹ, quân và dân ta không bị bất ngờ, không bị mất tinh thần trước đòn đánh phá ồ ạt của đối phương, mà bình tĩnh, tự tin vào khả năng của mình, dồn tâm sức để tập trung vào giải quyết những vấn đề kỹ thuật, khắc phục những khâu yếu trong phát hiện mục tiêu B 52, quyết tâm “vạch được màn nhiễu điện tử dày đặc”, hướng tên lửa và không quân bắt đúng mục tiêu, đánh quỵ lực lượng máy bay chiến lược B 52, buộc Mỹ phải chịu thất bại trong nỗ lực quân sự cuối cùng.

Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thế trận tiến công được triển khai trên nhiều mặt đấu tranh, cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán, cả quân sự, chính trị và ngoại giao. Càng về giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, đòn tiến công quân sự càng thể hiện rõ vai trò, tác dụng thúc đẩy mục tiêu chính trị, củng cố mục tiêu chính trị. Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, với sự hỗ trợ của đòn tiến công quân sự, chúng ta luôn giành và giữ được thế chủ động trước mọi thủ đoạn đàm phán hết sức xảo quyệt của Mỹ. Vì thế, mặt trận đấu tranh ngoại giao thực sự trở thành một mũi tiến công quan trọng, góp phần cùng với các mặt đấu tranh quân sự và chính trị, bao vây cô lập đối phương, vạch trần bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam; đồng thời, nêu cao tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống xâm lược, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. 

Ngày nay, trong điều kiện xây dựng đất nước thời bình, vận dụng quan điểm “quân sự phục tùng chính trị”, chúng ta cần có những bước đi hết sức chủ động trong nắm bắt, đánh giá đối tượng để quân đội và đất nước không bị bất ngờ; có sự chuẩn bị thật tốt cho lực lượng vũ trang và nhân dân; chú trọng xây dựng, bồi dưỡng cả yếu tố chính trị - tinh thần và cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao khả năng chiến đấu của bộ đội, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống.

Tình hình thế giới và khu vực tiềm ẩn nguy cơ và thách thức, với những biến động phức tạp khó lường; chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác trước những ý đồ chính trị của các thế lực thù địch, tăng cường và củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, giành và giữ thế chủ động trong mọi tình huống, đập tan mọi hành động quân sự, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nhân dân và chế độ của chúng ta.

Về mối quan hệ giữa con người và vũ khí

Qua trận thắng B 52 trên bầu trời Hà Nội, chúng ta có thể thấy, nếu không có tên lửa SAM 2, máy bay MIG 21, pháo 100 ly, ra-đa P35, Coh 9 và nhiều loại vũ khí khí tài khác thì chúng ta khó thắng được không quân chiến lược Mỹ. Tuy nhiên, cũng với những thứ vũ khí ấy trong tay, nhưng quân đội một số nước đã không thể bắn hạ được máy bay hiện đại Mỹ (trường hợp quân đội Ai Cập trong cuộc chiến tranh với I-xra-en năm 1967 và 1969). Như thế, vấn đề có tính quyết định chính là con người. Trong trận đối đầu với lực lượng không quân hiện đại của Mỹ, con người Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh và trí tuệ phi thường. Quân và dân Việt Nam đã thực sự làm chủ được các loại vũ khí, phát huy được hiệu quả tối ưu của vũ khí trang bị có trong tay. Chúng ta đều biết, vũ khí là sản phẩm của trí tuệ con người, nhưng sản phẩm ấy có phát huy được hiệu quả hay không lại là một chuyện khác. Trí tuệ của con người chứa đựng trong vũ khí là “trí tuệ ngưng đọng”, còn khi vũ khí được đưa vào sử dụng thì đó là quá trình kết hợp và chuyển hóa giữa trí tuệ ngưng đọng với “trí tuệ chuyển động” (quá trình tư duy) của con người (người sử dụng, điều khiển). Đây hẳn là một câu chuyện dài về khả năng, trí tuệ của con người Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ.

Trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân trên bầu trời Hà Nội, Mỹ đã đưa vào sử dụng những vũ khí khí tài hiện đại nhất - thành tựu của nền khoa học - kỹ thuật hùng mạnh mà Mỹ luôn tự hào. Các loại bom đạn, máy móc, thiết bị điện tử, đặc biệt là thiết bị điều khiển và gây nhiễu là những kỹ thuật tiên tiến mà Mỹ hoàn toàn chiếm ưu thế. Trong khi đó, đội ngũ phi công cũng được tuyển lựa cẩn thận, có kinh nghiệm chiến đấu và có số giờ bay cao. Đó là một sự tính toán hết sức kỹ càng. Thế nhưng, với những loại vũ khí khí tài có trong tay, quân và dân Việt Nam đã gây bất ngờ cho Mỹ. Chúng ta chẳng những dám đánh mà còn biết đánh và đã đánh quỵ lực lượng không quân chiến lược Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội: 34 “pháo đài bay” B 52, cùng hàng chục máy bay các loại khác bị phá hủy.

Thắng lợi của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội nói riêng khiến nhân dân các nước anh em và nhân loại tiến bộ khâm phục. Những người bạn, những người đồng chí Liên Xô giúp đỡ, hướng dẫn và sát cánh chiến đấu cùng quân và dân Việt Nam, khẳng định: “trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng”. Còn nhà báo Mỹ N.Si-han (Neil Sheehan) đánh giá: “thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”.

Thực tiễn cuộc chiến đấu của quân và dân ta với không quân Mỹ một lần nữa chứng tỏ, con người Việt Nam không chỉ có ý chí kiên cường, lòng quả cảm mà còn rất mưu trí và sáng tạo, luôn biết vượt lên cam go, thử thách để chiến đấu và chiến thắng. Như vậy, trong mối quan hệ giữa con người với vũ khí, vũ khí hết sức quan trọng, nhưng yếu tố con người bao giờ cũng mang tính quyết định. Từ sự nhìn nhận thấu đáo mối quan hệ giữa con người và vũ khí, ngay trong những tháng năm đầu xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng, quan điểm của Đảng ta và Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong phương châm “người trước, súng sau”. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phương châm ấy đã được khẳng định.

Ngày nay, trong thời đại khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, phương tiện vũ khí trang bị của các cường quốc trên thế giới cho phép họ tiến hành nhiều hình thức tác chiến, không chỉ tác chiến điện tử, tác chiến thông tin, tác chiến “phi truyền thống”. Đó là những thách thức mới, đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu, nắm bắt, theo kịp trình độ tác chiến, trong đó, đặc biệt coi trọng khả năng làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật. Muốn thực hiện được điều đó, chúng ta càng hết sức coi trọng nhân tố con người. Con người Việt Nam trong thời đại ngày nay cần những tố chất mới - có sức khỏe, có trí tuệ, có lý tưởng, có trình độ và khả năng đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chìa khóa của thắng lợi hôm qua chính là sự dày công chăm lo, bồi dưỡng con người Việt Nam ngang tầm với thời đại.

Thắng lợi trọng đại của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là kết quả tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược Mỹ trên cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Nếu không có thắng lợi trên chiến trường miền Nam, trực tiếp là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên ba hướng chiến lược Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ thì chúng ta không thể giành được lợi thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. Đó là một quá trình nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trên cả hai miền Nam - Bắc để giành và giữ thế chủ động chiến lược, thế thắng trong cuộc đụng đầu với đế quốc Mỹ.

Thắng lợi của quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc nói riêng và trên toàn chiến trường Đông Dương nói chung đã đẩy Mỹ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đế quốc Mỹ có chết, cái nết không chừa”, không giành được lợi thế trên bàn đàm phán, Mỹ quay sang sử dụng “con bài quân sự” với đòn đánh ồ ạt bằng không quân chiến lược vào Thủ đô Hà Nội. Âm mưu thâm độc của Mỹ là muốn đánh một đòn quyết định vào trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến. Nhưng, quân và dân Việt Nam một lần nữa lại giáng trả đích đáng bước phiêu lưu của Mỹ, đập tan cố gắng cuối cùng bằng sức mạnh quân sự của chúng.

Thắng lợi của quân và dân ta trong trận đụng đầu với không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội một lần nữa chứng tỏ tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đường lối ấy chẳng những xây dựng, tổ chức được một lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân hoàn chỉnh, hiệu quả, mà còn phát triển lên tầm cao mới nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của một cuộc chiến tranh nhân dân hiện đại đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ. Cùng với đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh đã xử lý các tình huống chiến lược một cách tỉnh táo, chính xác trên cơ sở những phân tích, đánh giá hết sức khoa học về khả năng của ta và địch. Bởi vậy, cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước đã không ngừng phát triển giành thắng lợi từng bước, giành thắng lợi trên mọi mặt trận đấu tranh và đặc biệt, giành thắng lợi trong thời điểm bước ngoặt của cuộc chiến tranh - đánh thắng B 52 trên bầu trời Hà Nội, tạo ra một “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân về nước, mở ra cục diện và thời cơ mới - thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đụng đầu với Mỹ.

Có thể nói, mỗi bước thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân đều thể hiện tầm cao trí tuệ, tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược nhạy bén chính xác của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thật vậy, để giành thắng lợi chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, quân và dân hậu phương miền Bắc đã có những bước chuẩn bị lâu dài, từ rất sớm. Sự chuẩn bị trên tư thế chủ động, cả về lực lượng, vũ khí trang bị, cả về thế trận chiến đấu và phòng tránh, sơ tán đã cho phép quân và dân miền Bắc giáng trả và giành thắng lợi ngay từ trận đầu đối mặt với không quân Mỹ (ngày 5-8-1964). Thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không được hình thành và không ngừng phát triển. Quân đội giữ vai trò là lực lượng nòng cốt cùng với lực lượng khác hình thành thế trận phòng không nhân dân rất hiệu quả; cách đánh chính quy được kết hợp với cách đánh du kích, máy bay, tên lửa kết hợp với súng pháo các loại đã tạo ra “lưới lửa” phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, ở tầng cao nào cũng có lực lượng đánh địch. Trải qua quá trình chiến đấu với không quân Mỹ, quân và dân trên miền Bắc đã được tôi luyện về mọi mặt, cả ý chí, quyết tâm, cả kỹ thuật chiến thuật. Đặc biệt, tư tưởng sẵn sàng cho một trận đánh lớn, bảo vệ Thủ đô Hà Nội đã được chuẩn bị từ tiên đoán tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo. Do vậy, khi cuộc tập kích của Mỹ diễn ra, tất cả dường như đã đợi sẵn. Những bàn tay và khối óc thông minh, sáng tạo đã “vạch nhiễu, tìm thù” (bộ đội ra-đa), “bay thấp kéo cao” (không quân) chỉ đường, phá tan đội hình máy bay để cho tên lửa hạ B 52…

Đánh thắng B 52 trên bầu trời Hà Nội thực sự là một trong những kỳ tích của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là thắng lợi của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, nghệ thuật tổ chức và thực hành cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam trong điều kiện đương đầu với đối thủ có tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học - kỹ thuật hàng đầu thế giới. Thực tiễn lịch sử chỉ thực sự có giá trị khi chúng ta biết vận dụng những bài học kinh nghiệm của ngày hôm qua vào công cuộc xây dựng, củng cố nền quốc phòng trong tình hình hiện nay. Đó không chỉ là quá trình hoạch định của các cấp chiến lược, của Đảng, Nhà nước, quân đội mà còn thể hiện vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi cấp, mọi ngành và mọi người dân trong việc chăm lo xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Chiến thắng của văn hóa Việt Nam   

Cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa thực dân mới mà Mỹ là đại diện. Mục tiêu của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến không chỉ là giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn góp phần quan trọng vào phong trào hòa bình chống chiến tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ.

Ngược lại, trong suốt quá trình tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ luôn tìm cách che giấu bản chất xâm lược phi nghĩa của cuộc chiến này. Tuy vậy, trên mỗi bước tăng cường, leo thang chiến tranh, Mỹ luôn vấp phải sự phản đối của dư luận nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới. Trên thực tế, phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã phát triển thành mặt trận rộng rãi, có tác dụng vạch trần bản chất của cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam.

Trong những ngày quân và dân Việt Nam chiến đấu chống lại cuộc tập kích ồ ạt bằng không quân chiến lược Mỹ, nhân dân tiến bộ tại nhiều nước xuống đường biểu tình, lên tiếng phản đối dã tâm của Mỹ, yêu cầu Mỹ phải dừng ngay hành động man rợ, dùng B 52 rải thảm xuống Hà Nội và các vùng phụ cận. Hà Nội đã bị tàn phá nặng nề, nhưng bom đạn Mỹ đã không khuất phục được quân và dân Việt Nam. Quân và dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, mưu trí, sáng tạo và giành chiến thắng trước sức mạnh bạo tàn của bom đạn Mỹ. Ý nghĩa của thắng lợi trong trận kịch chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội không dừng lại ở mục tiêu chính trị đơn thuần mà vượt lên trở thành tiếng nói của chính nghĩa, sức mạnh của cuộc chiến đấu vì lương tri, phẩm giá của con người, có giá trị thức tỉnh nhân loại tiến bộ.

Con người Việt Nam là sản phẩm của truyền thống văn hóa chuộng hòa hợp, khoan dung, hòa hiếu, tự tôn, tự hào dân tộc. Nhưng, một khi đã phải cầm vũ khí chiến đấu, người Việt Nam sẽ chiến đấu đến cùng.

Thật vậy, vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Việt Nam lại phải bước vào cuộc chiến đấu mới với đế quốc Mỹ. Với lẽ tự nhiên, lòng căm thù giặc, ý chí sục sôi đã hun đúc một thế hệ người Việt Nam sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập, tự do, thống nhất cho dân tộc và Tổ quốc. Đây cũng chính là môi trường, là điều kiện để văn hóa giữ nước - một thành tố quan trọng của văn hóa Việt Nam phát huy những giá trị mới của con người Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ.

Mặc dù trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm đặc biệt chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ thanh niên Việt Nam - một thế hệ gánh vác sứ mệnh lịch sử nặng nề, chiến đấu để giành lại độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của quân và dân Việt Nam trên mỗi chặng đường kháng chiến, trong đó có thắng lợi của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thực sự tiêu biểu cho bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đồng thời, là biểu hiện rực rỡ của thắng lợi trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục, phát huy nhân tố con người Việt Nam.

Con người Việt Nam với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong lao động, chiến đấu, được bồi đắp lý tưởng, tri thức dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, đã phát huy cao độ lòng dũng cảm, ý chí tự lực, tự cường, trí thông minh và sức sáng tạo để biết đánh và biết thắng trong từng trận chiến đấu và cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Con người là sản phẩm của văn hóa. Nói đến Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là nói đến thắng lợi của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày nay, để thực hiện thắng lợi chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vấn đề cốt lõi nhất chính là việc chăm lo, bồi dưỡng nhân tố con người đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đất nước tiến kịp với thời đại và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

----------------------------------

(1) Dẫn theo Lưu Trọng Lân: Điện Biên Phủ trên không - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 67.