Liên minh mới từ liên minh cũ - lối thoát của EU

Lê Thế Mẫu
19:09, ngày 25-12-2012
TCCSĐT - Sau hơn hai năm “vật lộn” với cuộc khủng hoảng nợ công, vào thời điểm cuối năm 2012, cả trong và ngoài khối Liên minh châu Âu (EU) đều nhận rõ một thực tế là, cuộc khủng hoảng sẽ chưa thể sớm kết thúc ở khu vực này. Thậm chí, do tác động của khủng hoảng mà lãnh đạo nhiều nước thành viên EU còn cho rằng, đã tới lúc phải thay đổi EU một cách căn bản.

Cần phải có một liên minh mới ổn định

Ý tưởng về việc cần thay đổi EU một cách căn bản và thành lập một liên minh mới đã từng được ông Giô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất sau những trăn trở khi các biện pháp giải cứu Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không tỏ ra hiệu quả.

Theo ông M. Ba-rô-xô, cần phải xây dựng một tổ chức mới trên cơ sở EU hiện nay nhằm ngăn chặn xảy ra cuộc khủng hoảng ngân sách trong tương lai ở Eurozone và bảo đảm cho EU phát triển ổn định. Ông từng tuyên bố: “Sắp tới đây, chúng ta sẽ công bố một chương trình đầy tham vọng nhằm bảo đảm sự ổn định về ngân sách cho EU thông qua các nỗ lực tập thể và áp dụng quy luật cạnh tranh”. Ông M. Ba-rô-xô giải thích thêm, liên minh mới sẽ tính đến lợi ích của tất cả các nước tham gia Eurozone, chứ không chỉ những nước EU đang sử dụng đồng tiền riêng như Anh chẳng hạn. Ngoài ra, EC sẽ xây dựng một liên minh ngân hàng đầy đủ, trước hết sử dụng cho Eurozone.

Tuy nhiên, ông M. Ba-rô-xô không phải là người đầu tiên nói về việc tổ chức lại EU. Từ tháng 11-2011, Thủ tướng Đức, bà A. Méc-ken (A.Merkel) cũng đã đề xuất việc cần phải xây dựng một liên minh mới. Bà A. Méc-ken nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ thảo luận về khả năng thành lập liên minh ngân sách, mà đang thực hiện quá trình đó. Đây là một liên minh ngân sách có các quy định và quy tắc rõ ràng, nghiêm minh trong Eurozone. Việc phát hành trái phiếu thống nhất đã không có khả năng chặn đứng cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone. Vì thế, chúng ta cần phải có một liên minh mới ổn định và tăng cường kiểm soát về ngân sách cũng như kiểm soát mức nợ công”.

Từ đó, có thể thấy rằng, ngay cả những chính khách hàng đầu và có ảnh hưởng lớn ở EU cũng cho rằng, Eurozone cần phải có những thay đổi căn bản.  

Vì sao EU cần một mô hình mới?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng EU nói chung và Eurozone nói riêng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do châu Âu đang trải qua những biến động rất lớn, có thể so sánh với những biến đổi liên quan đến quá trình kết thúc Chiến tranh lạnh.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát ở Mỹ, sau đó nhanh chóng lan rộng ra thế giới, tác động nặng nề đến châu Âu, đưa nhiều nền kinh tế của châu lục này vào cuộc khủng hoảng nợ công chưa có lối thoát. Do các nước thành viên EU đã không thể xây dựng được chính sách thuế và ngân sách có hiệu quả nên một số nước thành viên hiện đang đứng trước nguy cơ phải ra khỏi Eurozone. Giải quyết khủng hoảng nợ công là phép thử đối với độ bền vững của mô hình quốc gia - liên minh dưới dạng EU, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong các lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng, an ninh, chính trị của nhiều quốc gia - dân tộc.

Thứ hai, Mỹ vốn là yếu tố chủ yếu bảo đảm an ninh cho các nước châu Âu, không chỉ là đối tác và đồng minh của châu Âu trong NATO, mà còn đóng vai trò lãnh đạo liên minh quân sự này trong hơn 60 năm qua, đang phải ra sức đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế trong nước, cắt giảm ngân sách quân sự, điều chỉnh chính sách đối ngoại và quốc phòng,…

Không chỉ có vậy, việc Mỹ chủ trương chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu từ Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương - một sự chuyển hướng chiến lược căn bản kể từ sau Chiến tranh lạnh, có nghĩa là Mỹ sẽ giảm bớt ảnh hưởng ở châu Âu và trong tương lai, sẽ không còn tập trung nhiều tới các nền kinh tế và an ninh EU vì phải tái tập hợp lực lượng ở những hướng khác. Minh chứng rõ nhất là, trong cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay mà Eurozone đang phải gánh chịu, Oa-sinh-tơn tuyên bố rõ ràng rằng, EU “phải tự cứu lấy mình”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2012 tại Chi-ca-gô (Mỹ), Oa-sinh-tơn cũng yêu cầu các thành viên NATO ở châu Âu phải tăng chi phí quân sự, chứ không thể dựa mãi vào “cái ô” an ninh của Mỹ. Trong bối cảnh đang bị suy yếu về kinh tế và có sự bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên, EU càng cảm nhận rõ hơn tác động và hệ quả của việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu. 

Thứ ba, bạo loạn, xung đột, biến động chính trị ở một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông làm nổi lên các nguy cơ an ninh mới, đe dọa hòa bình và ổn định của chính các nước châu Âu - nơi cách không xa các “lò lửa” bên kia bờ Địa Trung Hải. Thêm vào đó là những bất ổn đang hiện hữu ở ngay trong lòng nhiều nước châu Âu, như khủng bố, buôn lậu ma túy, di dân bất hợp pháp, an ninh năng lượng, dịch bệnh,…

Mặc dù, theo giới phân tích, những khó khăn mà EU đang trải qua là nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức rơi vào vòng xoáy của những mâu thuẫn sâu sắc đến mức có thể chia lìa các nước thành viên. Nhiều chuyên gia còn nhận định, không riêng gì EU mà toàn bộ thế giới tư bản hiện nay đang phải trải qua giai đoạn phát triển phức tạp nhất, kịch tính nhất, kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên, bối cảnh chung và riêng như vậy cũng đủ khiến các nước EU thấy cần phải nghiên cứu xây dựng mô hình an ninh mới cho bản thân mình. Có lẽ vì thế mà lúc này, nhiều chính khách ở châu Âu đang tìm kiếm cho liên minh này một mô hình mới hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay là EU nên phát triển theo mô hình nào.  

Mô hình nào khả dụng?

Chủ tịch Ủy ban châu Âu M. Ba-rô-xô từng đề xuất một mô hình liên kết mạnh nhất theo hướng xây dựng Liên bang châu Âu giống như Hợp chủng quốc châu Âu. Ông giải thích, đó là một liên minh mạnh của các nước thành viên dựa trên nền tảng liên bang vững chắc, trong đó không chỉ có đồng tiền chung mà cả ngân sách chung, nền kinh tế tập trung và một trung tâm quản lý thống nhất.

Việc xây dựng EU thành một Nhà nước Liên bang thoạt nhìn có vẻ là một ý tưởng hấp dẫn, nhưng công dân các nước EU lại nghĩ khác. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà xã hội học ở Đức, chỉ có một nửa người Đức và một phần ba người Pháp tin rằng, sự liên kết bên trong EU có tác động tốt đến đời sống của họ. Điều này dẫn đến sự suy giảm niềm tin vào EU. Có tới 89% người Pháp và 67% người Đức cho rằng, đồng tiền chung châu Âu ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả trong nước. Như vậy, rõ ràng là, trong dư luận xã hội ở các nước thành viên EU đang tồn tại những nhận thức trái ngược nhau về tác dụng của sự liên kết của EU. Công dân các nước thành viên EU không có khái niệm rõ ràng về tương lai của chính họ và đây là chỉ số cho thấy cuộc khủng hoảng ở EU ngày càng trầm trọng. Trong điều kiện đó, ý tưởng thành lập Liên bang châu Âu chỉ là một giấc mơ đẹp.

Nhiều chuyên gia phân tích phương Tây xem xét tương lai của EU dưới góc độ rộng hơn. Trong đó đáng chú ý là kịch bản của Côn-xtan-ta Sten-xen-mu-lơ (Constanta Shteltsenmyuller), chuyên gia phân tích khoa học hàng đầu của Quỹ Mác-san (Marshall) ở Mỹ. Ông đưa ra dự báo 3 kịch bản phát triển cho EU: Kịch bản thứ nhất là sự tan rã EU; kịch bản thứ hai nhằm tăng cường các quá trình liên kết trong EU; và kịch bản thứ ba là xây dựng một EU mới. Cụ thể là:

Kịch bản thứ nhất, EU bị tan rã. Theo C. Se-xten-mu-lơ, dĩ nhiên, một EU bị tan rã là kịch bản xấu nhất. Trong trường hợp này, các nước châu Âu sẽ bị phụ thuộc vào các thế lực địa - chính trị có ảnh hưởng trên thế giới. Rõ ràng, kịch bản này sẽ khiến cho châu Âu ngày càng bị lạc hậu trong nhiều lĩnh vực. EU sẽ không có khả năng tập trung hệ thống thuế và tài chính vào một trung tâm thống nhất và cuộc khủng hoảng kinh tế có thể tàn phá toàn bộ hạ tầng của EU. Kết quả là, EU sẽ trở thành một khu vực bị chia rẽ về kinh tế và suy yếu về địa - chính trị. Không quốc gia thành viên EU nào được lợi từ kịch bản này và lãnh đạo các nước châu Âu cũng nhận thức được điều đó.

Kịch bản thứ hai, mô hình liên kết sâu sắc. Theo kịch bản này, tình hình phát triển hoàn toàn ngược lại với kịch bản thứ nhất, trong đó, EU có thể trở thành một khu vực địa - chính trị mạnh. Điều kiện để diễn ra kịch bản thứ hai là sự phát triển mạnh mẽ các nền kinh tế thành viên dựa trên cơ sở công nghệ hiện đại. Các nước châu Âu cần phải xây dựng hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Các trường đại học ở châu Âu sẽ tiếp nhận sinh viên ở nhiều nước khác nhau tới đây học tập. Một điều đáng lưu ý là theo kịch bản này, EU sẽ không có Anh và vẫn phát triển với tốc độ nhanh.

Trong tất cả các lĩnh vực sẽ diễn ra quá trình liên kết sâu sắc giữa tất cả các nước. Nền kinh tế châu Âu sẽ khắc phục có hiệu quả tác động từ cuộc khủng hoảng. Kịch bản này đối với châu Âu là lý tưởng nhất, nhưng hiện nay vẫn chưa ai có thể nói một cách chắc chắn về khả năng hiện thực hóa.

Kịch bản thứ ba, đổi mới căn bản EU. Kịch bản này hướng tới việc tổ chức lại và phục hưng EU. Sau khi phân tích các mặt yếu, hạn chế và khiếm khuyết trong mô hình hiện nay của EU, lãnh đạo các nước châu Âu nhận thấy, EU không thể duy trì liên minh dưới hình thức như hiện nay. Vì thế, cần phải ban hành đồng tiền chung mới. Tuy nhiên, việc các nước EU ít có khả năng tự bảo đảm an ninh cho chính họ đang làm cho các vấn đề kinh tế - xã hội trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.

Theo ông M. Ba-rô-xô, mặc dù EU đang suy yếu, nhưng nó vẫn có thể đổi mới trên cơ sở một hệ thống dân chủ hơn. Kịch bản thứ ba cũng không loại trừ khả năng Anh phải ra khỏi EU và một châu Âu đổi mới sẽ mở rộng ảnh hưởng của mình. Theo kịch bản này, đến năm 2022, EU sẽ trở thành một tổ chức mạnh không cần sự ủng hộ của Mỹ cả về chính trị, kinh tế và quân sự.

Mặc dù có thể còn những kịch bản khác nữa, nhưng có một điều được thống nhất là EU cần sớm được thay đổi. Vậy kịch bản nào là thực tế nhất? Hiện nay chưa có câu trả lời. Bởi ngay cả những người đang xây dựng các kịch bản khác nhau đều công nhận rằng, các kịch bản hay mô hình cũng chỉ là trên phương diện lý thuyết, còn kịch bản nào là phù hợp nhất cần phải có thời gian./.