TCCSĐT – Từ ngày 18 đến 20-12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ V với chủ đề: “Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trung thành – đoàn kết - gương mẫu - đổi mới, xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới".

1. Hội nghị quốc tế về Vật lý lần thứ 3

Từ ngày 17 đến 22-12, tại thành phố biển Quy Nhơn, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc hội nghị quốc tế Vật lý lần thứ 3. Tham dự hội nghị gồm có 80 giáo sư, tiến sĩ thuộc các Trung tâm nghiên cứu và Trường đại học lớn đến từ 15 Quốc gia trên thế giới.

Hội nghị sẽ tiến hành liên tiếp 2 cuộc hội nghị khoa học quốc tế về Vật lý gồm: Bên kia mô hình chuẩn; các lĩnh vực fermion mở rộng và vô hướng, thực nghiệm và hiện tượng luận, được các giáo sư trình bày về kết quả nghiên cứu những thành công mới gần đây cũng như những ý tưởng mới về vật lý hạt nhân cơ bản trong không khí dễ chịu,thoải mái và thân tình. Hội nghị về vi phạm CP và dao động neutrino, nhằm xem xét một số trong những chủ đề thời sự của vật lý neutrino.

Mục tiêu của các hội nghị quốc tế khoa học vật lý lần này là nhằm thúc đẩy sự hợp tác đầy hiệu quả giữa các nhà lý thuyết và thực nghiệm; góp phần tạo ra bước tiến trong lĩnh vực femion mở rộng và vô hướng và bước tiếp theo trong việc khảo sát đối xứng CP trong dao động neutrino.

2. Hội thảo "Quan hệ Việt Nam – Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhtan): Triển vọng từ việc Nga gia nhập WTO và đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan"

Ngày 17-12, Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP), tổ chức hội thảo "Quan hệ Việt Nam – Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhtan): Triển vọng từ việc Nga gia nhập WTO và đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan".

Hiện nay, Nga, Belarus và Kazakhtan đã thiết lập Liên minh Hải quan (LMHQ) nhằm gắn kết chặt chẽ về chính trị, kinh tế, đẩy mạnh hợp tác sâu rộng giữa các nước với nhau, cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, việc áp dụng Bộ luật hải quan thống nhất (1-7-2011), hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào LMHQ, sau khi nộp thuế nhập khẩu theo kiểu thuế thống nhất, đã được tự do lưu chuyển trên toàn khu vực. Do đó tại hội thảo, các chuyên gia đàm phán của Bộ Công Thương đã cung cấp nhiều nội dung về Hiệp định FTA Việt Nam đã tham gia; nhận định về cơ hội, thách thức khi Hiệp định FTA Việt Nam – LMHQ được hình thành; góp phần giúp doanh nghiệp chủ động chuẩn bị chiến lược và có đóng góp tích cực cho quá trình đàm phán sắp tới.

Trong năm 2012, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước dự kiến đạt hơn 3,5 tỉ USD (tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước), đầu tư của Nga vào Việt Nam tập trung ở các lĩnh vực: khai thác dầu khí, khoáng sản, ngân hàng… Hiện tại, Chính phủ Việt Nam - Nga đang nỗ lực triển khai hợp tác ở nhiều lĩnh vực mới; trong đó Nga có nhu cầu ổn định đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời đang tiến tới tự do hóa thương mại với các nước Đông Nam Á, sẽ tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước.

3. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp họp toàn thể phiên thứ 5

Ngày 17-12, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp toàn thể phiên thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trong một ngày làm việc, các thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tập trung cho ý kiến về những nội dung lớn, quan trọng của Hiến pháp được thể hiện trong các chương, điều cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; trong đó tập trung vào các nội dung về tên gọi của Hiến pháp, bố cục của Hiến pháp, Lời nói đầu. Các thành viên của Ủy ban cũng cho ý kiến, rà soát các điều khoản về chủ quyền nhân dân; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước v.v...

Theo Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, người dân có thể góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ 2-1-2013 đến 31-3-2013.

4. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ V

Từ ngày 18 đến 20-12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ V với chủ đề: “Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trung thành – đoàn kết - gương mẫu - đổi mới, xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới", đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. 510 đại biểu là những tấm gương tiêu biểu cho ý chí nguyện vọng của cựu chiến binh, đại diện cho hơn 2,6 triệu hội viên trong cả nước về dự Đại hội.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa V với 99 ủy viên. Ban Chấp hành đã họp phiên thứ nhất, bầu Ban Thường vụ gồm 23 đồng chí và bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch. Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Anh hùng Lực lượng vũ trang được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2012 – 2017. Các đồng chí Phùng Khắc Đăng, Lê Thành Tâm, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Song Phi được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội nhất trí thông qua Nghị quyết suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục làm Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đại hội cũng thông qua Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, báo cáo kết quả Đại hội và bày tỏ quyết tâm của toàn Hội, nguyện trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; thông qua Thư gửi anh chị em cựu chiến binh, cựu quân nhân cả nước.

Đại hội đã thống nhất cao thông qua các văn kiện và nhất trí quyết tâm thực hiện 8 chỉ tiêu chính: phấn đấu mỗi năm giảm từ 2% - 2,5% tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo theo chuẩn mới, các vùng khó khăn giảm từ 3,5% - 4%; hoàn thành cơ bản xóa nhà dột nát cho cựu chiến binh; hầu hết cựu chiến binh còn độ tuổi lao động, còn sức khỏe đều được tư vấn, hướng dẫn, bồi dưỡng hoặc đào tạo nghề để có cơ hội tìm việc làm; 100% hội viên kiên định, vững vàng về chính trị tư tưởng; hàng năm 90% trở lên cơ sở Hội đạt trong sạch vững mạnh, 95% trở lên “hội viên gương mẫu” và 90% trở lên gia đình cựu chiến binh đạt “gia đình văn hóa”; phát triển được 85% - 90% trở lên đối tượng đủ điều kiện kết nạp vào Hội; 100% cán bộ Hội được tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp; những nơi có đối tượng cựu quân nhân phấn đấu tập hợp từ 50% - 70% trở lên cựu quân nhân vào sinh hoạt tại các câu lạc bộ, ban liên lạc truyền thống.

5. Hội nghị giao ban an ninh quốc phòng vùng Tây Nam bộ năm 2012

Ngày 18-12, tại thành phố Cần thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp Bộ tư lệnh quân khu 9, Bộ tư lệnh Vùng 5, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bộ chỉ huy quân sự và lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng tổ chức Hội nghị giao ban an ninh quốc phòng vùng Tây Nam bộ năm 2012.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy: Năm 2012, tình hình an ninh quốc phòng vùng Tây Nam bộ, nhất là các tuyến biên giới vùng biển và biên giới đường bộ tiếp tục được giữ vững. Điểm nổi bật của năm 2012 là công tác phân giới cắm mốc trên các tuyến biên giới được triển khai thực hiện tốt. Trong năm đã xác định thêm 14 vị trí cột mốc và đã xây dựng xong 11 cột mốc, nâng số cột mốc đã cắm được trên toàn tuyến biên giới vùng Tây Nam bộ lên 92 trong tổng số 138 cột mốc đồng thời phân giới được trên 113,3 km ranh giới. Các lực lượng chức năng trên biển, đảo, biên giới đường bộ cũng đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên biển, các hoạt động đánh bắt của ngư dân, kiểm soát chặt chẽ lượng người qua lại các sòng bạc, trường gà ở ven biên giới và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển hàng lậu, vượt trái phép qua biên giới.

Hội nghị xác định năm 2013, tiếp tục tăng cường phối hợp toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực, quyết tâm bảo vệ giữ vững tình hình an ninh quốc phòng vùng Tây Nam bộ. Trong đó, tích cực phối hợp với các địa phương của vùng biên giới Campuchia sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động mua bán người, vận chuyển hàng trái phép và xâm phạm chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia.

6. Kết thúc Kỳ họp lần thứ 35 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào

Ngày 19-12, Kỳ họp lần thứ 35 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và hoa học kỹ thuật giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã kết thúc tốt đẹp.

Tại kỳ họp, hai bên đã bàn bạc về sự hợp tác ở nhiều lĩnh vực như: giáo dục - đào tạo,văn hóa, khoa học kỹ thuật, khai thác khoáng sản, năng lượng, đầu tư phát triển nói chung… Các thành viên phân ban hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã thông qua chương trình nghị sự của kỳ họp, đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật năm 2012, trao đổi và thống nhất phương hướng nhiệm vụ cụ thể trong năm 2013.

Về chính trị, ngoại giao, hai bên sẽ đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt-Lào vào giảng dạy tại các trường học của hai nước. Hai bên cũng chú trọng xây dựng tuyến biên giới Việt – Lào ổn định và phát triển toàn diện, nhân rộng trên toàn tuyến mô hình hợp tác tuần tra chung của lực lượng biên phòng, phấn đấu hoàn thành cơ bản tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào 2013 để tiến tới hoàn thành dứt điểm dự án này vào năm 2014. Mặt khác, xúc tiến và kí thỏa thuận về vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước

Kết thúc cuộc họp, hai Phó Thủ tướng của hai nước đã ký Hiệp định hợp tác Việt Nam - Lào năm 2013; biên bản kỳ họp; Thỏa thuận về chiến lược hợp tác giữa Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng đến năm 2020; Nghị định thư về sửa đổi Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam - Lào.

7. Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 32

Từ ngày 19 đến 22-12, Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 32 đã diễn ra tại Nghệ An với 107 đơn vị tham gia dự thi đem tới gần 500 tác phẩm ở 9 thể loại, với nội dung rất phong phú và có chất lượng cao.

Liên hoan truyền hình toàn quốc lần này được tổ chức cũng với mục đích tiếp tục khuyến khích những cách thể hiện mới, sáng tạo, hấp dẫn, những tác phẩm mang tính phát hiện nhân tố mới trong thực tế sinh động ở các địa phương. Đây cũng là dịp để tôn vinh các tác phẩm bám sát các chủ trương tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phản ánh sâu sắc và sinh động các thành tựu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; phản ánh các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa mới, trong xóa đói giảm nghèo, khắc phục thiên tai, bão lũ, trong đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, bảo vệ an ninh tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc .…

Trong suốt kỳ Liên hoan, cùng với nhiều hoạt động bên lề như triển lãm, hội thảo, diễn đàn, giao lưu với khán giả xem truyền hình, Ban Tổ chức, Ban giám khảo Liên hoan cũng đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc để lựa chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất. Chất lượng các tác phẩm dự thi Liên hoan năm nay khá đồng đều, khoảng cách giữa các Đài truyền hình, giữa các vùng miền trong cả nước đã thu hẹp, thậm chí nhiều tác phẩm của các đài địa phương có chất lượng tốt hơn do có điều kiện bám sát với thực tiễn đời sống. Nhiều tác phẩm tham dự Liên hoan đã phát hiện được những đề tài có giá trị, có tính thời sự cao, có sự đầu tư kỹ lượng về nội dung cũng như cách thức thể hiện.

Ban Tổ chức đã trao 30 giải Vàng và 57 giải Bạc gồm 9 thể loại cho các tác phẩm tiêu biểu nhất dự thi tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32.

8. Lễ khởi động Dự án “Nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đến năm 2020”

Ngày 20-12, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Lễ khởi động Dự án “Nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đến năm 2020” sẽ được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2014.

Đây là dự án đầu tiên về hội nhập quốc tế của Việt Nam. Giai đoạn triển khai Dự án 2012 - 2014 cũng là thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, tạo nền tảng cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 với mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đây cũng là giai đoạn hội nhập và hợp tác quốc tế của Việt Nam có những bước chuyển quan trọng, từ “chiều rộng, gia nhập, ký kết” sang “chiều sâu, tham gia, thực hiện”, trong đó nổi bật là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, hoàn tất cam kết gia nhập WTO vào năm 2018 và 5 Hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng Hiệp định đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) mà Việt Nam đang đàm phán với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực.

Bộ Ngoại giao được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển khai Dự án “Nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đến năm 2020”. Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn nhân lực để triển khai hiệu quả chiến lược hội nhập, Dự án sẽ tập trung vào bảy hoạt động chính, gồm: Chương trình đào tạo dành cho Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam phối hợp với Đại học Havard, Hoa Kỳ; Tiến hành và tài trợ các nghiên cứu, tọa đàm/trao đổi chính sách về hội nhập quốc tế; Các chương trình đào tạo kỹ năng và những kiến thức hội nhập quốc tế; Các đoàn đi trao đổi kinh nghiệm về hội nhập quốc tế; Hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng hợp tác Nam - Nam và hợp tác tiểu vùng; Các chương trình đào tạo, thực tập dành cho cán bộ ngoại giao tại các Cơ quan đại diện Việt Nam, các tổ chức quốc tế và khu vực và Hỗ trợ các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia.

9. Công bố các ấn phẩm Kỷ niệm 40 năm “Chiến thắng Điện Biên phủ trên không” và 40 năm ngày ký Hiệp định Paris

Ngày 21-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật và Quân chủng Phòng không Không quân phối hợp tổ chức Lễ công bố các ấn phẩm Kỷ niệm 40 năm “ Chiến thắng Điện Biên phủ trên không” và 40 năm ngày ký Hiệp định Paris.

Với mong muốn cung cấp cho đông đảo bạn đọc thêm những tư liệu về các sự kiện quan trọng này, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia –Sự thật xuất bản bộ sách gồm 9 ấn phẩm chọn lọc, phản ánh sinh động những vấn đề liên quan đến 2 sự kiện qua trọng “Chiến thắng Điện Biên phủ trên không”, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris trên nhiều khía cạnh. Đó là các ấn phẩm: Bác Hồ - Nguồn sức mạnh của bộ đội phòng không; 40 năm nhớ lại trận “ Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”; 40 năm Điện Biên phủ trên không qua tư liệu ảnh (1972-12012); Trên những trận địa phòng không; Bộ sách Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của Chính quyền Sài Gòn; Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris; Xuân Thủy - Nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn; Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris; Nền hòa bình mong manh - Washington, Hà Nội và tiến trình của Hiệp định Paris.

Các tác phẩm này là những tư liệu phong phú, có giá trị về Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” và Hội nghị Paris, về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật ngoại giao Việt Nam, về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng đối với quân và dân ta, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

10. Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

* Thành phố Đà Nẵng: Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2012); 23 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 – 22-12-2012) và 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt gần 3.000 cán bộ cấp tá quân đội nghỉ hưu. Tại cuộc gặp mặt, các cán bộ Quân đội đã ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của QĐND Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, trải qua 68 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

* Bạc Liêu: Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, ngày 22-12, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có 32 ghe đua ghe ngo với hơn 600 vận động viên đến từ 5 tỉnh, gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang đã tham dự Giải đua nghe ngo truyền thống lần thứ 14, chào mừng Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Các ghe tranh tài theo hình thức loại trực tiếp, với cự ly 1.200m, những đội thắng vòng loại tiến dần vào vòng trong và vòng chung kết xếp hạng. Đội tỉnh Kiên Giang xuất sắc đoạt giải Nhất.

* Ninh Bình: Nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 21-12, đồng chí Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình đã đến thăm và tặng quà Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân đoàn I.

* Nghệ An: Sáng 20-12 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã tổ chức gặp mặt hơn 500 cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu trên địa bàn Quân khu 4, nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 23 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân 22-12.

* Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày 19-12, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc triển lãm ảnh và các hoạt động văn hóa, thể thao mừng kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 23 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Triển lãm trưng bày 201 bức ảnh, phản ánh cuộc sống của người dân và chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió ở mọi miền Tổ quốc, các hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố hướng về Trường Sa... Về các hoạt động văn hóa, thể thao, ban tổ chức sẽ tổ chức giải Việt dã học sinh; giải Chạy vũ trang cho lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ; biểu diễn võ vovinam... Các hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra từ nay đến ngày 1-1-2013.

* Hà Tĩnh: Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 18-12, tuổi trẻ Hà Tĩnh đã phát động và tổ chức hành trình “Vì biển đảo quê hương, vì Sơn Dương yêu thương” với sự tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh.

* Quảng Nam: Ngày 19-12, UBND TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức gặp mặt sĩ quan đã nghỉ hưu, chuyển ngành, sĩ quan dự bị. Dịp này, chỉ huy cơ quan Quân sự thành phố tổ chức giao lưu văn nghệ, gặp mặt sĩ quan dự bị và thăm hỏi, trao tặng quà cho 30 gia đình chính sách trên địa bàn; tổ chức thi đấu bóng chuyền thu hút 20 đội tham gia, trong đó có 13 đội xã phường, 7 đội khối cơ quan trường học.

* Gia Lai: Tỉnh đã tổ chức gặp mặt những cán bộ và thân nhân gia đình các đồng chí hoạt động cách mạng trên địa bàn tỉnh thời kỳ 1954 -1960. Đây là hoạt động thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12. Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho đồng chí Nguyễn Đàn, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Trưởng ban định canh, định cư tỉnh Gia Lai – Kon Tum; tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho 15 đồng chí hoạt động cách mạng thời kỳ 1954-1960.

11. Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam 2012

Ngày 23-12, hơn 90 ấn phẩm gồm cả sách, bộ sách được nhận giải tại Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2012. Sự kiện do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh những tác phẩm hay, tác giả tâm huyết, nhà xuất bản tạo ra những tác phẩm có giá trị, góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà.

Tham gia Giải năm nay có 35 nhà xuất bản (NXB) với tổng số 273 cuốn sách. Ghi nhận của Ban tổ chức: Trong số các nhà xuất bản có một số đơn vị mới thành lập, lần đầu tham dự đã có sách đạt giải. Cả 8 loại sách hay đều có sách dự xét giải nhưng tập trung nhiều nhất vào các mảng: Văn học, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học công nghệ, lý luận chính trị, giáo dục đào tạo. 48 cuốn sách hay và 46 cuốn sách đẹp được lựa chọn trao giải. Trong đó có 1 giải Đặc biệt, 10 giải Vàng, 23 giải Bạc, 28 giải Đồng, 28 giải Khuyến khích và 4 giải Bìa đẹp.

Trong các giải còn lại, nhiều cuốn sách được những bạn đọc yêu văn học nghệ thuật quan tâm bởi sự công phu trong biên soạn, có nhiều sáng tạo như: "Đội gạo lên chùa" của Nguyễn Xuân Khánh; 3 tập "Từ chiến trường khu 5 - Nhật ký và ghi chép văn học" của Phan Tứ, "Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố"…

Tại giải năm nay có khá nhiều ấn phẩm vừa giành giải sách hay lại vừa đoạt giải sách đẹp. Điển hình là "Đội gạo lên chùa" (NXB Phụ nữ), bộ "Những nhân vật tên còn trẻ mãi" và "Những con vật bầu bạn tuổi thơ" (NXB Kim Đồng), "Lịch sử Nam bộ kháng chiến", "Võ Nguyên Giáp - hào khí trăm năm"./.