Liệu “văn hoá súng đạn” có thể chấm dứt ở Mỹ?

Đỗ Sơn Hải TS. Học viện Ngoại giao
18:03, ngày 24-12-2012

TCCSĐT - Nước Mỹ lại một lần nữa rung động bởi vụ xả súng kinh hoàng ngày 14-12-2012. Chỉ trong vòng vài phút, sinh mạng của 20 em nhỏ chỉ mới ở độ tuổi 6 - 7 tuổi cùng 6 giảng viên của trường Xan-đi Húc (Sandy Hook) thuộc Tiểu bang Con-nếch-ti-cớt, đã bị cướp đi bởi hung thủ A-đam Lan-da (Adam Lanza) - một thanh niên mới 20 tuổi được đánh giá là thông minh và học giỏi! Đây là vụ xả súng thứ 10 trong vòng 4 năm qua ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã có bài phát biểu trong nước mắt cùng với lời hứa: “sẽ có những hành động quyết liệt và hiệu quả để ngăn chặn bạo lực liên quan tới súng ống”. Đây không biết là lần thứ bao nhiêu các nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra những lời hứa kiểu như vậy. Bởi lẽ, chí ít là từ năm 1966 đến nay (ngày 1-8-1966, tại Đại học Tếch-dát, vụ xả súng khiến 17 người thiệt mạng kể cả thủ phạm), chỉ tính riêng tại các trường học ở Mỹ đã xảy ra quá nhiều vụ thảm sát. Gần đây nhất, ngay trong tháng 7-2012, Giêm Hôm (James Holmes) (24 tuổi) đã xả súng trong một rạp chiếu phim tại bang Cô-lô-ra-đô đúng hôm công chiếu bộ phim Người dơi trở lại, làm 12 người thiệt mạng và 58 người khác bị thương.

Việc thị trưởng thành phố Niu Oóc, ông Mai-cơn Blum-bớc (Michael Bloomberg) vui mừng thông báo: “Ngày 26-11-2012 sẽ đi vào lịch sử hiện đại của Niu Oóc - ngày thành phố đông dân nhất nước Mỹ này không xảy ra bất cứ một hành động tội phạm bạo lực nào” là bằng chứng có tính thuyết phục nhất đối với những ai còn nghi ngờ về tình trạng bạo lực đã từ lâu lên đến mức báo động đỏ ở Mỹ.

Đến nay, nguyên nhân khiến A-đam Lan-da có thể điên cuồng nã đạn vào các em nhỏ vẫn còn là ẩn số. Nhưng, cũng giống như các vụ xả súng trước đó, các nhà chức trách cũng như các chuyên gia của Mỹ đều lý giải vụ xả súng tại Con-nếch-ti-cớt vừa qua do hai nguyên nhân chính: Một là,  những bất cập của hệ thống pháp luật trong việc quản lý, kiểm soát súng tại các bang dẫn đến tình trạng người dân dễ dàng có khả năng sử dụng vũ khí. Hai là, thủ phạm có vấn đề về tâm lý (trầm cảm hoặc tâm thần).

Thoạt nhìn, cách giải thích này có vẻ rất hợp lý. Đúng là không ở đâu trên trái đất này, tình trạng buôn bán vũ khí dễ hơn ở Mỹ. Ở bang Viếc-gi-ni-a, để mua được bia hoặc rượu, người mua phải trình thẻ căn cước chứng nhận đã đủ 18 tuổi, trong khi muốn mua một khẩu súng thì không cần trình bất cứ giấy tờ gì. Chính vì thế, Mỹ là quốc gia có số dân sở hữu súng nhiều nhất thế giới với khoảng 270 triệu khẩu súng. Phải chăng, vì thế các bi kịch đã xảy ra như  một tất yếu? Trong các vụ xả súng đó, hầu hết các hung thủ đều còn rất trẻ, đều được cho là có tình trạng tâm lý “đặc biệt” (thù ghét cộng đồng, trầm cảm hay muốn trở thành các nhân vật anh hùng,...) và, sau khi gây án đều tự sát.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình trạng bạo lực tại nước Mỹ hiện nay, nếu theo cách kiến giải trên thì vấn nạn này phải mất nhiều thời gian mới chấm dứt được. Liệu chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma có thể ngăn chặn được nạn mua bán vũ khí tràn lan khi mà có tới hơn 40% vụ mua bán vũ khí thuộc về thị trường chợ đen. Điều thật khó tin là hiện nay, nước Mỹ mới chỉ có duy nhất Đạo luật Bra-đy (được Tổng thống B. Clin-tơn ký năm 1993) về kiểm soát nhân thân người mua bán súng, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi các nhà sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu vũ khí có giấy phép. Việc xác định xem ai là người đang có “vấn đề” về tâm lý không dễ chút nào. Hơn nữa, làm sao có thể theo dõi tất cả những ai bị cho là có “vấn đề”, và cứ giả sử là theo dõi được thì luật pháp Mỹ cũng không cho phép áp dụng những biện pháp cưỡng bức “giáo dục”. Hơn thế, khi những bộ phim giả tưởng kiểu như 2012 - Năm đại họa của trái đất (doanh thu 768 triệu USD) hay Biệt đội siêu anh hùng (The Avengers với doanh thu lên đến 1,46 tỷ USD) vẫn tiếp tục được sản xuất vì lợi nhuận, thì khó có biện pháp nào ngăn cản được giới trẻ phát cuồng vì chúng.

Trước tình trạng bạo lực ngày càng phức tạp và thảm khốc, có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải nhìn nhận vấn đề này một cách tổng thể hơn.

Thứ nhất, tình trạng sử dụng vũ khí tự do tại Mỹ xuất phát từ thực tế nước Mỹ luôn coi đây là một ngành kinh doanh béo bở nhất. Lối sống từ những ngày đầu lập quốc cộng với hoạt động “tiếp thị vũ khí” vô hình chung khiến việc sử dụng vũ khí trở thành một nếp sống trong văn hóa Mỹ. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, khi có thêm các thị trường hải ngoại bắt đầu có và ngày càng mở rộng, người Mỹ càng “hăng say” sản xuất vũ khí. Lợi nhuận từ buôn bán vũ khí đã góp phần đưa nước Mỹ lên hàng cường quốc số một thế giới nhưng hình như thế vẫn chưa là đủ đối với các tay lái súng. Họ vẫn không quên làm giàu ngay tại thị trường nội địa. Một thực tế mà chẳng nhà lãnh đạo Mỹ nào muốn công khai là do thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ nên Mỹ vẫn luôn là nước sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới.

Thứ hai, chính cuộc sống công nghiệp hiện đại đã dần tạo ra những hệ quả tiêu cực trong lòng xã hội Mỹ, đặc biệt là trong giới trẻ. Từ việc không còn thời gian quan tâm lẫn nhau trong mỗi gia đình Mỹ cho đến những hiệu ứng “cuồng” từ In-tơ-nét,... dần tạo ra những con người như Giêm Hôm hay A-đam Lan-da,…

Thứ ba, chính từ sự tuyên truyền thái quá về “sứ mệnh tiên phong” (Myth of Frontier thực chất là tham vọng thống trị) người Mỹ bắt đầu vươn rộng ra bên ngoài. Nhưng, những hoạt động của Mỹ không chỉ đem đến toàn điều tốt lành, mà ngược lại, cũng bắt đầu làm xuất hiện một làn sóng “bài Mỹ” ở nhiều nơi trên thế giới. Những hành động khủng bố công khai, điển hình như của nhóm An Kê-đa, có lẽ đối với người Mỹ còn dễ chống trả, nhưng khi tư tưởng chống Mỹ len lỏi vào tận trong tư tưởng của chính người Mỹ thì thật khó có liều thuốc nào chữa trị. Hậu quả của chính sách “cây gậy và củ cà rốt” tất sẽ làm nảy sinh những mối hận thù được nhập cư vào Mỹ rồi truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Bạo lực thường được coi là con đẻ của lòng hận thù.

Thứ tư, xã hội hình thành trên nền tảng kinh tế thị trường, nếu không được Nhà nước điều chỉnh kịp thời tất sẽ làm nảy sinh những phản ứng phụ từ sự bất bình đẳng. Phong trào chiếm phố Uôn (còn gọi là phong trào “99% chống lại 1%”) diễn ra tại Mỹ trong suốt hơn 2 năm qua đã có những tác động không nhỏ đến nhiều giai tầng trong xã hội Mỹ. Bất công trong xã hội kéo dài và bế tắc trong giải quyết cũng dễ dẫn đến con đường bạo lực.

Thứ năm, chủ nghĩa cá nhân mà người Mỹ luôn đề cao dường như đang để lại những “phản ứng phụ” trong công tác giáo dục. Thật khó để các đầu óc còn non nớt phải tự “giải quyết mọi thứ”. Sẽ thật là nguy hại nếu có những đứa trẻ muốn giải quyết mọi chuyện theo kiểu “người dơi” hay “người nhện”. Nhưng sẽ là nguy hiểm hơn rất nhiều nếu đứa trẻ đó chỉ biết nhìn cuộc sống theo chiều hướng tiêu cực nhất.

Thực ra, không phải tất cả mọi người dân Mỹ đều không biết và không hiểu những điều trên, chỉ vì những lợi ích của người này hay người khác mà chúng không được sự quan tâm thỏa đáng mà thôi. Đương nhiên, việc khắc phục những vấn đề này không hề dễ, thậm chí cả một thế hệ cũng hoàn toàn không đủ khả năng giải quyết. Nhưng khi mà những vụ thảm sát vẫn đang có nguy cơ tái diễn thì Tổng thống B. Ô-ba-ma không thể chỉ đơn thuần tuyên bố “nước Mỹ để quốc tang 4 ngày” mà cần phải “đưa ra những biện pháp cụ thể để ngăn chặn bạo lực và chết chóc ở Mỹ. Bởi vụ thảm sát ở Con-nếch-ti-cớt vừa qua là lời kêu gọi mạnh mẽ” - như lời của Mác Ken-ly (Mark Kelly), chồng của nghị sĩ Ga-bri-en Ghíp-phót (Gabrielle Giffords) - người bị bắn vào đầu trong vụ xả súng ở A-ri-dô-na năm 2011. Liệu ông B. Ô-ba-ma có trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tạo ra bước đột phá trong việc ngăn chặn bạo lực hay không có lẽ phải trông đợi vào sự trợ giúp không chỉ của toàn nước Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế./.

Theo thống kê, doanh số bán súng đạn ở Mỹ mỗi năm đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Theo kết quả điều tra của Liên hợp quốc, từ năm 2003 đến năm 2010, đã có khoảng 88.000 người Mỹ thiệt mạng trong các vụ bạo lực súng đạn. Một vụ mới nhất vừa xảy ra ngày 18-12-2012 tại thị trấn Long-môn (Longmont) ở bang Cô-lô-ra-đô (Colorado) khiến 4 người bị thiệt mạng, trong đó có cả thủ phạm. Đây là vụ bắn giết bừa bãi thứ 3 liên tiếp sau vụ thảm sát kinh hoàng ngày 14-12-2012 ở bang Con-nếch-ti-cớt, gây choáng váng nước Mỹ và thế giới.

Hiệp hội súng đạn toàn quốc (NRA) của Mỹ,  sau một thời gian im lặng, ngày 18-12 đã lần đầu tiên lên tiếng rằng họ bị sốc trước vụ thảm sát ngày 14-12 và sẵn sàng có những đóng góp có ý nghĩa nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ thảm sát trong tương lai. Đây được coi là một sự thay đổi lớn trong thái độ của tổ chức lớn nhất và có thế lực nhất ở Mỹ ủng hộ quyền sở hữu súng đạn.