TCCSĐT – Từ ngày 12 đến 14-12-2012, Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ X, với chủ đề “Khát vọng tuổi trẻ dựng xây đất nước” đã diễn ra tại Hà Nội. 999 đại biểu - những cán bộ, đoàn viên ưu tú, tiêu biểu cho niềm tin, ý chí và nguyện vọng, sức mạnh đoàn kết và trí tuệ của hàng triệu cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi trên khắp mọi miền Tổ quốc về dự Đại hội. Đại hội đã gửi đi thông điệp: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, sánh vai cùng các cường quốc năm châu là khát vọng của tuổi trẻ và toàn dân tộc. Tuổi trẻ Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, quyết tâm dựng xây đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” tới các bạn trẻ trong cả nước.

1. Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam

Ngày 10-12, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam với chủ đề “Tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với sự hỗ trợ quý báu của các Nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam thời gian qua và cho biết, Việt Nam bước vào năm 2012 trong bối cảnh trao đổi thương mại và tăng trưởng toàn cầu đều giảm; nền kinh tế của nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá, tiền tệ chặt chẽ, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đến cuối năm 2012 đã có chuyển biến tích cực . Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 5,2%; lạm phát đã được kiềm chế, dự kiến lạm phát cả năm ở mức khoảng 7,5%; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được đảm bảo do thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội…. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các Nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành và hợp tác với Việt Nam trên chặng đường phát triển.

Tại Hội nghị, các nhà tài trợ gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đại sứ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đại diện Nhóm G4 đã nghe báo cáo, đối thoại với lãnh đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam về những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế Việt Nam và những ưu tiên cho năm 2013; những vấn đề về giáo dục và kỹ năng nghề; đối thoại về vấn đề liên quan đến đất đai; thảo luận việc đổi mới phương thức tổ chức Hội nghị CG... đồng thời đã hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cho rằng, việc phê chuẩn Chiến lược Phát triển Xanh là một bước tiến quan trọng theo định hướng đúng đắn, tạo cơ hội việc làm, năng suất cao, cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế của quốc gia, đóng góp vào việc xây dựng nền tảng cho phát triển bền vững ở Việt Nam.

2. Ban Cải cách Tư pháp Trung ương họp phiên thứ 8

Ngày 10-12, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã tổ chức phiên họp lần thứ 8, lấy ý kiến báo cáo Bộ Chính trị về đề án tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực. Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị giao Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, tính ưu việt, hạn chế, những thuận lợi khó khăn và hướng khắc phục khó khăn, hạn chế khi thực hiện chủ trương tổ chức tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và viện kiểm sát nhân dân khu vực, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã xây dựng kế hoạch tổ chức nghiên cứu xây dựng Báo cáo Bộ Chính trị. Quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo đã phân công trách nhiệm cho các ngành liên quan và đề nghị tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương báo cáo những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm triển khai thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực; thành lập các đoàn đi khảo sát tình hình triển khai công tác chuẩn bị tại một số địa phương; thành lập tổ nghiên cứu liên ngành nghiên cứu báo cáo Bộ Chính trị.

Dự thảo báo cáo đã được lấy ý kiến của đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, đại diện các cơ quan tư pháp, các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương tại hai hội nghị khu vực các tỉnh phía Nam và phía Bắc, được Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương thảo luận, thông qua.

3. Phiên họp thứ 13, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII

Ngày 11-12, tại Hà Nội đã khai mạc Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn thảo nhiều nội dung quan trọng về đánh giá kết quả kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; thảo luận, thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2013 của các cơ quan của Quốc hội và Chương trình công tác năm 2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo (lần 2) sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; cho ý kiến (lần đầu) về dự thảo hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đất đai (sửa đổi), dự án Luật hòa giải cơ sở và thảo luận về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối. Ngoài các nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phân bổ 2 chương trình mục tiêu quốc gia: Biến đổi khí hậu và khắc phục ô nhiễm môi trường và thảo luận một số nội dung quan trọng khác...

4. Hội nghị triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020

Ngày 11-12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức cứu trợ phát triển (CRS) tổ chức Hội nghị triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2012-2020.

Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5-8-2012 (Đề án 1019). Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế- xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Đề án được chia làm hai giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020. Các hoạt động chủ yếu của Đề án là hoạt động sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT; trợ giúp NKT tiếp cận giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ NKT và giám sát đánh giá.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về nội dung Đề án 1019; dự thảo Thông tư liên tịch quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án; kinh nghiệm của các tỉnh Lạng Sơn, Thái Bình, Phú Yên, Vĩnh Long về những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trợ giúp NKT...

5. Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ 10

Từ ngày 11 đến 16-12-2012, Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ 10 đã diễn ra tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Giám mục Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu với sự tham dự của gần 200 giám mục, đại biểu thuộc Hội đồng Giám mục các nước châu Á, một số nước châu Âu, châu Mỹ và đại diện Tòa thánh Vatican.
Hội nghị toàn thể được tổ chức tại Việt Nam lần này có chủ đề: 40 năm FABC, đáp ứng những thách đố của châu Á. Hội nghị là cơ hội để những tín hữu sống chung trên mảnh đất châu Á với những nét chung về địa lý, văn hóa, xã hội, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong việc thi hành sứ vụ yêu thương và yêu chúa.

Tại lễ khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng cho biết, Hội nghị toàn thể FABC có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng công giáo ở châu Á. Hội nghị tổ chức ở Việt Nam lần này là một sự kiện lớn trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam và là vinh dự của người công giáo Việt Nam nói chung và giáo phận Xuân Lộc nói riêng. Người công giáo Việt Nam đã trở thành một bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc và đã có nhiều đóng góp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với truyền thống “tốt đời đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc” người công giáo Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện nhiều phong trào như “kính chúa yêu nước”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

6. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X

Từ ngày 12 đến 14-12-2012, Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ X, với chủ đề “Khát vọng tuổi trẻ dựng xây đất nước” đã diễn ra tại Hà Nội. 999 đại biểu - những cán bộ, đoàn viên ưu tú, tiêu biểu cho niềm tin, ý chí và nguyện vọng, sức mạnh đoàn kết và trí tuệ của hàng triệu cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi trên khắp mọi miền Tổ quốc về dự Đại hội.

Sau 3 ngày rưỡi làm việc tích cực, sôi nổi, nghiêm túc và trách nhiệm trước tuổi trẻ cả nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã hoàn hoàn thành tốt nội dung chương trình đề ra.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá X gồm 151 đồng chí có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực vào Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ nhất khóa X đã bầu 33 đồng chí vào Ban Thường vụ Trung ương Đoàn; bầu đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa IX, Chủ nhiệm Uỷ ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X; bầu 06 đồng chí vào Ban Bí thư Trung ương Đoàn khoá X gồm: Phan Văn Mãi, Dương Văn An, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Long Hải, Đặng Quốc Toàn; bầu Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đoàn khoá X và đồng chí Nguyễn Long Hải – Bí thư Trung ương Đoàn khoá X được bầu làm Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đoàn.

Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá IX tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X; đánh giá những kết quả đạt được của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2007 – 2012, thống nhất các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, bao gồm 09 chỉ tiêu cơ bản và 10 chương trình, đề án thực hiện trong nhiệm kỳ 2012 – 2017. Đại hội đã thảo luận và thông qua Điều lệ Đoàn sửa đổi gồm 12 chương và 42 điều, tăng 01 chương, 04 điều so với Điều lệ khoá IX và có 14 nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết của Đại hội X. Theo đó mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2012-2017 là góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên, có tri thức, sức khoẻ, kỹ năng xã hội, năng lực chuyên môn, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại . Tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; phát huy vai trò xung kích cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đại hội mong muốn: Thanh thiếu nhi Việt Nam hãy giương cao ngọn cờ vinh quang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tiếp bước truyền thống cha anh, nắm chắc thời cơ, vận hội mới, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thách thức, gánh vác trọng trách, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

7. Công bố kết quả cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam –Lào, Lào- Việt Nam”

Ngày 12-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp báo công bố kết quả cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam –Lào, Lào- Việt Nam”. Đây là hoạt động nhằm chào mừng “Năm Đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào 2012”, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam –Lào, Lào- Việt Nam” được phát động từ ngày 12-4-2012. Sau 8 tháng triển khai, đã nhanh chóng thu hút được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia và tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Kết quả, về thi trắc nghiệm: sau 31 tuần, đã có 215 giải thưởng, gồm: 30 giải nhất, 30 giải nhì và 155 giải khuyến khích (có 1 tuần không có giải nhất và giải nhì vì phần dự đoán số người trả lời đúng cả ba câu hỏi chênh lệch quá xa so với kết quả được hiển thị trên Internet). Về thi viết, Ban tổ chức đã trao một giải Nhất (30 triệu đồng) cho đồng tác giả Lê Reo và Đỗ Thị Yên (tỉnh Thanh Hóa) là cặp vợ chồng cùng là cựu chiến binh, đã từng có những năm tháng là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên các chiến trường Lào; 2 giải nhì (mỗi giả 15 triệu đồng) thuộc về Hoàng Văn Đông, học viên Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an và Trần Thị Kim Hoa, Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Lào Cai.

8. Hội thảo quốc tế về đấu tranh chống buôn lậu ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Nam Á

Ngày 13-12, tại Hà Nội, đông đảo các điều tra viên, thẩm phán và kiểm sát viên làm việc trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu ma túy tổng hợp đến từ các nước khu vực Đông Nam Á, Myanmar, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Pháp đã tham dự Hội thảo quốc tế về đấu tranh chống buôn lậu ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Pháp tại nước ta, ngài Jean - Noel Poirier cho biết: Nếu sản xuất thuốc phiện đang gia tăng thì việc sản xuất này hiện lại thua một loại hình sản xuất lớn là sản xuất “ma túy tổng hợp”, chủ yếu là méthamphétamines, thường thấy dưới dạng “tinh thể hoặc đá”, hoặc dưới dạng viên như “yaaba” (ma túy điên). Việc sản xuất các chất này tràn lan trên toàn thế giới với các tác hại ghê gớm của nó về mặt sức khỏe, đặc biệt đối với lớp trẻ, khiến nhiều quốc gia lo ngại và cần thiết phải triển khai sự hợp tác mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng chống buôn lậu ma túy cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục CS PCTP Bộ CA cho biết: Bên cạnh việc tập trung kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển tiền chất nhằm ngăn chặn tội phạm sản xuất MTTH, Việt Nam tích cực kiểm soát tội phạm vận chuyển ma túy từ nước ngoài qua biên giới đường bộ, cửa khẩu sân bay quốc tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm gồm khoảng 15 điều tra viên của Pháp và nước ngoài sẽ trao đổi về trường hợp thực tế liên quan đến chủ đề của hội thảo. Nội dung thảo luận tập trung phân tích mối đe dọa của tội phạm ma túy trên các khía cạnh: khoa học, y tế công cộng, khung pháp lý, địa lý chính trị của các chuỗi buôn bán ma túy tổng hợp; sự phối hợp giữa công an và pháp luật trong xử lý loại tội phạm này;…

9. Hội thảo quốc tế phát triển công nghệ xây dựng cầu đường tại Việt Nam

Ngày 14-12, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế phát triển công nghệ xây dựng cầu đường tại Việt Nam với sự có mặt của hơn 300 nhà khoa học đến từ các Quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a, Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức nhằm khái quát những thành tựu ứng dụng công nghệ tiêu biểu trong lĩnh vực xây dựng cầu đường tại Việt Nam những năm qua, trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu công nghệ mới của các nước đã được ứng dụng chuyển giao hoặc cần nghiên cứu ứng dụng trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã cùng bàn thảo nhiều chuyên đề quan trọng như: Hệ thống tiêu chuẩn thiết kế, thị công và nghiệm thu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông ở Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, hướng tới phát triển bền vững giao thông; nghiên cứu ứng dụng phương pháp cọc xoắn ốc tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ NATM trong xây dựng hầm giao thông đường bộ; nghiên cứu phát triển hệ thống điều khiển cáp xử dụng phương pháp thuật toán phát sinh; ứng dụng và phát triển công nghệ bền vững hoá phòng chống sụt trượt đất trên các tuyến đường giao thông; cải tạo nền đất cực yếu trong các công trình lấn biển và công nghệ tiến tiến cho việc xây dựng hầm...

10. Các địa phương xác định mục tiêu kinh tế - xã hội 2013

* Tiền Giang: HĐND tỉnh Tiền Giang đề ra mục tiêu trong năm 2013 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) từ 9,5 đến 10%, thu nhập bình quân đầu người nâng lên 38,2 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch một cách hợp lý để đạt khu vực I chiếm 45%, khu vực II chiếm 30% và khu vực III chiếm 25%; đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi sinh, môi trường.

* Quảng Nam: HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua nhiều Nghị quyết đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2013. Quảng Nam đề ra nhiều nhóm giải pháp tích cực như tăng cường quản lý các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tập trung nguồn vốn cho các dự án thanh toán khối lượng, các dự án hoặc hạng mục đưa vào sử dụng trong năm; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường, đẩy mạnh cải cách hành chính; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tập trung công tác giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc…

* Thái Bình:  Năm 2013, tỉnh Thái Bình phấn đấu mục tiêu tăng trưởng GDP từ 10% trở lên so với năm 2012. Trong đó ngành nông nghiệp phấn đấu tăng 4,2%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,7%, dịch vụ tăng 12%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 19,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9,4%; thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt trên 2.200 tỷ đồng; 100% số xã hoàn thành quy hoạch chi tiết, dồn điền đổi thửa và đề án xây dựng nông thôn mới; có 8 xã điểm cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới...

11. Lễ ghi nhận những đóng góp của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam

Tối 16-12, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ ghi nhận những đóng góp của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam với chủ đề “Lời cảm ơn từ Việt Nam”.

Hơn 20 năm qua (1991 -2012), số lượng tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) đã tăng lên không ngừng, đến nay Việt Nam có quan hệ với 900 TCPCPNN. Trong giai đoạn này, tổng giá trị viện trợ dành cho Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD, với mức giải ngân hàng năm đạt 300 triệu USD trong vài năm gần đây. Hoạt động của TCPCPNN được triển khai trên 63 tỉnh, thành phố trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là hỗ trợ phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, biến đổi khí hậu và cứu trợ thiên tai. Năm 2013 đã có 72 TCPCPNN cam kết hỗ trợ hơn 153 triệu USD cho công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.

Tại buổi lễ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao Bằng khen cho 52 TCPCPNN có những đóng góp tích cực cho giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam trong năm 2012./.