Đâm lao phải theo lao

La Mịch Như
09:07, ngày 04-12-2012

TCCSĐT - Cuối cùng thì EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã đạt được thỏa thuận giải ngân 44 tỷ euro cứu trợ Hy Lạp. Hy Lạp cần phần lớn trong số tiền này ngay trong tháng tới để tránh bị vỡ nợ. Đương nhiên, EU và IMF phải áp đặt điều kiện mới đối với Hy Lạp, nhưng thật ra thì EU và IMF đâu có sự lựa chọn nào khác ngoài phải tiếp tục giải cứu Hy Lạp và Hy Lạp dẫu có không muốn cũng vẫn phải chấp nhận điều kiện mới của EU và IMF để được cứu trợ mà rồi có ngày được cứu thoát.

EU và IMF cho Hy Lạp thêm thời gian 2 năm để đáp ứng đầy đủ tất cả những điều kiện đã đặt ra. Nhưng Hy Lạp chưa được xóa một phần nợ và phải tiếp tục chịu mất chủ quyền quốc gia về chính sách kinh tế và tài chính. Bộ ba bao gồm EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục cùng nhau kiểm soát và giám sát việc Hy Lạp thực hiện những điều kiện của họ.

Tiết kiệm chi tiêu ngân sách và cải cách kinh tế, mất quyền tự chủ về sử dụng các nguồn thu và tăng độ tuổi về hưu đều là những điều kiện của EU, IMF và ECB mà Hy Lạp buộc phải chấp nhận mặc dù đó đều là những cái giá rất đắt cả về đối nội lẫn đối ngoại trong thời gian qua. Bây giờ có được thêm thời gian nhưng điều kiện cũng thêm ngặt nghèo đối với Hy Lạp. Những tác động lại càng thêm tồi tệ đối với người dân và họ rồi sẽ tiếp tục thể hiện sự thất vọng và phẫn uất của họ bằng những hình thức và mức độ biểu tình, đình công, bãi công và phản đối chính phủ mà đồng thời cũng còn bất lợi đối với cả EU và IMF.

Thỏa thuận nói trên của EU và IMF về cứu trợ Hy Lạp vẫn chỉ là một giải pháp tình thế, chưa thể đủ và chưa thể bảo đảm để giúp Hy Lạp nhanh chóng tự chủ được về tài chính, tự trang trải được chi phí cho hoạt động của nhà nước và nợ nần. Việc cứu trợ càng kéo dài thì chi phí càng cao đối với EU và IMF, cái giá phải trả càng đắt đối với Hy Lạp. Tất cả đều biết nhưng vẫn phải hành xử như vậy vì không thể bỏ mặc nhau và bởi đã đâm lao thì phải theo lao.

Nếu không cứu nổi Hy Lạp thì IMF tự thể hiện là mình đã “không hữu dụng” trong việc đối phó khủng hoảng. Uy tín và ảnh hưởng, vai trò và tương lai của IMF cũng được quyết định ở cả trong việc tham gia cứu trợ Hy Lạp. Nếu không cứu được Hy Lạp thì EU không cứu được đồng euro, sự phân hoá nội bộ sẽ làm EU chỉ còn là một tổ chức hữu danh vô thực trong tương lai.

IMF và Hy Lạp muốn EU xóa nợ cho Hy Lạp bởi đó là giải pháp tốt nhất cho họ. Nhưng EU không thể làm được việc đó cả về phương diện chính trị lẫn pháp lý. Xóa nợ cho Hy Lạp đồng nghĩa với việc dùng nguồn tiền chung để tài trợ cho ngân sách riêng của thành viên và điều đó bị cấm trong luật pháp chung của EU.

Xóa nợ cho Hy Lạp sẽ tạo tiền lệ trong EU, khích lệ những thành viên EU khác bị khủng hoảng không cần phải nghiêm chỉnh tuân thủ những điều kiện ngặt nghèo mà EU, IMF và ECB áp đặt để được cứu trợ tài chính. Một khi đã không kiên định về nguyên tắc và nhất quán trong hành động thì EU và IMF sẽ mất thiêng. Từ đó có thể thấy biện pháp cứu trợ tài chính mới này kéo theo không ít rủi ro về nhiều phương diện đối với tất cả các bên liên quan.

Nhìn từ góc độ khác, cho dù biện pháp cứu trợ Hy Lạp được vận dụng cho tới nay chưa đưa lại kết quả như mong đợi, EU vẫn theo cách tiếp cận cũ khi thỏa thuận với IMF về biện pháp cứu trợ mới. Điều kiện ngặt nghèo được áp đặt để tạo tác dụng và áp lực răn đe nhưng khi điều kiện không được đáp ứng đầy đủ thì lại cho thêm thời gian và đi cùng một vài điều kiện mới. Tất cả những đối tác này không những không thể bỏ nhau mà còn phải tiếp tục cùng nhau theo lao. Và như thế thì hiện chưa thể biết đến khi nào mới được dừng lại./.