TCCSĐT- Nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS (10-11-2010 - 10-12-2012), ngày 3-12-2012, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải thưởng Giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ 3, (năm 2011 - 2012).

Đến dự buổi lễ có TS. Trần Bá Dung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo Việt Nam với công tác phòng chống HIV/AIDS; ThS, Bs. Mai Xuân Phương, Phó Chủ tịch câu lạc bộ nhà báo Việt Nam; TS. Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cùng hơn 200 nhà báo trung ương và địa phương trên cả nước.

Trong báo cáo tổng kết, TS. Trần Bá Dung cho biết: “Tính từ lúc phát động Giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ 3 đến khi kết thúc nhận tác phẩm, đã có 600 tác phẩm ở các loại hình báo chí như: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và lần đầu tiên các tác giả gửi ảnh đến dự thi. Ban Tổ chức đã chọn ra được 28 tác phẩm xuất sắc nhất, trong đó có 04 giải nhất, 06 giải nhì, 08 giải ba, 10 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 03 giải khác cho tập thể và cá nhân có nhiều tác phẩm tham dự.”

Theo ông Trần Bá Dung, nếu xét về số lượng tác phẩm dự giải năm nay gấp 2 lần năm trước, còn xét về chất lượng, nhiều tác phẩm trong mùa giải này đã có những số liệu điều tra công phu, đi sâu vào vấn đề, con người, ca ngợi những tấm gương vượt lên số phận. Những người nhiễm HIV cũng đã mạnh dạn ra công khai và tham gia tích cực vào công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt có một số tác phẩm đã lên tiếng phê phán hiện tượng kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV thông qua hình ảnh, âm thanh một cách thuyết phục, góp phần cảnh báo dư luận để hạn chế hiện tượng này.

Tiếp theo thành công của hai mùa giải trước, Giải báo chí Việt Nam về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ 3 được tiếp tục triển khai nhằm khuyến khích, động viên các nhà báo chuyên nghiệp, các cộng tác viên báo chí có nhiều tác phẩm tốt viết về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Sự hưởng ứng của các cấp Hội nhà báo, các hội viên, cộng tác viên trong cả nước, đã cho thấy ý thức trách nhiệm của các cây bút chuyên và không chuyên nhằm tích cực, bền bỉ tuyên truyền thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Các tác giả đã nêu gương những người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS vượt lên hoàn cảnh, sống có ích, tích cực tham gia tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Sức tác động của những tác phẩm báo chí này hết sức sâu sắc và mạnh mẽ, trong việc góp phần nâng cao một bước nhận thức và thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS của cộng đồng...

Cuộc thi đã thành công tốt đẹp, góp phần định hướng dư luận xã hội quan tâm hơn đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, nâng cao một bước trình độ nhận thức và thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS của cộng đồng. Thông qua các tác phẩm dự thi, chúng ta thấy xã hội đã có nhận thức đúng, xóa dần kì thị, phân biệt đối xử với người HIV và bệnh nhân AIDS, nhiều người chia sẻ với họ, giúp đỡ họ hơn. Báo chí cũng ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục và định hướng dư luận xã hội, góp sức ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tác hại của HIV/AIDS đối với đời sống cộng đồng. Đồng thời tạo một cái nhìn thông cảm, chia sẻ, không phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV hoặc mắc phải căn bệnh AIDS.

Bốn giải Nhất năm nay được trao cho các tác giả, nhóm tác giả: Ninh Quỳnh Hương (Tạp chí AIDS và cộng đồng) với tác phẩm "Những dấu + đáng yêu"; nhóm tác giả Nguyễn Lại Thìn - Nguyễn Huy Phương (Đài Tiếng nói Việt Nam) với tác phẩm" Ngôi nhà thắp lên hy vọng của trẻ nhiễm HIV"; Lê Thị Tuyết Mai- Dương Việt Phương (Đài phát thanh truyền hình Quảng Bình) với tác phẩm"Cần cho em niềm vui được đến trường"; Đinh Thu Trang (Đài Tiếng nói Việt Nam) với tác phẩm "Để các em có một cuộc sống bình thường"./.