Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc - phát huy vai trò người cao tuổi và phòng, chống bạo lực gia đình”. Hội thảo do Hội Nông dân Việt Nam, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 3-12-2012, tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham dự của đại diện các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ chủ chốt Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trong khu vực về 3 vấn đề nêu trên, qua đó nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền của hai hội. Đây cũng là dịp chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình hay giữa các địa phương.

 

Từ năm 2009 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam tiếp tục tăng cao, năm 2012 là 112 trẻ em nam/100 trẻ em nữ. Hiện nay, TSGTKS ở nước ta có đặc điểm: Tăng ở cả thành thị, nông thôn và đều mất cân bằng; tăng cao ngay từ lần sinh thứ nhất và rất cao ở lần sinh cuối. Khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu, trong khi khu vực nông thôn xuất hiện nhiều ở lần sinh thứ 2 trở đi. TSGTKS cũng thường cao ở những gia đình có kinh tế khá và ở nhóm phụ nữ có trình độ học vấn cao.

 

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trong giai đoạn từ 2009 - 2050 sẽ có 3 phương án về TSGTKS: Phương án tích cực là TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020, sau đó giảm dần và trở về mức 105 bé trai vào năm 2025. Phương án quá độ là TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 120 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 sau đó giảm dần và trở về dưới mức 105 bé trai vào năm 2030. Phương án không can thiệp là TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho tới năm 2050. Theo xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện này, đến năm 2050, chênh lệch số lượng nam và nữ ở Việt Nam sẽ từ 2,3 triệu người đến 4,3 triệu người.

 

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính hiện nay ở nước ta cao là do các nguyên nhân cơ bản như: ảnh hưởng của quan niệm coi trọng sinh con trai của người phương Đông; việc lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh... Tất cả điều này sẽ dẫn đến các hệ lụy khó lường về mặt xã hội, an ninh, chính trị như dư thừa nam giới, thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn, sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình. Ngoài ra, còn làm gia tăng bất bình đẳng giới, phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn, tái hôn cao, bạo hành giới...

 

Hội thảo cũng cho biết: Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang giai đoạn “dân số già” của nước ta là từ 17-20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước. Hiện, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng lên, năm 2011 là 73 tuổi. Trên 70% người cao tuổi vẫn tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình. Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng được nghe giới thiệu về chương trình phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay của Việt Nam./.