Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19-11 đến 25-11-2012)
1. Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 4 về biển Đông
Từ ngày 19 đến 21-11-2012, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao (HVNG) Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức khai mạc Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 4 “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực” với sự tham gia của gần 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế kỷ niệm 30 năm ngày Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan tại biển Đông (DOC) được ký kết.
Hội thảo là một diễn đàn hoàn toàn khoa học với mục tiêu nhất quán là: Trao đổi các kết quả nghiên cứu, thảo luận từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế về tầm quan trọng của Biển Đông; về lợi ích của các bên liên quan; về những sự kiện xảy ra trên Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là trong năm qua. Đề xuất những kiến nghị cho Chính phủ các nước liên quan trực tiếp và không trực tiếp tới tranh chấp để tăng cường hợp tác, ngăn ngừa và kiểm soát xung đột, kiểm soát khủng hoảng ở Biển Đông. Cuối cùng là đề xuất các kênh, các phương cách để các nghiên cứu học thuật, các trao đổi học thuật tác động tích cực hơn tới công chúng, giúp ích nhiều hơn cho các nhà lãnh đạo trong các quyết sách của họ liên quan đến Biển Đông.
Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 4 đã tập trung vào thảo luận các chủ đề chính như Biển Đông trong sự dịch chuyển: Địa chính trị; Những diễn biến gần đây ở Biển Đông; Chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại ở Biển Đông; Quân sự hóa và những hệ lụy; Lợi ích và chính sách của các bên ngoài khu vực Biển Đông; Biển Đông trong quan hệ Mỹ - ASEAN- Trung Quốc; Những khía cạnh pháp lý của vấn đề Biển Đông; Hợp tác ở Biển Đông: Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai; Giải quyết tranh chấp, quản lý xung đột và các phương thức hướng tới giải pháp; Các kiến nghị chính sách.
2. Hội nghị mô hình lần thứ 15 về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố của Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương (AGP)
Từ ngày 19 đến 23-11-2012, Hội nghị mô hình lần thứ 15 về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố của Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương (APG) đã diễn ra tại Hà Nội.
Hội nghị lần này có sự tham dự của đại diện khu vực tư nhân. Đây là một bước tiến quan trọng thể hiện sự phối hợp thường xuyên, tập trung về các mô hình rửa tiền; trao đổi thông tin sâu hơn giữa cơ quan chính phủ và đại diện của các định chế tài chính. Cùng với việc nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho các điều tra viên, công tố viên, cơ quan quản lý, đơn vị tình báo..., APG còn hướng tới việc hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách hiểu bản chất thực sự của những rủi ro mà quốc gia mình đang phải đối mặt. Ông David Shannon đề nghị cơ quan thực thi pháp luật - tố tụng, cơ quan quản lý và các đơn vị tình báo tài chính phải mở các kênh trao đổi với quốc gia trong khu vực nhằm giải quyết các vấn đề ngày càng gia tăng của tội phạm xuyên quốc gia.
Năm 2012, hội nghị sẽ tập hợp nghiên cứu các rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan đến các lĩnh vực và ngành nghề phi tài chính được chỉ định; rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố từ hệ thống chuyển tiền ngầm, rửa tài sản có được từ tham nhũng. Đồng thời, xem xét một số nội dung như: nhận dạng và điều tra về rửa tiền thông qua các hoạt động thương mại, rửa các khoản tiền thu được từ tội phạm về thuế; một số hình thức khác của rửa tiền, tài trợ khủng bố; khắc phục thiếu hụt về chính sách liên quan đến tài sản phạm tội và lần theo rửa tiền; xây dựng hợp tác chiến lược với khu vực tư nhân và giữa chính phủ với khu vực tư nhân trong việc phối hợp với các rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố...
3. Một số hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
* Hòa Bình: Ngày 19-11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình và Hội Cựu giáo chức tỉnh đã tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã trao tặng Bằng công nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú của Chủ tịch nước cho 8 thầy cô giáo trong tỉnh.
* Quảng Ngãi: Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành trong tỉnh Quảng Ngãi đã đi thăm và chúc mừng Sở GD&ĐT tỉnh, các trường học, một số nhà giáo đã nghỉ hưu, gia đình nhà giáo là liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
* Ninh Thuận: Chiều 19-11, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Ninh Thuận tổ chức tọa đàm kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2012). Nhân dịp này, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức thăm, tặng quà cho 27 trường học và các cá nhân là các nhà giáo ưu tú, các cán bộ quản lý, giáo viên hưu trí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục tại địa phương.
* Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngày 19-11, ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2012). Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 3 nhà giáo của tỉnh; 382 cá nhân được trao tặng kỷ niệm chương vì có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển giáo dục-đào tạo của tỉnh.
* Vĩnh Phúc: Ngày 19-11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2012).
* Kiên Giang: Chiều 19-11, tỉnh Kiên Giang tổ chức họp mặt những Nhà giáo ưu tú, nhà giáo lão thành và thầy cô giáo, nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2012). Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 3 giáo viên của tỉnh đã có nhiều cống hiến cho giáo dục; UBND tỉnh tặng 64 Bằng khen cho giáo viên có nhiều thành tích trong cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
* Bình Dương: Ngày 19-11, tại Trung tâm dạy nghề Quản trị công nghệ Bình Dương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương tổng kết “Công tác dạy nghề năm học 2011-2012" và họp mặt giáo viên các trường dạy nghề kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2012). Trong dịp này, 2 tập thể và 2 cá nhân của tỉnh được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 2 tập thể và 7 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nghề năm học 2011-2012.
* An Giang: đã gặp mặt gần 200 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, cán bộ giáo viên đã nghỉ hưu và đương chức tiêu biểu, đại diện cho trên 26.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục - đào tạo. Nhân dịp này, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh đã trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 7 cán bộ, giáo viên, đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng bằng khen cho 10 giáo viên của tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn quốc, Sở Giáo dục - Đào tạo tặng giấy khen cho 13 giáo viên đạt giải trong cuộc thi viết về người thầy.
* Phú Yên: Từ ngày 19 đến 20-11, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đã đến thăm và chúc mừng thầy, cô giáo một số trường trên địa bàn tỉnh. Đến thăm Trường cao đẳng nghề Phú Yên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt đánh giá cao những thành tựu mà trường đạt được trong 11 năm qua và đề nghị nhà trường tập trung xây dựng trở thành đơn vị nòng cốt trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới. Hiện nay, Trường cao đẳng nghề Phú Yên đang đào tạo 15 ngành nghề thuộc 3 khoa Cơ khí, Điện, Cơ khí động lực với hơn 750 học sinh, sinh viên theo học.
* Cà Mau: tổ chức họp mặt tôn vinh và dâng lên những đóa hoa tươi thắm chúc mừng hàng ngàn thầy, cô giáo trong tỉnh. Dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cho 519 Nhà giáo trên địa bàn tỉnh có nhiều tâm huyết, cống hiến hết mình vào sự nghiệp phát triển giáo dục.
* Quảng Nam: các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND,UBND tỉnh Quảng Nam đến thăm, tặng hoa chúc mừng thầy cô giáo nhiều trường học trên địa bàn tỉnh như: Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam, trường THPT Trần Quý Cáp (TP. Hội An), trường Chính trị Quảng Nam,...
Toàn ngành giáo dục Quảng Nam có trên 23.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có gần 17.000 giáo viên các cấp. Năm học 2011 – 2012, toàn ngành có 8 tập thể và 1 cá nhân được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Trường tiểu học số 3 Nam Phước, huyện Duy Xuyên cùng 8 tập thể và 7 cá nhân được UBND tỉnh đề nghị Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 7 đơn vị là ngọn cờ đầu các ngành học được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc…
4. Công bố một khảo sát xã hội học về tham nhũng
Ngày 20-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã họp báo công bố Báo cáo khảo sát xã hội học có tên “Tham nhũng dưới góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”.
Cuộc điều tra, khảo sát thực địa được tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước do phía Việt Nam chủ trì, với sự chỉ đạo trực tiếp của Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Số người được hỏi là 5.460, trong đó có 1.801 cán bộ công chức, 1.058 người làm việc ở doanh nghiệp và 2.601 người dân. Kết quả cho biết, 45% cán bộ, công chức từng chứng kiến hành vi tham nhũng, 44% doanh nghiệp và 28% người dân từng phải trả chi phí không chính thức. Một số lĩnh vực được coi là có tham nhũng nhiều nhất như quản lý, cảnh sát giao thông, đất đai, xây dựng, giao dịch mà doanh nghiệp phải chi “lót tay” cao nhất là khi giao dịch với cơ quan thuế, còn với người dân là xin học, xin việc trong cơ quan nhà nước và với cảnh sát giao thông. Báo cáo cũng cho thấy, dịch vụ y tế tác động đến nhiều người nhất và cũng là lĩnh vực có nhiều hành vi hối lộ nhất.
Cụ thể, 63% doanh nghiệp cho rằng cán bộ công chức cố tình dây dưa, 22% số cán bộ công chức đã chứng kiến cán bộ công chức khác cố tình trì hoãn công việc để đòi nhận hối lộ và 29% số người dân đưa hối lộ vì công việc bị cố tình dây dưa. Bên cạnh đó, 59% số doanh nghiệp nói đôi khi họ xử lý khó khăn bằng cách đưa tiền hoặc quà biếu, 37% số người dân khi gặp khó khăn là đưa tiền ngay để giải quyết công việc. Có 63% số doanh nghiệp nói các khoản chi không chính thức tạo ra cơ chế “bất thành văn” để giải quyết công việc và 58% số người không chính thức nói sau đó công việc được quyết trọn vẹn.
5. Hội thảo đối thoại chính sách về “Xây dựng cơ chế điều phối quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình”
Ngày 21-11, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo đối thoại chính sách về “Xây dựng cơ chế điều phối quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình” nhân dịp k ỷ niệm Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25-11.
Theo báo cáo tại Hội thảo đối thoại chính sách về xây dựng cơ chế điều phối quốc gia phòng chống bạo lực gia đình, trung bình cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì 1 người bị bạo lực gia đình. Điều đó cho thấy, bạo lực gia đình ở Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng, bởi cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan liên quan chưa rõ ràng. Hiện trách nhiệm chính trong phòng chống bạo lực gia đình tập trung chủ yếu ở các tổ chức xã hội, dân sự như Hội Phụ nữ, Tổ dân phố, Hội Cựu chiến binh. Các cơ quan chính quyền vẫn chưa thực sự vào cuộc, ở quy mô quốc gia cũng như cơ sở, chưa có một hệ thống dữ liệu về bạo lực gia đình, cán bộ chuyên trách về bạo lực gia đình cũng chưa có. Trong khi đó, tổn thất mà bạo lực gây ra không chỉ với người phụ nữ, gia đình họ, mà còn với cả sự phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo tại hội thảo cho biết, khi bị bạo lực gia đình, phụ nữ bị giảm thu nhập tới 35%, cả nước sẽ bị mất tới hơn 4.500 tỷ đồng, tương đương với 1,78% GDP.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị được giao trách nhiệm chính trong việc điều phối các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam cam kết, sẽ sớm đưa ra cơ chế phối hợp ở tầm quốc gia để những chính sách tại Việt Nam được thực thi có hiệu quả.
6. Khai mạc Festival Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ nhất
Từ ngày 22 đến 24-11, tại Thanh Hóa, Festival Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ nhất đã chính thức khai mạc. Festival do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tỉnh Đoàn Thanh Hóa phối hợp tổ chức. Đây là dịp để đoàn viên thanh niên nông thôn trong cả nước gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, các hoạt động xây dựng nông thôn mới.
Trong khuôn khổ Festival, hơn 120 cán bộ đoàn cơ sở của các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng cũng tham gia các hội nghị tập huấn Quỹ Quốc gia về việc làm năm 2012, tập huấn tham gia xây dựng nông thôn mới, hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới... Tại những hội nghị này, các học viên được cung cấp những thông tin, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; các nội dung của cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới", đồng thời thảo luận những cách thức cũng như giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới của tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên; giới thiệu những giải pháp, ý tưởng hay trong việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển và bền vững cũng như những kinh nghiệm trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Cùng với Festival Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24-11, Trung ương Đoàn đã tổ chức lễ trao giải thưởng Lương Định Của 2012 cho 300 thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
7. Hội nghị quốc tế về An toàn giao thông tại Việt Nam 2012
Từ ngày 22 đến 24-11, Hội nghị quốc tế về An toàn giao thông tại Việt Nam 2012, do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế.
Với mục đích công bố, trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam, khả năng ứng dụng nhằm cải thiện tình hình trật tự ATGT tại Việt Nam, kết quả Hội nghị sẽ góp phần tích cực giúp Việt Nam xây dựng các đề án, chính sách, chiến lược, kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT cả trước mắt và lâu dài. Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được xây dựng với cách tiếp cận: Kỹ thuật - Giáo dục - Cưỡng chế - Cấp cứu y tế và Thông tin - Hợp tác - Cộng tác - Phối hợp và được thể hiện qua 6 nhóm giải pháp lớn, bao gồm: Giáo dục và tuyên truyền về ATGT đường bộ; thể chế, chính sách; kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông đường bộ; cưỡng chế thi hành pháp luật về giao thông đường bộ; phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế TNGT đường bộ. Đồng thời, xác định 10 giải pháp đột phát từ nay đến 2015 và 30 chương trình, dự án đầu tư cho giai đoạn từ nay đến 2020.
Sau phiên họp tổng thể này, các nội dung chính của Hội nghị sẽ được tổ chức thảo luận theo 5 tiểu ban chuyên môn, bao gồm: Quản lý chung về ATGT đường bộ; hạ tầng giao thông đường bộ an toàn; phương tiện giao thông an toàn và thân thiện; người tham gia giao thông; ứng phó sau tai nạn giao thông.
8. Khai mạc trọng thể Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII
Sáng 23-11, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Đại lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam. Hơn 1000 đại biểu gồm Chư tôn Hòa thượng thành viên Hội đồng Chứng minh; Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam; đại biểu các Ban - Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; Ban Trị sự tỉnh, thành hội Phật giáo; đại biểu Tăng ni, Phật tử Việt Nam ở hải ngoại. Đây là những Tăng ni, Phật tử tiêu biểu được Đại hội các cấp Giáo hội suy cử dự Đại hội.
Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012) cho thấy, trên cả nước đã thành lập 58/63 tỉnh, thành hội Phật giáo. Giáo hội đã thành lập mới 8 tỉnh hội Phật giáo; thành lập các hội Phật tử Việt Nam tại Séc, Ba Lan, Đức, Hungary, Ucraina, Nga... Những ngôi chùa Việt Nam đã có mặt tại tất cả các châu lục: châu Á, châu Âu, châu Mỹ, và châu Úc. Hiện nay Giáo hội có hệ thống giáo dục đào tạo Tăng ni tương đối hoàn chỉnh ở tất cả các cấp đào tạo. Giáo hội đã phát huy văn hóa nghi lễ truyền thống vào công tác tổ chức các lễ hội Phật giáo, các sự kiện mang tầm quốc tế: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày nhập diệt của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông; tổ chức thành công Đại hội Ni giới quốc tế Sakyaditta năm 2010 với sự tham dự của 30 quốc gia thành viên… Nhiệm kỳ qua, Giáo hội đã thành lập nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật; các trung tâm khám chữa bệnh, Tuệ tĩnh đường đông y và bệnh viện tây y. Tổng kết công tác từ thiện của nhiệm kỳ VI của tăng ni, tín đồ Phật tử đã làm từ thiện hàng ngàn tỉ đồng.
Đại hội thống nhất: Xây dựng, phát triển Giáo hội bằng nguyên tắc phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp vì Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội; Hoằng dương chính pháp, truyền bá đạo đức Phật giáo, góp phần xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc, phù hợp với đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc; giáo dục đào tạo đội ngũ tăng ni trẻ có đạo hạnh, năng lực, trình độ; vững vàng trong quan điểm, thâm hiểu giáo pháp, có kiến thức chuyên sâu và chuyên môn cao, đáp ứng sự phát triển của Giáo hội trong mọi thời đại; mở rộng và đẩy mạnh việc nghiên cứu Phật học và học thuật Phật giáo... Đại hội xác định mục tiêu phát huy tinh thần đoàn kết của Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo các nước trên thế giới, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định nếp sống hiền thiện ở mọi nơi.
9. CPI cả nước tháng 11 "hạ nhiệt" khá sâu
Ngày 24-11, Tổng cục Thống kê (CPI) công bố CPI tháng 11 đã tăng 6,52% so với tháng 12-2011, đưa CPI bình quân 11 tháng qua tăng 9,43% so với cùng kỳ 2011. Vì vậy, khả năng CPI cả năm 2012 sẽ có thể kiềm giữ được ở mức 8% nếu CPI tháng 12 tăng không quá 1,4%.
CPI tháng 11 tăng ở 9/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,03-5,16%, trong đó mức tăng cao nhất thuộc về nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng thấp nhất là nhóm giao thông. Hai nhóm giảm gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; Bưu chính viễn thông.
Theo TCTK, CPI tháng 11 hạ nhiệt khá sâu là nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống-nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 40%) trong Rổ hàng chung đã giảm 0,08%, nhờ giá thực phẩm giảm tới 0,21%, còn giá lương thực chỉ tăng nhẹ 0,05%. Đây là xu hướng giảm giá tích cực và khá bất ngờ, đi ngược hẳn với quy luật tiêu dùng mọi năm trước đây và đóng góp tích cực cho việc kiềm giữ CPI cả nước chỉ tăng thấp.
Tuy vậy trong tháng 11, nhóm thuốc và dịch vụ y tế vẫn tiếp tục tăng rất mạnh tới 5,16%, do tác động của việc nhiều tỉnh, thành tăng viện phí, trong đó dịch vụ y tế tăng 6,66%. Tính đến tháng 11-2012, nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã có tháng thứ 5 liên tiếp tăng giá với mức tăng lớn.
Để tăng cường kiểm soát giá cả những tháng cuối năm, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung-cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn để kịp thời cung ứng nhằm bình ổn thị trường.
10. Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội
Tối 25-11, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 2 với chủ đề “Điện ảnh Châu Á- Thái Bình Dương thống nhất và phát triển” đã chính thức khai mạc tại Hà Nội, với sự tham dự của hàng ngàn đại biểu, khách mời, nghệ sỹ, nhà làm phim trong nước và 31 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Liên hoan phim thu hút hơn 200 tác phẩm từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ gửi tới tham dự. Các Hội đồng tuyển của Liên hoan phim đã lựa chọn 117 tác phẩm đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ để dự thi và trình chiếu phục vụ khán giả. Trong số này có 37 phim dự thi ở các hạng mục: phim truyện (14 phim), phim ngắn (13 phim), phim tài liệu ngắn (5 phim) và phim hoạt hình (5 phim). Ngoài các phim dự thi, còn lại 90 phim được chọn vào các hạng mục trình chiếu phục vụ khán giả gồm: các phim thuộc chùm “Toàn cảnh điện ảnh thế giới”; phim của Ban giám khảo; phim của Quỹ điện ảnh thế giới; phim tài liệu dài; chùm phim hoạt hình Nhật Bản và chùm phim tiêu điểm của điện ảnh Hàn Quốc.
Ngay sau lễ khai mạc là phần chiếu phim chào mừng với phim “Cát nóng”, tác phẩm mới nhất của điện ảnh Việt Nam. Phim do NSƯT Lê Hoàng làm đạo diễn, Hãng phim Giải phóng sản xuất. Trước lễ khai mạc đã diễn ra sự kiện thảm đỏ và khai mạc triển lãm ảnh “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội có 2 hội thảo “Xu hướng phát triển điện ảnh trong thời kỳ công nghệ số” và “Điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”. Ngoài ra, còn có trại sáng tác trẻ HANIFF lần đầu tiên được tổ chức, tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ học hỏi, làm việc với các chuyên gia quốc tế hàng đầu. Trại sáng tác trẻ HANIFF đã tuyển chọn và tài trợ cho 30 nhà làm phim trẻ xuất sắc nhất; trong đó có 24 nhà làm phim Việt Nam và 6 nhà làm phim nước ngoài.
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 2 sẽ bế mạc vào ngày 29-11 tại Hà Nội.
11. Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII
Ngày 19-11-2012, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Phân loại đất; Thời hạn, hạn mức và thẩm quyền giao đất; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giá đất; Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; Xử lý một số trường hợp giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày Luật có hiệu lực…
Ngày 20-11-2012, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thông qua các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Luật dự trữ quốc gia, Luật hợp tác xã (sửa đổi) và Luật xuất bản (sửa đổi); buổi chiều , Quốc hội t hảo luận ở hội trường về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi)".
Ngày 21-11-2012, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và thảo luận về dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; buổi chiều, thông qua Luật Thủ đô và thảo luận về dự án Luật phòng, chống khủng bố.
Ngày 22-11-2012, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường; buổi sáng, biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và thảo luận về dự án Luật hòa giải cơ sở; buổi chiều, thảo luận về dự án Luật giáo dục quốc phòng-an ninh, họp riêng để nghe báo cáo về tình hình biển Đông.
Ngày 23-11-2012, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường để biểu quyết thông qua một số dự án và họp phiên bế mạc kỳ họp./.
Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam: Ta thắng vì có “ý chí thép”, có óc sáng tạo và” bàn tay vàng”  (27/11/2012)
NATO sẽ trắng tay tại Áp-ga-ni-xtan?  (27/11/2012)
Thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy vào tháng 1-2013  (27/11/2012)
Hàn Quốc thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do song phương với Việt Nam  (27/11/2012)
Quyết tâm cải cách hệ thống tài chính theo hướng an toàn, vững chắc  (27/11/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên