NATO sẽ trắng tay tại Áp-ga-ni-xtan?
19:39, ngày 27-11-2012
TCCSĐT - NATO quyết định giảm các hoạt động quân sự chung với các lực lượng Áp-ga-ni-xtan nhằm bảo vệ sinh mạng binh lính của họ. Oa-sinh-tơn khẳng định, hạn chót rút toàn bộ quân đội NATO khỏi xứ sở Nam Á này vẫn là cuối năm 2014.
Lính NATO liên tục bị tấn công
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 9-2012, các huấn luyện viên NATO đã 33 lần bị đồng đội Áp-ga-ni-xtan tấn công, tổng cộng số thương vong lên tới 51 người. Đặc biệt, chiều 15 và sáng 16-9 vừa qua, trong vòng chưa đầy 24 giờ, các lực lượng Áp-ga-ni-xtan đã hai lần quay nòng súng chĩa vào các huấn luyện viên quân sự NATO, cướp đi sinh mạng của hai quân nhân Anh và bốn quân nhân Mỹ.
Sau những sự kiện này, Bộ Chỉ huy Liên quân NATO tại Áp-ga-ni-xtan đã buộc phải quyết định giảm bớt hoạt động quân sự chung với các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan để có thể bảo vệ mạng sống cho binh sĩ của họ. Hiện nay, trong làn sóng chung bài Mỹ và các nước Phương Tây vì bộ phim nhan đề “Sự ngây ngô của người Hồi giáo”, với nội dung báng bổ nhà tiên tri Mô-ham-mét, binh lính NATO tại Áp-ga-ni-xtan đang trở thành mục tiêu tấn công của các tay súng địa phương. Chuẩn tướng Gun-tơ Két-xơ (Gunter Katz), người phát ngôn của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (International Security Assistance Force - ISAF) tại Áp-ga-ni-xtan than phiền: “Thật đáng buồn, chỉ trong vòng 24 giờ đã có tới hai vụ tấn công nội bộ… Điều đáng nói, những kẻ tấn công lại bị cho là có liên quan đến lực lượng an ninh Chính phủ Áp-ga-ni-xtan”. Trung tướng Giêm Đu-bim (James Dubikm), người đã từng giám sát việc huấn luyện các lực lượng an ninh của I-rắc cảnh báo, động thái này chắc chắn sẽ gây trở ngại cho việc huấn luyện các lực lượng của Áp-ga-ni-xtan, một bước đi rất cần thiết, giúp họ chuẩn bị cho thời điểm mà phần lớn lính chiến đấu của NATO trở về nước vào cuối năm 2014. Ông nói: “Từ những gì chúng ta đã chứng kiến tại I-rắc cũng như tại Áp-ga-ni-xtan trong vòng hai năm qua, chương trình hợp tác ở cấp độ đại đội và trung đội là biện pháp cơ bản cho công tác huấn luyện. Chương trình hợp tác này sẽ bị ảnh hưởng, sự thành thạo kỹ thuật quân sự của binh sĩ Áp-ga-ni-xtan chắc chắn sẽ bị hạn chế”.
Cách đây không lâu, tướng Giôn An-lân (John Allen), chỉ huy các lực lượng NATO tại Áp-ga-ni-xtan còn cho rằng, việc hợp tác với các lực lượng Áp-ga-ni-xtan sẽ giúp binh lính Mỹ được an toàn hơn. “Điều chúng ta đã học được đó là mối quan hệ với Áp-ga-ni-xtan càng gần gũi, chúng ta càng có thể thúc đẩy mối quan hệ anh em với họ và chúng ta càng cảm thấy an tâm hơn”. Với suy nghĩ như thế, ông tỏ ra miễn cưỡng khi phải giảm bớt các hoạt động hợp tác với các lực lượng Áp-ga-ni-xtan. Trong bối cảnh binh lính NATO liên tục bị tấn công, tướng G. An-lân nhận định, một số vụ tấn công là do Ta-li-ban thực hiện, bằng cách họ thâm nhập trực tiếp vào các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan, hoặc ép buộc binh sĩ Áp-ga-ni-xtan tấn công đồng nghiệp. Một số cuộc tấn công khác là do tranh cãi giữa binh sĩ Áp-ga-ni-xtan và binh lính nước ngoài. Phần còn lại, có thể là do binh sĩ Áp-ga-ni-xtan bị ám ảnh bởi bạo lực diễn ra cả chục năm dài của cuộc chiến tranh, dẫn đến tổn thương tâm lý. Dù nguyên nhân nào chăng nữa, thì những phần tử nổi dậy Ta-li-ban chắc chắn sẽ khai thác triệt để tất cả những cái mà họ cho là sẽ khiến NATO dễ bị tổn thương, trong bối cảnh những binh sĩ Mỹ cuối cùng đang chuẩn bị rời khỏi xứ sở này về nước.
Còn bây giờ, đúng như Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mai-cơ Rô-giơ (Mike Rogers) đã nhận định: Ông G. An-lân cũng như các tướng lĩnh khác không có sự lựa chọn nào hơn, ngoài việc phải tuân thủ quyết định đã được đưa ra, bởi số người Mỹ và binh lính NATO bị thiệt mạng đang tăng lên. Ông nói: “Chúng ta phải làm điều đó. Chúng ta không thể ngăn chặn được hành động đảo ngũ của binh sĩ Áp-ga-ni-xtan và đó là vấn đề. Do vậy, chúng ta phải thực hiện những bước đi cần thiết để bảo vệ công dân của mình!”.
Một bước thụt lùi tại Áp-ga-ni-xtan
Quyết định hạn chế triển khai các hoạt động chung với lực lượng Áp-ga-ni-xtan sẽ đe dọa chiến lược của NATO và đây sẽ là một bước thụt lùi của NATO, nếu không muốn nói trước rằng, họ sẽ trắng tay, khi họ bàn giao quyền lực và rút toàn bộ quân đội ra khỏi Áp-ga-ni-xtan trong năm 2014.
Cách đây gần năm rưỡi, trong bài phát biểu tại Nhà trắng vào ngày 21-6-2011, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố: “Một trăm nghìn binh sĩ Mỹ chiến đấu tại Áp-ga-ni-xtan đã gây thiệt hại nặng nề cho mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa. Nhờ thắng lợi đó, chúng ta đã có thể chính thức thông báo quyết định rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan”. Theo lịch trình, 33.000 binh lính sẽ rút khỏi chiến trường này về nước trước cuối năm 2012, khi ông B. Ô-ba-ma kết thúc nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Theo số liệu của Lầu năm góc, tính đến giữa năm 2012, số lượng quân Mỹ đang làm nhiệm vụ tại Áp-ga-ni-xtan là 99.000 người, cùng với 47.000 binh lính các nước NATO.
Nhiều tướng lĩnh Mỹ tỏ ra lo lắng trước quyết định rút quân nhanh chóng của Tổng thống B. Ô-ba-ma. Họ muốn Tổng thống đưa ra một lịch trình rút quân từ từ, càng lâu càng tốt, bởi nếu rút nhanh sẽ phương hại đến những tiến bộ về an ninh đang còn rất mong manh ở xứ sở này.
Quyết định nói trên được thực hiện trong thời điểm rất nhạy cảm, khi nhiều cuộc biểu tình đang diễn ra trong thế giới Hồi giáo. Gần đây, liên tục diễn ra các vụ “quân ta bắn quân mình”, làm nhiều binh sỹ NATO thiệt mạng dưới họng súng của các đồng sự địa phương. Chuẩn tướng Ô-xtrây-li-a Rô-giơ Nôp-lơ (Roger Noble), Phó Chỉ huy trưởng của ISAF, tỏ ra quá thất vọng. Ông nói: “Vấn đề của các vụ tấn công nội bộ là ở chỗ, chúng diễn ra ngay ở chính cái nơi chúng tôi đang dành nhiều nỗ lực để củng cố hòa bình. Bị giết bởi những kẻ nổi loạn là một chuyện, nhưng ở đây bị người cùng chung chiến tuyến tấn công lại là chuyện hoàn toàn khác”. Tuy nhiên, ông R. Nốp-lơ cho rằng, quyết định hạn chế các hoạt động chung với các lực lượng Áp-ga-ni-xtan chỉ là “biện pháp tạm thời, bình thường và là xu hướng chung”. Ông khẳng định, quyết định này sẽ không làm chệch hướng các nỗ lực rút quân.
Tính đến đầu tháng 10 vừa qua, có khoảng 112.600 binh sĩ ISAF tại Áp-ga-ni-xtan, trong đó có 77.000 binh sĩ Mỹ và 35.600 binh sĩ các nước NATO khác. Hiện họ vẫn đang cố gắng thực hiện công việc huấn luyện cho các lực lượng Áp-ga-ni-xtan, để đến cuối năm 2014 các lực lượng này sẽ có 350.000 binh sĩ và cảnh sát, đủ sức tiếp nhận chuyển giao và bảo đảm an ninh đất nước. Đương nhiên, khi đó đại bộ phận ISAF đã rút về nước, nhưng có thể vẫn còn những tốp nhỏ cố vấn của NATO ở lại thêm một thời gian, để hỗ trợ cho các lực lượng Áp-ga-ni-xtan.
Nhà phân tích cao cấp Giép-Frây Đre-xlơ (Jeffrey Dressler) thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh của Mỹ cho rằng, ảnh hưởng của việc NATO giảm quy mô chiến lược phụ thuộc vào quá trình thu hẹp hoạt động chung sẽ diễn ra trong bao lâu. Ông nói: “Đó là một bước lùi không quan trọng, song càng kéo dài, tác động của nó rõ ràng là sẽ càng gia tăng. Nếu điều này tiếp tục diễn ra trong nhiều tháng, chắc chắn sẽ xuất hiện những ảnh hưởng rất tiêu cực”.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đang phải chịu áp lực từ phía những người kêu gọi cân nhắc lại chiến lược rút quân ở Áp-ga-ni-xtan. Một số thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra yêu cầu về “điểm ngừng chiến lược” trong kế hoạch rút quân. Các thượng nghị sĩ này cho rằng, “NATO không nên quá vội vã để rồi chuốc lấy thất bại ở Áp-ga-ni-xtan”; “tình hình hiện nay đủ lo ngại để chúng ta tạm ngừng kế hoạch rút quân”. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống B. Ô-ba-ma cam kết sẽ theo đuổi đúng thời hạn kế hoạch rút quân. Phát biểu trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 20-9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta khẳng định, các vụ tấn công gần đây ở Áp-ga-ni-xtan là đáng lo ngại, song Mỹ sẽ không hoãn hoặc thay đổi kế hoạch rút hoàn toàn binh sĩ khỏi nước này vào cuối năm 2014 như đã định.
Vào trung tuần tháng 10 vừa qua, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO diễn ra ở Brúc-xen (Bỉ), vấn đề “Phòng thủ thông minh” và sứ mệnh của NATO tại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014 được xem là chủ đề trọng tâm. Theo đó, NATO quyết định sẽ rút hết quân khỏi Áp-ga-ni-xtan theo lộ trình từ nay đến năm 2014. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký NATO An-đớt Phốc Ra-xmút-xen khẳng định, kế hoạch này vẫn được thực hiện theo đúng lịch trình và không có sự thay đổi trong chiến lược đề ra để mở đường cho việc triển khai các hoạt động huấn luyện và hỗ trợ cho quân đội Chính phủ Áp-ga-ni-xtan từ năm 2015.
Trong khi NATO đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch rút hoàn toàn quân sĩ khỏi Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm 2014, thì một báo cáo đáng lo ngại của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Carnegie với nhan đề “Sự chờ đợi quân Ta-li-ban” vừa đưa ra gần đây khẳng định, Ta-li-ban sẽ trở lại nắm quyền tại xứ sở này sau năm 2014. Báo cáo cho rằng, chính quyền của Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai sẽ không thể chống lại quân Ta-li-ban cả về mặt kinh tế lẫn quân sự. Chế độ Ca-bun hiện nay chắc chắn sẽ sụp đổ trong vài năm tới. Sau năm 2014, không còn sự ủng hộ của Mỹ, lực lượng NATO cũng đã rút hết, khi đó sẽ nảy sinh các cuộc bạo loạn. An ninh tại các thành phố và một số khu vực ủng hộ Chính phủ có thể còn được bảo đảm, nhưng khó có thể kiểm soát các vùng nông thôn và các tỉnh biên giới giáp với Pa-ki-xtan, do lực lượng an ninh thiếu các phương tiện hoạt động và không được huấn luyện chu đáo. Thật ra, lâu nay những khu vực này chỉ được Chính phủ quản lý một cách hình thức.
Trung tâm Carnegie còn cảnh báo, từ nay đến năm 2014, nhà cầm quyền Ca-bun sẽ phải trải qua ba cuộc khủng hoảng: khủng hoảng kinh tế với sự suy giảm viện trợ của phương Tây; khủng hoảng về bầu cử tổng thống - cuộc bầu cử bấp bênh, khó suôn sẻ; và khủng hoảng về khả năng quốc phòng, an ninh. Cơn ác mộng sắp tới của Áp-ga-ni-xtan là hệ quả tất yếu của sự thất bại về chiến lược của NATO do Mỹ đứng đầu. Cuộc chiến tranh kéo dài hơn chục năm này gây tổn thất nhiều binh sĩ Mỹ và các nước NATO khác, tốn kém hàng trăm tỷ USD, nhưng chỉ để lại một “di sản tồi tệ”.
Các nhà lãnh đạo lực lượng NATO không công nhận thất bại. Họ bác bỏ thẳng thừng những dự đoán trên của Trung tâm Carnegie và quả quyết rằng, quân Áp-ga-ni-xtan đủ vững mạnh để chống lại các cuộc nổi dậy. Trên thực tế, Mỹ và NATO mất rất nhiều, không mang về được lợi lộc gì, nghĩa là sẽ trắng tay ở Áp-ga-ni-xtan.
Trung Quốc sẽ thế chân?
Trung Quốc đang thực hiện những bước đi nhằm tăng cường vị thế của họ tại Áp-ga-ni-xtan, một khi quân Mỹ và NATO rút khỏi đất nước Nam Á này vào cuối năm 2014. Hạ tuần tháng 9 vừa qua, ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã bất ngờ đến thăm Ca-bun. Đây là chuyến công du đầu tiên của một quan chức cao cấp Trung Quốc tới Áp-ga-ni-xtan, kể từ năm 1966.
Bình luận về sự kiện này, chuyên viên Viện Nghiên cứu Chiến lược A-giơ-đa Cua-tốp (Ajdar Kurtov) của Nga nói: “Bắc Kinh đang cố gắng điều chỉnh trước tình hình, sao cho có lợi nhất trong bối cảnh quân đội Mỹ sắp ra khỏi Áp-ga-ni-xtan. Ở giai đoạn chuyển tiếp này, Bắc Kinh muốn cố gắng thực hiện một bước đột phá nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này. Đồng thời, cũng thấy rõ, Trung Quốc không muốn để Áp-ga-ni-xtan bị sụp đổ sau khi NATO rút quân, bởi vì trong trường hợp đó Bắc Kinh cũng sẽ mất các khoản đầu tư vào Áp-ga-ni-xtan”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Chu Vĩnh Khang và các nhà lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan đã ký kết một loạt văn kiện hợp tác; đặc biệt, có thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực an ninh, theo đó, Trung Quốc sẽ giúp đào tạo cảnh sát, hỗ trợ về mặt tổ chức và cơ sở vật chất - kỹ thuật, truyền đạt những kinh nghiệm phong phú về bảo đảm an ninh công cộng cho Áp-ga-ni-xtan. Hiện Ca-bun coi sự hỗ trợ của Trung Quốc trong lĩnh vực “nhạy cảm” này là chỗ dựa rất cơ bản trong tương lai. Các nước phương Tây không thể đảm đương được vai trò trong lĩnh vực quan trọng này, bởi người dân Áp-ga-ni-xtan cũng như thế giới Hồi giáo nói chung đang ngày càng có thái độ tiêu cực đối với phương Tây. Ngược lại, đối với Trung Quốc, quan hệ hữu nghị với cảnh sát Áp-ga-ni-xtan cũng sẽ là chỗ dựa thực chất bảo đảm sự an toàn của các công ty và nhân viên Trung Quốc đang làm việc tại Áp-ga-ni-xtan.
Chuyến thăm Ca-bun của ông Chu Vĩnh Khang sẽ giúp tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở Áp-ga-ni-xtan, nhất là trong các ngành kinh tế mà từ lâu Bắc Kinh đã tìm mọi cách để tiếp cận, như năng lượng, khai thác khoáng sản và kim loại quý, xây dựng hạ tầng cơ sở,...
Ngược dòng thời gian, có thể thấy, từ lâu Ca-bun đã nghĩ tới cái ngày mà quân Mỹ và NATO rút khỏi nước họ. Bởi thế, họ cũng đã thực hiện phương châm “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Trong vòng mấy năm vừa qua, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H. Ca-dai đã tới thăm Bắc Kinh 5 lần, kể cả lần gần đây nhất là hồi đầu tháng 6 năm nay, khi ông đi dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), đồng thời thăm chính thức Trung Quốc trong hai ngày.
Trung Quốc và Áp-ga-ni-xtan đã quyết định thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Quyết định này được đưa ra trong Tuyên bố chung, công bố sau cuộc hội đàm chính thức giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H. Ca-dai tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, ngày 8-6-2012. Tuyên bố chung nêu rõ, Trung Quốc và Áp-ga-ni-xtan nhất trí không cho phép sử dụng lãnh thổ của nước này vào bất kỳ một hoạt động nào nhằm chống lại nước kia. Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác trên lĩnh vực an ninh bằng cách cùng đấu tranh chống các mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố, nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu vũ khí, và tăng cường trao đổi tình báo, quản lý biên giới. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực như phát triển tài nguyên và năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ nghệ và nông nghiệp.
Phía Trung Quốc khẳng định kiên quyết ủng hộ những nỗ lực của Áp-ga-ni-xtan trong đấu tranh chống khủng bố, buôn bán ma túy và bảo vệ ổn định quốc gia, và ủng hộ quá trình tái thiết hòa bình ở quốc gia Nam Á này. Nhân dịp này, Trung Quốc đã dành khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 150 triệu nhân dân tệ (tương đương 23,8 triệu USD) cho Chính phủ Áp-ga-ni-xtan trong năm 2012./.
Thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy vào tháng 1-2013  (27/11/2012)
Hàn Quốc thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do song phương với Việt Nam  (27/11/2012)
Quyết tâm cải cách hệ thống tài chính theo hướng an toàn, vững chắc  (27/11/2012)
Mô hình Thổ Nhĩ Kỳ - sự lựa chọn phù hợp với Mỹ và phương Tây  (27/11/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên