Thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương 2013
20:41, ngày 15-11-2012
Sáng 15-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thông qua: Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013, Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013 và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 519.836 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 296.164 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 681.836 tỷ đồng, bao gồm cả 193.595 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.
Nghị quyết nêu rõ giao cho Chính phủ triển khai giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định. Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật...
Sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế
Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013 đã được đa số các đại biểu biểu quyết thông qua. Nghị quyết nêu rõ: tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung như xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.
Quốc hội xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung như xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012.
Tán thành nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc
Thời gian còn lại của buổi làm việc sáng, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Các ý kiến đánh giá Luật thuế thu nhập cá nhân đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tài chính của công dân, huy động nguồn lực cho ngân sách Nhà nước, góp phần điều tiết hợp lý thu nhập trong dân cư. Tuy nhiên, sau hơn ba năm thực hiện, cùng với quá trình vận hành, biến động của tình hình kinh tế - xã hội, một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, không phù hợp với tình hình mới, nhất là mức động viên từ thu nhập của người dân.
Luật hiện hành chưa bao quát hết những vấn đề phát sinh trên thực tế; một số quy định về thủ tục chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Việc sửa đổi, bổ sung lần này góp phần khắc phục hạn chế, xác lập khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo thuận lợi cho quá trình thực thi.
Thảo luận về phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo luật, nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ là chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung sáu điều liên quan đến ba vấn đề quan trọng là mức giảm trừ gia cảnh, phạm vi đối tượng chịu thuế, kỳ tính thuế và quyết toán thuế.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung Điều 5 đối tượng nộp thuế là các chuyên gia công nghệ, chuyên gia phần mềm tại các khu công nghệ cao, công nghệ phần mềm được xét miễn giảm thuế. Đại biểu phân tích khoa học công nghệ có vai trò quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó, khu công nghệ cao, khu công nghệ phần mềm đóng vai trò nòng cốt và cần có những chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực.
Dự thảo Luật Khoa học công nghệ cũng có những điều, khoản về chính sách ưu tiên đãi ngộ đối với các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ.... Theo đại biểu, việc giảm thuế cho các đối tượng này sẽ thu hút lao động nuôi dưỡng được nguồn thu và thu hút được lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Đồng thời, việc giảm thuế thể hiện sự quan tâm, chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, xã hội.
Đại biểu đề xuất hai phương án: phương án 1: Chính phủ hướng dẫn điều này. Phương án 2 là có thể quy định cụ thể luôn mức miễn xét giảm từ 3-5% tương ứng với biểu thuế suất ở mỗi bậc tương ứng.
Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận tán thành với mức giảm trừ gia cảnh như quy định của Dự thảo luật, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng. Nhiều ý kiến đánh giá việc điều chỉnh này đáp ứng tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2014 và những năm tiếp theo; giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP; tăng cường nguồn lực cho chi phí ngày một cao đối với y tế, giáo dục, văn hóa; góp phần kích cầu, khuyến khích tiêu dùng; thực hiện chính sách nuôi dưỡng nguồn thu....
Trên cơ sở tán thành với dự thảo Luật, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng mức điều chỉnh này tương đối hợp lý vì bù đắp khó khăn của những người làm công, ăn lương bị trượt giá. Đại biểu đề nghị Chính phủ trong việc điều hành thực hiện cần tạo ra các biện pháp, chính sách an sinh xã hội khác để đảm bảo thu nhập; có biện pháp quản lý, kiểm tra hiệu lực các khoản thu nhập cá nhân của những người có thu nhập ...
Đại biểu Chu Đức Quang (Lạng Sơn) phân tích do chịu sự ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam gặp nhiều khó khăn, giá cả nhiều mặt hàng hóa và dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Theo đại biểu, việc sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo đơn giản hóa hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và công tác quản lý thuế.
Đại biểu Chu Đức Quang cho rằng với mức giảm trừ gia cảnh trong dự thảo Luật thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với nhân dân và bảo đảm tính ổn định của luật trong thời gian dài. Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% nên giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo tính chủ động, nhanh chóng, phù hợp với cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa chính sách....
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như trong dự thảo luật là chưa hợp lý, làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân và đưa thuế thu nhập cá nhân trở thành thuế thu nhập cao; đồng thời, thu hẹp lại diện người phải chịu thuế, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và không đảm bảo mục tiêu điều tiết và công bằng xã hội. Một số ý kiến đề nghị cần phải có đánh giá tác động về kinh tế xã hội khi áp dụng luật này.
Thảo luận về thời điểm Luật có hiệu lực thi hành nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật (từ 01-07-2013) nhằm bảo đảm thời gian cần thiết để Chính phủ triển khai xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật./.
Sẽ áp dụng chỉ số cải cách hành chính trên cả nước  (15/11/2012)
Tổng Bí thư gửi điện mừng tới đồng chí Tập Cận Bình  (15/11/2012)
Đẩy mạnh và nhân rộng điển hình học gương Bác Hồ  (15/11/2012)
Đẩy mạnh và nhân rộng điển hình học gương Bác Hồ  (15/11/2012)
Thủ tướng tiếp Giáo sư đoạt giải Nobel kinh tế 2007  (15/11/2012)
Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ trẻ em  (15/11/2012)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên