TCCSĐT - Giá dầu thô trên thế giới đã từng lên tới 147 USD/thùng vào tháng 7-2008 nhưng vào cuối năm 2008 đã giảm xuống còn 40 USD/thùng, và đến tháng 6 vừa qua đã tăng lại lên trên 70 USD/thùng. Nhiều chuyên gia nhận định, việc giá dầu mỏ và các mặt hàng khác giảm trong giai đoạn cuối năm 2008 có thể đã mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu hơn các nỗ lực kích thích tăng trưởng của các chính phủ. Song nếu giá dầu tiếp tục tăng thêm, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ gặp nguy hiểm.

Giá dầu tăng

Ngày 3-8, giá dầu mỏ thế giới đã tăng trong phiên thứ ba liên tiếp, lên trên 73 USD/thùng do triển vọng phục hồi kinh tế trở nên rõ ràng hơn và giá đồng USD giảm. Tại Luân Đôn, giá dầu thô Brent biển Bắc giao tháng 9-2009 đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 14-10-2008, là 73,95 USD/thùng, trước khi dừng lại ở 73,55 USD/ thùng vào cuối phiên giao dịch. Tại Niu Oóc, giá dầu thô giao cùng thời điểm tăng 2,13 USD lên 71,58 USD/thùng. Trong phiên giao dịch giữa ngày, giá dầu đã có lúc vọt lên 72,20 USD/thùng, và là mức cao nhất kể từ cuối tháng 6-2009. Như vậy, giá dầu đã tăng hơn 8 USD trong 3 phiên giao dịch liên tiếp.

Theo ông Gen-nơ-đi Xmên (Gennadi Shmal), Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp dầu khí Liên bang Nga, thì giá dầu mỏ trên thế giới hiện đang ở mức tối ưu, công bằng và bảo đảm cho các hãng khai thác dầu dầu mỏ có được khoản thu nhập không tồi. Giá dầu thô trên thế giới đã từng lên tới 147 USD/thùng vào tháng 7-2008 nhưng vào cuối năm 2008 đã giảm xuống còn 40 USD/thùng. Những mức giá này đều là không hợp lý và không có cơ sở, bởi trên thế giới, hiện 1/3 khối lượng “vàng đen” đang được khai thác ở thềm lục địa Bra-xin, Ni-giê-ri-a và Mỹ. Ở Nga, hoạt động khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa có chi phí cao hơn nhiều so với việc khai thác trên bộ. Một số lượng dầu nặng khác đang được rút lên từ những vỉa sâu tại Ca-na-đa và Vê-nê-xu-ê-la, và tất cả khối lượng dầu mỏ hiện nay đều được khai thác trong điều kiện khắc nghiệt.

Theo phân tích của ông Xmên, giá dầu phần nhiều phụ thuộc vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở các cường quốc lớn nhất. Tại một số quốc gia đã ghi nhận những dấu hiệu đầu tiên của sự tăng trưởng. Ngoài ra, nhân tố thời tiết cũng đóng vai trò nhất định vì vào mùa đông, mức tiêu thụ năng lượng thường tăng lên. Vì thế, theo ông Xmên, từ giờ đến cuối năm, giá dầu vẫn sẽ duy trì ở mức 70-75 USD/thùng trước khu tiếp tục tăng lên mức cao hơn.

Nhu cầu sử dụng dầu của thế giới cũng đang tăng

Trong báo cáo vừa công bố hôm 13-8, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu vào năm 2009 và 2010 do các hoạt động công nghiệp tăng mạnh tại Trung Quốc, nước có mức tăng trưởng tiêu thụ dầu thô nhanh nhất thế giới.

Theo IEA, thế giới sẽ cần trung bình 85,25 triệu thùng dầu thô/một ngày vào năm 2010. Con số này cao hơn 70.000 thùng/ngày dự tính trước đó. IEA dự báo, nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu trong năm nay sẽ tăng thêm 190.000 thùng/ngày; đồng thời cho rằng, sự phục hồi của các nước nằm ngoài Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu tăng mạnh trong năm 2010, và gói kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ đẩy nhu cầu sử dụng dầu tại nước này tăng 4% (8,4 triệu thùng/ngày) vào năm tới.

Các nước sản xuất dầu không thuộc tổ chức OPEC, chiếm khoảng 60% sản lượng dầu toàn cầu, sẽ cung cấp khoảng 51,4 triệu thùng/ngày vào năm 2010, trong khi nhu cầu sử dụng dầu tại OPEC ở mức 27,4 triệu thùng/ngày. Mới đây OPEC cũng đưa ra dự doán, nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu vào năm 2010 là 84,4 triệu thùng/ngày, ít hơn mức của IEA ước tính. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã cảnh báo, trong khi triển vọng nhu cầu sử dụng dầu dường như sáng sủa, thì nguồn cung cấp dầu thô lại có nguy cơ bị thiếu.

Và những cảnh báo đối với nền kinh tế toàn cầu

Các chuyên gia kinh tế năng lượng hàng đầu vừa đưa ra lời cảnh báo, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu năng lượng trong vòng 5 năm tới vì tốc độ cạn kiệt trữ lượng tại hầu hết các mỏ dầu lớn trên thế giới diễn ra nhanh hơn dự đoán. Theo nhận định của IEA, giá dầu tăng cao do nhu cầu gia tăng nhanh và nguồn cung ứng sụt giảm có thể sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế thế giới.

Bản đánh giá chi tiết mới được công bố đối với hơn 800 mỏ dầu trên thế giới (chiếm 3/4 trữ lượng toàn cầu) cho thấy, trữ lượng của hầu hết các mỏ dầu này đều suy giảm với tốc độ nhanh gần gấp hai lần so với những tính toán cách đây 2 năm. Hơn nữa, việc thiếu đầu tư đúng mức tại các nước sản xuất dầu là lý do khiến dầu khan hiếm trong vòng 5 năm tới, và điều này sẽ cản trở tiến độ phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo tính toán của IEA, mức giảm sút sản lượng dầu tại các mỏ hiện nay là 6,7% mỗi năm so với dự đoán đưa ra hồi năm 2007 chỉ là 3,7%.

IEA đánh giá, mức tiêu thụ dầu hiện nay đang ở trong tình trạng cầu vượt quá xa cung. Trong khi đó, sản xuất dầu tại các nước không nằm trong tổ chức OPEC cũng được đánh giá là đã qua thời kỳ sung mãn và thời đại dầu giá rẻ đã chấm dứt.

Bên cạnh đó, IEA cũng cảnh báo, việc giá dầu tăng cao lên mức khoảng 70 USD/thùng có thể khiến nền kinh tế thế giới khó thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Còn giới chuyên gia cho rằng, nếu giá dầu tiếp tục tăng như những tháng gần đây thì việc đầu tư cho sản xuất dầu mỏ sẽ suy giảm, thế giới sẽ đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là ở những nước nghèo.

Trong những tháng gần đây, ngày càng có nhiều mối lo ngại rằng, những tác động của lạm phát do giá dầu tăng cao có thể ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của chính phủ các nước phương Tây nhằm giúp nền kinh tế các nước này thoát ra khỏa cuộc khủng hoảng. Tổng thống Pháp Ni-cô-lát Xác-cô-di và Thủ tướng Anh Gô-đơn Brao đã đưa ra lời kêu gọi thực hiện chính sách kiểm soát tốt hơn đối với các thị trường năng lượng tại Hội nghị Nhóm 8 nước phát triển (G8) tổ chức ở I-ta-li-a, hồi tháng 7-2009.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, các nỗ lực nhằm kiềm chế việc đầu cơ dầu là “biện pháp tốt” nhưng sẽ không làm giảm giá dầu. Vấn đề là, nếu tình hình tiếp tục diễn biến tồi tệ như những tháng gần đây thì việc đầu tư cho sản xuất dầu mỏ sẽ suy giảm, thế giới sẽ đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng./.