TCCSĐT - Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta bản Di chúc lịch sử, thiêng liêng và bất hủ. Bản Di chúc được Người chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng đầy tinh thần trách nhiệm, rất tâm huyết và trí tuệ. Suốt 4 năm trời, vào những ngày, giờ đẹp nhất, Người tìm từng ý, chọn từng câu, sửa từng chữ, nêu rõ những việc cần phải làm, những điều cần phải nghĩ, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc chung đến việc riêng…, thể hiện tình cảm chứa chan, một tấm lòng yêu nước thương dân vô hạn.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự tiến bộ của nhân loại. Di chúc đã phản ánh tâm hồn và đạo đức vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ của một con người vĩ đại suốt đời “hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Cùng với thời gian, chúng ta ngày càng nhận rõ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản vô cùng quý báu của Đảng và của nhân dân ta, là những chỉ dẫn và là nguồn cổ vũ hết sức to lớn để chúng ta tiến lên giành thắng lợi trong thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thoả lòng mong ước của Người.

Trong 40 năm qua kể từ lúc Bác đi xa, cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Song, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, với ý chí và quyết tâm thực hiện thật tốt Di chúc của Bác, toàn Đảng, toàn dân ta đã đoàn kết một lòng, đồng tâm nhất trí, nỗ lực vượt bậc, cố gắng làm hết sức mình và giành được những thành tựu rất vẻ vang để thực hiện lời căn dặn của Người.

1. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – thắng lợi có ý nghĩa lịch sử

Trong bản Di chúc lịch sử, Người căn dặn đồng bào chiến sĩ cả nước: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”. “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc vào thời điểm mà cách mạng Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng nghiêm trọng. Với dã tâm xâm lược, đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc với quyết tâm đưa “Miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”. Đối với miền Nam, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào, chính thức mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược nước ta trên quy mô lớn... Trải qua 21 năm chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã huy động tới 70% lục quân, 60% lính thuỷ đánh bộ, 40% hải quân và 60% không quân. Hàng chục triệu lít hóa chất, độc hại chứa đi-ô-xin nồng độ cao được rải xuống, gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là làm 17% diện tích nước ta (chủ yếu ở miền Nam) bị phơi nhiễm, hơn 4,8 triệu ngượi bị nhiễm độc và các thế hệ con cháu của họ là nạn nhân trực tiếp của thứ chất độc này, đang ngày đêm đau đớn bởi các căn bệnh hiểm nghèo và mang dị tật suốt đời, cùng với nhiều thủ đoạn nham hiểm khác hòng đe doạ, khuất phục nhân dân ta.

Thực hiện Di chúc, đinh ninh với lời tuyên thề trước anh linh của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vùng lên, sức mạnh của cả dân tộc được huy động cao độ dồn sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện lời tiên đoán sáng suốt và điều mong ước thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Ngày nay, nhìn lại tính chất và quy mô của cuộc chiến tranh, thấy hết lực lượng mà kẻ địch đã sử dụng, những ý đồ mà chúng đã thực thi, nhớ lại những tình huống cực kỳ phức tạp mà cách mạng Việt Nam đã vượt qua, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lớn lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

2. Chăm lo công tác xây dựng Đảng

Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo cho công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cho đến những giờ phút cuối cùng, Người luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Trong Di chúc gửi lại, dòng đầu tiên Người căn dặn: “Trước hết nói về Đảng – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Người đặt lên hàng đầu vấn đề đoàn kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đồng thời, Người chỉ ra những nguyên tắc quan trọng để thực hiện được sự đoàn kết, nhất trí: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Điều này được Bác thường xuyên nhắc nhở và bản thân Người là tấm gương mẫu mực tuyệt vời về đạo đức cách mạng. Lường trước những nguy cơ của một đảng cầm quyền, trong Di chúc Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chỉ trong một đoạn văn ngắn như vậy mà, Người đã bốn lần dùng chữ “thật” và “thật sự”. Chắc chắn, đây là điều Bác đã cân nhắc rất kỹ. Điều căn dặn đầy tâm huyết của Người mãi mãi có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng cũng như đối với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của đội ngũ đảng viên, cán bộ.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 40 năm qua Đảng ta đã luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, coi đó là nhiệm vụ then chốt, là điều kiện quyết định thắng lợi của cách mạng. Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về “ Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Trung ương 6 khoá X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên”…

Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch triển khai các cuộc vận động nhằm cụ thể hoá, thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng như: Cuộc vận động “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình”; Cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân… Điều đó cho thấy, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc và thực hiện nghiêm túc lời Bác dặn trong Di chúc, đặt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, và đã thu được những kết quả quan trọng. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng đã tạo nên luồng sinh khí mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tích cực và vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Hoạt động tự phê bình và phê bình trong đảng được tiến hành thường xuyên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên có những chuyển biến tích cực. Qua đó, lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng lãnh đạo ngày càng tăng…

3. Thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân

Là người con ưu tú của dân tộc, suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Điều mong muốn của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Nhân tố đảm bảo cho đất nước hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh chính là chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tư tưởng xuyên suốt trong tư duy và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng ta.

Thực hiện lời căn dặn của Người, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã thề: Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra, đem lại sự phồn vinh cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, huy động trí tuệ, sức lực của cả nước mau chóng hoàn thành thống nhất đất nước về mọi mặt, đồng thời lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế - xã hội đạt được còn thấp so với yêu cầu của kế hoạch và công sức bỏ ra.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, tại Đại hội VI (tháng 12-1986), Đảng ta quyết định tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 20 năm đổi mới, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn đảng, toàn dân, công cuộc đổi mới của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về nhận thức và hoạt động thực tiễn về con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thể hiện tập trung trên một số lĩnh vực sau:

Đất nước đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, đang thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kinh tế tăng trưởng tương đối khá, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần được hình thành và đang phát huy tác dụng. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội ngày càng gắn chặt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản.

Là người hiểu rất thấu đáo nỗi khổ cực của nhân dân, trong Di chúc Người căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng”. Vì thế, Đảng phải có trách nhiệm “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Trong những năm tháng chiến tranh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Đảng ta vẫn luôn chăm lo bảo đảm đời sống của nhân dân. Sau khi giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân.

Hơn 20 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu quan trọng, đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ; công tác xoá đói giảm nghèo đạt được kết quả tích cực, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có những tiến bộ rõ rệt, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên. Nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng giao thông nông thôn, khuyến học, cùng nhau làm giàu… đã phát triển rộng khắp, tạo ra diện mạo mới trong cả nước.

4. Về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Trong suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ trẻ. Người nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Trong Di chúc, Người khẳng định: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Người dặn lại: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Thực hiện lời hứa với Người, nhiều văn kiện của Đảng đã bàn và đặt ra yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên phấn đấu, rèn luyện và cống hiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế hệ trẻ Việt Nam đã có nhiều hoạt động, nhiều phong trào thi đua thiết thực như: Tuổi trẻ giữ nước, lập thân, lập nghiệp; thanh niên tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… Thông qua các hoạt động, các phong trào đó, thế hệ trẻ tiếp tục cống hiến, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng, thực hiện tốt Di chúc của Người.

5. Góp phần đắc lực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết quốc tế

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ căn dặn những việc cần làm đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta, Người còn mong Đảng ta làm tốt nghĩa vụ quốc tế.

Từ một người yêu nước, trở thành một chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cách mạng thế giới, Người luôn giáo dục Đảng ta, nhân dân ta phát huy và xây dựng tình cảm quốc tế trong sáng. Người cho rằng, sự đoàn kết và ủng hộ của quốc tế có vai trò rất to lớn và quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và ngược lại, thắng lợi của cách mạng Việt Nam góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng và hoà bình thế giới. Người là hiện thân của tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Trong Di chúc, Người có ý định đến ngày chiến thắng “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ, giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Người nhắc nhở và căn dặn: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.

Thực hiện Di chúc và lời thề với Người, Đảng ta đã phát huy tinh thần và tình cảm quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn xây dựng và củng cố tình đoàn kết với các Đảng Cộng sản, với nhân dân các nước bầu bạn trên tinh thần quốc tế trong sáng, và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, với tinh thần Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy của các nước, vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Hoạt động đối ngoại của nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết quốc tế, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới và hoà bình, hữu nghị, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

*
* *

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong 40 năm qua thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua bao khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta có thể vui mừng, tự hào báo cáo với Bác về những việc đã làm được. Song chúng ta cũng cần nghiêm túc xin nhận lỗi với Người: còn nhiều việc chúng ta chưa làm được hoặc làm chưa tốt, và xin hứa với Bác sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu bằng những hành động cách mạng, quyết tâm thực hiện những lời căn dặn cuối cùng của Người: “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam./.