TCCSĐT - Sáng 19-10, tại thành phố Sóc Trăng, Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Sóc Trăng và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo nhằm góp phần quán triệt, đưa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đi vào cuộc sống.

Dự và chỉ đạo Hội thảo có các đồng chí: PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Huỳnh Minh Đoàn, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Quách Việt Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo các ban Đảng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và hơn 150 nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nghiên cứu tâm huyết với chủ đề này.

Hội thảo đã nhận được 44 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu… tập trung phân tích, làm rõ về vai trò khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Huỳnh Minh Đoàn, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng: để giúp ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách phát triển so với những vùng, miền khác trong nước, kinh tế - xã hội phát triển cao hơn trong những năm tới, Kết luận số 28 của Bộ Chính trị đã xác định: triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ (KH - CN) tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích nuôi trồng thủy sản và canh tác nông nghiệp lên 1,2 đến 1,5 lần so với năm 2010” để “xây dựng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững”. Đó là mục tiêu, giải pháp đòi hỏi KH - CN phải tham gia với một vị thế then chốt, là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế và lực lượng sản xuất, tạo tăng trưởng kinh tế đi vào chiều sâu, hiệu quả trực tiếp là tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo nên giá trị gia tăng; thực hiện quyết liệt triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Quách Việt Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao sự phối hợp của Tạp chí Cộng sản, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội thảo có ý nghĩa quan trọng này. Đồng chí cho rằng: đây là cơ hội không những cho cán bộ tỉnh Sóc Trăng có thêm nhiều thông tin quý báu, mà còn tìm ra những kiến giải mới để thúc đẩy nhanh việc ứng dụng KH - CN vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.

Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Vũ Văn Phúc khẳng định: những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng KH - CN hiện đại đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của nhiều quốc gia. Đồng chí nhấn mạnh: với tinh thần góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân tạo ra một động lực mới cho sự phát triển KH - CN nước nhà phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước nói chung, phục vụ sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL nói riêng, Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xuất phát từ cơ sở lý luận, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn hoạt động KH - CN ở ĐBSCL thời gian qua, khẳng định những thành tựu và đóng góp của KH - CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống người dân, nhất là nông dân vùng ĐBSCL. Nêu bật động lực, tầm quan trọng đặc biệt của KH - CN đối với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Thứ hai, nhận diện, phân tích làm rõ những hạn chế, yếu kém trong hoạt động KH - CN ở ĐBSCL thời gian qua, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém. Tập trung trao đổi và thảo luận để giải những “nút thắt” đang được quan tâm, như: những bất cập về cơ chế, chính sách trong đầu tư phát triển KH - CN; yếu kém về nguồn nhân lực; hạn chế trong chế độ, chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chưa gắn kết với tính đặc thù về văn hóa - xã hội của vùng ĐBSCL; thiếu tính liên kết vùng, liên kết 4 nhà, liên kết đa ngành, hợp tác quốc tế trong định hướng nghiên cứu, trong đầu tư, triển khai các chương trình KH - CN; chưa quan tâm, tạo điều kiện và phát huy đúng mức vai trò của nông dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học trong việc sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ KH - CN vào sản xuất, kinh doanh…

Thứ ba, đề xuất và kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số giải pháp cơ bản để tạo nền tảng và sức bật mới cho KH - CN ở ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, phục vụ thiết thực cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian tới. Tập trung vào các vấn đề: định hướng phát triển; công tác quản lý nhà nước, tổ chức hệ thống, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động của KH - CN trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; môi trường hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; công tác đào tạo, sử dụng, đãi ngộ để phát triển nguồn nhân lực KH - CN trong lĩnh vực nông nghiệp, cải tiến các cơ chế, chính sách về đầu tư tiềm lực KH - CN, tài chính cho hoạt động KH - CN tương xứng với những đóng góp của ĐBSCL vào sự phát triển chung của cả nước; tăng cường liên kết vùng, liên kết 4 nhà, liên kết đa ngành, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu chuyển giao KH - CN phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát triển thị trường KH - CN ở ĐBSCL.

Thứ tư, làm rõ tính lý luận, thực tiễn để thực hiện có hiệu quả tinh thần của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) “…phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Khoa học và công nghệ là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của của tất cả các ngành, các cấp, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng có vai trò quyết định, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của các nhà khoa học là điều kiện tiên quyết”.

Trong phần trao đổi, thảo luận: PGS,TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý Thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ; ThS Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ… cho rằng: KH - CN có vai trò hết sức quan trọng trong liên kết vùng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và xây dựng nông thôn mới ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, trong những năm qua một thực tế cho thấy, lợi ích từ các chương trình liên quan ứng dụng KH - CN trong nông nghiệp đều mang lại hiệu quả rất rõ nét, thế nhưng  khi triển khai thực hiện không ít hộ nông dân ở đây vẫn tỏ ra băn khoăn, lưỡng lự. Đáng chú ý, trong lúc nông nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới đã tiếp cận, ứng dụng và sử dụng thành thạo KH - CN hiện đại vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có hàm lượng lao động trí tuệ cao, thì nông dân nước ta nói chung, ĐBSCL nói riêng vẫn chưa đạt được ngưỡng chuẩn ở trình độ trung bình của khu vực.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam; TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL còn đưa ra một số giải pháp nhằm tạo ra sự đột phá có tính khả thi đối với sự phát triển nhanh, bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn ở ĐBSCL trong thời gian tới. Cụ thể, cần nâng cao giá trị gia tăng thông qua các mô hình sản xuất chuyên canh, liên kết doanh nghiệp với nông dân từ đầu vào đến đầu ra, bảo đảm quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ thống nhất; đẩy mạnh hợp tác công tư trong nông nghiệp, nối kết chuỗi giá trị trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; liên kết hiệp hội ngành hàng; tăng đầu tư cho bảo quản, chế biến... Bởi vậy, nhất thiết phải có sự đột phá trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất; giảm chi phí giao dịch trong chuỗi giá trị nông sản (hệ thống nhà kho, kho chứa, hệ thống, phương tiện vận chuyện, đường sá... ), tăng chất lượng sản phẩm đầu ra như thương hiệu, hệ thống phân phối. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế luật, Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; TS Hoàng Bắc Quốc, Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: muốn đẩy nhanh và đạt được tỷ lệ cơ giới hóa cao trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL cũng cần phải tiến hành quy hoạch cho toàn vùng, phải xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế hoàn chỉnh và áp dụng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL phát triển góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trong vùng và ngược lại, quá trình xây dựng nông thôn mới càng nhanh cũng góp phần thúc đẩy quá trình cơ giới hóa ở ĐBSCL. Để đạt được điều đó, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để ngành nông nghiệp có một nguồn nhân lực đủ mạnh.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS Vũ Văn Phúc đánh giá cao tinh thần tích cực, khẩn trương và trách nhiệm cao của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu đã tập trung làm rõ mục đích, yêu cầu của Hội thảo đặt ra. Đồng chí nhấn mạnh, Hội thảo đã nêu ra được hạn chế, tồn tại và những nguyên nhân. Với những kết quả đạt được tại Hội thảo này, chúng ta sẽ đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số giải pháp hữu ích để tạo nền tảng và sức bật mới cho KH - CN ở ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, phục vụ thiết thực cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Hội thảo sẽ góp phần giúp cho nông dân nói chung và ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng có được những bước đi phù hợp trong việc tiếp cận, ứng dụng KH - CN vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh đóng vai trò làm chủ nông thôn mới./.