TCCSĐT - Sau ba năm tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 264/TB-TW, ngày 31-7-2009, của Bộ Chính trị về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thành phố Cần Thơ đã tạo được chuyển biến quan trọng về mặt nhận thức xã hội và hành vi ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân; đưa các nội dung của Cuộc vận động ngày càng đi vào cuộc sống, tạo đà cho hàng Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Nỗ lực nâng tầm hàng Việt Nam

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Cần Thơ, ngay sau khi được thành lập (tháng 9-2009), BCĐ thành phố đã tổ chức triển khai, phát động đợt cao điểm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên toàn thành phố. Đến nay, tất cả 9/9 quận, huyện đều thành lập BCĐ Cuộc vận động với những kế hoạch triển khai cụ thể.

Tuyên truyền sâu rộng từ hệ thống chính trị đến các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động được xác định là một trong những công việc trọng tâm. Đến nay, thành phố đã tổ chức được 185.206 cuộc tuyên truyền về nội dung “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho hơn 9,6 triệu lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn; trong cuộc họp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn, hội, các khu dân cư; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các vị chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số; treo pa-nô, áp-phích quảng bá về Cuộc vận động ở các tuyến đường chính, các điểm sinh hoạt công cộng, nơi đông dân cư, chợ, siêu thị; tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, thông tin lưu động về nội dung “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Song song với công tác tuyên truyền, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành, bổ sung nhiều chủ trương, kế hoạch nhằm bảo vệ sản xuất, bình ổn thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước. Từ năm 2009 đến năm 2011, có 16 doanh nghiệp được hỗ trợ 95 tỷ đồng để tham gia chương trình bình ổn thị trường, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận được với hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý. Đến nay, thành phố đã tổ chức được 40 điểm bán lẻ hàng Việt Nam bình ổn giá với mức giá thấp hơn giá thị trường ít nhất là 5%. Từ tháng 9-2009 đến tháng 9-2012, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 98 đợt đưa hàng Việt Nam về vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu dân cư; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố, ủy ban nhân dân các quận, huyện và các doanh nghiệp tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt Nam tại các huyện ngoại thành, thu hút 234 lượt doanh nghiệp tham gia và trên 74.000 lượt người đến thăm quan, mua sắm, doanh số bán hàng đạt gần 5,4 tỷ đồng. Hằng năm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức nhiều cuộc họp mặt, hội thảo, gặp gỡ các doanh nghiệp để thảo luận, trao đổi đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; tổ chức nhiều khóa đào tạo lồng ghép với nội dung thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho các doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố triển khai thực hiện cuộc vận động gắn với phong trào “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ”; Hội Nông dân thành phố phát động hội viên, nông dân đăng ký thi đua thực hiện cuộc vận động gắn với phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, sản xuất nông sản hàng hóa đúng kỹ thuật, bảo đảm chất lượng để cung cấp cho các doanh nghiệp theo hợp đồng…

Để bảo vệ hàng Việt Nam và người tiêu dùng, thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh phòng, chống sản xuất và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ người tiêu dùng đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm” trong sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Sở Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động thường xuyên. Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nhiều đợt kiểm tra về chất lượng, nhãn mác hàng hóa… Ba năm qua, thành phố đã phát hiện, xử lý hàng ngàn vụ gian lận thương mại với tổng số tiền phạt và hàng hóa bị tịch thu trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Sau một thời gian tích cực triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay nhận thức và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã có những chuyển biến khả quan. Kết quả điều tra xã hội học gần đây của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ cho thấy: có khoảng 53% người được hỏi tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam (trong đó, cán bộ, công chức chiếm tỷ lệ cao nhất: 71%); 48% khuyên người thân, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt; 31% cho biết đã chuyển từ thói quen thường xuyên mua hàng có xuất xứ nước ngoài trước đây sang dừng mua hoặc ít mua hơn và thay vào đó là hàng Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố khi được hỏi cũng cho biết đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chủ động, tự tin khai thác thị trường trong nước bằng cách đẩy mạnh các hình thức tự giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu thông qua các kênh truyền thông, các kỳ hội chợ quốc gia và quốc tế tổ chức tại thành phố Cần Thơ…

Kết quả bước đầu và những hạn chế

Nhìn chung, qua 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo nhận định của BCĐ thành phố Cần Thơ, Cuộc vận động đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong và ngoài thành phố, tạo được sự đồng thuận xã hội ngày càng cao trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Kết quả đó khẳng định sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chủ trương, giải pháp kích cầu, phát triển thị trường nội địa, góp phần đưa nền kinh tế đất nước từng bước vượt qua khó khăn, thách thức.

Công tác phối hợp thực hiện Cuộc vận động giữa các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đồng bộ, chặt chẽ đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc nâng cao vị thế hàng Việt Nam.

Thông qua Cuộc vận động, ngày càng có nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước có uy tín được giới thiệu, quảng bá thương hiệu tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Việc tổ chức các chuyến đưa hàng Việt Nam về vùng ngoại thành đã góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân, xóa dần tâm lý sính hàng ngoại, mua hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Bên cạnh những kết quả khả quan bước đầu, việc triển khai Cuộc vận động trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là:

- Công tác tuyên truyền, vận động chưa thật sự đều khắp; vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chỉ mới tổ chức quán triệt Cuộc vận động trong nội bộ, chưa có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, thiết thực. Hoạt động tuyên truyền phần lớn mang tính một chiều (tập trung hướng đến đối tượng là người dân, chưa quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền trong các doanh nghiệp về nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường chính sách hậu mãi…).

- Việc đưa hàng Việt Nam về các vùng ngoại thành chưa thường xuyên, liên tục; số lượng doanh nghiệp tham gia đưa hàng về ngoại thành vẫn còn ít nên lượng hàng Việt Nam chưa phủ kín các quận, huyện trong thành phố. Một bộ phận người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vẫn còn tâm lý chuộng hàng ngoại do thiếu thông tin về các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

- Hàng Việt Nam đưa về vùng ngoại thành chưa phong phú, phần nhiều vẫn là những mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày. Các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc đưa các sản phẩm hàng Việt Nam là máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ hậu mãi… nên chưa khai thác đúng mức thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân - nhất là vùng nông thôn.

- Vẫn còn một số loại sản phẩm của một vài doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước chưa bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, độ bền kém. Ở nhiều chợ, vẫn còn tình trạng tiểu thương nói thách, bán giá cao, gian lận trong cân, đong, đo, đếm… Trong khi đó, công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường của một số cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chậm phát hiện, xử lý những vụ việc vi phạm, gian lận thương mại. Tình trạng hàng giả, hàng nhái… vẫn còn nhiều trên thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng.

Để hàng Việt Nam vươn cao hơn

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao tầm vóc và vị thế hàng Việt Nam trên thị trường, BCĐ Cuộc vận động thành phố Cần Thơ đã xác định một số giải pháp cần tập trung thực hiện đồng bộ trong thời gian tới:

- Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc 4 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Cuộc vận động theo Thông báo Kết luận số 264/TB-TW, ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị. Chú trọng làm rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ cơ sở  sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong thực hiện Cuộc vận động. Xem xét, lồng ghép nội dung tuyên truyền Cuộc vận động vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên với hình thức và mức độ phù hợp.

- Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố trong triển khai và phối hợp thực hiện; quan tâm, tạo điều kiện, môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất  hàng Việt Nam. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phối hợp đưa hàng Việt Nam về các vùng ngoại thành song song với việc tăng cường công tác quản lý thị trường, thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý, ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

- Khuyến khích, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài thành phố cải tiến công nghệ, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành; phát triển hệ thống phân phối, bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm, chăm sóc khách hàng; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng chính hãng với hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

- Cải tiến cơ chế, chính sách để tạo điều kiện tăng cường sự kết nối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối; giữa người nuôi trồng với nhà chế biến để đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm kia, nhằm giảm bớt tầng nấc trung gian trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Cách làm này giúp nhà sản xuất giảm chi phí, hạ giá thành để có thể đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng với giá cả hợp lý, ổn định, chất lượng bảo đảm và cả nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng, cả xã hội đều có lợi.

- Chú trọng xây dựng chợ truyền thống theo tiêu chí văn minh. Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của ban quản lý các chợ, các tiểu thương trong việc niêm yết giá, xác định rõ mẫu mã, chủng loại hàng hóa. Phát động phong trào “Mỗi tiểu thương bán đúng giá, cân, đong đủ hàng, nêu cao tinh thần quảng bá, tiếp thị hàng Việt Nam”./.