Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào: tài nguyên con người - khâu đột phá để phát triển

Nguyễn Đình Cử, GS, TS, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội Đặng Thảo Quyên
19:25, ngày 10-10-2012
TCCS - Để đưa đất nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 và thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020, Đại hội IX Đảng Nhân dân cách mạng (NDCM) Lào đã đề ra 4 đột phá, trong đó có “đột phá mạnh mẽ về mặt phát triển tài nguyên con người”. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực để làm rõ vì sao “phát triển tài nguyên con người” lại được lựa chọn là một trong những khâu đột phá ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào, trên cơ sở đó gợi mở một số giải pháp, góp phần thực hiện khâu đột phá nói trên.

Quy mô dân số của CHDCND Lào nhỏ nhưng phát triển nhanh, phân bố không đều và mật độ dân số thấp; chất lượng dân số và nguồn nhân lực tăng lên nhưng chưa cao

Theo Cục Thống kê Lào, năm 2009, tổng dân số của nước này là 6.127.910 người, xếp thứ 105 trong tổng số 206 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dân số Lào đang tăng nhanh, và, nếu với tốc độ như hiện nay, dân số Lào sẽ tăng gấp đôi trong khoảng 28 - 30 năm tới: Mật độ dân số ở Lào thấp, chỉ có 28 người/km2, xếp thứ 158/206 nước và vùng lãnh thổ, nhưng dân số phân bổ rất không đồng đều: tại Thủ đô Viêng-chăn là 192 người/km2, trong khi đó, các tỉnh Phong-sa-lì, Xê-kông, A-ta-pơ chỉ có 11 - 12 người/km2.

Thực tế cho thấy, khả năng hoạt động kinh tế, nói chung, chỉ gắn với bộ phận dân số có đủ sức khỏe và trí tuệ, trong một khoảng tuổi nhất định, thường tính từ 15 đến 64 tuổi. Số dân có khả năng hoạt động kinh tế của Lào tăng mạnh và nhanh hơn mức tăng của tổng dân số nói chung. Đây là một lợi thế của Lào trong quá trình phát triển. Hơn nữa, dân số Lào có thể bước vào giai đoạn có “cơ cấu vàng” (tỷ số phụ thuộc từ 50 trở xuống hay 2 lao động/1 phụ thuộc) trong khoảng 20 năm nữa, nếu thực hiện phương án mức sinh giảm nhanh.

Để đánh giá “chất lượng dân số”, người ta thường sử dụng chỉ số phát triển con người (HDI). Để tính HDI, người ta dựa vào các chỉ tiêu: Tuổi thọ trung bình; tỷ lệ biết chữ; tỷ lệ nhập học chung và GDP bình quân đầu người. Theo đó, có thể thấy chất lượng dân số và nguồn nhân lực của Lào có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, tuổi thọ trung bình của người dân Lào tăng nhanh nhưng vẫn còn ở mức thấp. Năm 1995, tuổi thọ của nam giới là 50 tuổi, đến năm 2005(1), đã tăng lên tới 59 tuổi. Đối với nữ, các con số tương ứng là 52 và 63. Như vậy, chỉ sau 10 năm, tuổi thọ của nam giới tăng thêm 9 năm, còn tuổi của nữ giới tăng thêm tới 11 năm. Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình của dân số Lào vẫn ở mức thấp, cụ thể là, tuổi thọ của cả nam và nữ đều xếp thứ 154/206 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở nhiều tỉnh, chỉ tiêu này đặc biệt thấp, như Xê-kông: 54 tuổi, A-ta-pơ: 55 tuổi, Khăm-muội, Luang-nam-tha và Sa-ra-van: 56 tuổi(2). Một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh đến tuổi thọ trung bình là tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi còn khá cao. Trên phạm vi toàn quốc, vào năm 2005, các tỷ lệ tương ứng là 70‰ và 97,6‰. Ở nhiều tỉnh như Xê-kông, A-ta-pơ, Sa-ra-van, Khăm-muội, tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi lên tới hơn 100‰. Những số liệu trên cho thấy, tình trạng sức khỏe của dân số nói chung cũng như của nguồn nhân lực nói riêng tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa tốt.

Thứ hai, hệ thống giáo dục, đào tạo đạt nhiều thành tựu nhưng trình độ phát triển còn thấp. Tỷ lệ mù chữ của nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên mặc dù giảm rất mạnh, từ 30% (năm 1995) giảm xuống còn 20% (năm 2005), nhưng vẫn là mức khá cao. Đối với nhóm tuổi trẻ (6 - 19 tuổi), tỷ lệ chưa bao giờ đến trường chiếm khoảng 16,5%; tỷ lệ đang đi học không cao, đặc biệt là nữ. Khoảng 2/3 thanh, thiếu niên là nữ ở độ tuổi từ 15 - 19 tuổi đã bỏ học hoặc chưa bao giờ đến trường. Tình trạng này dẫn đến chỗ họ lấy chồng, sinh đẻ sớm nên không có hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Nhóm dân số 30 - 59 tuổi chiếm 52% dân số trong độ tuổi lao động, nhưng hơn 25% số này chưa bao giờ đến trường và cơ hội học tập của họ trong hệ thống giáo dục hầu như rất thấp (chưa đến 0,5% đang theo học tại các trường). Điều này cho thấy, nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là rất lớn nhưng khó thực hiện được qua hệ thống giáo dục chính quy.

Đối với hệ đào tạo chuyên nghiệp, số lượng sinh viên các hệ còn ít và có dấu hiệu ngày càng mất cân đối. Năm 2009, có 129.175 học sinh đang được đào tạo chuyên nghiệp, chiếm 9,7% tổng số dân trong độ tuổi 15 - 24. Hệ đại học đang chiếm ưu thế và tăng lên, còn ở các hệ cao đẳng, trung cấp, tỷ lệ học sinh theo học thấp và có dấu hiệu giảm sút. Do hệ thống đào tạo chuyên nghiệp chưa phát triển nên tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật còn khá thấp. Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2005, trong số 3.404.043 người từ 15 tuổi trở lên, có 87.091 người có trình độ chuyên môn sơ cấp, chiếm 2,6%; trung cấp: 104.542 người, chiếm 3,1%; đại học: 47.202 người, chiếm: 1,4% và sau đại học: 7.024 người, chiếm: 0,2%. Như vậy, chỉ có 7,3% lực lượng lao động ở Lào được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật từ sơ cấp trở lên. 

Thứ ba, GDP của Lào trong những năm qua tuy tăng mạnh, nhưng Lào vẫn chưa thoát khỏi nhóm các nước nghèo. Dân số Lào chủ yếu sống ở nông thôn. Năm 2005, tỷ lệ dân số nông thôn là 72,8%, nhưng tỷ lệ lao động làm nông nghiệp lên tới 78,5%. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật thấp nên năng suất lao động cũng thấp. Do vậy, mặc dù kinh tế tăng trưởng liên tục, trong
5 năm (2006 - 2010), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,9%/năm, nhưng GDP bình quân đầu người năm 2009 - 2010 mới đạt khoảng 1.069 USD. Năm 2011, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn xếp Lào vào nhóm nước có thu nhập thấp và GDP bình quân đầu người đứng thứ 128 trên tổng số 168 nước so sánh(3).

Do các chỉ tiêu thành phần về sức khỏe, giáo dục và kinh tế còn thấp nên HDI của Lào (theo cách tính mới của Liên hợp quốc áp dụng từ năm 2010) tuy tăng lên không ngừng, nhưng năm 2010 cũng mới chỉ đạt 0,497, xếp thứ 122 trong số 169 nước có số liệu so sánh”(4).

Mức sinh cao ảnh hưởng không thuận đến sự phát triển của Lào

Việc CHDCND Lào chưa thoát khỏi nhóm các nước nghèo xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề dân số. Một trong những đặc điểm nổi bật hiện nay ở Lào là mức sinh vẫn còn cao. Năm 2005, tỷ suất sinh thô (CBR) ở mức 34,7‰ và tổng tỷ suất sinh (TFR), tức số con trung bình của một phụ nữ tính đến hết tuổi sinh đẻ, là 4,5 con. Mức sinh ở nhiều tỉnh còn cao hơn nhiều, như Hủa-phăn, Say-som-bon: 6,4 con/phụ nữ, (ở Việt Nam, năm 2005, con số này là 2,11). Mặt khác, phụ nữ Lào thường bắt đầu sinh sớm, ngay từ tuổi vị thành niên và kết thúc sinh đẻ ở tuổi cao. Tỷ lệ sinh đẻ ở phụ nữ từ 15 - 19 tuổi lên tới 110‰, đối với phụ nữ nhóm tuổi 40 - 44 tỷ lệ đó là 40‰. Các tỷ lệ tương ứng ở Việt Nam (năm 2009) là 24‰ và 10‰. Kết quả điều tra ở cả Lào và Việt Nam đều cho thấy, mức sinh cao tác động tiêu cực đến tất cả các thành tố của HDI, thể hiện ở những phân tích dưới đây:

Thứ nhất, giữa mức sinh và tỷ số phụ thuộc có mối quan hệ chặt chẽ, mức sinh càng cao, tỷ lệ phụ thuộc càng lớn. Ở Lào, năm 1995, khi TFR = 5,6 thì tỷ số phụ thuộc là 100. Năm 2005, các chỉ tiêu tương ứng là 4,5 và 76. Mức sinh càng cao thì số trẻ em càng nhiều, tỷ số phụ thuộc trẻ, vì thế, tăng lên, làm cho tỷ lệ phụ thuộc chung cũng tăng lên. Tỷ số phụ thuộc cao sẽ hạn chế cả tiêu dùng và tích lũy, khả năng đầu tư thấp làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, mức sinh cao làm giảm tốc độ tăng GDP bình quân đầu người. Về mặt lý thuyết có thể chứng minh được rằng:

Tỷ lệ gia tăng GDP bình quân đầu người ≈ Tỷ lệ gia tăng GDP - Tỷ lệ gia tăng dân số

Công thức trên cho thấy: dân số tăng nhanh ở các nước nghèo là bất lợi cho tăng trưởng kinh tế, làm chậm quá trình nâng cao đời sống của người dân. Ở Lào, mặc dù GDP năm 2009 tăng 5,78% so với năm 2008, nhưng do dân số tăng tới 2,07%, nên GDP bình quân đầu người chỉ tăng được 3,63%. Như vậy, dù GDP có tăng trưởng mạnh, nhưng dân số tăng nhanh thì đời sống của người dân vẫn chậm được cải thiện. Khi mức sinh cao, quy mô hộ gia đình sẽ lớn (năm 2005, trung bình mỗi hộ gia đình ở Lào có tới 5,8 người), quy mô hộ gia đình càng lớn thì thu nhập, tiêu dùng bình quân đầu người càng thấp.

Thứ ba, mức sinh cao hạn chế việc nâng cao chất lượng dân số. Số liệu thống kê cho thấy, những tỉnh có mức sinh từ 4,7 con/phụ nữ trở xuống, không có tỉnh nào có “tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi” cao hơn mức chung của cả nước. Ngược lại, phần lớn các tỉnh có mức sinh cao từ 4,8 con/phụ nữ trở lên có “tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi” vượt quá mức chung của cả nước. Những tỉnh có mức sinh thấp, từ 4,7 con/phụ nữ trở xuống đều có tuổi thọ của nam và nữ cao hơn mức trung bình toàn quốc và phần lớn những tỉnh có mức sinh cao đều có tuổi thọ thấp.

Giữa mức sinh và tỷ lệ người lớn biết chữ có tương quan tỷ lệ nghịch. Thực tế cho thấy, những tỉnh có mức sinh cao (5 con/phụ nữ trở lên) thường là những tỉnh có tỷ lệ người biết chữ thấp hơn mức trung bình toàn quốc, 4 tỉnh có mức sinh thấp nhất là 4 tỉnh có tỷ lệ người lớn biết chữ cao nhất. Giữa mức sinh và tỷ lệ hộ nghèo có tương quan tỷ lệ thuận: những tỉnh có mức sinh thấp nhất (từ 4,2 con trở xuống) là các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, chỉ bằng một nửa tỷ lệ chung của toàn quốc. Ngược lại, những tỉnh có mức sinh cao (trên 5 con/phụ nữ) là những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Như vậy, mức sinh cao có tác động mạnh mẽ và theo hướng tiêu cực đối với sự phát triển của CHDCND Lào nói riêng, cũng như các nước nghèo nói chung.

Một số khuyến nghị để phát triển tài nguyên con người ở Lào

Báo cáo Chính trị tại Đại hội IX của Đảng NDCM Lào đã xác định: phát triển tài nguyên con người là một trong bốn đột phá nhằm đưa Lào ra khỏi tình trạng nước kém phát triển. Từ những phân tích trên đây cho thấy, để thực hiện khâu đột phá phát triển tài nguyên con người cần có nhiều giải pháp xử lý hài hòa mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng dân số, nguồn nhân lực. Dưới đây xin nêu một số giải pháp cụ thể.

Xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển tài nguyên con người. Phát triển tài nguyên con người là một sự nghiệp quan trọng, phức tạp và lâu dài, vì vậy, để cụ thể hóa chủ trương này, cần xây dựng chiến lược quốc gia trong đó đánh giá đúng thực trạng “tài nguyên con người” của CHDCND Lào hiện nay, nêu rõ quan điểm về phát triển tài nguyên con người, đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn (khoảng 10 năm), xác định rõ các giải pháp huy động, phối hợp và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu này. Sau khi có chiến lược cần tiếp tục xây dựng các chương trình để đạt được các mục tiêu cho từng giai đoạn ngắn hơn (khoảng 5 năm) và các dự án cụ thể để thực hiện mục tiêu của chương trình.

 Xây dựng và thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình. Đây là vấn đề hoàn toàn cần thiết xét ở cả cấp độ xã hội và cấp độ gia đình. Tuy nhiên, cũng có ý ‎kiến cho rằng, do dân số Lào ít, mật độ dân số thấp nên cần duy trì mức sinh cao để tăng nhanh số dân, đáp ứng nhu cầu về lao động. Song trên thực tế, rất nhiều nước có số dân và mật độ dân số tương tự, thậm chí thấp hơn Lào, nhưng trình độ phát triển kinh tế - xã hội rất cao. Ngược lại, nhiều nước có số dân rất lớn, mật độ dân số rất cao nhưng vẫn trong tình trạng kém phát triển. Vấn đề là, sự phát triển của đất nước phụ thuộc vào chất lượng chứ không phải số lượng dân số, nguồn nhân lực.

Đẩy mạnh chính sách di dân. Việc tập trung các bản là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước Lào, bởi nếu điểm dân cư không đạt quy mô dân số cần thiết sẽ khó có thể phát triển được sự nghiệp y tế, giáo dục và các dịch vụ điện, nước, thông tin, liên lạc...

Coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, xây dựng “xã hội học tập”, đa dạng hóa hệ thống giáo dục. Đảng NDCM Lào đặt giáo dục và đào tạo ở vị trí rất cao trong những giải pháp để phát triển. Báo cáo Chính trị tại Đại hội IX của Đảng NDCM Lào chỉ rõ, trong những năm trước mắt sẽ “lấy phát triển hệ thống giáo dục quốc dân và đào tạo con người làm trung tâm và là nhiệm vụ trọng tâm trong bước đột phá”. Với chủ trương đó, rất cần xây dựng và thấm nhuần quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, trong đó, việc xây dựng xã hội học tập đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Một xã hội học tập chỉ có thể thành hiện thực khi hệ thống giáo dục được đa dạng hóa. Một là, đa dạng hóa về hình thức. Bên cạnh hệ thống trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường dạy nghề dành cho nhóm dân số trẻ tuổi (6 - 24 tuổi), cần đa dạng hóa và phát triển các hình thức giáo dục, đào tạo khác dành cho nhóm dân số lớn tuổi. Đó có thể là trường, lớp bổ túc văn hóa, đào tạo từ xa, những khóa học ngắn ngày do các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các hội nghề nghiệp tổ chức, hoặc các chương trình dạy sản xuất, kinh doanh, ngoại ngữ, tin học... trên truyền hình, đài phát thanh. Năm 2008, đã có khoảng 58% hộ gia đình ở Lào có máy thu hình và 63% hộ có đài thu thanh, và tỷ lệ này đang tăng lên(5)  là một cơ hội to lớn cho giáo dục toàn dân. Vì thế, cần xác định giáo dục và đào tạo là một trong những chức năng quan trọng của hệ thống truyền hình, truyền thanh Trung ương và địa phương. Đây là thành phần của hệ thống giáo dục quốc dân không cần trường, lớp nhưng lại có khả năng vượt qua rào cản về địa hình, khoảng cách, sự nghèo khó, dân số thưa thớt, để mang kiến thức, ánh sáng khoa học đến cho toàn dân.

Đa dạng hóa các nguồn lực cho giáo dục, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp xã hội tham gia sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Huy động các nguồn lực cho giáo dục theo hướng tăng ngân sách của Nhà nước, khuyến khích sự đóng góp và đa dạng hóa sự đóng góp về nhân lực, vật lực, tài lực của gia đình, các đơn vị, tổ chức kinh tế - xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước. Ở Lào, ngân sách nhà nước dành cho Bộ Giáo dục trong năm tài chính 2006-2007 là 704.473,95 triệu kíp, chiếm 12,5 % tổng ngân sách chi cho các bộ và cơ quan Trung ương. Trong kế hoạch năm tài chính 2007 - 2008, các con số tương ứng chỉ còn là 476.831,26 triệu kíp và 7,9%(6). Tuy nhiên, đến năm 2010, chi cho giáo dục đã tăng lên tới 17%. Trong khi đó, cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình Lào còn chưa hợp lý. Năm 2007 - 2008, chi cho giáo dục chiếm 1,3%, cho y tế: 1,8%, trong khi chi cho hút và uống chiếm tới 2,3%.

Đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi. Qua điều tra nghiên cứu đã phát hiện một số hành vi có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số và nguồn nhân lực, như kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết, đẻ nhiều, đẻ dày, đẻ muộn, sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá và các chất gây nghiện, không tiêm phòng vắc-xin cho trẻ em, chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con cái... Thực trạng đó cho thấy, xây dựng và thực hiện mạnh mẽ chương trình truyền thông thay đổi hành vi, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức khoa học, để người dân có thái độ tích cực và cuối cùng là thay đổi hành vi nhằm nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực là quan trọng và cấp thiết.

Tăng cường công tác thống kê, nghiên cứu về dân số và nguồn nhân lực. Để xây dựng được chính sách phát triển nguồn lực con người thích hợp, hiệu quả, cần có hệ thống thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ và kiến thức sâu về dân số, nguồn nhân lực cả trên phương diện số lượng và chất lượng./.

-------------------------------------------------

 (1) Do hệ thống số liệu thống kê hiện có chưa đáp ứng yêu cầu phân tích một cách đầy đủ, cập nhật và chi tiết, vì thế, trong một số trường hợp, tác giả phải dùng số liệu cũ, từ năm 2005. Song, hạn chế này không làm thay đổi những kết luận định tính, đồng thời cũng cho thấy nhu cầu cần có những cuộc điều tra nghiên cứu sâu rộng hơn

(2) Steering Committee for the Population and Housing Census. Results of the Population and Housing Census 2005. Vientiane Capital, March, 2006

(3) http://siteresources.worldbank.org/DATASTATISTICS/resources/CLASS.EXL

(4) http://siteresources.worldbank.org/DATASTATISTICS/resources/CLASS.EXL

(5) Lao Department of Statistics, MPI. Poverty in Lao PDR 2008

(6) Lao People’s Democratic Republic. Peace Independence Democracy Unity Prosperity. Official Gazette. Vientiane Capital, Oct. 2008