TCCSĐT - Tối ngày 3-10-2012 (giờ Mỹ) tức sáng 4-10-2012 (giờ Việt Nam), cuộc đối thoại trên truyền hình đầu tiên giữa ứng cử viên của Đảng Dân chủ và là đương kim Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) với ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Mít Rôm-ni (Mítt Romney) đã diễn ra. Theo kết quả điều tra dư luận do Hãng thông tấn CNN tiến hành, 67% ý kiến cho rằng “chiến thắng” trong “trận đầu” này thuộc về ông Mít Rôm-ni.
Đối thoại trên truyền hình - Phép thử nghiệt ngã đối với các ứng viên

Các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng cử viên là phép thử nghiệt ngã đối với các ứng cử viên tổng thống Mỹ xuất phát từ 2 yếu tố quyết định. Một là, nội dung tập trung vào các biện pháp chiến lược để lãnh đạo nước Mỹ. Hai là, cách diễn giải và cách ứng xử của ứng viên trước các cử tri. Yếu tố thứ hai thường có tính quyết định vì phần lớn nội dung và chủ đề tranh luận đã từng được các ứng cử viên trình bày nhiều lần trong các cuộc vận động tranh cử trước đó.

Truyền hình là công cụ báo chí chuyển tải hình ảnh và ngôn ngữ cử chỉ của các ứng cử viên rõ nét nhất, gây tác động lớn hơn lời nói của họ. Theo chuyên gia ngôn ngữ Giên-ni Đai-vơ (Janine Driver), tác giả của cuốn sách "Bạn không thể nói dối", cử chỉ nhún vai cho thấy sự thiếu tự tin, động thái cong môi trên chỉ dấu hiệu ghê tởm, còn động thái chớp mắt hơi nhiều chứng tỏ đối tượng quá căng thẳng. Trên truyền hình, ứng cử viên rất dễ thiếu tự tin khi đứng đối mặt với đối thủ của mình. Giên-ni-ne Đai-vơ gọi đó là “trí thông minh ảo"”. Thí dụ, ứng cử viên Đảng Dân chủ, Phó Tổng thống An-béc Go-rơ (Albert Gore) liên tục thở dài trong cuộc tranh luận với Tổng thống G.W.Bu-sơ năm 2000 nên đã không giành được sự ủng hộ của một lượng lớn cử tri.

Mặc dù không phải cuộc tranh luận nào trên truyền hình giữa các ứng cử viên cũng là sự kiện tạo ra bước ngoặt trong cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ nhưng trong lịch sử bầu cử đã ghi lại thắng lợi và thất bại phụ thuộc vào cuộc tranh luận này. Đó là, cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng cử viên Giôn Ken-ne-đi (John Kennedy) và Ri-sác Níc-xơn (Risard Nixon) năm 1960; giữa ứng cử viên và là Tổng thống Giê-rôn Pho (Gerald Ford) và ứng cử viên Gi-mi Ca-tơ (Jimy Carter) năm 1976; giữa ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Rô-nan Ri-gân (Ronad Reagan) với ứng cử viên và là đương kim Tổng thống Mỹ Gi-mi Ca-tơ vào năm 1980.

Ứng viên Giôn Ken-nơ-đi đã “đánh bại” Ri-sác Ni-xơn nhờ tài hùng biện, thái độ lịch thiệp, cách ứng xử khéo và rất “ăn ảnh”. Rô-nan Ri-gân thắng Gi-mi Ca-tơ chỉ bằng một câu hỏi duy nhất: "Liệu hiện nay các cử tri Mỹ có cảm thấy cuộc sống tốt hơn sau 4 năm cầm quyền của đương kim tổng thống hay không?". Cựu Tổng thống Mỹ Giê-rôn Pho phải chịu thất bại trước ứng cử viên Gi-mi Ca-tơ sau lời tuyên bố, Đông Âu không chịu ảnh hưởng của Liên Xô.

Chỉ có một cuộc tranh luận mà chiến thắng đã không giúp gì cho ứng cử viên. Đó là, năm 2004, Giôn Ke-ry (John Kerry) mặc dù đã giành “chiến thắng” trong tất cả các cuộc tranh luận trên truyền hình nhưng đã phải thua cuộc trước đương kim Tổng thống G.W. Bu-sơ.

Nội dung tranh luận giữa Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và ứng viên Mít Rôm-ni

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa đương kim Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và ứng viên Mít Rôm-ni kéo dài 90 phút chủ yếu tập trung vào các vấn đề đối nội, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính là kinh tế, chăm sóc y tế, vai trò và sự quản lý của chính phủ.

Về chủ đề kinh tế, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma thừa nhận tỷ lệ thất nghiệp trên 8% là cao, nhưng ông đổ lỗi phần lớn trách nhiệm cho chính sách của chính quyền dười thời Tổng thống G.W.Bu-sơ đã đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có kể từ cuộc đại suy thoái đầu những năm 1930. Trong khi ứng viên Mít Rôm-ni cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã thất bại trong các chính sách kinh tế, dẫn đến hàng trăm nghìn người bị mất việc làm trong 4 năm qua. Ông Mít Rôm-ni cũng quy trách nhiệm về món nợ hơn 16.000 tỷ USD hiện nay do một phần của các kế hoạch chi tiêu quá tốn kém của Nhà Trắng. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma lại cảnh báo cử tri về chủ trương giảm thuế đồng đều của ông Mít Rôm-ni vì cách làm đó chỉ nhằm duy trì các chế độ ưu ái đối với thiểu số những người giàu. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma bác bỏ sự cáo buộc của ứng viên Mít Rôm-ni là cắt giảm ngân sách là làm suy yếu quân đội Mỹ và cho rằng đó là một biện pháp giúp cân bằng ngân sách, vừa là cách thức để không phải tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu và các tập đoàn.

Về vấn đề chăm sóc y tế, ứng viên Mít Rôm-ni đồng ý với một số điểm cơ bản trong đạo luật mà Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã ký ban hành, nhưng nhấn mạnh thêm chủ trương chuyển bớt trách nhiệm cho các bang, tư nhân hóa một phần chương trình để người lao động tự do lựa chọn.

Về vai trò và sự quản lý của chính phủ, ông Mít Rôm-ni chủ trương xây dựng một chính phủ gọn nhẹ, không can thiệp vào các vấn đề cụ thể, ngay cả các gói cứu trợ, phó mặc thị trường cho tư nhân. Còn Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vẫn kiên trì với chính sách tăng cường vai trò và sự can thiệp của chính phủ vào mọi lĩnh vực của nước Mỹ.

Ưu thế thuộc về ứng viên Mít Rôm-ni

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa 2 ứng cử viên với lợi thế nghiêng về phía ông Mít Rôm-ni là kết quả khá bất ngờ đối với giới phân tích khi thời gian qua Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma được coi là người có tài hùng biện trong khi ông Mít Rôm-ni liên tục phạm sai lầm mà nổi tiếng nhất là nhận xét của ông cho rằng 47% người Mỹ sống “ăn bám” vào trợ cấp của Chính phủ.

Theo kết quả thăm dò ý kiến do kênh truyền hình CNN thực hiện ngay sau cuộc tranh luận, 67% cử tri chứng kiến cuộc đối đầu này cho rằng, ứng cử viên Mít Rôm-ni đã “chiến thắng” trong khi chỉ có 25% ủng hộ Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma.

Thống đốc bang Ma-ri-lan (Maryland), ông Mác-tin Ô-ma-li (Martin O’Malley) thuộc Đảng Dân chủ thừa nhận rằng, ông Mít Rôm-ni đã trở thành “người thay đổi cuộc chơi” trong cuộc tranh luận vừa qua.

Cố vấn chiến lược chủ chốt của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma trong chiến dịch tranh cử, Đa-vít A-xen-rốt (David Axelrod) nhận xét: "ông Mít Rôm-ni luôn ở thế tiến công. Tôi cho rằng, ông đã dẫn đầu về phong cách đối thoại trong suốt thời gian và tôi có thể cho rằng ông đã giành “chiến thắng”. Tuy nhiên, những gì mà ông nói về ý định dẫn dắt đất nước Mỹ lại đang trái ngược với những gì chúng ta đang nhìn thấy trong thực tế".

Một trong những chuyên gia nghiên cứu chính trị ở địa phương xin được dấu tên nêu nhận xét: “Trong suốt thời gian đối thoại, ứng viên Mít Rôm-ni tạo cho người xem ấn tượng sống động, dễ thuyết phục, luôn mỉm cười và cởi mở, trong khi đó Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma lại tỏ ra quá nghiêm nghị và thoáng chút buồn trên nét mặt. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ông Ba-rắc Ô-ba-ma buộc phải cố che dấu nụ cười với hàm răng trắng giống như một tia chớp có tác động “sát thủ” đối với người đối thoại khi thảo luận những vấn đề không mấy vui vẻ đối với nước Mỹ như nạn thất nghiệp, nợ công và suy thoái kinh tế”.

Tét-di Gra-ham (Teddy Graham), chuyên gia nghiên cứu về các cuộc tranh luận của Đại học Nam I-li-noi (Mỹ) đã nêu ra những điểm mạnh và điểm yếu của các ứng cử viên. Theo ông, ưu thế của cả hai ứng cử viên là sự bình tĩnh, cân bằng và hài hòa. Mặt mạnh của ứng viên Mít Rôm-ni là sự hiểu biết tường tận về mọi chủ đề tranh luận, thường đưa ra những lời nhận xét đầu tiên gây ấn tượng mạnh trong mỗi câu trả lời, có ấn tượng tốt đối với cử tri, khả năng xây dựng lập luận lô-gíc.

Còn điểm yếu của ông này là đôi khi tỏ ra thiếu tự nhiên; không có khả năng kịp thời chuyển từ phòng ngự sang tiến công; luôn mỉm cười có phần vô nghĩa trong bất kỳ câu trả lời nào cũng như trong thời gian đối thủ phát biểu; luôn nói lời cảm ơn sau mỗi câu trả lời.

Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vẫn còn nhiều hy vọng


Sắp tới, giữa các ứng cử viên sẽ còn có 3 cuộc tranh luận, trong đó có 2 cuộc tranh luận giữa Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và ứng viên Mít Rôm-ni, và 1 cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên liên danh vào cương vị Phó Tổng thống Mỹ.

Xtê-phan-ni Cắt-tơ (Stephanie Cutter), Phó Trưởng ban Tham mưu của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma nhận xét: “Mặc dù ưu thế thuộc về ông Mít Rôm-ni, nhưng ông đã áp dụng kỹ thuật giảo hoạt khi đối thoại và điều đó sẽ khó có thể dẫn ông tới chiến thắng cuối cùng. Ông Mít Rôm-ni đã không thật sự chân thành với các cứ tri người Mỹ”.

Theo ông Tét-di Gra-ham, mặt mạnh của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma là sự bình tĩnh trong lập luận, biết tự kiềm chế mình, luôn giữ được phong cách của một đương kim tổng thống, biết lắng nghe, bao giờ cũng chú ý vào chủ đề đối thoại và giữ được lô-gíc tranh luận. Về điểm yếu của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, Tét-di Gra-ham cho rằng, ông B.Ô-ba-ma còn thiếu phần xúc cảm và cách diễn giải khá nhiều.

Trong quá trình tranh luận, chủ đề cải cách y tế của Ba-rắc Ô-ba-ma nhằm trợ giúp y tế cho toàn dân có lẽ là bài toàn khó giải nhất đối với ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Trước đây, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Giôn Bô-ne-rơ (John Bonaire), người của Đảng Cộng hòa, đã từng hứa sẽ nỗ lực hành động để bãi bỏ hệ thống bảo hiểm y tế do ông Ba-rắc Ô-ba-ma đề xuất nhưng đã không thành. Cuối cùng, hệ thống này đã được Tòa án Hiến pháp tối cao Mỹ phê chuẩn. Do đó, hệ thống bảo hiểm y tế chỉ có thể bị bãi bỏ một khi ông Mít Rôm-ni lên cầm quyền. Còn một chủ đề nữa thu hút dư luận xã hội Mỹ là vấn đề thay đổi đạo luật về vũ khí, mà theo đó các công dân Mỹ có quyền tự do sở hữu vũ khí. Đây là vấn đề gây nhức nhối xã hội Mỹ sau khi xẩy ra nhiều vụ thảm sát bằng súng trong thời gian gần đây ở Mỹ. Đến nay chưa có một ứng cử viên nào phát biểu công khai về sự thay đổi này mà chỉ mới hạn chế ở những câu tuyên bố chung chung.

Phê-đô Lu-kia-nôp (Phedor Lukianov), chuyên gia nghiên cứu chính trị ở Nga, nhận xét: ”Sở dĩ ứng viên Mít Rôm-ni giành ưu thế trong cuộc đối thoại đầu tiên vì nội dung đề cập tới vấn đề kinh tế vốn là mặt mạnh của Đảng Cộng hòa, trong đó ông Mít Rôm-ni thuyết phục cử tri rằng việc chỉ ra Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma “không hiểu gì về các vấn đề kinh tế” nhưng đây chỉ là điểm mạnh duy nhất của ông Mít Rôm-ni, còn những nội dung còn lại thì Ba-rắc Ô-ba-ma chiếm ưu thế. Ứng viên Mít Rôm-ni không phải là một chuyên gia toàn diện, ông chỉ là một nhà kinh doanh. Còn lĩnh vực chính trị, đối ngoại và xã hội lại là những điểm mạnh của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và do đó đương kim Tổng thống Mỹ vẫn còn có nhiều cơ hội để giành “chiến thắng”.

Theo ông Xéc-gây Ốt-nô-bi-sép (Xergey Oznobishev), Giám đốc Viện đánh giá chiến lược của Nga, mặc dù trong cuộc tranh luận đầu tiên ứng viên Mít Rôm-ni giành phần thắng nhưng các công trình nghiên cứu rộng hơn chứng tỏ khó có thể phủ nhận ưu thế dẫn đầu của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Hiện tại, ông B.Ô-ba-ma đã vượt trước ông Mít Rôm-ni tới 5-6%. Nếu trong thời gian sắp tới Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma không phạm sai lầm thì ông sẽ dành được số phiếu ủng hộ trên 50%”.

Theo nhận xét của Vi-len I-va-nốp (Vilen Ivanov), cố vấn chính trị của Viện Hàn lâm khoa học Nga, trong những lần tranh luận sắp tới về chính sách đối ngoại và xã hội thì Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma có thể sẽ giành điểm nhiều hơn. Hiện nay đa số người Mỹ đang rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn và họ bị thuyết phục bởi những cam kết cải thiện tình trạng kinh tế xã hội do ông Ba-rắc Ô-ba-ma đưa ra. Ứng viên Mít Rôm-ni chỉ là đại diện cho một tầng lớp giàu có thiểu số, còn Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma lại đại diện cho lợi ích của đa số dân chúng ở tầng lớp dưới của Mỹ.

Các cuộc tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 11-10-2012 giữa các ứng cử viên vào ghế phó tổng thống và cuộc tranh luận vào ngày 16-10-2012 giữa ứng cử viên tổng thống. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 06-11-2012. Theo điều tra dư luận xã hội, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đang vượt trước không đáng kể so với ứng viên Mít Rôm-ni, vào khoảng 5 -7%./.