TCCSĐT - Nâng cao văn hóa giao thông (VHGT) trong cộng đồng để hạn chế tai nạn giao thông là chủ đề chính của Hội thảo “Văn  hóa giao thông các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức ngày 28-9-2012 tại thành phố Cần Thơ. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Năm An toàn giao thông (ATGT) quốc gia 2012, Tháng cao điểm ATGT do Ủy ban ATGT quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và Ban ATGT thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức.

Báo cáo tại Hội thảo, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, cho biết: Qua 4 năm triển khai thực hiện VHGT do Ủy ban ATGT quốc gia phát động, nhận thức về VHGT trong xã hội đã từng bước được nâng lên, góp phần vào việc kiềm chế tai nạn giao thông ở nhiều địa phương. Hàng vạn người đã tích cực tham gia cuộc vận động thông qua các hoạt động mít tinh, hội thảo, diễu hành, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, sáng tác văn học nghệ thuật, báo chí với chủ đề về VHGT… Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều địa phương đã hưởng ứng cuộc vận động xây dựng VHGT với nhiều cách làm thiết thực. Ủy Ban nhân dân tỉnh An Giang đã triển khai cho hơn 7.000 cán bộ, công chức, viên chức thực hiện Kế hoạch về việc “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành pháp luật ATGT và xây dựng VHGT” với những quy định cụ thể như: gương mẫu học tập và chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia; biết tôn trọng, nhường nhịn người khác khi tham gia giao thông; tích cực tuyên truyền người thân và gia đình chấp hành pháp luật về trật tự  ATGT. Tỉnh Bến Tre thực hiện việc ký cam kết giữa cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, lực lượng vũ trang với thủ trưởng cơ quan, đơn vị; học sinh ký cam kết với ban giám hiệu nhà trường không vi phạm về trật tự ATGT; triển khai Chương trình “Chia sẻ nỗi đau đối với các gia đình có người thân bị tai nạn giao thông do người khác gây ra”, qua đó giáo dục đạo đức, lương tâm và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe. Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh  thành phố Cần Thơ đưa nội dung VHGT, ATGT vào lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi đoàn; phối hợp với lực lượng công an thành lập các mô hình “Đoàn đường, tuyến đường ATGT”, “Đội Thanh niên tình nguyện chuyên về ATGT”, “Cổng trường ATGT”, “Bến đò ngang an toàn”, “Khu vực, ấp không có đoàn viên vi phạm trật tự ATGT”…

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều đại biểu tại Hội thảo, hiệu ứng của cuộc vận động VHGT đến nay vẫn chưa cao, chưa trở thành một phong trào sâu, rộng trong xã hội, tai nạn giao thông vẫn tiếp tục là mối đe dọa lớn với cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông kém và đối tượng vi phạm chủ yếu là giới trẻ. Theo số liệu điều tra mới đây của Ủy ban ATGT quốc gia, gần 80% số người bị xử lý do vi phạm khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16-35 tuổi; gần 80% sinh viên khi lái xe gắn máy không có giấy phép lái xe; khoảng 95% sinh viên điều khiển xe khi tham gia giao thông không đúng kỹ thuật; 60% số sinh viên được hỏi cho biết lý do vi phạm là vì không hiểu biết luật giao thông…

Trên cơ sở phân tích, lý giải các nguyên nhân gây nên hạn chế trong thực hiện cuộc vận động xây dựng VHGT, làm cho tình hình trật tự ATGT ở nhiều địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp, Hội thảo đã thống nhất một số giải pháp mà các ngành, các cấp và các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để nâng cao ý thức cộng đồng về VHGT, góp phần kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông. Đó là:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về VHGT, ATGT thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật… để nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật giao thông và tự giác chấp hành.

- Xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông với một số tiêu chí quan trọng như: bắt buộc người tham gia giao thông phải hiểu biết đầy đủ và chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông; khi tham gia giao thông phải biết nhường nhịn, tôn trọng lợi ích người khác; có thái độ nhân ái, cư xử có văn hóa, giúp đỡ lẫn nhau khi xảy ra tai nạn giao thông…

- Tăng cường biên soạn và phổ cập tài liệu về VHGT, ATGT đến các gia đình, khu dân cư, trường học, nơi công cộng phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của từng loại đối tượng. Ngành giáo dục cần đưa nội dung giáo dục về VHGT, ATGT vào chương trình chính khóa.

- Phát động các đợt vận động trong giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên; cán bộ công chức, viên chức; lực lượng vũ trang gương mẫu học tập, chấp hành và vận động người thân, gia đình học tập, chấp hành tốt pháp luật giao thông.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và có những giải pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng xuê xoa, xin - cho, tiêu cực của cơ quan chức năng khi xử lý các vụ vi phạm.

- VHGT cần được tuyên truyền và thực hiện thường xuyên trong các doanh nghiệp có liên quan đến giao thông, như: doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa (xe phải bảo đảm an toàn, không chở quá tải trọng cho phép, không phóng nhanh vượt ẩu…); doanh nghiệp làm cầu đường (không làm cầu đường không bảo đảm kỹ thuật, an toàn; thi công kéo dài gây mất an toàn cho người tham gia giao thông…).

- Ở vùng ĐBSCL, cần quan tâm xây dựng VHGT ở các khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân thộc thiểu số, xây dựng VHGT cả đường bộ và đường thủy.../.