Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn: Bước đột phá mới của tỉnh Đồng Nai
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn là tiền đề phát triển các lĩnh vực khác
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa VIII đã ban hành Kế hoạch số 97-KH/TU về việc “Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương”, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn có vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân khu vực nông thôn, là tiền đề để phát triển các lĩnh vực khác. Đến lượt mình, khi các lĩnh vực khác được đầu tư thích đáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Từ khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đến hết nhiệm kỳ khóa VIII của Đảng bộ tỉnh, bằng nhiều biện pháp huy động các nguồn lực trong xã hội, tỉnh Đồng Nai đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn với tổng lượng vốn trên 2.583 tỷ đồng, chiếm 59% tổng vốn đầu tư cho khu vực nông thôn. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước là trên 2.165 tỷ đồng (chiếm 83,8%), nhân dân đóng góp trên 110 tỷ đồng (chiếm 4,3%), vốn vay trên 28 tỷ đồng (chiếm 1,1%) và các nguồn vốn khác trên 278,5 tỷ đồng (chiếm 10,8%). Với lượng vốn đầu tư trên đây, Đồng Nai đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 639 km đường giao thông nông thôn; 258 km đường điện trung, hạ thế; 157 trạm biến áp; xây mới và sửa chữa nâng cấp hơn 1.500 phòng học, 66 trạm y tế, 49 công trình nhà văn hóa - thể thao xã; 15 chợ nông thôn, 4 công trình thủy lợi và kênh mương nội đồng; xây mới 12 hệ thống cấp nước sinh hoạt, 5 giếng khoan công nghiệp; hỗ trợ xây dựng 1.807 công trình vệ sinh công cộng, xử lý nước thải chăn nuôi hợp vệ sinh và mở rộng mạng lưới bưu chính viễn thông khắp toàn tỉnh. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn trong thời gian qua đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, đời sống người dân nông thôn từng bước được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, đó là: hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng bộ, kịp thời; việc huy động các nguồn vốn trong xã hội, nhất là nguồn lực trong nhân dân và các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông xã vẫn thấp (mới đạt 42,2%, trong khi kế hoạch là 70%), nhất là hệ thống giao thông các xã vùng sâu, vùng xa; công tác kiên cố hóa kênh mương nội đồng còn chậm, hiệu quả sử dụng nước sạch chưa cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Những hạn chế trên, ngoài do những nguyên nhân khách quan, như cơ chế, chính sách, giá cả thị trường,... còn do những nguyên nhân chủ quan, như một số cấp ủy, chính quyền địa phương lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa đồng bộ, kịp thời; công tác tuyên truyền vận động nhân dân chưa sâu rộng, người dân chưa thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Một số bài học kinh nghiệm
Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sát sao thường xuyên đánh giá tình hình, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
Thứ hai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn là khâu đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cần tập trung ưu tiên những hạng mục kết cấu hạ tầng thiết yếu, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Trên cơ sở đó, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là các nguồn lực trong nhân dân, để đầu tư phát triển. Điều quan trọng là phải tạo được bước chuyển thực sự về nhận thức trong nhân dân, bởi lẽ chỉ khi nhân dân đồng thuận hưởng ứng, thì việc xây dựng nông thôn mới mới có hiệu quả.
Thứ ba, lựa chọn và phân công những cán bộ tâm huyết, chủ động, sáng tạo, gắn bó, chia sẻ với nông dân, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Đồng thời, phát huy cao độ vai trò của hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở, nhất là vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, trước hết là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Người cao tuổi,... trong triển khai thực hiện các chương trình.
Những giải pháp thực hiện bước đột phá mới
Để hoàn thành tốt mục tiêu tổng quát trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2011 - 2015 của Tỉnh: “Phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao chất lượng phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Đảng bộ Đồng Nai xây dựng chương trình hành động cụ thể, thực hiện 6 bước đột phá, trong đó có phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Để thực hiện chương trình này Đồng Nai đã và đang tiến hành những bước đi cụ thể:
Một là, tập trung quán triệt sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là sự nghiệp của toàn Đảng bộ tỉnh, toàn dân và của cả hệ thống chính trị tỉnh nhằm tạo bước đột phá trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân thấy rõ vai trò, vị trí phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để góp phần tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân nông thôn. Tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và từng người dân nhằm chuyển từ nhận thức đến hành động để người dân thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn nói riêng, trên cơ sở đó tiếp tục thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”. Đồng thời đẩy mạnh sâu rộng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Hai là, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch về xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đặc biệt chú trọng lập, triển khai quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Trên cơ sở đó, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống thủy lợi, nước sạch, đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà ở, cụm dân cư, chợ nông thôn, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới.
Ba là, huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội (nguồn Trung ương, địa phương, nguồn tín dụng, nguồn doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nguồn lồng ghép từ các chương trình,...) để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo quy hoạch. Đặc biệt quan tâm huy động nguồn lực trong nhân dân và các doanh nghiệp.
Bốn là, tập trung đầu tư xây dựng các tuyến giao thông nội đồng, tuyến đường đến các vùng sản xuất tập trung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và lưu thông hàng hóa; nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các công trình thủy lợi, chú trọng duy tu, sửa chữa các công trình đầu mối hồ chứa nước; huy động các nguồn lực để đầu tư nguồn điện trung, hạ thế đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; tiếp tục đầu tư các hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã điểm; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, phát triển các trung tâm văn hóa, chợ nông thôn; chú trọng đưa công nghệ thông tin về vùng sâu, vùng xa.
Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là ở các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đẩy mạnh công tác giáo dục - đào tạo ở nông thôn, xem đây là giải pháp quan trọng để thoát nghèo nhanh, phát triển bền vững. Quan tâm đặc biệt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tích cực chỉ đạo rà soát, vận dụng có hiệu quả các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội, khuyến nông, khuyến công, chính sách đào tạo nghề để hỗ trợ các hộ nghèo nâng cao năng lực sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ của ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở. Tiếp tục mở các lớp đào tạo cán bộ cấp xã đạt trình độ trung cấp, đại học; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị ở nông thôn. Tăng cường cán bộ chủ chốt, cán bộ khuyến nông để giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Bảy là, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở đủ mạnh nhằm đáp ứng và xử lý kịp thời các yêu cầu đặt ra trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đề cao trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, của người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu cơ quan chính quyền. Phát huy cao độ sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Người cao tuổi trong thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn chỉnh, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn./.
Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở ở tỉnh Vĩnh Phúc  (18/09/2012)
Điện mừng Quốc khánh lần thứ 202 của Cộng hòa Chile  (18/09/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khai giảng Học viện Quốc phòng  (18/09/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên