Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở ở tỉnh Vĩnh Phúc
Dấu ấn tăng trưởng ấn tượng qua 15 năm phát triển
Vĩnh Phúc có diện tích 1.231 km2, dân số trên 1 triệu người; tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện, với 137 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc có 14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 617 tổ chức cơ sở đảng và trên 50 nghìn đảng viên.
Những ngày đầu tái lập, Vĩnh Phúc là tỉnh nghèo và có nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở cả đô thị và nông thôn còn thiếu và yếu. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 140 USD, bằng 48% mức bình quân chung của cả nước.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương, đề ra mục tiêu chiến lược có cơ sở khoa học, đồng thời xác định được hướng đi đúng, có bước đi thích hợp; đề ra những giải pháp đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển.
Sau 15 năm tái lập, từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, đến nay, Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn; là trung tâm sản xuất ô-tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại; bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới, tiến bộ. Kinh tế của tỉnh liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, bình quân 15 năm qua tăng trên 17%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hiện nay, công nghiệp - dịch vụ chiếm 84,5% GDP. Tổng thu ngân sách tăng nhanh từ chưa đầy 100 tỉ đồng (năm 1997) lên 10.000 tỉ đồng (năm 2009) và đạt 16.714 tỉ đồng (năm 2011). Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 42,9 triệu đồng (trên 2.000 USD), gấp 15 lần khi tái lập tỉnh.
Vĩnh Phúc cũng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 1997, tỉnh mới có 14 dự án đầu tư được cấp giấy phép với số vốn đăng ký là 303 triệu USD. Đến năm 2011, tỉnh đã thu hút được 681 dự án, trong đó có 127 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký là 2.420,9 triệu USD và 554 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký đạt 32.829,8 tỉ đồng.
Cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; quốc phòng được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hệ thống chính trị các cấp ngày càng được củng cố; công tác đối ngoại được mở rộng; an sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở của tỉnh Vĩnh Phúc: thành tựu và hạn chế
Đạt được những thành tựu nói trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự quan tâm, chăm lo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở.
Lãnh đạo tỉnh nhận thức rõ, cán bộ là gốc của mọi công việc, “cán bộ nào, phong trào ấy”, cán bộ, công chức cấp cơ sở là bộ phận trực tiếp tổ chức, thực hiện, đưa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; trực tiếp giải quyết các công việc hằng ngày của nhân dân; là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nâng cao chất lượng đội ngũ này sẽ góp phần giúp chính quyền cấp cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Ngay sau khi tái lập, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày 25-4-1998, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về công tác cán bộ đến năm 2010. Trên cơ sở đánh giá những hạn chế, khuyết điểm, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương; phấn đấu đến năm 2010, đa số các đồng chí là thường vụ đảng ủy cấp xã có trình độ đại học về chuyên môn hoặc đại học chính trị.
Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết, nhiều giải pháp đã được đề ra, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 04-KH/TU, ngày 05-5-1998, về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở đến năm 2010, trong đó xác định cụ thể đối tượng, mục tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho từng giai đoạn, với nhiều hình thức khác nhau: từ đào tạo phổ thông đến đào tạo chuyên nghiệp, từ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đến đào tạo lý luận chính trị, từ đào tạo cập nhật kiến thức đến đào tạo chuyên sâu. Cùng với đó là các quy định về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ nói chung và cán bộ cấp cơ sở nói riêng được ban hành. Do đó, đã kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ cấp cơ sở học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; nhằm nâng cao hơn nữa nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 25-02-2008, về phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Từ Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2008/NQ-HĐND, ngày 25-7-2008, về một số chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Quyết định số 57/2008/QĐ-UBND, ngày 06-11-2008, về một số cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Trong đó có chính sách hỗ trợ toàn bộ kinh phí, tài liệu để đào tạo cho những cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã để đến năm 2010 bảo đảm 100% số cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV, ngày 16-01-2004, của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đến nay, cán bộ, công chức cấp cơ sở của tỉnh cơ bản bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009, của Chính phủ, với 95,5% số cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định, trong đó trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học đạt 28,16% (tăng 17,66% so với năm 2007 và tăng 22,24% so với năm 1998); trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 58,4% (tăng 6,1% so với năm 2007 và tăng 20,34% so với năm 1998).
Cùng với đào tạo, bồi dưỡng, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, công chức cấp xã được chú trọng. Ngay sau khi tái lập tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 09-HD/TU, ngày 17-9-1998, về công tác quy hoạch cán bộ đến năm 2010; Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 22-9-1998, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch cán bộ tỉnh đến năm 2010. Thực hiện sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tiến hành quy hoạch 06 chức danh chủ chốt xã, phường, thị trấn đến năm 2010 với đầy đủ các bước: điều tra, khảo sát; đánh giá, lựa chọn, tổ chức hội nghị giới thiệu quy hoạch; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch. Định kỳ hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch để bảo đảm phương châm quy hoạch cán bộ luôn “động”.
Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004, của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đã có 1.947 lượt cán bộ được quy hoạch 06 chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005 - 2010; 2.621 lượt cán bộ được quy hoạch ban chấp hành, 913 lượt cán bộ được quy hoạch ban thường vụ và 2.477 lượt cán bộ quy hoạch 06 chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2010 - 2015.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-01-2002, của Bộ Chính trị, về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 19-KH/TU, ngày 22-5-2002, về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 01-7-2008, về tăng cường công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2008 - 2015. Đã luân chuyển được 50 lượt cán bộ cấp cơ sở, trong đó: luân chuyển từ huyện, thị xã, thành phố về xã, phường, thị trấn: 16 đồng chí, luân chuyển từ xã, phường, thị trấn lên huyện, thị xã, thành phố: 33 đồng chí; luân chuyển từ xã này sang xã khác: 01 đồng chí.
Công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ, công chức cấp cơ sở được triển khai bài bản, nền nếp, giúp các xã, phường, thị trấn cơ bản chủ động được nguồn nhân sự trong các dịp bầu cử: Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2010 - 2015 bầu được 2.382 đồng chí vào ban chấp hành (trong đó cán bộ trẻ có 485 đồng chí, chiếm 13,22%, tăng 2,62% so với nhiệm kỳ 2005 - 2010; cán bộ nữ: 582 đồng chí, chiếm 15,85%, tăng 2,45% so với nhiệm kỳ 2005 - 2010); bầu 961 đồng chí giữ các chức danh chủ chốt (trong đó cán bộ trẻ có 24 đồng chí, chiếm 2,5%; cán bộ nữ: 25 đồng chí, chiếm 2,6%). Đã bầu được 3.229 đại biểu HĐND cấp cơ sở nhiệm kỳ 2011 - 2016, trong đó có 395 đại biểu trẻ, chiếm 12,2%, và 581 đại biểu nữ, chiếm 18%.
Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp cơ sở được quan tâm kịp thời. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ nói chung và cán bộ cấp cơ sở nói riêng. Ngoài những quy định chung, tỉnh đã xem xét, bổ sung tăng thêm so với định mức của Nghị định số 92 của Chính phủ là 16.046 người; hỗ trợ đối với phó chỉ huy trưởng quân sự, phó trưởng công an, công an viên cấp xã được đóng bảo hiểm xã hội bằng 18% mức lương tối thiểu; hỗ trợ thêm từ 0,86 đến 1,34 mức lương tối thiểu cho phó chỉ huy trưởng quân sự, phó trưởng công an cấp xã được đào tạo chính quy và phù hợp với chức danh công tác; hỗ trợ công an viên ở thôn, tổ dân phố đóng bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương tối thiểu...
Do làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ các cấp và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ một cách hợp lý, nên chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao cả về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức và trình độ năng lực lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ổn định và ngày càng vững mạnh, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác cán bộ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc những năm qua cũng bộc lộ một số hạn chế: Năng lực lãnh đạo, quản lý của một số cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thiếu chủ động sáng tạo, nhất là trong việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chính sách của cấp trên vào thực tế từng địa phương. Kỹ năng quản lý của cán bộ, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ của công chức còn hạn chế, dẫn đến chất lượng công tác chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức sa sút về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có biểu hiện quan liêu, xa dân, gây phiền nhiễu cho nhân dân, chưa thực sự toàn tâm, toàn ý vì công việc được giao.
Hướng về cơ sở, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở
Để đội ngũ cán bộ cơ sở hoạt động có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục hướng về cơ sở, tập trung chỉ đạo sớm chuẩn hóa 100% số cán bộ, công chức cấp cơ sở; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuyên sâu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, kể cả cán bộ không chuyên trách trên địa bàn tỉnh; củng cố, xây dựng chính quyền vững mạnh ngay từ cơ sở, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV, ngày 16-01-2004, của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 25-2-2008, của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và các chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan đến cán bộ, công chức cơ sở để không ngừng nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành về vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở và để mỗi cán bộ, công chức cấp cơ sở ý thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát và bổ sung các quy định, quy chế, chế độ chính sách liên quan đến công tác cán bộ nói chung và cán bộ cơ sở nói riêng cho phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương. Xây dựng quy định phân công cấp ủy định kỳ về dự sinh hoạt đảng với chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn. Ban hành hướng dẫn cán bộ, công chức cấp xã ngoài việc dự sinh hoạt đảng tại chi bộ cơ quan phải về sinh hoạt đảng ở chi bộ nơi cư trú.
Hai là, tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch cán bộ nói chung và cấp cơ sở nói riêng. Coi việc xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch là một nội dung công tác quan trọng của cấp ủy. Lãnh đạo ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy để chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hoàn thành việc xây dựng quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2015 - 2020.
Ba là, rà soát số cán bộ, công chức cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa đạt chuẩn theo quy định; trên cơ sở đó phân loại, sắp xếp và xây dựng kế hoạch hoàn thành việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng: ở các xã có nguồn cán bộ thay thế tốt hơn thì sắp xếp cho nghỉ trước tuổi đối với những cán bộ, công chức đã cao tuổi, năng lực hạn chế và chưa đạt chuẩn; đối với cán bộ còn đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ tới nhưng chưa đạt chuẩn, thì tiến hành tổng hợp số lượng, ngành nghề để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Đến năm 2015, cán bộ, công chức cấp cơ sở chưa đạt chuẩn quy định sẽ xem xét cho nghỉ trước tuổi hoặc điều chuyển công việc khác; đối với công chức tuyển dụng mới bắt buộc phải đạt chuẩn theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; cán bộ chủ chốt phải có trình độ đại học chuyên môn và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
Bốn là, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, rèn luyện về kỹ năng quản lý, phương pháp làm việc, kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức chuyên môn và kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ “vừa nói được, vừa làm được”; chuyển từ đào tạo, bồi dưỡng dài ngày sang đào tạo ngắn ngày dưới hình thức các lớp tập huấn, hội thảo; đào tạo gắn với cơ cấu ngành, nghề hợp lý, bảo đảm sự phát triển toàn diện của địa phương. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành, thị xã.
Năm là, thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, công chức hằng năm. Duy trì việc khống chế tỷ lệ cán bộ được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ để việc đánh giá bảo đảm thực chất, tạo động lực cho cán bộ thi đua phấn đấu và làm căn cứ quan trọng cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ. Gắn kiểm điểm hằng năm với kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và công tác khen thưởng, kỷ luật.
Sáu là, tăng cường công tác luân chuyển cán bộ, công chức nói chung và cấp cơ sở nói riêng. Các huyện, thành phố, thị xã dành từ 5% đến 10% biên chế được giao để tăng cường công tác luân chuyển cán bộ, công chức về cơ sở và ngược lại. Đối với những cơ sở yếu kém, đội ngũ cán bộ tại chỗ không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu thì tăng cường những cán bộ có phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm công tác ở cấp trên hoặc từ nơi khác về thay thế, từng bước thực hiện chủ trương cán bộ chủ chốt cấp xã không nhất thiết là người địa phương. Nghiên cứu, xây dựng đề án tuyển dụng, bố trí sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chính quy về làm việc tại các xã, phường, thị trấn./.
Điện mừng Quốc khánh lần thứ 202 của Cộng hòa Chile  (18/09/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khai giảng Học viện Quốc phòng  (18/09/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Australia  (18/09/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên