TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 13-9-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hộ tịch và nghe Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Về Luật Hộ tịch, đây là lần đầu tiên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này. Tờ trình về dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ: Đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, thông qua đó giúp Nhà nước quản lý dân cư, tạo cơ sở để xây dựng, hoạch định và phát triển chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để công nhận và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Các sự kiện hộ tịch cơ bản của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết đều phải được đăng ký, bao gồm: khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính... 

Thực hiện các Nghị định của Chính phủ, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta đã có những bước phát triển tương đối ổn định, đạt được những kết quả cụ thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, cùng với việc dịch chuyển dân cư trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng, thì công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch tuy nhiều, nhưng chủ yếu là Nghị định, Thông tư hướng dẫn, nên hiệu lực thi hành còn hạn chế. Quy định về hộ tịch trong nhiều văn bản nên dẫn đến phức tạp, khó áp dụng đối với cả người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch. Do pháp luật quy định mỗi sự kiện hộ tịch (sinh, kết hôn, tử, nuôi con nuôi, giám hộ…) được đăng ký vào một sổ riêng (Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký kết hôn, Sổ đăng ký tử, Sổ đăng ký nuôi con nuôi…), và thực tế cho thấy các sự kiện hộ tịch của một người có thể được đăng ký ở nhiều địa phương, nhiều cấp khác nhau , thậm chí ở nước ngoài , nên dẫn đến tình trạng các dữ liệu hộ tịch của cá nhân bị phân tán , không xâu chuỗi/kết nối được với nhau, cơ quan đăng ký hộ tịch không quản lý được dữ liệu hộ tịch cá nhân, Nhà nước cũng không nắm được sự di/biến động về hộ tịch. Điều đó đã làm hạn chế khả năng kiểm tra thông tin về hộ tịch của cá nhân, việc tra cứu, khai thác thông tin hộ tịch để phục vụ yêu cầu của người dân và cơ quan, tổ chức trong nhiều trường hợp không đáp ứng được… Những bất cập, hạn chế trên không những làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, mà còn làm giảm hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý nhà nước và xã hội . Kết quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch thời gian qua cũng không đóng góp được nhiều vào việc hoạch định, xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh. 

Từ thực trạng đó, việc ban hành Luật Hộ tịch là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục những tồn tại, bất cập và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho công tác này theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Dự thảo Luật Hộ tịch quy định nguyên tắc, nội dung, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong đăng ký hộ tịch; sổ bộ hộ tịch, sổ hộ tịch cá nhân, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý hộ tịch. Dự thảo Luật Hộ tịch gồm 9 chương và 86 điều. 

Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật Hộ tịch như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các ý kiến cho rằng làm tốt công tác hộ tịch là tiền đề quan trọng để các cơ quan nhà nước thực hiện công tác quản lý dân cư và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên nhiều ý kiến đại biểu vẫn còn băn khoăn với tính khả thi của dự án luật và đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc, làm rõ hơn một số nội dung quan trọng của dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh những quy định của dự án Luật Hộ tịch cần đơn giản, tránh chồng chéo, thuận lợi, dễ áp dụng đối với người dân. 

Vấn đề xây dựng số định danh công dân là một trong những điểm mới quan trọng của dự án Luật Hộ tịch so với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội hiện nay không căn cứ vào số, mà thường căn cứ vào các yếu tố nhân thân (như tên họ, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch…) để phân biệt người này với người khác. Việc căn cứ vào các yếu tố nêu trên không phải lúc nào cũng bảo đảm chính xác, đặc biệt nhiều khi rất khó xác định do công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc các cơ quan nhà nước cấp các loại giấy tờ có số liên quan đến công dân (như giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế…) cũng chỉ nhằm sử dụng cho một mục đích nhất định, chứ không phải là loại giấy/số để truy nguyên cá thể. Mặt khác, việc cấp, quản lý, sử dụng các loại giấy có số này cũng không có sự thống nhất, không kết nối được với nhau, nên cũng không góp ích được nhiều trong công tác quản lý nhà nước và xã hội. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên , nhất là trong điều kiện phát triển của kỹ thuật số hóa như hiện nay, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, dự án Luật Hộ tịch (Điều 10) quy định về việc cấp số định danh cho công dân Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh gây xáo trộn, thì chỉ nên cấp số định danh cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh theo quy định của Luật mới (khoản 3, Điều 24). Số định danh được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân và giấy tờ khác của cá nhân theo quy định của pháp luật. 

Về vấn đề này, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban pháp luật là cơ quan thẩm tra dự án Luật tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì việc cấp số định danh công dân là cần thiết, giúp xác định, truy nguyên danh tính công dân được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm cho việc quản lý hộ tịch, quản lý xã hội được chặt chẽ phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của các cơ quan, các ngành, các cấp. Có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của số định danh công dân thế nào, bao gồm những nội dung gì? Có bảo đảm được quyền bí mật đời tư không…? Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng, việc cấp số định danh công dân cần làm rõ những vấn đề đó để tiến tới mỗi người dân chỉ có một mã số quản lý duy nhất dùng chung cho các giấy tờ cá nhân do cơ quan nhà nước cấp. Tuy nhiên dự thảo Luật quy định số định danh công dân chỉ được cấp cho công dân Việt Nam "sinh ra kể từ ngày Luật này có hiệu lực", nghĩa là đối với hơn 87 triệu người dân sinh ra trước đó thì không được cấp số định danh và vẫn được quản lý theo cơ chế cũ. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc nếu không cấp số định danh được cho tất cả công dân thì sẽ không phát huy tác dụng. Theo đại biểu Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nếu không cấp được hết cho hơn 87 triệu người dân sinh ra trước khi Luật có hiệu lực thì cần phải cấp cho trẻ dưới 14 tuổi, làm sao để tạo ra số người sử dụng nhiều hơn thì mới phát huy tác dụng phục vụ công tác quản lý. 

Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn nhiều quan điểm khác nhau về tiếp tục phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho Ủy ban nhân dân cấp xã; Về Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân; chức danh Hộ tịch viên… 

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận: Chính phủ trình dự án Luật với tinh thần cải cách, đổi mới mạnh mẽ để đơn giản, thuận tiện, công khai minh bạch theo tinh thần cải cách hành chính có lợi cho người dân. Tuy nhiên qua phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn băn khoăn về một số nội dung; có những vấn đề phải tiếp tục làm rõ hơn.Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện thêm dự án Luật.

** Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Báo cáo giám sát, sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, kết quả quan trọng nhất là hàng trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống; xuất hiện một số mô hình sản xuất, chăn nuôi, chuyển nghề hiệu quả. Một số điểm định canh định cư và tái định cư, khu dân cư được quy hoạch, đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, từ chỗ không có nhà ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất; nhiều hộ nghèo đói, du canh, du cư, di cư tự do, nay đã có nhà ở, có đất sản xuất, được sở hữu, làm chủ tư liệu sản xuất; đời sống bước đầu đã được ổn định...

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, gần bằng số hộ cần đầu tư của giai đoạn khởi đầu chính sách (2002 - 2008). Qua giám sát, nổi lên một số tồn tại, bất cập, hạn chế như: Công tác tổng hợp số liệu, rà soát, xác định đúng đối tượng thụ hưởng chính sách này còn hạn chế. Trong khi đó, công tác tham mưu, hoạch định chính sách còn bị động, giải quyết tình thế; công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc đang có biểu hiện chồng chéo, thiếu tập trung. Mục tiêu hạn chế nhanh, đi đến chấm dứt tình trạng di cư tự do vẫn đang là thách thức..

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát, phản ánh tương đối đầy đủ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số với những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, bất cập, tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại và đề xuất, kiến nghị những giải pháp, đề xuất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, trong đó tập trung đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và biện pháp, nguồn lực, thời hạn cụ thể giải quyết tình trạng còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất.

Theo Đoàn giám sát và các bộ, ngành liên quan, vấn đề nan giải, khó khăn nhất hiện nay là quỹ đất sản xuất có hạn, nhất là vùng núi đá phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, chưa thể trả lời khi nào giải quyết xong tình hình thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Không có nguồn đất, bên cạnh đó là dân cư tăng, tách hộ; chưa giải quyết căn bản vấn đề việc làm cho đồng bào, ứng dụng khoa học – công  nghệ còn hạn chế... là những nguyên nhân khiến sức ép về đất sản xuất ngày càng tăng. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện chứ không chỉ riêng vấn đề đất đai; nghiên cứu đầu tư để phát triển theo đặc thù vùng khó khăn về điều kiện tự nhiên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giải pháp quan trọng đặt ra hiện nay là quy hoạch và phân bố lại nguồn lực đất đai, trong đó cần thực hiện tốt mục tiêu thu hồi đất từ các nông, lâm trường để tạo quỹ đất, giao cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất, không có đất sản xuất; tăng cường hỗ trợ đất khai hoang phục hóa và cũng phải tính đến việc mua đất cho người dân. Bên cạnh đó là hạn chế tình trạng chuyển nhượng vì thực tế có những hộ tái thiếu đất do sang nhượng hoặc được giao đất nhưng di chuyển đi nơi khác, nhận đất nhưng không sử dụng... Trong tình hình hạn chế về nguồn đất, căn cơ nhất là chuyển hướng sang tạo việc làm, dạy nghề; tiếp tục các chương trình đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để từ đó, ổn định sinh hoạt, sản xuất, học tập, đóng góp vào đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giàu cho đất nước là một nhiệm vụ nặng nề, cần đưa ra được mục tiêu, giải pháp và thời hạn cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng loại hình. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất phải tùy thuộc vào đặc thù, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng, từng cộng đồng dân tộc thiểu số và từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó là chú trọng các giải pháp hỗ trợ việc làm, đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật..

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đối với vấn đề di cư tự do, một mặt cần quy hoạch để dân vào vùng có đất nhưng quan trọng hơn là tổ chức tốt cuộc sống tại chỗ, với điều kiện đất ít hơn nhưng là nơi có văn hóa, truyền thống, cộng đồng, làng xóm, tiếng nói, chữ viết... của đồng bào.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí việc ban hành Nghị quyết với 3 nội dung: Khẳng định kết quả cuộc giám sát; yêu cầu Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, yếu kém, tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; mục tiêu, giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng 300.000 hộ dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Giao trách nhiệm nghiên cứu, bổ sung các quy định đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai trong vùng dân tộc thiểu số khi sửa đổi Luật Đất đai và một số luật liên quan.../.