Ngày 28-8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh (2-9-1912 - 2-9-2012) đồng chí Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, nhà ngoại giao lớn của đất nước. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài diễn văn ôn lại thân thế sự nghiệp của đồng chí Xuân Thủy.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ,

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Kính thưa đại diện gia đình đồng chí Xuân Thủy,

Thưa các đồng chí,

Hôm nay, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong không khí vui mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và thành lập ngành Ngoại giao 28-8, Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Xuân Thủy - người chiến sĩ cách mạng, nhà ngoại giao lớn của đất nước.

Thay mặt lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao, tôi rất vinh dự được chào đón đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, gia đình Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các đồng chí nguyễn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các cán bộ hưu trí của Bộ Ngoại giao, và toàn thể các quý vị đại biểu đã tới tham dự Lễ kỷ niệm đầy ý nghĩa này.

 

Lễ kỷ niệm hôm nay là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi, đặc biệt là những cống hiến của Đồng chí Xuân Thủy cho sự nghiệp đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; để nêu tấm gương sáng ngời của đồng chí cho các thế hệ cán bộ đối ngoại hôm nay và mai sau; đồng thời cũng là dịp chiêm nghiệm và rút ra các bài học về xử lý đối ngoại của đồng chí mà trong bối cảnh hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. 

Thưa các đồng chí,

Đồng chí Xuân Thủy sinh ngày 02-9-1912, tại thôn Hòa Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Xuất thân từ một gia đình nông thôn, nho học và yêu nước, ngay từ tuổi niên thiếu, đồng chí đã nhận được ảnh hưởng tốt của gia đình và của các phong trào yêu nước.

Đồng chí Xuân Thủy giác ngộ cách mạng từ rất sớm, đúng vào lúc phong trào cách mạng nước ta vừa trải qua cơn khủng bố đẫm máu của thực dân Pháp. Bất chấp mọi gian nguy thử thách, đồng chí đã hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng ngay tại quê nhà. Bị địch bắt và tù đày, đồng chí vẫn luôn tin tưởng vào sự nghiệp của Đảng và tích cực hoạt động nên năm 1941 đã được kết nạp vào Đảng và được công nhận ngay là đảng viên chính thức. Năm 1944, ở nhà tù ra, đồng chí hoạt động bí mật và được giao phụ trách báo Cứu Quốc do Bác Hồ sáng lập của Tổng Bộ Việt Minh và tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được cử vào Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ, Trưởng Ban Tuyên truyền của Tổng Bộ Việt Minh, chủ bút báo Cứu Quốc hàng ngày.

Cuối năm 1945, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1955, đồng chí được bầu bổ sung là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng; năm 1968 được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và tiếp tục là Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí đã lần lượt phụ trách các Ban, Mặt trận và sau đó là Ban Dân vận - Mặt trận, Ban Công tác đối thoại, Ban Quốc tế nhân dân của Đảng.

Đồng chí liên tục là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII và đã từng giữ các chức vụ Trưởng Đoàn đại biểu Việt Minh, Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội (khóa I), Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa II và khóa III), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa IV), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước (khóa VII). 

Đồng chí làm Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 1963 đến năm 1965, làm Trưởng Ban Đối ngoại của Đảng từ năm 1966 đến năm 1979, trong đó làm Bộ trưởng đặc trách Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1973.

Về lĩnh vực văn học, báo chí, đồng chí Xuân Thủy đã có nhiều tác phẩm có giá trị trong nước và ngoài nước, đã được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa I (năm 1950) và khóa II (năm 1959), tham gia Ban Chấp hành Tổ chức Nhà báo quốc tế OIJ.

Ghi nhận công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí Xuân Thủy đối với Tổ quốc, với ngành ngoại giao, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng đồng chí những phần thưởng cao quý nhất như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Thưa các đồng chí,

Là một học trò có đức, có tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Đảng và Bác Hồ giao phó nhiều trọng trách, đồng chí Xuân Thủy luôn thể hiện phẩm chất cách mạng kiên trung, tài năng, trí tuệ của mình và đã có những đóng góp và cống hiến hết sức to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động cách mạng đấu tranh giành chính quyền, bất chấp mọi gian nguy, dù bị địch bắt và tù đày, đồng chí vẫn luôn hăng hái hoạt động tuyên truyền cách mạng, không ngừng rèn giũa ý chí phấn đấu và luôn tin tưởng vào sự nghiệp của Đảng. Đồng chí đã từng kể: “Trong nhà tù đế quốc, chẳng biết ngày mai số phận ra sao nhưng hễ nói đến học là ham thích, coi đó như lẽ sống, xác định dứt khoát còn sống ngày nào là phải học ngày đó, học gấp, học càng nhiều càng tốt, không chỉ học để mai đây nếu thoát khỏi nhà tù sẽ có đầy đủ hành trang để hoàn thành sự nghiệp cách mạng, mà lỡ có chết cũng không mang tiếng là con ma vô học, như vậy chẳng khác nào để kẻ thù khinh thường và để tiếng xấu cho cách mạng”.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, được Đảng và Bác Hồ tín nhiệm, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Xuân Thủy tiếp tục trải qua những chặng đường vô cùng vất vả, gian khó nhưng không kém phần sôi động và vẻ vang.

Trong công tác Đảng, trải qua những cương vị đã nắm giữ, đồng chí Xuân Thủy luôn hi sinh hết mình cho sự nghiệp của Đảng trong việc lãnh đạo nhân dân kháng chiến cứu quốc cũng như trong việc tăng cường đoàn kết với giai cấp vô sản quốc tế.  

Với sự nghiệp báo chí, đồng chí Xuân Thủy có nhiều đóng góp hết sức quan trọng và là người có công lớn trong việc đào tạo lớp nhà báo đầu tiên cho kháng chiến. Đồng chí viết báo từ rất sớm, trước khi tham gia hoạt động cách mạng năm 1932. Trong nhà tù từ năm 1938 - 1944, đồng chí Xuân Thủy làm báo nhằm đoàn kết và động viên các tù nhân chính trị rèn luyện ý chí cách mạng, cùng nhau đấu tranh chống chế độ hà khắc của thực dân, đế quốc. Ở nhà tù Sơn La, đồng chí làm chủ bút  báo “Suối Reo”, tờ báo bí mật của tù nhân chính trị.

Ngay sau khi cách mạng nước ta vừa giành thắng lợi trong những năm 1945 - 1946, báo Cứu Quốc do Xuân Thủy làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút là tờ báo hàng ngày duy nhất của cách mạng, là cơ quan ngôn luận hàng ngày của Mặt trận và của Đảng và tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chính trị, vạch trần mọi âm mưu của bọn đế quốc và phản động, cổ động quần chúng đứng lên bảo vệ cách mạng, chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt và chuẩn bị sẵn sàng tham gia cuộc kháng chiến quốc tế. Báo Cứu Quốc là tiền thân của báo Đại Đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này.

Đồng chí Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên được bầu vào Ban Chấp hành Tổ chức Nhà báo Quốc tế (OIJ). Đối với những người làm báo Việt Nam, đồng chí là vị lãnh đạo có uy tín và gần gũi, như Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã đánh giá: “Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, từ trước đến nay, đồng chí Xuân Thủy không chỉ là người sáng lập, vị trí Chủ tịch đầu tiên của Hội, mà mãi mãi là người thày, người bạn, người anh gần gũi và thân thiết”. 

Trong công tác Quốc hội, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác xây dựng Quốc hội cũng như trong việc lập hiến và lập pháp của Quốc hội. Đồng chí là người giữ vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị Tổng tuyển cử Quốc hội ngay từ khóa đầu tiên và liên tục là đại biểu Quốc hội cho tới giữa khóa VII. Đồng chí cũng trực tiếp tham gia soạn thảo các hiến pháp của nước ta qua các thời kỳ và chủ trì việc soạn thảo Luật Hôn nhân và gia đình ở nước ta.

Trong công tác Mặt trận, đồng chí Xuân Thủy có những đóng góp to lớn. Đồng chí Xuân Thủy luôn là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt và thực hiện thắng lợi đường lối của Mặt trận Tổ quốc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đồng chí là một trong 10 cán bộ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương vì Sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc. Đánh giá cao những đóng góp vô cùng to lớn của đồng chí trong công tác mặt trận, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định: “đồng chí Xuân Thủy là một trong những cán bộ thực hiện xuất sắc nhất đường lối đại đoàn kết dân tộc và chính sách Mặt trận thống nhất của Bác Hồ và của Đảng ta. Suốt 41 năm, từ lúc ra khỏi nhà tù Sơn La đến khi qua đời, đồng chí liên tục là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận”.

Thưa các đồng chí,

Tất cả chúng ta, nhất là những người làm công tác đối ngoại, rất đỗi tự hào khi tưởng nhớ và noi theo tấm gương đồng chí Xuân Thủy trên cương vị một nhà ngoại giao lớn của Việt Nam và thế giới của thế kỷ XX. Đồng chí đã hoạt động xuất sắc trong cả ba binh chủng đối ngoại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Ngay từ đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Xuân Thủy đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ làm công tác ngoại giao. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện sách lược “hòa để tiến” với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Bác Hồ đã đề ra, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài những ngày đầu lập nước. 

Thời kỳ đồng chí Xuân Thủy giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương là lúc tình hình quốc tế hết sức phức tạp. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bị phân hóa sâu sắc; mâu thuẫn Xô - Trung bộc lộc công khai và dẫn đến phân liệt. Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh đặc biệt” nhằm mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam Việt Nam. Hoàn cảnh khó khăn đó càng làm nổi bật bản lĩnh và tài trí của nhà ngoại giao Xuân Thủy. Dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, đồng chí đã trực tiếp tham gia nhiều hoạt động đối ngoại, tiếp xúc nhằm củng cố đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, hạn chế tối đa những tác động bất lợi của mâu thuẫn Xô - Trung, nhờ đó ngoại giao Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu và to lớn của cả Liên Xô và Trung Quốc cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đồng chí từng giữ cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung (năm 1960) và sau đó là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô (năm 1980). Những nỗ lực và hoạt động ngoại giao của đồng chí đã giúp gắn kết, phối hợp giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, nhờ đó mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta không ngừng được củng cố và mở rộng.

Đồng chí Xuân Thủy đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam. Những lĩnh vực đối ngoại mà đồng chí từng trực tiếp chỉ đạo, dẫn dắt ngày nay đã trở thành các trụ cột quan trọng nhất của nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam; đó là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đồng chí đã có công lớn trong việc đào tạo được nhiều cán bộ ngoại giao giỏi cho cả hai miền Bắc - Nam. Học tập và tiếp thu trí tuệ và kinh nghiệm của đồng chí Xuân Thủy, nhiều cán bộ ngoại giao xuất sắc của ngành đã trưởng thành và đi lên từ quá trình tham gia đàm phán Hiệp định Pa-ri, viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thưa các đồng chí,

Nói đến đấu tranh ngoại giao trong thời kỳ chống Mỹ, nhất là đàm phán Pa-ri về chiến tranh Việt Nam, thế giới và Việt Nam không thể không nhắc tới những những nhà thương lượng tài ba như cố vấn Lê Đức Thọ, Trưởng đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa Xuân Thủy, Trưởng đoàn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình… Và khi nói đến Xuân Thủy tại Hội nghị Pa-ri, người ta không thể không nhắc đến nhà ngoại giao “có nụ cười chiến thắng” luôn giữ phong thái cởi mở, điềm đạm, khoan thai và vững vàng.

Cuộc đàm phán Pa-ri về Việt Nam từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973 là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX; là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Thắng lợi của đàm phán Pa-ri và Hiệp định Pa-ri đã buộc quân Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng miền Nam Việt Nam, mở đường cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Quá trình đàm phán ở Pa-ri và Hiệp định Pa-ri là chiến thắng của một nền ngoại giao tuy non trẻ nhưng đầy chính nghĩa và mưu lược của cách mạng Việt Nam, trong đó ghi đậm dấu ấn Xuân Thủy.

Trên mặt trận ngoại giao cam go và hào hùng đó, đồng chí Xuân Thủy trong cương vị Trưởng đoàn của Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pa-ri trong suốt quá trình đàm phán luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, kiên định về nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt, khéo léo về sách lược. Đặc biệt, đồng chí đã vận dụng sáng tạo sách lược “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, phối hợp chặt chẽ giữa hai miền Bắc - Nam trong quá trình đàm phán hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Suốt quá trình đàm phán “ma-ra-tông” tại Pa-ri, trong khi Mỹ đã phải 4 lần thay đổi Trưởng đoàn, đồng chí Xuân Thủy được Đảng và Nhà nước tín nhiệm trao trọng trách Trưởng đoàn từ đầu đến cuối cuộc đàm phán. Những năm tháng đàm phán tại Pa-ri càng làm toát lên trí tuệ và nhân cách Xuân Thủy trong cuộc đấu trí đầy cam go với đối phương. Nền ngoại giao hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã được đồng chí tiếp thu hết sức nhuần nhuyễn với tâm niệm: “Làm ngoại giao không cần đao to búa lớn, mà cần sự thuyết phục bằng lý lẽ, bằng tình cảm và bằng thực tế”. Đặc biệt, tài làm báo và công tác mặt trận như đã nói ở trên đã được đồng chí sử dụng như những vũ khí lợi hại trong tuyên truyền đối ngoại và ngoại giao nhân dân tại Pa-ri, kết hợp với ngoại giao Nhà nước thành sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh ngoại giao.

Thưa các đồng chí,

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Xuân Thủy là một tấm gương về một trí tuệ và một nhân cách lớn với những cống hiến không mệt mỏi cho Đảng, cho đất nước và dân tộc. Với tư cách là một nhà ngoại giao, tài năng, đức độ và uy tín của đồng chí Xuân Thủy đã có sức lôi cuốn, thuyết phục lớn đối với các đồng chí, đồng nghiệp và mang tính cảm hóa cao đối với cả những người đứng bên kia chiến tuyến.

Những đóng góp quan trọng của đồng chí vẫn còn sống mãi với dân tộc, đặc biệt vẫn in dấu trong chặng đường trưởng thành và phát triển của các thế hệ cán bộ đã và đang tham gia những lĩnh vực công tác mà đồng chí từng phụ trách, trong đó có lĩnh vực đối ngoại. Các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam ngày nay quyết tâm học tập, rèn luyện, noi gương đồng chí Xuân Thủy, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lễ kỷ niệm hôm nay là lẵng hoa tươi thắm nhất mang đậm tình cảm và sự kính trọng của toàn thể cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao đối với người Thủ trưởng kính mến của mình nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí.

Xin kính chúc tất cả các đồng chí và các quý vị sức khỏe, thành công và hạnh phúc.

Xin cám ơn các đồng chí và các quý vị./.