TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp lần thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 16-8, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật hòa giải cơ sở và việc bổ sung biên chế cho Viện kiểm sát nhân dân. Đây là lần đầu tiên, dự án Luật được thảo luận tại Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Sáng 16-8-2012, báo cáo khái quát về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã phát huy vai trò và ý nghĩa quan trọng trong đời sống của nhân dân, tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa kịp thời nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, ổn định trật tự, an toàn xã hội, đồng thời giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết…

Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được ban hành và đã được các cấp, ngành, người dân thực hiện tích cực. Bên cạnh các ưu điểm, sau 13 năm thi hành, Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về hệ thống văn bản quy phạm. Pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa thực sự đầy đủ, thống nhất và đồng bộ; Pháp lệnh chưa quy định đầy đủ, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, do đó chưa thu hút, khuyến khích mọi người tham gia công tác này; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa đặt ngang tầm với vị trí, vai trò nòng cốt trong tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở.... Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải cơ sở đối với đời sống xã hội, từ tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải trong thời gian qua và thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này cho thấy, việc sớm ban hành Luật Hòa giải cơ sở, một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh thống nhất , có hiệu quả hơn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở là rất cần thiết .

Dự thảo Luật quy định về hòa giải cơ sở với tính chất nhân dân tự tổ chức hòa giải với nhau, nhà nước hỗ trợ. Hoạt động hòa giải tại Tòa án; hòa giải thương mại, trọng tài, hòa giải lao động và hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Dự thảo Luật gồm 5 chương, 30 điều.

Bàn về sự cần thiết ban hành Luật hòa giải cơ sở, qua thảo luận vẫn còn có ý kiến khác nhau. Một số ý kiến vẫn còn băn khoăn liệu đã thật sự cần thiết ban hành Luật hay chưa?. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần xem xét đầy đủ, xác đáng về sự cần thiết nâng Pháp lệnh lên thành Luật. Đại biểu cho rằng trên cơ sở tổng kết 13 năm thi hành Pháp lệnh cần cân nhắc ban hành Luật mới hay chỉ cần sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp của Pháp lệnh thôi. Cũng quan điểm này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng hòa giải vốn là hoạt động mang tính chất mềm dẻo không nên “cứng hóa”, “luật hóa”. Hơn nữa, qua 13 năm thi thành, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào cuộc sống, nên chưa cần thiết ban hành Luật- đại biểu nêu quan điểm.

Không cùng với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá rất cần thiết ban hành Luật hòa giải cơ sở. Đại biểu nêu thực tiễn, trên thế giới nhiều nước rất quan tâm tới lĩnh vực hòa giải, qua đó giải quyết được nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Đại biểu nhấn mạnh: có tổ chức hòa giải ở cơ sở không có nghĩa là bác bỏ những hình thức hòa giải khác. Trên cơ sở dẫn chứng về những quy định của pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với việc cần ban hành Luật hòa giải cơ sở. Phó Chủ tịch đánh giá qua thực tế tổng kết cho thấy công tác hòa giải cơ sở có vai trò xã hội to lớn góp phần củng cố trật tự xã hội rất tốt. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng dự án Luật thể hiện nặng về vấn đề thủ tục, trình tự hành chính, đọc dự án Luật có cảm giác gò bó. Theo Phó Chủ tịch, hòa giải cơ sở là hoạt động mang tính tự nguyện nên những quy định trong dự án Luật nên mang tính chất tự nguyện, mềm do, linh hoạt hơn. Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng có quan điểm tán thành với sự cần thiết ban hành Luật hòa giải cơ sở nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở có hiệu quả hơn, tạo cơ chế để người dân thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, góp phần ổn định trật tự xã hội, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư...

Bàn về phạm vi điều chỉnh và phạm vi hòa giải, dự án Luật chỉ điều chỉnh hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên. Hoạt động hòa giải thông qua các hình thức thích hợp khác của nhân dân không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Qua thực tiễn cho thấy nhiều tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ được hòa giải thông qua các hình thức thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở như hoạt động của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể xã hội, người đứng đầu dòng họ, già làng, trưởng bản,… Do đó, dự án Luật cần quan tâm, bổ sung một số quy định, tạo cơ chế để có sự phối hợp hiệu quả giữa tổ hòa giải, hòa giải viên với các hình thức khác trên địa bàn dân cư.

Xung quanh phạm vi hòa giải, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban tán thành với Ban soạn thảo quy định phạm vi hòa giải là “các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ ở cơ sở”, được cụ thể hóa tại Điều 4 dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý còn băn khoăn trong cách thể hiện của dự án Luật, theo đại biểu cần phải thể hiện để thấy rõ như thế nào được gọi là “tranh chấp nhỏ”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu lên những vụ việc không phải là mẫu thuẫn, tranh chấp nhỏ nhưng vẫn rất cần đến công tác hòa giải và qua hòa giải đã giải quyết được vấn đề. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị trong cách thể hiện của dự án Luật cần lưu ý trọng tâm của Dự án Luật là hòa giải những vụ việc nhỏ trong nhân dân nhưng bên cạnh đó cũng có những trường hợp khác nữa, vì vậy quy định của pháp luật phải bao quát được các trường hợp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị dự án luật cần quan tâm tới việc phát huy vai trò quan trọng của các tổ chức đoàn thể trong công tác hòa giải. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cùng với 6 nguyên tắc trong hòa giải đã nêu tại dự án Luật, cần chú ý tới nguyên tắc phát huy truyền thống tương thân tương ái trong cộng đồng xã hội và dòng họ, không được trái với quy định của pháp luật...

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bổ sung biên chế cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 và một số vấn đề về công tác xây dựng ngành.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc bổ sung biên chế, số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên Viện Kiểm sát nhân dân các cấp từ năm 2012 đến hết năm 2013; về đề nghị phê chuẩn việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; về đề nghị tăng số lượng Uỷ viên và bổ sung một số Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Ủy viên Ủy ban kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát và Giấy chứng minh Kiểm sát viên.

Về việc bổ sung biên chế, số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nêu rõ: Nghị quyết số 821/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 17-9-2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 821) quy định tổng biên chế, số lượng kiểm sát viên, điều tra viên của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đến hết năm 2011 (không tính Viện Kiểm sát quân sự các cấp) là 13.743 biên chế, trong đó có 8.925 kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và 14 điều tra viên cao cấp. Tính đến ngày 15-6-2012, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện được 13.349 biên chế, còn thiếu 394 biên chế so với tổng biên chế được duyệt và 547 kiểm sát viên trung cấp và sơ cấp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: trong những năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều cố gắng trong việc tuyển dụng cán bộ, công chức. Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân bổ biên chế, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kịp thời phân bổ chỉ tiêu biên chế, số lượng kiểm sát viên tới từng đơn vị, đồng thời thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện.

Tuy vậy, việc thực hiện Nghị quyết số 821vẫn còn một số tồn tại: có những đơn vị ít việc lại được phân bổ nhiều biên chế và ngược lại có những đơn vị nhiều việc nhưng lại được phân bổ ít biên chế; có những đơn vị được giao biên chế dưới mức tối thiểu dù mức án thụ lý, giải quyết hàng năm khá lớn, làm ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả hoạt động… Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, quyết định việc điều chuyển cán bộ giữa các đơn vị, giữa cấp tỉnh, cấp huyện, sử dụng biên chế đúng quy định.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo đối với việc bổ sung biên chế, số lượng kiểm sát viên, điều tra viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần lưu ý việc bổ sung biên chế, số lượng kiểm sát viên cần được tính toán hợp lý, khách quan trên cơ sở số lượng vụ, việc tăng thực tế của mỗi đơn vị; đồng thời quán triệt đầy đủ hơn việc “Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với đẩy nhanh cải cách” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Mặt khác, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, điều tra viên có chất lượng đáp ứng yêu cầu, bảo đảm tính hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn của cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.