Riêng trước, chung sau

Quách Quỳnh
20:02, ngày 03-07-2012
TCCSĐT - Hội nghị cấp cao mới rồi của EU là một dấu mốc rất quan trọng đối với EU. Những gì đã được quyết định ở đó vừa định hướng cho tương lai chung của EU nhưng cũng bộc lộ ngày càng rõ sự phân rẽ trong nội bộ liên minh. Sẽ không sai khi nói rằng, Hội nghị này là một bước tiến mới của EU, nhưng cũng không phải không đúng nếu cho rằng, EU trong thực tế đã lùi.
Thực chất Hội nghị này là cuộc tranh đấu giữa một phía là Đức, còn Tây Ban Nha, Italia cùng với Pháp ở phía bên kia. Thủ tướng Đức Angela Merkel phải bảo vệ quan điểm chủ trương thực hành tiết kiệm chi tiêu bằng mọi giá để đưa EU thoát khỏi khủng hoảng. Nước Đức đóng góp tài chính nhiều cho EU, không bị lâm vào khủng hoảng tài chính và nợ công như Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Italia. Kinh tế nước Đức lại tăng trưởng khả quan nên nước Đức không có nhu cầu cấp thiết về chương trình kích cầu để tăng trưởng kinh tế mới. Người Đức sùng tín sự ổn định của giá trị đồng tiền, kinh hãi lạm phát nên càng không muốn EU đổ thêm tiền vào thị trường. Nhưng nước Pháp và người Pháp lại khác. Chuyện chính trị nội bộ của một số thành viên vì thế đã chi phối toàn bộ chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao này.

Tây Ban Nha và Italia không chỉ muốn có tiền cứu trợ từ EU, mà còn muốn EU nới lỏng những điều kiện đã áp đặt. Đáp ứng những yêu cầu của Tây Ban Nha và Italia có nghĩa là EU phải điều chỉnh nguyên tắc xử lý khủng hoảng và phải công nhận rằng, những gì đã được EU thỏa thuận trong 18 cuộc họp thượng đỉnh trước đó, kể từ khi bùng nổ khủng hoảng tài chính, và cả việc chấp nhận gói tài chính 120 tỉ euro nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm, đã không còn thích hợp. Tất cả những điều đó trước đây đều còn là chuyện cấm kỵ trong EU thì bây giờ, những lợi ích riêng của một số thành viên đã buộc EU ở Hội nghị này phải thay đổi cả nguyên tắc lẫn điều chỉnh định hướng chính sách.

Tuy còn vớt vát lại được yêu cầu thành lập cơ quan kiểm soát ngân hàng chung cho EU, song mọi thỏa thuận khác ở Hội nghị đều là thất bại của Đức và cá nhân bà A.Merkel. Không nhượng bộ cho Tây Ban Nha và Italia, bà A.Merkel sẽ bị hai nước này phủ quyết kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm. Không đem được kế hoạch này về nước, bà A.Merkel cũng không thể thuyết phục được phe đối lập ở Đức trong lưỡng viện lập pháp ủng hộ bà thông qua toàn bộ những thỏa thuận tài chính đã ký trong EU nhằm gải quyết khủng hoảng tài chính và nợ công.

Hội nghị này lại một lần nữa cho thấy, các thành viên EU cùng thuyền nhưng chưa cùng hội. Sự phân bè chia phái trong nội bộ EU không chỉ đã định hình mà còn đã trở nên rất rõ nét. Tuy nhiên, sự rõ nét càng được thể hiện thì cuộc tranh giành vai trò lãnh đạo EU lại càng thêm quyết liệt. Đây không hẳn là cuộc giằng co giữa trào lưu ly tâm và hướng tâm, nhưng rõ ràng chiều hướng hướng tâm không còn là chủ đạo và các thành viên không hẳn ly tâm, nhưng đều chủ định tận dụng liên minh để thực hiện lợi ích riêng, bất kể hiện lợi ích ấy song trùng hay đối kháng với lợi ích chung của cả liên minh.

Kết quả của Hội nghị này rất hữu ích về nhiều phương diện đối với một số thành viên EU, đặc biệt là Pháp, Tây Ban Nha và Italia, nhưng không như vậy đối với mục tiêu tăng cường liên kết, hợp tác và nhất thể hóa khu vực của EU. Cuộc khủng hoảng tài chính, tác động của nó và đối sách của EU đã làm cho EU không còn được như trước nữa. Sự phân hóa nội bộ và không còn kiên định nguyên tắc đang cản trở EU có được cách tiếp cận đúng đắn hơn vào những vấn đề đang đặt ra để vừa tiếp tục tồn tại và phát triển, vừa hỗ trợ đắc lực các thành viên thoát khỏi khủng hoảng và tìm lại tăng trưởng kinh tế./.