Tiền Giang với công tác thương binh liệt sĩ

Trần Thị Kim Cúc
16:53, ngày 17-08-2009

TCCS - Xác định công tác thương binh - liệt sĩ và chăm sóc những gia đình có công với cách mạng có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã làm tốt công tác này, thiết thực góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện của tỉnh.

Tiền Giang luôn tự hào với truyền thống cách mạng với nhiều chiến công vang dội... Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mảnh đất Tiền Giang đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc; nhân dân Tiền Giang đã lập nên những chiến công mà dấu tích lịch sử vẫn còn in đậm trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Hiện nay, Tiền Giang có trách nhiệm chăm sóc hơn 80 cán bộ hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám 1945, 60 cán bộ tiền khởi nghĩa, 34.000 liệt sĩ, 13.000 thương, bệnh binh, 1.700 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 27 anh hùng lực lượng vũ trang, 900 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày, 24.000 người và gia đình có công với cách mạng, 13.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 40 thanh niên xung phong... Có thể khẳng định, trong ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, vừa tập trung chống lạm phát, vừa bảo đảm phát triển kinh tế và an sinh xã hội, bằng nghĩa tình và trách nhiệm, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã và đang tiếp tục làm việc hết sức mình, nhằm ổn định, cải thiện và nâng cao mức sống của đối tượng và gia đình thương binh - liệt sĩ. Trên tinh thần đó, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang xác định nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực chăm sóc người có công với cách mạng là phải làm thật tốt và hiệu quả trên cả ba phương thức. Trong đó, Nhà nước chăm lo về cơ bản mức sống của người có công được quy định bởi các chế định của pháp luật; khuyến khích và mở rộng phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trong toàn tỉnh thông qua các hoạt động sôi nổi, rộng khắp. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã nêu rõ: “Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với nước; vận động toàn xã hội tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần của người có công ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư”. Vì vậy, Tiền Giang luôn đặt nhiệm vụ thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa” lên hàng đầu; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền; các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những kết quả bước đầu

Sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Tiền Giang thời gian qua đã góp phần tạo nên những kết quả tích cực trên các lĩnh vực của công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Trước hết là công tác xác nhận, giải quyết hồ sơ chính sách cho người có công. Công tác này được tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là việc tổ chức thực hiện các chính sách của Nhà nước mới được ban hành; đồng thời, tập trung nghiên cứu những hồ sơ tồn đọng trong công tác xác nhận giải quyết chính sách và được tổ chức thực hiện ở cả 3 cấp (xã, huyện, tỉnh); trong đó cấp xã trực tiếp tuyên truyền phổ biến chính sách, tổ chức tiếp nhận, xác nhận và thông qua nhân dân. Ban chỉ đạo các cấp đã tập trung giải quyết nhanh gọn, chính xác mọi chế độ, chính sách theo đúng tiến độ thời gian yêu cầu. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc xác nhận giải quyết hồ sơ chính sách và kịp thời giải quyết trợ cấp cho đối tượng theo quy định.

Việc phát động phong trào quần chúng chăm lo đời sống cho gia đình chính sách được thực hiện tốt. 100% số xã, phường, thị trấn làm tốt công tác chăm sóc thương binh - liệt sĩ với tiêu chí nâng mức sống gia đình chính sách lên ngang bằng mức sống trung bình của người dân địa phương. Phong trào “Toàn dân chăm lo phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình chính sách” được tổ chức vận động và triển khai sâu rộng đến hầu hết các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Từ năm 1996, các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Phong trào này còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Từ năm 2007, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh tiếp tục phát động phong trào chăm lo cho các đồng chí thương binh nặng và gia đình có nhiều liệt sĩ có đời sống khó khăn với mức phụng dưỡng từ 150.000 đồng/tháng trở lên. Tỉnh cũng đã tổ chức vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa nhằm triển khai xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa mỗi năm trên 6 tỉ đồng.

Trong 5 năm qua, tỉnh đã bàn giao 1.438 căn nhà với tổng kinh phí 27 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành việc xây nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách. Các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng và trùng tu các công trình liên quan. Hiện nay Tiền Giang đã xây dựng hoàn chỉnh 21 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, huyện, xã và 138 nhà bia ghi tên liệt sĩ tại khu trung tâm hành chính của các xã, phường, thị trấn. Các công trình này luôn được tu bổ hằng năm, bảo đảm trang nghiêm, tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân thường xuyên đến thăm viếng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định, như trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, mua bảo hiểm y tế cho 100% số đối tượng đủ điều kiện và thực hiện chế độ bồi dưỡng hằng năm. Tỉnh tổ chức cho 345 người có công tiêu biểu đi thăm thủ đô Hà Nội. Vào dịp lễ, tết hằng năm, cấp ủy các cấp đều tổ chức đoàn đến thăm, động viên và tặng quà các gia đình chính sách.

Một số kinh nghiệm từ thực tiễn

Qua quá trình triển khai thực hiện công tác thương binh - liệt sĩ thời gian qua, Tiền Giang đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:

Thứ nhất, công tác thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, xã hội. Do vậy, cần phải thống nhất về nhận thức trong các ngành và toàn thể nhân dân về các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh là những người đã xả thân vì nước; đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh; hiến dâng tuổi thanh xuân hoặc một phần máu xương của mình vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ đó, Nhà nước và cả xã hội phải có trách nhiệm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, các đối tượng chính sách.

Thứ hai, trên cơ sở nhận thức đó, các cấp ủy, chính quyền, ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, các cá nhân trong tỉnh thường xuyên xác định không ngừng phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa” để chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng; các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng ổn định hơn.

Thứ ba, đặc biệt, những năm gần đây, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi cán bộ và nhân dân trong tỉnh, được tổng kết và nhân rộng điển hình từ khu dân cư đến xã, phường, thị trấn là nơi hội tụ sức mạnh to lớn của “lòng dân, ý Đảng” và trở thành phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ. Do đó, yếu tố quyết định để thực hiện tốt công tác “đền ơn, đáp nghĩa” chính là sự giải quyết hài hòa mối quan hệ ý Đảng - lòng dân; trong đó, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phải luôn được phát huy để huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân là yếu tố có tính quyết định.

Thứ tư, bài học quan trọng và xuyên suốt là, ở nơi nào có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp cấp ủy, chính quyền; sự tham gia phối hợp tốt của các ban ngành, ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, thì nơi đó luôn phát huy cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động được mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” và giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong công tác này.

Những hạn chế cần khắc phục

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác “đền ơn đáp nghĩa” thời gian qua ở Tiền Giang vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, tỉnh Tiền Giang phát triển kinh tế với thế mạnh chủ yếu là nông nghiệp, nên nguồn thu địa phương còn hạn chế, dẫn tới nguồn ngân sách dành cho công tác “đền ơn đáp nghĩa” không nhiều, định mức bổ sung thêm về các chế độ hỗ trợ nhìn chung còn thấp. Các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa trước năm 2000 với mức đầu tư thấp, đến nay đã bị xuống cấp, đang rất cần kinh phí sửa chữa. Mặt khác, Tiền Giang từng là địa bàn chiến tranh ác liệt kéo dài trên diện rộng, thời gian lịch sử đã lùi xa, nhiều nhân chứng lịch sử không còn, hồ sơ lưu giữ không đầy đủ,... do đó, công tác xác nhận hồ sơ giải quyết chính sách dù có tập trung nỗ lực nhưng vẫn thiếu sót và còn hạn chế.

Về chủ quan, trong quá trình thực hiện, giữa các cấp, các ngành, có lúc có nơi vẫn còn tư tưởng trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Chưa có sự chủ động trong việc tổ chức các phong trào vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để huy động mọi nguồn lực nhằm thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Một số đơn vị cơ sở chưa mạnh dạn vận động các đơn vị, tổ chức và cá nhân có điều kiện trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu, phụng dưỡng các đối tượng chính sách; chưa tập trung vào các đối tượng tiêu biểu, có nhiều khó khăn; thiếu sự ưu tiên vùng sâu và các địa phương có nhiều đối tượng chính sách. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chính sách đối với người có công chưa được quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, nhất là về nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm với công việc. Việc tổ chức triển khai các chính sách, chế độ nhà nước ban hành đối với đối tượng có công với cách mạng chưa kịp thời; chưa thực hiện tốt việc chi trả cũng như chưa thường xuyên có sự thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ đối với người có công.

Việc chăm lo nâng cao mức sống của người có công tuy đã được toàn xã hội quan tâm, nhưng vẫn còn không ít gia đình đối tượng chính sách vẫn thuộc hộ nghèo và gặp khó khăn trong cuộc sống; bên cạnh đó, một số đối tượng vẫn còn tư tưởng trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thay vì phải tự mình phấn đấu vươn lên để thoát nghèo.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác “đền ơn đáp nghĩa”

Thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang xác định sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa công tác “đền ơn đáp nghĩa” với các giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công, các nghị định, quyết định của Chính phủ đối với người có công với cách mạng. Hoàn thành cơ bản việc giải quyết tốt chế độ một lần theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8-11-2005 và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 6-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 611/KH-BLĐTBXH ngày 3-3-2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, ở từng địa phương, đến từng diện đối tượng chính sách theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các chế độ đối với các đối tượng chính sách đã được tặng thưởng huân, huy chương các loại.

Hai là, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công” theo 6 tiêu chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó chú trọng tiêu chuẩn nâng cao mức sống của gia đình chính sách lên bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư trong xã, phường. Phấn đấu không còn hộ chính sách nào nằm trong diện hộ nghèo. Xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách chính sách người có công có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức, tận tâm với công việc; phấn đấu 100% số xã, phường giữ vững danh hiệu “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công”.

Ba là, tiếp tục phát động phong trào toàn dân tìm kiếm, phát hiện và quy tập mộ liệt sĩ. Thực hiện định kỳ việc sửa chữa, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm để phục vụ nhân dân đến thăm viếng. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và các đối tượng chính sách. Tích cực đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa, đưa phong trào phụng dưỡng gia đình thương binh nặng và gia đình chính sách có nhiều khó khăn trong cuộc sống phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Bốn là, để phát huy hiệu quả các giải pháp trên, Tiền Giang xác định trên cơ sở các mục tiêu đã xây dựng, phải cụ thể hóa thành nội dung và giải pháp để tổ chức thực hiện, từng bước đưa công tác này vào chương trình công tác hằng quý, hằng tháng để chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp./.