Những chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận quân sự song phương giữa Mỹ và Cô-lôm-bi-a đang được hoàn tất, theo đó, Mỹ sẽ được phép sử dụng 7 căn cứ quân sự tại Cô-lôm-bi-a. Kế hoạch này đang đẩy Cô-lôm-bi-a ra vào thế cô lập với các quốc gia Nam Mỹ khác bởi nó đe dọa tình hình hòa bình và an ninh của lục địa này. Sự gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa xung đột giữa Cô-lôm-bi-a với một số quốc gia láng giềng như Vê-nê-xu-ê-la hay Ê-cu-a-đo là khó tránh khỏi cho dù Tổng thống Cô-lôm-bi-a, An-va-rô U-ri-bê đang phải tiến hành công du một loạt các nước trong khu vực nhằm giải thích thỏa thuận trên của nước này.

Ngày 12-8-2009, đoàn đại biểu Cô-lôm-bi-a đã tới Oa-sinh-tơn để thương lượng về những chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận quân sự song phương, theo đó, Mỹ sẽ được phép sử dụng 7 căn cứ quân sự tại Cô-lôm-bi-a. Nếu tiến triển thuận lợi, cuộc thương lượng về thỏa thuận nói trên sẽ là cơ sở để chính phủ hai nước chính thức ký kết.

Theo thỏa thuận trên, 7 căn cứ quân sự mà Cô-lôm-bi-a đồng ý cho Mỹ sử dụng bao gồm: ba căn cứ không quân là Barranquilla (trên bờ biển Ca-ri-bê), Palanquero (tại miền Trung Cô-lôm-bi-a) và Apiay (phía Đông Cô-lôm-bi-a); hai căn cứ lục quân là Tolemaida và Larandia; hai căn cứ hải quân - một căn cứ mang tên Cartagena (trên bờ biển Ca-ri-bê) và một căn cứ mang tên Thái Bình Dương. Với thỏa thuận này, số lượng binh sĩ Mỹ dồn trú tại Cô-lôm-bi-a có thể sẽ tăng lên 800 quân. Trước đó, vào tháng 7-2009, các quan chức quốc phòng Cô-lôm-bi-a cho biết, chỉ có 3 căn cứ quân sự của Mỹ được sử dụng cho thỏa thuận này.

Thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Cô-lôm-bi-a là sự mở rộng của cái gọi là “Kế hoạch Cô-lôm-bi-a” mà hai nước đã khởi động từ năm 2000 với mục tiêu chính thức là chống buôn lậu ma túy. Tuy nhiên, kể từ khi thông tin Oa-sinh-tơn và Bô-gô-ta (thủ đô của Cô-lôm-bi-a) sắp ký kết thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ được sử dụng 7 căn cứ được tiết lộ, những lời chỉ trích đã không ngừng tăng lên. Nhiều nước cánh tả và các phong trào tiến bộ tại Mỹ La-tinh cho rằng, việc làm này không chỉ làm cô lập Cô-lôm-bi-a với các quốc gia Nam Mỹ khác mà còn làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa xung đột giữa Cô-lôm-bi-a với một số quốc gia láng giềng như Vê-nê-xu-ê-la hay Ê-cu-a-đo.

Tại Cu-ba, lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô, trong một bài viết với tiêu đề “Bảy nhát dao đâm vào tim Mỹ La-tinh”, đã lên án kế hoạch thiết lập 7 căn cứ quân sự trên của Mỹ và khẳng định, các căn cứ này không chỉ là mối đe dọa riêng đối với Cô-lôm-bi-a mà còn đối với tất cả các nước Nam Mỹ. Ông kêu gọi, chính phủ các nước thành viên Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và Nhóm Rio cần làm rõ động cơ của Mỹ khi muốn thiết lập 7 căn cứ chính tại Cô-lôm-bi-a.

Tổng thống Bra-xin Lu-a đờ Xin-va, Tổng thống Chi-lê Mi-chen Ba-chê-lết, những nhân vật cánh tả nổi tiếng là “ôn hòa” cùng với Tổng thống các nước Bô-li-vi-a, U-ru-goay, Ác-hen-ti-na cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Cô-lôm-bi-a.

Theo một nguồn tin chính thức của Ê-cu-a-đo, lực lượng vũ trang nước này đang tiến hành cuộc tập trận có tên “Chiến dịch quy mô lớn” tại tỉnh Ê-xmê-ran-đát, giáp ranh Cô-lôm-bi-a, với mục đích diễn tập chống các nhóm buôn lậu vũ khí, ma túy, nhiên liệu và các nhóm vũ trang bất hợp pháp. Mới đây, Tổng thống Ê-cu-a-đo Ra-pha-en Cô-rê-a tuyên bố, nếu quân đội Cô-lôm-bi-a lại xâm phạm lãnh thổ Ê-cu-a-đo một lần nữa như vụ tấn công hồi tháng 3-2008 với cái cớ là trấn áp lực lượng chống đối FARC (Lực lượng vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a) và khiến hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao thì nước này sẽ đáp trả lại bằng biện pháp quân sự.

Trước đó, ngày 10-8-2009, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la, ông Hu-gô Cha-vét, cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột với nước láng giềng Cô-lôm-bi-a do lo ngại thỏa thuận quân sự mới đây giữa Bô-gô-ta và Oa-sinh-tơn có thể đe dọa nền an ninh của Vê-nê-xu-ê-la. Tổng thống Hu-gô Cha-vét tố cáo quân đội Cô-lôm-bi-a thâm nhập lãnh thổ Vê-nê-xu-ê-la qua đường sông Ô-ri-nô-gô, đồng thời kêu gọi lực lượng quân đội Vê-nê-xu-ê-la chuẩn bị sẵn sàng đối phó nếu xảy ra xung đột. Vê-nê-xu-ê-la đã quyết định chấm dứt chương trình bán dầu giá ưu đãi cho Cô-lôm-bi-a từ ngày 9-8-2009. Tổng thống Hu-gô Cha-vét cho biết, những cáo buộc mới đây của Chính phủ Cô-lôm-bi-a về việc Vê-nê-xu-ê-la cung cấp vũ khí cho FARC là nhằm đánh lạc hướng dư luận về việc Bô-gô-ta sẽ cho quân đội Mỹ đồn trú tại 7 căn cứ trên lãnh thổ Cô-lôm-bi-a.

Dù cho Tổng thống Cô-lôm-bi-a An-va-rô U-ri-bê đang phải tiến hành công du một loạt các nước trong khu vực nhằm giải thích thỏa thuận trên của mình, theo nhận định của các nhà phân tích tình hình tại khu vực, ông U-ri-bê khó mà thuyết phục các nước Mỹ La-tinh tin rằng, Mỹ đóng quân tại tất cả các vùng Bắc, Tây, Đông, Nam và Trung phần của Cô-lôm-bi-a chỉ để chống buôn lậu ma túy ở nước này.

Tuy nhiên, việc căng thẳng chính trị giữa hai nước Vê-xê-xu-ê-la với Cô-lôm-bi-a đang đem lại cơ hội mới cho Ác-hen-ti-na. Ngày 11-8-2009, nhân chuyến thăm chính thức Vê-nê-xu-ê-la của Tổng thống Ác-hen-ti-na C.Phec-nan-đéc, tại Thủ đô Ca-ra-cát, hai nước đã ký 22 thỏa thuận hợp tác kinh tế ước tính trị giá 1,1 tỉ USD. Trước đó, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vét có cuộc hội đàm kéo dài 4 giờ liền với Tổng thống C.Phec-nan-đéc. Các thỏa thuận trên được ký trong bối cảnh Vê-nê-xu-ê-la đang tìm thị trường nhập khẩu thay thế Cô-lôm-bi-a sau khi quyết định đình chỉ quan hệ với nước này do Bô-gô-ta cho phép Mỹ sử dụng 7 căn cứ quân sự sẽ đe dọa an ninh và sự ổn định tại Mỹ La-tinh. Từ trước tới nay, Vê-nê-xu-ê-la là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cô-lôm-bi-a với kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 7 tỉ USD năm 2008.

Bộ trưởng Bộ Sản xuất Ác-hen-ti-na khẳng định, việc Vê-nê-xu-ê-la ngừng nhập khẩu từ Cô-lôm-bi-a đang tạo thêm cơ hội cho nước này tăng cường xuất khẩu sang Vê-nê-xu-ê-la các sản phẩm ô-tô, máy móc nông nghiệp, lương thực, giày dép và hàng dệt may. Năm 2008, Ác-hen-ti-na xuất sang Vê-nê-xu-ê-la hàng hóa trị giá 1,418 tỉ USD. Trong bối cảnh giao thương giữa các nước giảm mạnh do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì việc Ác-hen-ti-na có thêm hạn ngạch mà lẽ ra Vê-nê-xu-ê-la dành cho Cô-lôm-bi-a là điều đáng mừng đối với quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 ở khu vực Mỹ La-tinh./.