TCCSĐT -  Ngay trước thềm kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức tiếp xúc với cử tri để thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIII và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri.

* Trong các ngày từ 3 đến 12-5, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã tổ chức tiếp xúc với cử tri của gần 50 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, để thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIII.

Ngoài các kiến nghị liên quan đến chính sách đối với thương bệnh binh, người có công cách mạng, cán bộ hưu trí, hầu hết cử tri các địa phương đều lo lắng về tình hình giá xăng dầu tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân.

Đặc biệt, nông dân, ngư dân không dám đầu tư, giá nông, hải sản bấp bênh trong khi phân bón, giá vật tư, xăng dầu tăng cao, sản xuất không hiệu quả. Đa số cử tri cho rằng việc thu phí ô tô, mô tô là không hợp lý. Để giảm tai nạn giao thông, cần có biện pháp cưỡng chế mạnh mẽ hơn. Việc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Trong khi đó, chương trình quảng cáo quá nhiều, một số quảng cáo gây phản cảm, cần giảm bớt thời lượng quảng cáo. Chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở chưa tương xứng nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động, nhất là các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Cử tri đề nghị chính phủ quan tâm hơn đến đời sống của nông dân trong việc xây dựng nông thôn mới, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại, sản xuất; quan tâm hơn chế độ tiền lương cho cán bộ viên chức xã…

Nhiều ý kiến cho rằng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo chưa chặt chẽ, chưa thấy rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý và người quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời hay bán hàng trên truyền hình, thiết bị điện tử, đang thu hút rất nhiều người xem, nghe, nhưng hiện nay hoạt động này rất phức tạp; cần có giấy phép hoạt động chứ không chỉ có tài liệu chứng hình như dự Luật quy định. Còn về quy định mức thu, về khiếu nại tố cáo đã được qui định trong các luật khác, nên không cần đưa vào dự thảo Luật Quảng cáo...

* Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh An Giang đã tổ chức 42 điểm tiếp xúc với 3.337 cử tri trong tỉnh, qua đó đã có 321 lượt ý kiến đóng góp với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương .

Ngoài nội dung xoay quanh tình hình phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo các Luật, Đoàn còn tổ chức 3 cuộc tiếp xúc chuyên đề cho nông dân, doanh nghiệp và thủ trưởng các sở, ban, ngành về sản xuất, tiêu thụ nông sản, chế biến xuất khẩu.

Các ý kiến kiến nghị Trung ương có giải pháp để các ngân hàng thông thoáng trong việc giải ngân nguồn vốn cho nông dân và doanh nghiệp vay phát triển sản xuất, đồng thời có giải pháp kiềm chế giá cả thị trường tăng theo lương.

Các ý kiến cho rằng, nhiều chính sách Chính phủ ban hành chưa hợp lý như Nghị Định 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 qui định miễn học phí 100% cho sinh viên, học sinh vùng biên giới, dân tộc, trong khi đó hộ nghèo ở khu vực đồng bằng còn rất nhiều nhưng không được miễn. Trung ương nên tiếp sức để các địa phương mở rộng thực hiện bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo; tăng mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho sinh viên, học sinh thuộc hộ cận nghèo và những người làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Cử tri cũng cho rằng, Chính phủ nên cơ cấu lại hoạt động của các ngân hàng, phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ công bằng giữa các tỉnh và có giám sát chặt chẽ. Chính sách cho vùng và người trồng lúa nên tăng lên 6 triệu đồng/ha cho phù hợp với thực tế vật giá leo thang luôn biến động, trong đó để lại 3 triệu đồng chi cho bảo hiểm và đầu tư cơ sở hạ tầng... Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh An Giang là gạo và cá tra đã được công nhận là 1 trong 10 sản phẩm quốc gia, vẫn chưa có chính sách để mở rộng phát triển./.