Cuộc Cách mạng Bô-li-va ở Vê-nê-xu-ê-la từ năm 1998 đến nay do Phong trào Nền cộng hòa thứ 5 (MVR) lãnh đạo. Tham gia cuộc cách mạng đó có nhiều lực lượng chính trị, đảng phái với những khuynh hướng tư tưởng, đường lối chính trị và cương lĩnh khác nhau. Mặc dù MVR đương nhiên được thừa nhận là đội tiền phong chính trị và thủ lĩnh U. Cha-vét là lãnh tụ của cuộc cách mạng, nhưng việc thành lập đội tiền phong thống nhất và duy nhất trở thành yêu cầu sống còn của cách mạng Vê-nê-xu-ê-la, tạo ra cho cách mạng bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và cương lĩnh duy nhất đi tới một tiến trình ngày càng triệt để.

Quá trình thành lập Đảng

Ngay sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 12-2006, Tổng thống U. Cha-vét đã kêu gọi 21 đảng phái chính trị từng ủng hộ ông trong bầu cử xây dựng một chính đảng tiền phong thống nhất lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Ông dự kiến tên gọi của đảng là Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Vê-nê-xu-ê-la.

Từ năm 1998 đến nay, nhiều lực lượng, đảng phái, tổ chức chính trị ở Vê-nê-xu-ê-la đã công khai ủng hộ U. Cha-vét, kiên định theo định hướng chống chủ nghĩa đế quốc, vì độc lập dân tộc của sự nghiệp cách mạng. Các đảng phái, tổ chức chính trị chủ yếu gồm: Phong trào Nền cộng hòa thứ 5 - tổ chức lớn nhất do U. Cha-vét lãnh đạo, Đảng Chúng ta có thể (Podemos), Đảng Tổ quốc cho tất cả, Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la, Liên minh Nhân dân Vê-nê-xu-ê-la...

Nhà lãnh đạo U. Cha-vét đã xác định rất rõ rằng, sự ra đời của chính đảng mới phải là kết quả của sự thống nhất hữu cơ, chứ không phải là sự kết hợp giản đơn giữa các đảng phái hiện tồn. Ông công khai tuyên bố mong muốn xây dựng được một chính đảng "rộng lớn nhất, dân chủ nhất và cách mạng nhất trong lịch sử đất nước".

Quá trình thành lập Đảng được triển khai khá cụ thể. Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6-2007 là giai đoạn ủy ban Xúc tiến thành lập Đảng đi đến các cơ sở (khu dân cư, nhà máy, nông thôn, trường học, công sở...) lập danh sách những người sẵn sàng gia nhập Đảng và tổ chức họ thành các nhóm xã hội chủ nghĩa. Tháng 7-2007, các nhóm xã hội chủ nghĩa tổ chức hội nghị bầu đại biểu đi dự Đại hội thành lập Đảng. Bắt đầu từ tháng 1-2008, đã diễn ra 6 Hội nghị của Đại hội thành lập Đảng được tổ chức lần lượt ở các bang Mi-ran-đa, La-ra, Bô-li-va, Ca-ra-cát, Ăng-giô-a-tê-ghi và Giu-li-a. Hội nghị thứ 6 tại Giu-li-a bế mạc ngày 9-3-2008, với sự tham dự của 1.681 người đại diện cho hơn 80 nghìn đại biểu của các nhóm xã hội chủ nghĩa toàn quốc và hơn 5 triệu ứng cử viên làm đảng viên của Đảng, được xem như kết thúc quá trình thành lập Đảng và đã bầu ra Ban lãnh đạo trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Vê-nê-xu-ê-la (PSUV) gồm 15 thành viên, do Tổng thống U. Cha-vét làm Chủ tịch. Trải qua 6 Hội nghị, kéo dài trong vòng hơn 2 tháng, sự thành lập PSUV đã phản ánh tính chất phức tạp và tính chiến đấu của các cuộc thảo luận; đồng thời, cũng báo hiệu đặc điểm mới trong sinh hoạt của đảng chính trị nói chung trong thế giới hiện đại.

Mặc dù diễn ra trong khoảng thời gian khá dài như vậy, nhưng Đại hội thành lập PSUV vẫn chưa thông qua được Cương lĩnh, mà mới chỉ dừng lại ở việc thảo luận các nguyên tắc chung và đưa ra Dự thảo Cương lĩnh. Đại hội nhất trí giao cho Ban lãnh đạo trung ương tổ chức Đại hội tư tưởng, dự kiến vào cuối năm 2008, để tiếp tục thảo luận và thông qua Tuyên bố về các nguyên tắc và Cương lĩnh của PSUV.

Tinh thần cách mạng và khuynh hướng thiên tả chiếm vị trí chủ đạo trong suốt quá trình Đại hội và trong bản Dự thảo Cương lĩnh của PSUV. Đảng tự xác định là "một chính đảng xã hội chủ nghĩa, theo chủ nghĩa Bô-li-va, chống chủ nghĩa tư bản, chống chủ nghĩa đế quốc, vì lợi ích của giai cấp lao động và dân tộc". Đảng cũng tự khẳng định bản chất "nhân văn, quốc tế chủ nghĩa, thống nhất, rèn luyện theo đạo đức cách mạng, phê bình và tự phê bình, áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ". Bản Dự thảo Cương lĩnh công khai tuyên bố đấu tranh xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và thẳng thắn phê phán: "tính không hiệu quả của các cơ quan quyền lực công, chủ nghĩa quan liêu, sự tham gia kém cỏi của nhân dân vào quản lý xã hội và giám sát chính phủ, tệ nạn tham nhũng, sự xa cách giữa nhân dân và chính quyền" đang đe dọa vận mệnh của sự nghiệp cách mạng. Đại hội và Dự thảo Cương lĩnh cũng xác định nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của PSUV là tư tưởng của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin, Xi-môn Bô-li-va,...

Vẫn còn những khó khăn, thách thức

Cuộc cách mạng Vê-nê-xu-ê-la có đặc điểm nổi bật là đã giành chính quyền bằng con đường dân chủ, bầu cử, nghị trường. Sau khi giành được chính quyền, các lực lượng cách mạng phải thực thi quyền lực và tiếp tục sự nghiệp cách mạng trong điều kiện thể chế chính trị - pháp lý và cơ sở kinh tế - xã hội của chế độ tư bản chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa dân tộc và đế quốc, giữa nhân dân lao động và các thế lực tư bản độc quyền chỉ thực sự bắt đầu sau bầu cử, tức là ngay trong bộ máy chính quyền các cấp, trong quản lý kinh tế - xã hội, trong cuộc sống chính trị - xã hội thường ngày. Thực tiễn đấu tranh như vậy chưa có nhiều tiền lệ trong thực tiễn lịch sử phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, càng chưa được tổng kết trong di sản lý luận kinh điển Mác - Lê-nin. Bởi vậy, trên cả bình diện lý luận và hoạt động thực tiễn, không ít cán bộ cách mạng Vê-nê-xu-ê-la rơi vào lúng túng và chệch hướng, sa vào quan liêu và chủ nghĩa cải lương. Trước tình hình này, Đại hội vừa qua đã tập trung thảo luận xung quanh cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu và chủ nghĩa cải lương. Đại hội xác định giải pháp cơ bản là phải tập hợp đông đảo quần chúng cách mạng trên cơ sở một bản Cương lĩnh thật sự xã hội chủ nghĩa và phát huy rộng rãi dân chủ trong nội bộ Đảng.

Tại Đại hội, việc bầu Ban lãnh đạo trung ương đã phản ánh cuộc đấu tranh gay go, phức tạp nhằm thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng. Tổng số 1.681 đại biểu thảo luận trong 50 nhóm không đưa ra được danh sách đề cử Ban lãnh đạo trung ương. Lợi dụng thời cơ này, các phần tử cải lương tham dự Đại hội còn đưa ra phương án đề nghị Tổng thống U. Cha-vét đề cử danh sách 69 người để Đại hội bầu 15 thành viên Ban lãnh đạo trung ương. Lãnh tụ phái tả Mun-lơ Rô-da, một trong những biểu tượng kiên định bản chất xã hội chủ nghĩa, được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch PSUV.

Những hy vọng mới

Ủng hộ nhà lãnh đạo U. Cha-vét ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la (ra đời từ năm 1931) đã trở thành một trong những lực lượng của cuộc cách mạng. Trong 10 năm qua, Đảng Cộng sản nhất quán lập trường vừa tham gia, ủng hộ phong trào cách mạng do U. Cha-vét đứng đầu, vừa đấu tranh, tác động nhằm bảo đảm tiến trình triệt để hóa cuộc cách mạng đến các mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2006, Đảng Cộng sản đóng góp gần nửa triệu trong tổng số 7,3 triệu phiếu ủng hộ U. Cha-vét; có 6 nghị sĩ Quốc hội và một bộ trưởng trong Chính phủ hiện nay. Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống U. Cha-vét về việc thành lập một chính đảng tiền phong thống nhất, Đại hội bất thường lần thứ XIII của Đảng Cộng sản, tổ chức vào đầu tháng 3-2007, quyết định không giải tán Đảng để hòa nhập vào PSUV, không từ bỏ bản sắc cộng sản của Đảng và lựa chọn phương án "hai khuôn khổ của một quá trình thống nhất". Một là, Đảng Cộng sản sẵn sàng cung cấp cán bộ cho PSUV. Hai là, Đảng Cộng sản sẵn sàng cùng với PSUV thành lập mặt trận chống chủ nghĩa đế quốc. Lập trường và phong cách hành động của Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la là hợp lý trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước và cách mạng. Mặc dù vậy, không ít lực lượng cách mạng Vê-nê-xu-ê-la vẫn hy vọng một sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức giữa những người cộng sản và hàng triệu thành viên của PSUV.

Cách mạng và PSUV có cơ sở giai cấp và cơ sở xã hội rộng lớn. Đó là giai cấp công nhân đông đảo và các tầng lớp lao động khác. Trong điều kiện cơ cấu xã hội giai cấp đặc thù của Vê-nê-xu-ê-la, hai lực lượng cách mạng nòng cốt là công nhân công nghiệp chiếm 12% nhân lực lao động quốc gia (hơn 1 triệu người); đội ngũ những người lao động trong các ngành dịch vụ chiếm 31,2% (khoảng 3,5 triệu người). Ông Rô-đri-ghết A-ra-kê, đại biểu công nhân vùng An-đi-na phát biểu tại Đại hội thành lập Đảng rằng, sự ra đời của PSUV đã làm hồi sinh hy vọng về chủ nghĩa xã hội trong khu vực Mỹ La-tinh chất chứa đầy tiềm năng cách mạng và đấu tranh chống đế quốc.

Trong thời gian tới, PSUV còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc thông qua Cương lĩnh, kết nạp đảng viên, xây dựng liên minh chiến lược với các đảng phái chính trị cánh tả, tiến bộ, lãnh đạo chính quyền thực hiện những cải cách kinh tế - xã hội và cải cách thể chế chính trị, v.v.. Phía trước là cuộc đấu tranh sống còn giữa cách mạng và phản cách mạng, và cũng là cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng để PSUV ngày càng xứng đáng với tên gọi là chính đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất, ngày càng vững vàng trong vai trò, vị trí đội tiền phong lãnh đạo cuộc cách mạng theo con đường của Mác - Lê-nin và Xi-môn Bô-li-va./.