Chiều 14-3, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đại diện cho Chính phủ Việt Nam và ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia, Trưởng văn phòng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã ký tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật “Phát triển thủy lợi vùng Trung và Đông Bắc đồng bằng sông Hồng.”

Khoản tiền trị giá 800.000 USD do ADB tài trợ không hoàn lại từ Quỹ Giảm nghèo của Chính phủ Nhật Bản (JFPR) dự kiến nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Hỗ trợ kỹ thuật sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá hệ thống công trình thủy lợi khu vực này; hoàn thiện các vấn đề về môi trường, xã hội, tái định cư, thể chế cho phát triển hệ thống thủy lợi; hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, xác định quy mô dự án. 

Nguồn tài trợ này có ý nghĩa quan trọng và là tiền đề để chuẩn bị cho các dự án đầu tư do ADB tài trợ trong những năm tiếp theo. 

Khoản viện trợ này cũng là một trong những chuỗi hoạt động của ADB nhằm hỗ trợ Việt Nam sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tiếp thêm cơ hội việc làm, tiến tới xóa đói giảm nghèo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn vùng trung du - đồng bằng Bắc Bộ - vùng trọng điểm nông nghiệp của Việt Nam. 

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực cho cơ sở hạ tầng thủy lợi khu vực này nhưng do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên kết quả chưa tương xứng tiềm năng. Vì vậy, trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn 2011-2020, cùng với nguồn vốn đầu tư trong nước, nguồn vốn ODA sẽ đóng vai trò then chốt để đầu tư phát triển thủy lợi.

Tại lễ ký kết, ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia, Trưởng văn phòng đại diện ADB tại Việt Nam nhận xét mặc dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao trong những năm gần đây nhưng hộ thấp và hộ nghèo vẫn tồn tại, nhiều nhất tại khu vực nông thôn, khu vực châu thổ sông Hồng. Nguyên nhân chủ yếu là sở hữu đất nhỏ lẻ, nguồn lực sản xuất hạn chế, đặc biệt là nguồn nước. 

Theo ông Tomoyuki Kimura, để nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, Việt Nam cần tăng cường sản xuất nông nghiệp để tăng cơ hội việc làm. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu hạ tầng cơ sở nông thôn phát triển - vấn đề cốt lõi của tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội./.