Sự trỗi dậy của Liên bang Nga trong bối cảnh mới
TCCS - Thế giới đang chứng kiến những biến động phức tạp về tình hình kinh tế - chính trị quốc tế. Những xung đột, tranh chấp, ly khai giữa các khu vực cùng khủng hoảng tài chính, năng lượng... tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của mọi quốc gia. Nước Nga cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó. Bài viết đề cập tới bối cảnh trong nước của Nga trong giai đoạn hiện nay; phân tích những nỗ lực của quốc gia này trong ngoại giao an ninh chính trị cũng như kinh tế với mục tiêu tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Từ chính sách kinh tế bền vững...
Năm 2008 là một năm hết sức quan trọng đối với Nga, năm diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực, hoán đổi vị trí suôn sẻ với việc ông Đ. Mét-vê-đép lên làm Tổng thống Liên bang Nga và ông V. Pu-tin tiếp tục tham gia chính trường trên cương vị Thủ tướng, kiêm Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất, đảng hiện đang nắm vai trò lãnh đạo trong hệ thống chính trị của nước này.
Nửa đầu năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, nền kinh tế Nga tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8%. Cán cân thương mại thặng dư cao đã giúp cho dự trữ ngoại tệ của Nga lên tới 568,3 tỉ USD (tháng 7-2008). Những thành tựu kinh tế, chính trị đạt được trong giai đoạn này cho thấy, nước Nga dưới thời Tổng thống Đ.Mét-vê-đép trở nên hùng mạnh hơn.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nước Nga gặp phải những tổn thất nặng nề. Do nền kinh tế Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên, nhiên liệu (chiếm tới 80% cơ cấu xuất khẩu và đóng góp 30% thu nhập ngân sách quốc gia) nên khi cuộc khủng hoảng xảy ra đã kéo theo giá năng lượng và nguyên liệu sụt giảm mạnh, tác động tiêu cực tới sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tăng trưởng của Nga.
Nhu cầu về nguyên, nhiên liệu giảm khiến giá cổ phiếu của các ngành này sụt giảm, thị trường chứng khoán Nga mất tới 75% giá trị so với hồi đầu năm (khoảng 1.000 tỉ USD). Chính phủ Nga đã phải nhiều lần đóng cửa thị trường chứng khoán.
Tỷ giá đồng rúp vào thời điểm tháng 9-2008 lần đầu tiên vượt qua mức 28 rúp/1USD kể từ năm 2006 và đến tháng 2-2009 lên tới mức 34,8 rúp/1USD (mất giá gần 1/3). Mức lạm phát trung bình 11 tháng đầu năm 2008 là 12,5% so với mức 10,6% cùng kỳ năm 2007.
Trong tháng 10-2008, số người thất nghiệp ở Nga tăng thêm 76 ngàn người, đưa tổng số người thất nghiệp lên tới 4,6 triệu. Chính phủ đưa ra dự báo đến cuối năm 2009 số người thất nghiệp có thể lên tới 7 triệu.
Rõ ràng là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này tới Nga còn trầm trọng hơn nhiều lần so với năm 1998; tuy nhiên, sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng với dự trữ ngoại tệ mạnh cũng như sự can thiệp kịp thời của nhà nước đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do khủng hoảng gây ra. Nếu năm 1998, thị trường tài chính Nga sụp đổ hoàn toàn, đồng rúp bị thả nổi, mất giá hơn 3 lần, thì lần này tình hình hoàn toàn được kiểm soát(1). Kể từ tháng 8 năm ngoái đến nay, Nga đã chi hơn 200 tỉ USD (hơn 1/3 số dự trữ ngoại tệ quốc gia) nhằm vực dậy nền kinh tế, chống đỡ cho ngân sách và bảo vệ đồng rúp.
Ngoài ra, Chính phủ Nga còn tiến hành hàng loạt các biện pháp khác như: thông qua gói cải tổ thuế, bao gồm giảm thuế lợi tức từ 24% xuống 20%; dỡ bỏ thuế nhập khẩu đánh vào các thiết bị cho các ngành công nghiệp như: luyện kim, xây dựng, lâm nghiệp và may mặc.
Trong Thông điệp Liên bang ngày 5-11-2008, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép khẳng định: Nga đã thực hiện những giải pháp linh hoạt nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tới hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế đất nước. Nga thành lập các doanh nghiệp mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, dựa trên đường lối 5 chữ “I” - thể chế, đầu tư, hạ tầng, đổi mới và trí tuệ (Institutes, Investisia, Infrastructura, Inovatsia và Intellekt) nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Nga, chiếm lĩnh những khoảng trống trong nền kinh tế thế giới(2).
Kết quả là, năm 2008, tăng trưởng GDP của Nga đạt 5,6%, tổng kim ngạch ngoại thương đạt 763,7 tỉ USD; đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga là 103,8 tỉ USD và ngược lại, Nga đầu tư ra nước ngoài 114,3 tỉ USD (tăng 53% so với năm 2007). Nợ nước ngoài của Nga tính đến 1-1-2009 giảm 9,8% so với năm 2008, còn 40,5 tỉ USD - con số rất thấp so với GDP của nước này. Tuy nhiên, hiện nay Nga đang phải đối phó với vấn đề các doanh nghiệp nợ nước ngoài tới hơn 400 tỉ USD, trong đó có các tập đoàn khổng lồ về năng lượng và kim loại như Gazprom, Norilsk, Mechel. Quan điểm của chính phủ Nga là nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp này bằng cách mua lại cổ phần, giúp các doanh nghiệp trả nợ trong điều kiện thị trường chứng khoán Nga sụt giảm. Mục tiêu quốc hữu hóa là nhằm giữ chủ quyền của đất nước đối với các cơ sở và lĩnh vực tối quan trọng, phục hồi sản xuất, đồng thời bảo đảm công ăn việc làm, tăng khả năng đóng góp vào ngân sách, cung cấp sản phẩm cho khu vực sản xuất thực cũng như đầu tư vào khoa học, công nghệ.
Có thể nói, mặc dù bị tác động nặng nề và còn gặp nhiều khó khăn, song nước Nga đã trụ vững trước cơn bão khủng hoảng tài chính lần này. Đầu tháng 2-2009, để cải thiện đời sống nhân dân, Thủ tướng V.Pu-tin tuyên bố do mức lạm phát thực cao hơn mức dự toán lập ngân sách năm 2009 nên số tiền hỗ trợ cho lĩnh vực xã hội sẽ tăng hơn mức 26,5% so với kế hoạch, và tháng 3-2009, lương hưu được tăng thêm 8,7%(3). Sang năm 2009, trong khi dự báo của WB về mức tăng trưởng của Nga là dưới 3% thì chính phủ Nga vẫn lạc quan với dự báo ở mức trên 6%.
... đến những nét mới trong chính sách đối ngoại
Với những thành quả kinh tế, trên chính trường quốc tế, nước Nga đang hướng tới sự kế tục và phát triển chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống V.Pu-tin nhằm tái lập vị thế cường quốc của mình. Tháng 7-2008, “Những định hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” đã được Tổng thống Đ.Mét-vê-đép thông qua. Điểm nhấn trong chính sách này là nước Nga ngày nay đã trỗi dậy với thế và lực mới, có được vai trò đầy đủ trong các vấn đề toàn cầu.
Chính sách đối ngoại của Nga từ chỗ tạo môi trường thuận lợi, ưu tiên cho phát triển kinh tế đang trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất nhằm bảo đảm cho Nga tiếp tục phát triển và đủ khả năng cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa. Nga không chỉ ủng hộ xu thế đa cực trong quan hệ quốc tế mà còn nhận thức rõ vai trò của mình trong việc hình thành một cấu trúc quan hệ quốc tế mới với trung tâm điều tiết là Liên hợp quốc. Thay thế cho cách giải quyết các vấn đề quốc tế theo kiểu phe khối hiện nay là phương pháp ngoại giao đan xen, dựa vào những hình thức tham gia linh hoạt của các cơ chế đa phương trên nguyên tắc an ninh toàn vẹn của thế giới hiện đại.
Về ưu tiên giữa các khu vực, định hướng của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép nêu rõ:
- Hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga là phát triển quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), nơi Nga đã có sẵn cơ sở chính trị, kinh tế, quân sự của mình và chính các nước này cũng là các vùng đệm xung quanh nước Nga. Những cơ chế hợp tác đa phương như Cộng đồng kinh tế Âu - Á (EAEC), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ được Nga chú trọng phát triển.
- Mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Nga theo hướng châu Âu là tạo ra hệ thống hợp tác và an ninh thật sự công khai, dân chủ cho toàn khu vực, một hệ thống có khả năng bảo đảm sự thống nhất của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương - từ Van-cu-vơ tới Vla-đi-vốt-xtốc. Nga ủng hộ sự thống nhất thật sự của châu Âu, không có các đường phân chia ranh giới, thông qua con đường bảo đảm hợp tác bình đẳng giữa Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
- Trong chính sách ưu tiên dài hạn với Mỹ, Nga chủ trương cùng Mỹ tạo nền móng kinh tế vững chắc; cùng điều chỉnh những bất đồng trên cơ sở chủ nghĩa hiện thực và tuân thủ tính cân bằng lợi ích, nhằm tạo ra sự ổn định cao và tính dự báo trong quan hệ Nga - Mỹ.
- Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng và ngày càng lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga. Nga tiếp tục tích cực tham gia những cơ cấu hội nhập chính của khu vực này như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN cũng như SCO, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ Nga - Ấn Độ.
- Nga sẽ mở rộng hợp tác nhiều nội dung với các nước châu Phi trên cơ sở song phương và đa phương, bao gồm đối thoại và hợp tác trong khuôn khổ nhóm G8, thúc đẩy giải quyết một cách nhanh nhất những cuộc xung đột khu vực và tình hình khủng hoảng tại châu Phi.
- Nga phấn đấu xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Bra-xin, tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế với Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô, Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la và các nước khác trong khu vực Mỹ La-tinh. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp khoa học của Nga sang các nước Mỹ La-tinh, thực hiện những dự án liên doanh trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng, công nghệ cao...
Những động thái tích cực trong quan hệ quốc tế
Cùng với những điều chỉnh trong định hướng cơ bản của chính sách đối ngoại, những hoạt động ngoại giao thực tiễn của Liên bang Nga trong thời gian qua diễn ra trên quy mô toàn cầu, năng động, linh hoạt, tần suất cao, với sự kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của ngoại giao chính trị, kinh tế, năng lượng và quốc phòng. Những hoạt động ngoại giao này cũng cho thấy, việc ưu tiên củng cố quan hệ với phương Đông của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép trong kế thừa chính sách cân bằng Đông - Tây của Tổng thống V.Pu-tin trước đây. Ngoài ra, Nga hiểu rõ rằng trong thế giới mà an ninh năng lượng là sống còn, quyền lực sẽ thuộc về những quốc gia kiểm soát hệ thống phân phối năng lượng toàn cầu và Nga đang nỗ lực hướng tới mục tiêu này.
Đối với khu vực châu Á, Nga ưu tiên phát triển quan hệ với Trung Á. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép là tới Ca-dắc-xtan (tháng 5-2008), đồng minh thân cận nhất của Nga tại khu vực này. Cùng với việc thúc đẩy hợp tác an ninh - chính trị và liên kết kinh tế, Trung á còn chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược năng lượng toàn cầu của Nga. Tháng 7-2008, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tới thăm một loạt các nước vùng Ca-xpi gồm: A-déc-bai-gian, Ca-dắc-xtan và Tuốc-mê-ni-xtan nhằm thúc đẩy hợp tác về khai thác và vận chuyển năng lượng. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã tuyên bố hoàn thành giai đoạn một của đường ống dẫn dầu Đông Xi-bê-ri - Thái Bình Dương vào cuối năm 2009. Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách của Nga về cân bằng năng lượng giữa châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương; theo đó, khu vực này sẽ chiếm khoảng 1/3 sản lượng dầu xuất khẩu của Nga vào năm 2020 so với mức 3% hiện nay.
Tiếp đó, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã sang thăm Trung Quốc, nước láng giềng lớn nhất, phát triển nhanh nhất và quan trọng nhất của Nga. Thông cáo chung Nga - Trung tái khẳng định vai trò của hai nước như những trụ cột của trật tự thế giới đa cực; coi SCO như một nhân tố đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường sự ổn định chiến lược và hợp tác kinh tế - nhân đạo toàn diện tại lục địa Á - Âu. Nga và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định biên giới, mở đường cho quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ hơn; ký thỏa thuận đổi dầu lấy tín dụng, theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay 25 tỉ USD và Nga sẽ trả dần bằng dầu khí trong vòng 20 năm.
Đối với khu vực châu Âu, Đức là bạn hàng, đối tác năng lượng lớn nhất của Nga, đồng thời là nước chủ trương xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa EU với Nga. Tại Béc-lin, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã đưa ra sáng kiến thống nhất “ba nhánh của nền văn minh châu Âu”, bao gồm Nga, châu Âu và Bắc Mỹ. ý tưởng này thể hiện “tính đa cực” bình đẳng trong quan hệ Nga, Mỹ và EU.
Đối với vấn đề NATO mở rộng, Nga kiên quyết phản đối NATO kết nạp U-crai-na và Gru-di-a. Bởi theo Nga, nếu tổ chức này mở rộng về phía Đông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai bên trong nhiều năm tới mặc dù không phải là đối đầu. Và Nga có thể hủy bỏ Hiệp ước hữu nghị Nga - U-crai-na năm 1997, đưa ra yêu sách đối với căn cứ hải quân Xê-va-xtô-pôn trên biển Đen. Với Gru-di-a, những hành động kiên quyết của Nga trong xung đột vũ trang tại Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a đầu tháng 8-2008 bất chấp những áp lực của Mỹ, NATO và EU cho thấy, Nga sẵn sàng thực thi những tuyên bố của mình khi cần thiết. Tiếp đến là xung đột về khí đốt giữa Nga với U-crai-na gây nên tình trạng căng thẳng về an ninh năng lượng cho một loạt các thành viên của EU trong hai tuần đầu năm 2009(4). Rõ ràng, một mặt, Nga thể hiện quan điểm cứng rắn đối với các chính quyền thân phương Tây; mặt khác, cũng thể hiện sức mạnh quân sự cũng như năng lượng của mình đối với EU và Mỹ.
Để triển khai chính sách năng lượng ở châu Âu, tập đoàn Gazprom của Nga nỗ lực hướng sang châu Phi với một loạt kế hoạch như: xây dựng đường ống xuyên Địa Trung Hải để vận chuyển khí đốt từ Li-bi sang EU; đầu tư khai thác tại Ni-giê-ri-a; đề xuất ý tưởng xây dựng đường ống dẫn ở An-giê-ri... Như vậy, một mặt, Gazprom đang thực thi chiến lược kiểm soát việc buôn bán vận chuyển năng lượng gồm khí đốt, dầu, khí hóa lỏng từ Bắc Phi sang EU và Mỹ; mặt khác, tiếp tục tăng cường vai trò của mình ở EU. Mới đây, ông Mai-lơ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Gazprom tuyên bố: EU tiếp tục là thị trường quan trọng nhất về khí đốt của Nga, và tỷ lệ của Nga sẽ tăng từ 26% hiện nay lên mức 33% - 35% năm 2020, đạt mức 600 tỉ m3. Để ủng hộ cho kế hoạch này, tháng 2-2009, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tuyên bố sẽ đưa ra dự thảo mới trong Hiệp ước về năng lượng nhằm giải quyết các tranh chấp tương tự như với U-crai-na vừa qua (dự kiến sẽ trình tại Hội nghị G20 ở Luân Đôn trong tháng 4-2009).
Đối với khu vực châu Mỹ, năm 2008 là năm quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng nhất kể từ khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc đến nay. Trước tiên là việc Nga phản đối Mỹ ủng hộ việc thừa nhận độc lập ở Cô-xô-vô; tiếp đó là việc Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa NMD tại Ba Lan và hệ thống ra-đa cảnh giới tại Cộng hòa Séc. Nga đã áp dụng chiến lược phản ứng quyết liệt trên nhiều mặt trận nhằm gây áp lực với Mỹ và NATO. Một trong những động thái đó là việc Nga tuyên bố: sẽ bố trí hệ thống tên lửa Ix-kan-đơ ở vùng Ka-li-nin-grát để chống lại những lá chắn tên lửa và căn cứ ra-đa của Mỹ ở Ba Lan và Cộng hòa Séc.
Trái ngược với những căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ, quan hệ hợp tác Nga - Mỹ La-tinh, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, vũ khí và năng lượng hạt nhân đang rất phát triển. Nga đã tăng cường hợp tác với một số nước Mỹ La-tinh như Pê-ru, Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la và Cu-ba.
Nga tuyên bố sẽ hiện diện trở lại ở Cu-ba và có kế hoạch đóng thêm 4-5 tàu sân bay để tăng cường khả năng triển khai lực lượng vũ trang trên đại dương. Ba công ty năng lượng hàng đầu của Nga là Gazprom, Lukoil và TNK-BP đã ký kết những thỏa thuận hợp tác với Công ty dầu khí quốc gia Vê-nê-xu-ê-la PDVSA trong triển vọng thăm dò khai thác vùng sông Ô-ri-nô-cô. Như vậy, các công ty năng lượng Nga dần thay thế các công ty hàng đầu của Mỹ tại đây. Giới bình luận quốc tế cho rằng, việc Nga tiếp cận các nước Mỹ La-tinh chính là hành động thọc sâu vào “sân sau” chiến lược của Mỹ, là cơ hội để tái lập một vị trí đối trọng với Mỹ.
(1) Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, đồng rúp mất giá hơn 300% trong vòng 1 tháng từ 6,29 rúp/1USD ngày 14-8-1998 xuống 21 rúp/1USD ngày 21-9-1998
(2)Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo, ngày 16-11-2008
(3) Khủng hoảng 1998 làm cho đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thu nhập bình quân đầu người giảm từ 3.056 USD (năm 1997) xuống còn 1.867 USD (năm 1998)
(4) Ngày 01-01-2009, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngừng cung ứng khí đốt cho U-crai-na với khối lượng khoảng 90tỉ m3. Ngày 4-1, Gazprom tuyên bố sẽ tăng giá khí đốt bán cho U-crai-na lên 450USD/1.000m3, thay vì các mức giá đưa ra trước đó, lần lượt là 250USD và 418USD. Đồng thời, Gazprom cho rằng U-crai-na đã rút bớt lượng khí đốt của Nga trung chuyển qua U-crai-na tới EU nên cắt luôn nguồn cung cấp cho EU. 26% khí đốt của EU do Nga cung cấp, trong đó 80% lượng cung cấp từ Nga được trung chuyển qua U-crai-na
Hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ - nhìn từ góc độ sức mạnh chính trị - tinh thần  (17/04/2009)
Hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ - nhìn từ góc độ sức mạnh chính trị - tinh thần  (17/04/2009)
Việt Nam và các chỉ số  (17/04/2009)
Việt Nam và các chỉ số  (17/04/2009)
Hội đồng Nga - NATO hoạt động trở lại  (17/04/2009)
Việt Nam cần tận dụng cơ hội hiện nay để đào tạo lại lực lượng lao động  (17/04/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên