TCCSĐT - Càng gần đến ngày kỷ niệm 30 năm cuộc chiến tranh giữa Argentina và Anh về chủ quyền đối với quần đảo Malvinas theo cách gọi của Argentina và Falklands như tên gọi của Anh, (2-4-1982 - 2-4-2012), căng thẳng giữa hai nước ngày càng leo thang. Năm ngoái, Argentina đã kêu gọi Liên hợp quốc can thiệp để Anh chấm dứt chủ định "quân sự hóa khu vực Nam Đại Tây Dương".

 

Biểu tình phản đối Hoàng tử Anh Wiliam tới đảo Falkland tại Argentina


Mới đây nhất, Argentina không cho phép tàu du lịch của Anh cập cảng Argentina vì trước đó đã ghé vào quần đảo này. Đồng thời, Bộ trưởng Công nghiệp Argentina Debora Giorgi đã đề nghị 20 tập đoàn lớn của Argentina tẩy chay nhập khẩu hàng hóa của Anh.

Theo lịch sử, thực dân Anh chiếm quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương của Argentina từ năm 1833, nhưng Argentina vẫn luôn cho rằng, quần đảo đó là lãnh thổ của mình. Ngày 2-4-1982, chính quyền độc tài quân sự ở Argentina dùng quân đội chiếm lại quần đảo. Anh bị bất ngờ, nhưng sau đó đã đưa quân đội đến giao chiến với quân đội Argentina và chiếm lại quần đảo. Từ đó đến nay, hai bên không tiến hành giao tranh quân sự, nhưng cũng chưa đạt được giải pháp nào. Thời gian vừa qua, cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này lại trở nên thời sự và căng thẳng hơn trước.

Argentina đã tranh thủ được các thành viên tổ chức MERCOSUR tham gia biện pháp không cho tàu thuyền treo cờ đảo này cập các bến cảng của họ. Phía Anh cũng đã đưa thêm tàu chiến đến quần đảo Malvinas và Hoàng tử Anh William cũng được cử đến phục vụ trong quân đội Anh tại đây. Chính phủ Anh đã lên tiếng cáo buộc Argentina thực thi "chính sách đối đầu" về chủ quyền đối với quần đảo này. Thủ tướng Anh David Cameron coi những biện pháp mới rồi của Argentina là "phản tác dụng" và hiểu nhầm quyết tâm của Chính phủ Anh trong việc giải quyết vụ tranh chấp này. Bộ Ngoại giao Anh đã triệu Đại sứ Argentina tại Anh Oswaldo Marsico lên gặp để giải thích về những biện pháp nói trên.

Tất cả những động thái ở cả hai phía nhằm xác lập và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo trong thời gian vừa qua đều hướng tới việc kỷ niệm 30 năm cuộc chiến tranh ở quần đảo. Cả Chính phủ Argentina lẫn Chính phủ Anh đều chủ định khai thác và tận dụng tối đa tác dụng về chính trị đối nội của quan điểm kiên định không thỏa hiệp trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo này.

Hiện tại, mức độ căng thẳng và đối đầu giữa Anh và Argentina đã đạt tới đỉnh điểm kể từ khi xảy ra cuộc chiến nói trên. Tuy nhiên, khả năng tái bùng phát đối đầu quân sự ở quần đảo này hiện gần như không có. Phía Anh đánh giá Argentina không có đủ tiềm lực quân sự cần thiết để có thể tiến hành chiến tranh như năm 1982. Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng, càng căng thẳng và đối đầu thì Anh phải trả giá càng đắt về tài chính và về chính trị, kinh tế trong quan hệ của Anh với Argentina cũng như với các đối tác khác ở Trung và Nam Mỹ./.