Chuyến đi chiến lược

Thu Trang
11:27, ngày 16-02-2009

Ngày 15-2-2009, bà Hi-la-ri Clin-tơn đã lên đường đi Đông Á bắt đầu thực hiện chuyến công du đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, tới Tô-ki-ô, Xơ-un, Bắc Kinh và Gia-các-ta. Đây cũng là lần đầu tiên trong 60 năm qua, một tân ngoại trưởng Mỹ chọn Đông Á cho chuyến công tác nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Sự lựa chọn này cho thấy vai trò trọng yếu của khu vực trong chính sách đối ngoại của tân tổng thống Mỹ trong bối cảnh hiện nay.

Quyết định chọn Nhật Bản và Hàn Quốc làm hai điểm đến đầu tiên của bà Hi-la-ri chứng tỏ rằng Oa-sinh-tơn muốn củng cố liên minh chiến lược với Tô-ki-ô và Xơ-un, vốn đang manh nha những dấu hiệu rạn nứt. Tô-ki-ô hiện đang rất nhạy cảm trước bất kỳ động thái nào về vị trí của họ với tư cách là đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vựcbị lung lay bởi có những lo ngại tân Tổng thống Mỹ có khuynh hướng xích lại gần Trung Quốc. Chuyến viếng thăm Hàn Quốc của bà Hi-la-ri diễn ra trong thời điểm đàm phán sáu bên về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên gặp bế tắc và gần đây xuất hiện sự căng thẳng nguy hiểm giữa hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên. Những vấn đề đó đang tạo ra bài toán khó trong chuyến công du đầu tiên của bà Hi-la-ri trước khi đưa ra đề xuất những quyết sách lâu dài để xử lý tốt nhất vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Sứ mệnh của bà Hi-la-ri là lấy lại lòng tin từ các đồng minh vốn bị chọc giận sau khi chính quyền Bu-sơ vì quá hăng hái thúc đẩy Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân mà xao nhãng những chiến lược quan trọng ở khu vực này.

Cũng giống như chính phủ Bu-sơ, tân chính quyền Mỹ cũng sẽ tận dụng Nhật Bản và Ấn Độ như đối trọng với Trung Quốc cả về quân sự và ngoại giao, trong khi vẫn duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh. Tân Ngoại trưởng đã từng phát biểu rằng Mỹ không coi một nước Trung Quốc đang nổi lên là đối thủ của mình. Ngược lại, Oa-sinh-tơn coi việc hai nước hợp tác với nhau, cùng nhau chia sẻ những cơ hội và mối lo ngại chung là “nằm trong lợi ích của Mỹ”. Và, “một cuộc đối thoại toàn diện hơn” với Trung Quốc như bà Hi-la-ri hy vọng chính là thể hiện mong muốn của chính quyền mới ở Oa-sinh-tơn về việc mở rộng quan hệ đối tác với Bắc Kinh nhằm giải quyết các vấn đề lớn của khu vực cũng như thế giới. Hơn lúc nào hết, Mỹ cần có sự hỗ trợ của Trung Quốc để đối phó với khủng hoảng kinh tế-tài chính, đặc biệt là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Một điểm đáng chú ý là việc Ngoại trưởng Hi-la-ri đưa Gia-các-ta vào danh sách thăm viếng lần này. Không chỉ đơn giản là nơi Tổng thống Ô-ba-ma từng trải qua thời thơ ấu, In-đô-nê-xi-a là nước Hồi giáo lớn nhất và đông dân thứ tư thế giới. "Cuộc chiến chống khủng bố" của cựu Tổng thống Bu-sơ cũng như cách tiếp cận trong chính sách ngoại giao của chính quyền Mỹ dưới thời Bu-sơ đã gây khó chịu cho nhiều người In-đô-nê-xi-a nói riêng, thế giới Hồi giáo nói chung. Đến In-đô-nê-xi-a với nhiều lý do thích hợp, bà Hi-la-ri không giấu giếm tham vọng của Mỹ muốn “vươn tới” thế giới Hồi giáo và “cải tạo” những thù hằn in sâu trong tiềm thức của cộng đồng Hồi giáo đối với người Mỹ. Ngoài ra, trong khi Thái Lan ngày càng bất ổn, còn Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po cũng không dễ có chuyển đổi chính trị, thì In-đô-nê-xi-a “có vẻ đang trên đường trở thành nền dân chủ Hồi giáo thực sự bền vững”. Trong lúc Đông Nam Á ngày càng chứng kiến sự mở rộng hoạt động thương mại của Trung Quốc, cũng sẽ càng có lý để Mỹ thường xuyên thăm châu Á, gồm cả In-đô-nê-xi-a, để giảm bớt sự ảnh hưởng đang gia tăng của Trung “một cách tế nhị và có trách nhiệm”. Và, sẽ không có gì ngạc nhiên khi người ta thấy In-đô-nê-xi-a rất có thể là một trọng tâm cho nhiệm kỳ đầu của ông Ô-ba-ma.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các tân Ngoại trưởng Mỹ luôn là một sự kiện mang tính biểu tượng, thể hiện những ưu tiên của chính quyền mới. Châu Á tuy ít được ông Ô-ba-ma đề cập tới trong chiến dịch tranh cử của mình, nhưng khu vực này luôn giữ vai trò quan trọng đối với lợi ích kinh tế sống còn của nước Mỹ, nhất là vào thời buổi khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Chuyến thăm châu Á của bà Hi-la-ri lần này, ngoài việc muốn chứng tỏ rằng châu lục này có ý nghĩa với Mỹ mà còn cho thấy Oa-sinh-tơn quyết duy trì vai trò ưu thế trong vùng về dài hạn, để chứng tỏ rằng “Mỹ không chỉ là một cường quốc xuyên Đại Tây Dương mà cũng là một cường quốc xuyên Thái Bình Dương”. Điều đó càng trở nên cần thiết khi giờ đây, châu Á với các cường quốc đang nổi lên như những đối thủ “khó nhằn”, đang trở thành tâm điểm chiến lược của thế kỷ mới của Mỹ.

Tân Ngoại trưởng Hi-la-ri trước khi lên đường đến châu Á đã tuyên bố rằng “Mỹ tha thiết muốn mở rộng và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ với châu Á”. Người ta sẽ chờ xem các thay đổi của tân chính quyền Mỹ trong các chính sách đối với châu lục rộng lớn này sau chuyến thăm của bà Hi-la-ri./.