Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-1 đến ngày 5-2-2012)
TCCSĐT - Ngày 4-2-2012, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành biểu quyết một dự thảo nghị quyết mới về tình hình chính trị, an ninh ở Syria. Mặc dù có tới 13 trong tổng số 15 thành viên của Hội đồng này biểu quyết tán thành, song dự thảo nghị quyết đó vẫn không được thông qua bởi cả Nga lẫn Trung Quốc đều đã dùng quyền phủ quyết. Đây là lần thứ hai, Nga và Trung Quốc phủ quyết bản dự thảo nghị quyết về Syria kể từ tháng 10 năm ngoái.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy: các nước EU vẫn còn chặng đường phía trước |
Ngày 30-1-2012, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên trong năm 2012 đã khai mạc tại thủ đô Brussels (Bỉ). Tại Hội nghị lần này, nội dung chính được quan tâm là giải quyết các quan ngại của người dân tại 17 nước Eurozone, cụ thể là tạo việc làm, đặc biệt cho giới thanh niên, và thúc đẩy kinh tế. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy, các nước EU đã nỗ lực để vượt qua khủng hoảng và đạt được các bước tiến đáng khích lệ, nhưng vẫn còn chặng đường phía trước. Chủ tịch EU khẳng định các nước phải cùng lúc giảm được mức nợ công và ổn định của Eurozone, trong khi bảo đảm tăng trưởng và tạo việc làm. Sau hơn 7 giờ thảo luận, Hội nghị đã bế mạc với việc thông qua một loạt quyết định quan trọng. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo EU nhất trí thực hiện 3 ưu tiên chính trong thời gian tới, đó là khuyến khích tạo công ăn việc làm, đặc biệt việc làm cho thanh niên; hoàn thành thị trường chung duy nhất; và thúc đẩy đầu tư tài chính vào các nền kinh tế, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông M.Barroso cho biết, ngoài việc xây dựng và thông qua kế hoạch về việc làm tại mỗi quốc gia, 17 nước thành viên Eurozone cũng hy vọng, những quy định nghiêm khắc mới về tài chính sẽ thuyết phục các nhà đầu tư lấy lại niềm tin đối với đồng tiền này. Cũng tại Hội nghị này, 25 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí thông qua hiệp ước mới do Đức đề xuất về quản lý ngân sách với tên gọi “Hiệp ước ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tài chính - tiền tệ”. Hiện tại, Anh và Cộng hòa Czech vẫn từ chối tham dự hiệp ước trên do quốc hội các nước này chưa thông qua.
2. Liên hợp quốc: Các nguồn lương thực, nước có nguy cơ cạn kiệt
Liên hợp quốc cảnh báo các nguồn lương thực, nước và nhiên liệu không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của dân số toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng
|
Ngày 31-1-2012, Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo các nguồn lương thực, nước và nhiên liệu trên thế giới đang cạn kiệt không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của dân số toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng. Ủy ban Cấp cao của Liên hợp quốc về bền vững toàn cầu nhấn mạnh, không còn nhiều thời gian để có thể đảo ngược xu thế này trong bối cảnh 20 năm tới, khi nhu cầu của dân số thế giới tăng thêm 50% nguồn lương thực, 45% nguồn năng lượng và 30% nguồn nước so với hiện nay. Những nhu cầu này sẽ tăng theo cấp số nhân lúc mà dân số thế giới tăng từ 7 tỉ người hiện nay lên 9 tỉ người vào năm 2040. Việc không bảo đảm và cung cấp đầy đủ những nguồn lực căn bản này đồng nghĩa với việc đẩy 3 tỉ người trên toàn cầu vào cảnh cùng khổ. Ủy ban Cấp cao của Liên hợp quốc kêu gọi các nước phải hành động đẩy nhanh việc phát triển bền vững với tinh thần khẩn cấp và ý chí chính trị cao. Ủy ban đã đề xuất 56 kiến nghị về phát triển bền vững, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu thay đổi chính sách kinh tế càng nhanh càng có hiệu quả lớn. Chính phủ các nước cần nhanh chóng thỏa thuận các mục tiêu phát triển bền vững để thực hiện thành công những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015 và tạo khuôn khổ cho các hành động phát triển sau thời điểm này để có thể tăng gấp đôi năng suất, trong khi giảm mạnh sử dụng các nguồn tài nguyên. Nguồn nước và hệ sinh thái biển cần được quản lý hiệu quả hơn và cần phổ cập tiếp cận các nguồn năng lượng bền vững trên toàn cầu vào năm 2030.
3. Liên hợp quốc công bố nghiên cứu về “Kinh tế xanh trong một thế giới xanh”
Trong một nghiên cứu về chủ đề “Kinh tế xanh trong một thế giới xanh” công bố ngày 1-2-2012, Liên hợp quốc đã khẳng định tiềm năng khổng lồ của biển và đại dương trong phát triển kinh tế bền vững và giảm đói nghèo. Nghiên cứu đưa ra các số liệu cho thấy, 20% rừng đước ven biển trên thế giới đã biến mất, hơn 60% dải san hô nhiệt đới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Với hơn 40% dân số thế giới sống trong bán kính 100 km từ bờ biển, tác động của con người ngày càng gây nguy hại cho sức khỏe và hiệu quả kinh tế của biển và đại dương trên toàn cầu. Nghiên cứu trên khuyến cáo quản lý bền vững các nguồn phân bón trong nông nghiệp có thể giảm chi phí chống ô nhiễm biển tới 100 tỉ USD hằng năm chỉ riêng ở Liên minh châu Âu. Tăng cường đầu tư xanh phát triển bền vững các nguồn tài nguyên biển và ven biển cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý các hệ sinh thái xuyên quốc gia này có tầm quan trọng thiết yếu thúc đẩy quá trình chuyển nền kinh tế không bền vững hiện nay sang nền kinh tế xanh. Thúc đẩy công nghệ xanh vừa giúp giảm mạnh khí thải các bon gây hiệu ứng nhà kính vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an ninh lương thực và dinh dưỡng, giảm đói nghèo. Nghiên cứu chung của các cơ quan Liên hợp quốc kêu gọi các nước khai thác các nguồn năng lượng tái sinh từ biển và đại dương như các nguồn năng lượng gió, sóng biển và thuỷ triều. Các nguồn năng lượng này hiện mới chiếm 1% tổng sản lượng các nguồn năng lượng tái sinh toàn cầu.
4. UNESCO thúc đẩy giáo dục công nghệ ở châu Phi
Ngày 2-2-2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Viện Các kỹ sư Điện và Điện tử quốc tế (IEEE), hội chuyên ngành công nghệ lớn nhất thế giới, đã thỏa thuận thúc đẩy thực hiện các dự án giáo dục công nghệ ở châu Phi. UNESCO và IEEE phối hợp các sáng kiến hỗ trợ cộng đồng công nghệ châu lục Đen nhằm tiến tới mục tiêu chung là mở rộng quy mô giáo dục công nghệ cho cả học sinh và các giáo viên châu Phi, đặc biệt khuyến khích phụ nữ tham gia các ngành công nghệ. Châu Phi là khu vực ưu tiên trong chương trình nghị sự của cả UNESCO và IEEE. Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova nhấn mạnh, nhiều thanh niên châu Phi sẽ hướng tới nghề nghiệp liên quan công nghệ trong bối cảnh vai trò quan trọng của công nghệ ngày càng được đề cao ở châu lục này, do đó cần khuyến khích các nam nữ thanh niên có động lực như vậy ở châu Phi và thế giới đang phát triển đi vào khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Chỉ riêng khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi hiện đã cần tới 2,5 triệu kỹ sư và kỹ thuật viên. Sự hợp tác và phối hợp giữa UNESCO và IEEE sẽ giúp các nước châu Phi đào tạo và duy trì lực lượng lao động công nghệ cao thích hợp để tăng cường phát triển nhằm thoát khỏi đói nghèo. Các dự án hợp tác sẽ cập nhật phát triển công nghệ, hoàn thiện các chính sách công nghệ và thúc đẩy các dự án công nghệ mới ở các nước châu Phi.
5. Ecuador - Colombia đạt thỏa thuận ranh giới trên biển
Sau gần 100 năm, Colombia và Ecuador đã đạt được thỏa thuận về ranh giới trên biển giữa hai nước
|
Ngày 2-2-2012, Ngoại trưởng Colombia María Ángela Holguín thông báo sau gần 100 năm không có giải pháp, Colombia và Ecuador đã đạt được thỏa thuận về ranh giới trên biển giữa hai nước. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ecuador Ricardo Patirno sau cuộc hội đàm tại thành phố Cali (Colombia), bà M.Holguisn thông báo: tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí được tọa độ của điểm xuất phát ranh giới trên Thái Bình Dương ở cửa sông Mataje, biên giới tự nhiên giữa hai nước. Colombia và Ecuador đã ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền từ năm 1916 nhưng không có văn bản xác định rõ ràng về ranh giới trên biển. Ngoại trưởng Ricard Patixo cho rằng, hai nước đã tận dụng bối cảnh quan hệ đang ở trong thời điểm tốt đẹp để thống nhất vấn đề quan trọng trên. Dự kiến, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau khi được tổng thống hai nước ký trong những tuần tới. Hai quốc gia Nam Mỹ này bình thường hóa hoàn toàn quan hệ từ cuối năm 2010 sau khi Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nhậm chức. Trước đó, tháng 3-2008, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia sau khi quân đội nước này không kích một khu lán trại của nhóm du kích Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đóng trên lãnh thổ Ecuador, gần biên giới chung. Trong cuộc gặp trên, hai ngoại trưởng cũng bàn tới việc chuẩn bị cho cuộc họp nội các chung vào tháng 5 tới.
6. Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi
Ngày 3-2-2012, Hội nghị cấp cao lần thứ 18 của Liên minh châu Phi (AU) ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đã kết thúc sau 3 ngày thảo luận sôi nổi. Chủ đề chính được đề ra cho Hội nghị cấp cao này là thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước thành viên AU với nhau. Ngoài ra, tình hình chính trị, an ninh ở Somalia và Nigeria cũng như căng thẳng trong quan hệ giữa Sudan và Nam Sudan sau khi hai quốc gia này không nhất trí được với nhau về phí vận chuyển quá cảnh dầu lửa của Nam Sudan đi qua lãnh thổ Sudan là những vấn đề được bàn đến trong chương trình nghị sự. Tại Hội nghị, 54 thành viên AU đã bầu Tổng thống Benin, ông Thomas Boni Yayi, làm Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi nhiệm kỳ một năm. Còn việc bầu Chủ tịch Ủy ban châu Phi phải hoãn lại cho đến Hội nghị cấp cao tới của AU dự kiến vào đầu mùa hè năm nay, do hai ứng cử viên cho vị trí này không giành được hai phần ba số phiếu cần thiết theo quy định của AU. Sự bất đồng quan điểm trong nội bộ các thành viên AU đã làm cho Hội nghị không đưa ra được quyết định nào nhằm thúc đẩy, tăng cường trao đổi thương mại trong AU cũng như xúc tiến đàm phán thành lập khu vực mậu dịch tự do với các đối tác khác trên thế giới. Đồng thời Hội nghị cũng chưa đưa ra được ý tưởng giải pháp mới có thể cải thiện tình hình chính trị an ninh ở Somalia và Nigeria cũng như đóng vai trò trung gian giúp Sudan và Nam Sudan xử lý ổn thỏa và hòa bình các vấn đề mới nảy sinh trong quan hệ song phương.
7. Hội nghị An ninh Munich tại Đức
Hội nghị An ninh Munich 2012 đề xuất giải pháp thỏa hiệp về vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu
|
Ngày 4-2-2012, Hội nghị An ninh Munich đã chính thức khai mạc tại Đức. Tại đây, các đại biểu đã nghe giới thiệu và thảo luận quan điểm an ninh toàn vẹn ở châu Âu, trong đó bao hàm những khuyến nghị về giải pháp cho vấn đề phòng thủ tên lửa. Văn kiện nói trên, do các chuyên gia thuộc ủy ban Sáng kiến an ninh châu Âu - Đại Tây Dương (Euro-Atlantic Security Initiative) soạn thảo, đã được các nhà lãnh đạo Ủy ban độc lập này, trong đó có Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ishinger, cựu Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov và cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Sam Nann, trình bày tại Hội nghị. Sáng kiến châu Âu - Đại Tây Dương đề xuất giải pháp thỏa hiệp về vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Văn kiện quy định sự hợp tác của một bên là Nga với bên kia là NATO và Mỹ, trong việc xây dựng cấu trúc phòng thủ tên lửa, bao gồm việc gia tăng thời gian thông qua các quyết định và cảnh báo những rủi ro, thành lập một trung tâm thống nhất để đánh giá tình hình và lưu trữ dữ liệu, thường xuyên phân tích và trao đổi thông tin, quan hệ đối tác về kỹ thuật. Trong khi đó, theo quan điểm nói trên, các nước vẫn có quyền bảo mật thông tin mật. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, một nền an ninh toàn vẹn ở châu Âu gắn bó chặt chẽ với an ninh năng lượng và an ninh kinh tế. Vì thế tất cả các bên, gồm Nga, Liên minh châu Âu và Mỹ, cần nỗ lực để khắc phục căng thẳng trong tranh cãi xung quanh việc phân chia nguồn tài nghuyên, kể cả ở Bắc cực, khởi động đối thoại năng lượng, bãi bỏ chế độ thị thực.
8. Dự thảo nghị quyết về Syria gây bất đồng trong Liên hợp quốc
Ngày 4-2-2012, Nga và Trung Quốc đã lần thứ hai phủ quyết bản dự thảo nghị quyết về Syria kể từ tháng 10 năm ngoái. Bản dự thảo nghị quyết do Maroc trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc này đã nhận được 13 phiếu ủng hộ và hai phiếu phủ quyết. Theo quy định, để được thông qua, dự thảo nghị quyết cần phải nhận được sự ủng hộ của chín thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và không bị thành viên nào trong năm nước ủy viên thường trực, gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga và Pháp, phủ quyết. Trước động thái trên, các cường quốc phương Tây và Arab Saudi đã có những phản ứng tức giận. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng việc phủ quyết này sẽ khuyến khích thêm các hành động đàn áp của chính quyền Syria. Ngoại trưởng Anh William Hague thì cho rằng, Nga và Trung Quốc đã khiến cho người dân Syria thất vọng. Ngoại trưởng Italy Giulio Terzi nhấn mạnh, việc phủ quyết là một “thông tin rất tồi tệ”, trong khi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Susan Rice thì miêu tả điều này là “đáng xấu hổ”. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cũng tỏ ý tiếc về việc phủ quyết, bà nói rằng “đã đến lúc phải cùng lên tiếng chấm dứt tình trạng đổ máu và nói tới tương lai của nền dân chủ cho Syria”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 4-2 cũng đã tỏ ý lấy làm tiếc rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thể đạt được thoả thuận trong một nghị quyết về tình hình Syria.
9. Tình hình mới tại Ai Cập
Ngày 5-2-2012, bạo lực tại Ai Cập kéo sang ngày thứ tư liên tiếp khi những người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh bảo vệ tổng hành dinh lực lượng cảnh sát ở thủ đô Cairo. Hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã phải dựng lên nhiều bức tường bêtông, phong tỏa các con đường dẫn tới trụ sở Bộ Nội vụ tại trung tâm thủ đô Cairo, trong khi nhiều thanh niên sử dụng đá và bom xăng tấn công lực lượng bảo vệ. Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim cho biết, những người biểu tình có ý định xông vào trụ sở Bộ Nội vụ. Theo Bộ trưởng Ibrahim, lực lượng cảnh sát không muốn làm tổn thương những người biểu tình, tuy nhiên sẵn sàng đối đầu với những kẻ muốn phá hoại đất nước. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán một số đám đông quá khích. Từ ngày 2-2, bạo lực đã bùng phát trở lại ở Cairo và đến nay đã có ít nhất 12 người thiệt mạng khi người dân tổ chức biểu tình lên án việc chính quyền không ngăn chặn được tình trạng bạo lực sau một trận đấu bóng đá tại thành phố Port Said, miền Bắc Ai Cập, làm 74 người thiệt mạng. Một Ủy ban Đặc biệt của Ai Cập, do Bộ trưởng Tư pháp Adel Abdel- Hamid Abdullah chỉ định, đã quyết định đưa 44 người, trong đó có 19 người Mỹ, đang làm việc tại các tổ chức phi chính phủ ở Ai Cập, ra Tòa án Hình sự Cairo để xét xử. Những người này bị cáo buộc "thành lập các chi nhánh của các tổ chức nước ngoài tại Ai Cập mà chưa được phép của chính quyền địa phương" và "nhận tiền trái phép từ nước ngoài". Trước đó, Ủy ban đặc biệt này đã tiến hành điều tra vụ việc, đồng thời ra lệnh cấm xuất cảnh đối với các nghi can. Chính quyền Mỹ ngay lập tức lên tiếng phản đối vụ xét xử. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cùng ngày đã bày tỏ sự "lo ngại sâu sắc" về việc này, đồng thời yêu cầu Cairo "minh bạch" trong vấn đề này vì cho rằng sự việc có thể ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Ai Cập trong tương lai./.
Đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc trong các lễ hội mừng xuân Nhâm Thìn  (06/02/2012)
Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria  (06/02/2012)
Nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất  (06/02/2012)
Nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất  (06/02/2012)
Ngày hội thơ diễn ra sôi nổi tại các địa phương  (06/02/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên