Trong những ngày đầu Xuân mới Nhâm Thìn, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận hơn 100 tư liệu và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, do các ông Hồ Đôi, Hồ Vĩnh, Nguyễn Hữu Hoàng, Huỳnh Văn Bê và bà Nguyễn Thị Dục trao tặng.
Trong đợt trao tặng này có một số hiện vật chứng minh cho giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình sống, lao động, học tập tại Huế những năm đầu thế kỷ XX, như cơi trầu, bình vôi, giấy viết, sách học trò xưa...

Đây là sự đóng góp quý báu của các cá nhân, thể hiện tình cảm và lòng thành kính, tri ân đối với Bác Hồ kính yêu, đồng thời, góp phần làm phong phú thêm nội dung trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế hiện trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh hai nội dung chủ yếu: "Những năm tháng Bác Hồ và gia đình Người ở Huế", "Thừa Thiên - Huế với Bác Hồ và Bác Hồ với Thừa Thiên - Huế" gồm 1.300 hình ảnh, hiện vật, tài liệu phân bố trên diện tích trưng bày 600m2, được thể hiện bằng những ý đồ và giải pháp mỹ thuật hiện đại, tạo ấn tượng và sức hấp dẫn cho khách tham quan.

Thừa Thiên - Huế cũng là địa phương in đậm dấu ấn thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế với khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình Người.

Tiêu biểu là ngôi nhà 112 - Mai Thúc Loan (nơi ở của gia đình Người trong thời gian từ 1895-1901); ngôi nhà ở Dương Nỗ - Phú Vang (nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa hai con Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về dạy học từ 1898-1900); địa điểm trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, nay là công viên Phan Đăng Lưu - thành phố Huế (nơi Nguyễn Tất Thành học tiểu học những năm 1906-1908); Trường Quốc Học Huế (nơi Nguyễn Tất Thành đã học từ năm 1908 đến năm 1909)./.