Chiều 15-12, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã cho ý kiến về kết quả Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

Báo cáo kết quả giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Đoàn Giám sát trình bày tại phiên họp cho thấy, đến nay cả nước có 18 khu kinh tế (KKT) được quy hoạch với tổng diện tích mặt đất và mặt nước là 730.553ha (trong đó có 3 KKT ven biển). Đến hết năm 2010, tổng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ xây dựng hạ tầng KKT là 11.361 tỉ đồng. Các KKT cả nước đã thu hút được tổng vốn đầu tư hơn 25 tỉ USD và 540.000 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2011, các KKT này sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỉ USD, xuất khẩu đạt gần 800 triệu USD, đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20 ngàn tỉ đồng. Bên cạnh các lợi ích kinh tế, các KKT còn tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết việc làm cho khoảng 30 ngàn lao động.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 28 khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) với tổng diện tích quy hoạch là khoảng 600.000 ha. Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hạ tầng KKTCK giai đoạn 2004 – 2010 là 3.226 tỉ đồng; năm 2011 là 700 tỉ đồng.

Qua giám sát, trong quá trình thực hiện, mô hình tổ chức quản lý KKT đã bộc lộ một số bất cập như: Chưa phân định rõ sự gắn kết trong quản lý trực tiếp theo địa giới hành chính với hệ thống chính quyền xã, huyện, sở, ngành trong tỉnh. Sự đan xen về thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, môi trường, lao động, đô thị, an ninh trật tự, an sinh xã hội, hành chính lãnh thổ… đã làm nảy sinh chồng chéo, thiếu rõ ràng, nhất quán từ đó làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý.

Đáng chú ‎ ý, các KKT hiện nay giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư còn khá rườm rà, mất nhiều thời gian. Công tác đền bù, tái định cư và giải phóng mặt bằng chậm cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Đa số các KKTCK thuộc các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, chủ yếu trông chờ vào nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Nhà nước để phát triển hạ tầng. Việc huy động các nguồn vốn khác cũng hạn chế do tư nhân không sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng ít sinh lợi.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn Giám sát và đại diện các cơ quan của Chính phủ làm rõ thêm hiệu quả khai thác, đầu tư cũng như những vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng của các KKT, KKTCK, nhất là tại các vùng biên giới. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Đoàn Giám sát làm việc thêm với các thành viên Chính phủ để đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn những vấn đề xung quanh KKT và KKTCK. Đồng thời, bổ sung thêm trong báo cáo Giám sát cụ thể những KKT, KKTCK hiệu quả để phát huy, nhân rộng; làm rõ những đơn vị chưa hiệu quả để tập trung tháo gỡ.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những cố gắng của Đoàn Giám sát đối với một chuyên đề khó và rộng. Phó Chủ tịch đề nghị Đoàn Giám sát tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh, cập nhật thêm số liệu và hoàn thiện Báo cáo. Phó Chủ tịch lưu ý Đoàn Giám sát chú ý đánh giá chi tiết hơn về vốn đầu tư, hiệu quả kinh doanh cũng như mô hình quản lý và đặc biệt là tình hình biên mậu, cơ sở hạ tầng của các KKT, KKTCK. Báo cáo cần bổ sung đánh giá tác động của các KKT, KKTCK đối với công tác đảm bảo an ninh quốc phòng. Song song với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xây dựng và hoàn thiện báo cáo 20 năm xây dựng và hình thành các mô hình KKT, KKTCK để thống nhất các biện pháp phát huy hơn nữa hiệu quả của các đơn vị kinh tế quan trọng này./.