Châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược toàn cầu của Mỹ

Nguyễn Đức Thắng
12:21, ngày 18-07-2008

Sau khi thời kỳ "Chiến tranh lạnh" kết thúc, Mỹ bắt đầu có sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu từ mô hình an ninh truyền thống lấy quân sự làm chính, sang mô hình tổng hợp bao gồm việc tăng cường sức mạnh, mở rộng "dân chủ" ở hải ngoại và mở rộng lợi ích kinh tế. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đã vạch ra kế hoạch điều chỉnh chiến lược toàn cầu trong thế kỷ XXI, chuyển trọng tâm từ châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương.

Vậy tại sao châu Á - Thái Bình Dương lại trở thành trọng điểm thực thi chiến lược toàn cầu của Mỹ trong thế kỷ XXI?

Xét trên góc độ địa - chính trị và địa - kinh tế thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp giáp với nhiều đại dương, trong đó Thái Bình Dương là "cửa ngõ", "yết hầu" nối liền nước Mỹ với thế giới. Hiện nay, dân số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 1/2 dân số thế giới; là khu vực có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt rất lớn và tập trung sự trỗi dậy kinh tế của nhiều nước, qua đó Mỹ có thể dựa vào trào lưu kinh tế toàn cầu hóa để mở rộng quan hệ mậu dịch ở khu vực đang rất hấp dẫn đối với Mỹ.

Trong "Chiến lược quốc gia cho thế kỷ XXI", Mỹ xác định khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một nhân tố quan trọng đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ. Thực tế ở khu vực này đang tập trung sự chú ý của nhiều nước lớn và nhiều tổ chức quốc tế quan trọng. Vì vậy, đây là nơi đang tập trung nhiều mâu thuẫn về lợi ích có tính chiến lược của một số nước lớn đối trọng với lợi ích quốc gia Mỹ, đặc biệt những nước đang cạnh tranh với Mỹ để giành quyền khống chế khu vực này về chính trị và kinh tế.

Về đối thủ chiến lược, các chiến lược gia của Mỹ tính toán rằng nước Nga dưới thời Tổng thống V. Pu-tin tuy có sự hồi phục và phát triển kinh tế, quân sự khá mạnh mẽ, song trong những năm tới chưa đủ sức cạnh tranh vai trò bá chủ thế giới với Mỹ. Vì thế, Mỹ đặt trọng tâm phòng ngừa đối thủ chiến lược trước hết chính là Trung Quốc, bởi đây là một nước lớn đang chứa đựng những tiềm năng phát triển mạnh về nhiều mặt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và trên thế giới nói chung trong thế kỷ XXI.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ, song các nhà hoạch định chính sách của nước Mỹ cho rằng chính quyền đương nhiệm của họ đang thiếu một cơ chế an ninh tập thể đối với khu vực này giống như ở khu vực châu Âu. Vì vậy, Mỹ đang kiếm tìm một cơ chế an ninh thích hợp để lôi kéo, ràng buộc chặt chẽ các nước ở khu vực này phục vụ cho ý đồ củng cố địa vị lãnh đạo trên toàn thế giới của Mỹ trong thế kỷ XXI. Thông qua những động thái chiến lược của Mỹ trong mấy năm gần đây, bước đầu xin khái quát một số biểu hiện chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ từ châu Âu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên 3 bình diện cơ bản là an ninh, đối ngoại và kinh tế.

Về an ninh: Mỹ thực hiện chính sách an ninh gồm 3 thành phần: liên minh quân sự; duy trì sự hiện diện của lực lượng vũ trang Mỹ; và thiết lập cơ cấu an ninh mới ở khu vực.

Trong liên minh quân sự, Mỹ xác định nhất quán liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản là hòn đá tảng trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Sự liên minh đó được biểu hiện trong một số văn bản hai nước đã ký kết như: Tuyên bố chung Mỹ - Nhật Bản về an ninh năm 1996; những phương châm mới hợp tác phòng thủ Mỹ - Nhật Bản năm 1997; những thỏa thuận Mỹ - Nhật Bản về kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD) tháng 4-1999 và ngày 29-10-1999, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản triển khai ngoài lãnh thổ Nhật Bản, dưới sự chỉ đạo của Mỹ.

Với Hàn Quốc, liên minh của Mỹ dựa trên Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước Mỹ - Hàn Quốc được ký kết năm 1953, trong đó có việc thành lập Bộ Tư lệnh hỗn hợp và Quy chế về hiệp thương và an ninh.

Với Thái Lan, Mỹ xác định đây là địa bàn trung tâm trong chiến lược can dự của Mỹ đối với các nước ở châu Á. Vì vậy, trước đây Mỹ đã ký kết nhiều hiệp định quân sự với Thái Lan và hiện nay đang tìm cách trở lại xây dựng các căn cứ quân sự ở nước này.

Đối với các nước Xin-ga-po, Phi-líp-pin... Mỹ cũng đạt được một số thỏa thuận sử dụng các căn cứ Xu-bích, cảng Chăn-xi...

Mấy năm gần đây, Mỹ đã điều động lực lượng lớn quân đội Mỹ từ châu Âu sang bố trí ở một số nước đồng minh của Mỹ khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời, Mỹ tăng cường các phương tiện vũ khí công nghệ cao nhằm tìm kiếm mối quan hệ đa phương. Sự hiện diện của lực lượng vũ trang Mỹ tại khu vực này khoảng 100.000 quân (Nhật Bản 47.000, Hàn Quốc 37.000). Chi phí cho quân đội Mỹ mỗi năm ở Hàn Quốc là 13 tỉ USD, Nhật Bản là 35 tỉ USD. Trong tương lai, sự hiện diện lực lượng vũ trang của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải tính đến yếu tố những biến đổi về chính trị trên bán đảo Triều Tiên và sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc, nhất là tiềm lực kinh tế và quốc phòng.

Về đối ngoại: Mỹ tích cực thực thi chính sách "can dự toàn diện", tăng cường quan hệ với các nước; thúc đẩy kinh tế thị trường tự do ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với Trung Quốc, Mỹ tiếp tục hợp tác trên thế mạnh nhằm mục đích kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước khác trong khu vực. Với các nước In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Mỹ cũng đang thực thi biện pháp "dân chủ", "nhân quyền" để tạo cớ dính líu và áp đặt chính sách can thiệp vào công việc nội bộ của các nước đó.

Về kinh tế: Chiến lược kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cả trước mắt và lâu dài nhằm biến khu vực này trở thành thị trường tự do hóa kiểu phương Tây nói chung và tạo ra thị trường cho hàng hóa công nghệ cao của Mỹ nói riêng. Vì vậy, Mỹ tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế song phương với các nước trong khu vực, đặc biệt với Nhật Bản; đồng thời, tìm cách thông qua việc nâng cao vai trò của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy tự do buôn bán, đầu tư và hợp tác phát triển ở khu vực. Trên thực tế, mấy năm gần đây, xuất khẩu của Mỹ sang khu vực này cao hơn gấp đôi so với xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.

Hiện nay, do Nhật Bản có những khó khăn về kinh tế, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ Trung Quốc là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự ổn định nền kinh tế của châu Á, nên Mỹ rất coi trọng nhân tố kinh tế của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích đầu tư của Mỹ ở khu vực này trong thế kỷ XXI.

Như vậy, bước sang thế kỷ XXI, Mỹ có những động hướng chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu từ châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ chưa có một chiến lược toàn diện đối với châu Á - Thái Bình Dương kể từ sau thời kỳ “Chiến tranh lạnh" kết thúc. Mỹ đang tìm cách cải thiện quan hệ kinh tế với Nhật Bản, Trung Quốc vì cho rằng mối quan hệ Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Trung Quốc quyết định tương lai của châu Á - Thái Bình Dương. Song nhiều nước ở khu vực này đang lo ngại sự có mặt của Mỹ, thậm chí tỏ thái độ phản đối Mỹ gay gắt, cả ở cấp chính phủ, do Mỹ xâm thực quá sâu vào nền kinh tế các nước, nhằm biến thị trường nơi đây theo hướng tự do hóa kiểu phương Tây.

Theo nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ thực chất là cụ thể hóa chiến lược toàn cầu của Mỹ. Một số vấn đề nổi lên như sau:

Thứ nhất, mục đích chiến lược châu Á - Thái Bình Dương để thực hiện bá quyền khu vực bằng các thủ đoạn kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao nhằm đe dọa, gây sức ép buộc các nước khuất phục trước tham vọng thiết lập một trật tự thế giới "đơn cực" do Mỹ lãnh đạo. Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh vai trò lực lượng quân sự, xác định sức mạnh quân sự Mỹ là nhân tố quyết định phát triển các liên minh, thiết lập môi trường quốc tế có lợi cho an ninh quốc gia Mỹ.

Những động hướng của Mỹ triển khai chiến lược châu Á - Thái Bình Dương trong những năm đầu thế kỷ XXI đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại là hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển; tăng cường đối thoại hòa bình để giải quyết những bất đồng, xung đột trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Do đó, chiến lược này đang bị nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đấu tranh, phản đối quyết liệt.

Thứ hai, trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền của Tổng thống G.Bu-sơ xác định Trung Quốc là một trong những đối thủ chủ yếu, cho nên Mỹ tập trung làm suy yếu về chính trị, thâm nhập và cạnh tranh ảnh hưởng về kinh tế, "phương Tây hóa" giá trị và lối sống ở Trung Quốc. Nhưng qua đó thấy rằng, Mỹ ngày càng tự mâu thuẫn trong chính sách đối với Trung Quốc. Một mặt, mở rộng mức độ kiềm chế và bao vây; mặt khác, lại coi trọng lợi ích kinh tế ở thị trường mới mẻ của Trung Quốc với số dân hơn 1 tỉ người.

Thứ ba, do trọng điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ chuyển từ châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương tạo ra nhu cầu khách quan của các nước trong Liên minh châu Âu tích cực phát triển lực lượng phòng vệ độc lập của mình, dần dần thoát khỏi vòng cương tỏa của Mỹ. Vì vậy, Nga và châu Âu thấy cần phải tăng cường cải thiện mối quan hệ và cùng nhau đề ra những phương thức để bảo vệ châu Âu được an toàn hơn là điều rất hiện hữu. Nếu châu Âu và Nga ngày càng xích lại gần nhau thì Liên minh châu Âu - Mỹ tất yếu sẽ bị duy trì khoảng cách nhất định, thậm chí không loại trừ nảy sinh những vấn đề quan hệ bất hợp tác khiến Mỹ bị kiềm chế với mức độ nào đó trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ tư, Mỹ coi trọng điều chỉnh chính sách châu Á - Thái Bình Dương, lấy an ninh quân sự làm trụ cột của chiến lược, thì vô hình chung Mỹ đã kiềm chế mối quan hệ về lợi ích kinh tế giữa các nước trong khu vực. Điều này hoàn toàn đi ngược với nhu cầu khách quan trong xây dựng mối quan hệ hòa bình, hợp tác, phát triển giữa các nước trong khu vực này, bởi mấy lẽ sau:

- Trước trào lưu kinh tế toàn cầu hóa, khu vực hóa, mối liên hệ kinh tế giữa các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng mật thiết, càng đòi hỏi một môi trường an ninh có lợi cho sự phát triển kinh tế và hợp tác khu vực.

- Sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ có ảnh hưởng lớn đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiệm vụ cấp bách là thúc đẩy kinh tế khu vực, bảo vệ lợi ích chung của các nước, buộc Chính phủ Mỹ phải xem xét lại trọng điểm lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Như vậy, việc chuyển hướng trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ sẽ nảy sinh những ảnh hưởng nhất định đến cục diện an ninh chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dù Mỹ đang tìm cách triển khai chiến lược đó và thực tế đã đạt được một số kết quả nhất định, song Mỹ không thể làm đảo ngược được nhu cầu khách quan của các nước trong khu vực đang quyết tâm cùng nhau xây dựng, phát triển các mối quan hệ song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực vì sự phồn vinh của mỗi nước và của cả khu vực./.


Tài liệu tham khảo
 
1. "Chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ XXI" của Mỹ.
2. "Chiến lược triệt tiêu kẻ thù của Mỹ".