TCCSĐT - Cho đến nay, sau một thời gian cân nhắc, nền kinh tế lớn nhất hành tinh là Mỹ đã đưa ra gói kích thích kinh tế mới 400 tỉ USD, thông qua việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bán 400 tỉ USD trái phiếu ngắn hạn của Chính phủ và mua lại các khoản trái phiếu dài hạn để giải cứu thị trường tài chính với chương trình mang tên "Operation Twist" vào ngày 21-9-2011. Kế hoạch này đã mặc nhiên thừa nhận nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có tin cũng lại sắp phải đưa ra gói kích thích kinh tế mới với hơn 700 tỉ USD. Tuy chưa nhận được các nguồn tin chính thức từ Chính phủ Trung Quốc, nhưng theo Deutsche Bank, Trung Quốc có thể tung ra gói kích thích kinh tế lên tới 4.650 tỉ nhân dân tệ (728 tỉ USD), bao gồm bảo hộ cho hàng hóa tiêu dùng trong trường hợp suy thoái kinh tế toàn cầu.

Giống như Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ hạn chế quy mô của các biện pháp kích thích kinh tế bởi chi phí liên quan tới các gói giải cứu kinh tế trước đây, bao gồm bong bóng tài sản, lạm phát và các khoản nợ xấu. Để tránh cho sự mất giá của đồng nhân dân tệ và gia tăng lạm phát, Deutsche Bank dự báo Trung Quốc sẽ phải giảm tỷ lệ tăng trưởng xuống còn 7,3% vào quý I năm 2012.


Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm như hiện nay, nếu Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thì cũng đồng nghĩa với việc giảm sự đóng góp lớn nhất của nước này đối với kinh tế thế giới.


Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Trung Quốc vẫn nhấn mạnh rằng, các nước phát triển vẫn chiếm khoảng 60% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển suy giảm sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, xuất khẩu và nền kinh tế của các nước đang phát triển vào năm tới.

Việc giải cứu châu Âu và nền kinh tế toàn cầu khỏi nguy cơ rơi vào một cuộc đại khủng hoảng lần hai từng được đề xuất nên đặt vào tay Trung Quốc với nguồn dự trữ khổng lồ (hơn 3000 tỉ USD). Nhưng thực tế, Trung Quốc khó có thể làm được những điều như kỳ vọng của giới phân tích kinh tế quốc tế.


Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tính theo tổng sản phẩm quốc nội, gần như chỉ có thể bảo đảm sự phát triển của chính mình, hơn là trở thành quốc gia giữ vai trò giải quyết vấn đề khủng hoảng toàn cầu.


Giả định rằng, Trung Quốc có thể tung 3.200 tỉ USD ngân sách dự trữ để mua trái phiếu chính phủ các nước châu Âu nhằm giúp các nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, thì đây là điều không thực tế vì lợi ích quốc gia của Trung Quốc vẫn sẽ luôn được đặt ở vị trí cao nhất.


Mặt khác, trong thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc chưa cần nhiều sự kích thích kinh tế. Nên các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang thực thi chính sách thận trọng trong việc tham gia chương trình cứu trợ châu Âu. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ chỉ can thiệp thị trường ở mức độ cần thiết trong trường hợp khủng hoảng nợ châu Âu và Mỹ lây lan sang nền kinh tế của họ.


Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu điều kiện kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ hơn và nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến thì một gói cứu trợ mới (hơn 700 tỉ USD) rất có thể sẽ được đưa ra, nhằm kích thích kinh tế nội địa góp phần ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu lần thứ hai.


Bắc Kinh cũng đã dự đoán tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ chậm lại trong năm tới. Quan chức chính phủ cũng thừa nhận rằng tăng trưởng GDP năm 2012 có thể sẽ xuống dưới 9% lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỉ qua. Có dự đoán kém lạc quan hơn khi cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể chỉ còn 8,4% do tác động từ sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu.


Trong bối cảnh lạm phát hiện tại, thì tốc độ tăng trưởng chậm lại là điều dễ hiểu và dễ chấp nhận, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng dưới 8% sẽ là hồi chuông báo động. Các nhà kinh tế cho rằng, kể cả phải đối mặt với lạm phát thì quốc gia này vẫn cần bảo đảm tốc độ tăng trưởng cần thiết nhằm tạo đủ công ăn việc làm cho một số lượng lớn dân số đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng.


Nếu nguy cơ tăng trưởng chậm lại thực sự tồi tệ như dự báo của giới nghiên cứu thì việc tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế để kích thích sự phát triển lại trở thành vấn đề cấp bách. Trong danh mục hỗ trợ đầu tư có thể bao gồm xây dựng nhà ở thu nhập thấp, phát triển nông nghiệp hoặc cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Thực chất, một trong những đóng góp có giá trị nhất mà Trung Quốc có thể làm để giúp cân bằng nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy phát triển là nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ. Một đồng nhân dân tệ mạnh hơn sẽ giúp các quốc gia khác nâng cao vị thế cạnh tranh và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này.


Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn rất thận trọng với chính sách nới lỏng tỷ giá vì lo ngại điều này có thể tác động xấu đến lĩnh vực xuất khẩu, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và tạo ra nhiều việc làm cho người dân.


Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang xác nhận: nước này sẽ mua trái phiếu châu Âu nhằm giúp giải quyết các vấn đề nợ công trong khả năng có thể, nhưng cũng đồng thời khẳng định rằng, vấn đề chỉ thực sự được giải quyết bởi chính các nền kinh tế nội khối. “Châu Âu phải tự giải quyết vấn đề nợ” của mình./.