TCCSĐT - Ngày 29-9-2011, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết ủng hộ nỗ lực của chính quyền tự trị Pa-le-xtin trở thành nhà nước độc lập. Nghị quyết này được đưa ra bàn thảo và thông qua sau khi Tổng thống Pa-le-xtin M. Áp-bát chính thức đệ đơn của Pa-le-xtin lên Liên hợp quốc để được công nhận là thành viên đầy đủ. Việc thông qua nghị quyết này đồng nghĩa với việc Nghị viện châu Âu hậu thuẫn Pa-le-xtin gia nhập Liên hợp quốc.

Trong nghị quyết đó, Nghị viện châu Âu kêu gọi chính phủ của tất cả 27 quốc gia thành viên EU nhanh chóng thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong vấn đề này. Đồng thời, Nghị viện châu Âu phê phán chính phủ I-xra-en tiếp tục triển khai xây dựng những khu định cư mới của người do thái ở vùng Đông Giê-ru-xa-lem và bờ tây sông Gioóc-đan vốn là những khu vực lãnh thổ của người dân Pa-le-xtin.

Nghị quyết châu Âu cho rằng, I-xra-en có quyền tồn tại trong phạm vi biên giới yên ổn của mình, nhưng cũng khẳng định "quyền tự quyết và có nhà nước độc lập riêng của người Pa-le-xtin là bất khả xâm phạm".

Từ nhiều năm nay, Nghị viện châu Âu luôn ủng hộ việc tiến hành đàm phán hòa bình trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin hướng tới hình thành nhà nước Pa-le-xtin độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ cũng như cùng tồn tại hòa bình với I-xra-en. Sự nhất trí sâu rộng của Nghị viện châu Âu trong vấn đề này, thể hiện ở nghị quyết nói trên tương phản rõ rệt với sự bất đồng quan điểm giữa chính phủ các nước thành viên EU về bước đi ngoại giao mới rồi của chính quyền tự trị Pa-le-xtin tại Liên hợp quốc.

Sự hậu thuẫn chính trị này càng có tác động to lớn cho Pa-le-xtin trong bối cảnh Mỹ tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để cản phá đến cùng việc Pa-le-xtin trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc và Chính phủ I-xra-en bất chấp mọi hình thức và mức độ phản đối quốc tế đã quyết định tiếp tục xây dựng mới và mở rộng các khu định cư của người do thái tại vùng lãnh thổ ở miền Đông Giê-ru-xa-lem.

Theo chương trình đã định, từ ngày 30-9-2011, Ủy ban kết nạp thành viên của Liên hợp quốc sẽ xem xét đề nghị mới nói trên của Pa-le-xtin. Chính quyền tự trị Pa-le-xtin cho biết, đề nghị gia nhập Liên hợp quốc của Pa-le-xtin hiện đã nhận được sự ủng hộ của 8 trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính quyền tự trị Pa-le-xtin đang mở chiến dịch ngoại giao vận động tranh thủ sự hậu thuẫn của ba thành viên không thường trực khác trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Bô-xni Héc-xê-gô-vi-a (Bosnia-Hercegovina), Cô-lôm-bi-a và Bồ Đào Nha./.