TCCSĐT - Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã thu được những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội hết sức to lớn và cơ bản. Cùng với những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được, giai cấp công nhân nước ta đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng.
Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã thu được những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội hết sức to lớn và cơ bản. Cùng với những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được, giai cấp công nhân nước ta đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, sử dụng và vận hành những công cụ, phương tiện sản xuất hiện đại nhất, quyết định phương hướng phát triển của nền kinh tế quốc dân. Giai cấp công nhân nước ta mới chỉ chiếm 13,5% dân số, 26,46% lực lượng lao động xã hội nhưng hằng năm đã tạo ra trên 40% giá trị tổng sản phẩm xã hội, bảo đảm trên 60% ngân sách nhà nước. Trong suốt quá trình đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giai cấp công nhân đã tích cực ủng hộ và đi tiên phong trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quá trình thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế nước ta đang chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu, theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ và công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước đang được sắp xếp, đổi mới nên số lượng không tăng, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Cùng với sự biến đổi cơ cấu kinh tế và tăng nhanh các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ cấu công nhân lao động nước ta cũng đang biến đổi theo hướng tăng nhanh về số lượng và tỷ trọng trong cơ cấu dân số và lao động. Công nhân lao động khu vực ngoài quốc doanh, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh cả về số lượng và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong giai cấp công nhân. Công nhân trong các ngành dịch vụ và các ngành sử dụng công nghệ cao tăng lên không ngừng. Hiện nay trong giai cấp công nhân nước ta đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học – công nghệ cao ở một số ngành kinh tế mũi nhọn ngày một nhiều. Đây là kết quả tất yếu của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và đây cũng chính là điều kiện để giai cấp công nhân Việt Nam giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt của mình trong giai đoạn cách mạng mới.

Nhận thức của giai cấp công nhân Việt Nam cũng đang có chuyển biến tích cực, đáng kể. Phần lớn công nhân, lao động đang từng bước xóa bỏ được tư tưởng bao cấp, tâm lý trông chờ, ỷ lại, đã và đang hình thành ý thức mới: ý thức tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên, tự khẳng định mình trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống. Công nhân, lao động nước ta đã tự chủ hơn trong lao động sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng thích ứng với cơ chế thị trường năng động, tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại, bước đầu hình thành ý thức về “giá trị kinh tế” của bản thân thông qua lao động, sản xuất. Tâm lý lấy ích lợi, nhu cầu thiết thân làm động lực là một nét mới đang từng bước hình thành trong ý thức công nhân Việt Nam.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng, cơ cấu của giai cấp công nhân Việt Nam, thì trong điều kiện thời đại kinh tế tri thức, toàn cầu hóa diễn ra như một xu thế khách quan, lôi cuốn nhiều nước tham gia, cạnh tranh trong và ngoài nước ngày càng gay gắt, giai cấp công nhân Việt Nam đang đứng trước những khó khăn thách thức mới:

Một là, trình độ học vấn và chuyên môn nghề nghiệp của giai cấp công nhân Việt Nam nhìn chung còn thấp so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, cơ cấu công nhân đang mất cân đối nghiêm trọng, tình trạng thiếu công nhân lành nghề, kỹ sư công nghệ cao, các nhà quản lý giỏi, thừa công nhân lao động giản đơn đang diễn ra phổ biến. Tình trạng phân bố công nhân lao động giữa các ngành nghề, các vùng miền cũng chưa hợp lý.

Hai là, việc làm, điều kiện làm việc và vấn đề nhà ở của công nhân lao động vẫn đang là vấn đề bức xúc. Tình trạng phân hóa giàu nghèo ngay trong giai cấp công nhân ngày một tăng nhanh và bộc lộ không ít bất bình đẳng; điều kiện và môi trường làm việc của công nhân lao động chậm được cải thiện; tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn xảy ra nghiêm trọng; tình trạng vi phạm kỷ luật lao động còn diễn ra khá phổ biến; tình trạng tranh chấp lao động tập thể và đình công vẫn diễn ra phức tạp… Đây là những thách thức lớn đối với bản thân giai cấp công nhân nói riêng đối với đất nước ta nói chung trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Một số giải pháp cơ bản trước mắt để xây dựng, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Để giai cấp công nhân Việt Nam phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp và bản thân giai cấp công nhân phải có sự nỗ lực vượt bậc. Xây dựng phát huy vai trò giai cấp công nhân phải được quan tâm thường xuyên và phải tiến hành bằng tổng hợp các giải pháp kinh tế, chính trị, tổ chức và tư tưởng, phải gắn xây dựng phát huy vai trò giai cấp công nhân với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, các tổ chức quần chúng cần chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống giai cấp công nhân, truyền thống cách mạng của Đảng, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật cho công nhân lao động.

Hai là, đẩy mạnh và không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo, đào tạo lại, chú trọng hoàn thiện chính sách xã hội hóa công tác đào tạo bằng cách đa dạng hóa các hình thức đào tạo tập trung, tại chức, đào tạo ngay trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt cần chú trọng phát huy các tiềm năng đào tạo của các tổ chức quần chúng, nhằm làm cho mọi công nhân lao động đều có cơ hội được học tập nâng cao trình độ. Mặt khác, Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân tự học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, từng bước tri thức hóa công nhân. Đồng thời, cần có kế hoạch đồng bộ nhằm thực hiện cân đối giữa đào tạo và sử dụng, sớm khắc phục mất cân đối về cơ cấu, về chất lượng và về số lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước..

Ba là, cần tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân, tạo môi trường xã hội nhằm giải phóng lực lượng sản xuất để giai cấp công nhân phát huy hết khả năng của mình. Cần chú trọng hoàn thiện các chính sách việc làm, chính sách khuyến khích các lĩnh vực, các ngành nghề, khuyến khích người có vốn, có trình độ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tạo ra ngày càng nhiều việc làm mới, thu hút nhiều lao động xã hội. Quan tâm đến chính sách tiền lương, bảo đảm thu nhập của người lao động tương xứng với kết quả lao động của họ, hạn chế tình trạng phân hóa giàu nghèo ngay trong nội bộ giai cấp công nhân, nhằm tạo động lực khuyến khích công nhân lao động cống hiến năng lực, trí tuệ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần quan tâm tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động, chăm sóc, phục hồi sức khỏe đối với công nhân lao động. Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách nhà ở cho công nhân lao động, trong đó chú trọng nhà ở của công nhân lao động có trình độ chuyên môn cao và công nhân lao động nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện chính sách pháp luật lao động, xử lý nghiêm những vi phạm để quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được bảo đảm.

Bốn là, cần đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, các đoàn thể, đặc biệt là đối với công đoàn, để một mặt công đoàn có điều kiện hoạt động thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục công nhân lao động, chức năng tham gia quản lý và tổ chức cho công nhân lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội, chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động. Mặt khác, thông qua tổ chức công đoàn, Đảng vận động tổ chức quần chúng công nhân, viên chức, lao động thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đảng cần chú trọng bồi dưỡng phát triển Đảng trong công nhân, lao động, chú trọng đào tạo bồi dưỡng những cán bộ trẻ có trình độ năng lực xuất thân từ thành phần công nhân. Các cấp ủy đảng cần thường xuyên tiếp xúc làm việc, lắng nghe ý kiến của cán bộ công đoàn, của công nhân, viên chức, lao động, tôn trọng và phát huy vai trò chủ động sáng tạo của công đoàn.

Nhà nước cần tạo điều kiện để giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn góp tiếng nói xứng đáng của mình vào hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật và trong quản lý kinh tế, xã hội, quản lý Nhà nước. Mặt khác, Nhà nước cần ủng hộ tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với công đoàn, để tổ chức sâu, rộng các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, phong trào học tập nâng cao trình độ trong công nhân, viên chức, người lao động, nhằm khơi dậy mọi tiềm năng của giai cấp công nhân trong giai đoạn mới góp phần hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.