Vì sao Chính phủ Séc sụp đổ?

08:02, ngày 02-04-2009
Chính phủ liên minh ba đảng của Thủ tướng CH Séc Mirek Topolanek đã chính thức sụp đổ ngày 24-3 vừa qua do không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện. Việc toàn bộ thành viên Chính phủ nước này cầm quyền từ tháng 1-2007 buộc phải ra đi vào thời điểm nhạy cảm khi Séc đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu (EU), đang trong thời kỳ phê chuẩn Hiệp ước Lisbon và xem xét việc đặt trạm ra-đa thuộc Hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (NMD) trên lãnh thổ Séc, đã đặt ra những khó khăn và thách thức lớn với Chính phủ kế cận. Ðây là lần đầu một Chính phủ đương nhiệm bị lật đổ, kể từ khi CH Séc tách khỏi Tiệp Khắc năm 1993.

 
Cuộc bỏ phiếu được tiến hành sau khi phe đối lập chỉ trích Chính phủ quản lý kinh tế yếu kém và sai lầm trong cải cách, trong đó có cải cách thuế thu nhập, hệ thống y tế và cắt giảm ngân sách. Thủ tướng M.Topolanek không nhận được đa số ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu là do liên minh của ông chỉ chiếm 101 ghế trong Hạ viện 200 thành viên và bốn thành viên trước đây trong liên minh sau khi trở thành các nghị sĩ độc lập, đã ủng hộ đảng Dân chủ xã hội và Ðảng CS đối lập. Trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc bỏ phiếu, ông Topolanek tuyên bố sẽ từ chức và bày tỏ hy vọng sự ra đi của chính phủ trong thời điểm hiện tại sẽ không ảnh hưởng nhiều tới vai trò Chủ tịch EU của nước này trong sáu tháng đầu năm 2009.
 
Chính phủ Séc trước đó đặt ra nhiệm vụ khi làm Chủ tịch EU là phải giúp khối này vượt qua khủng hoảng kinh tế, giải quyết cuộc xung đột vừa tái bùng phát tại Trung Ðông, bắt đầu tiến trình nối lại quan hệ đối tác với các nước thuộc Liên Xô (trước đây), như Ukraine, Moldova, Gruzia, Armenia, Azerbaijan và Belarus, đồng thời tiếp tục mở rộng EU và điều chỉnh quan hệ với Nga.
 
Chính phủ Séc trước đó đã rút lại hiệp định đã ký với Mỹ cho phép bố trí một trạm ra-đa trên lãnh thổ nước này ra khỏi tiến trình phê chuẩn tại Hạ viện trước nguy cơ bị phe đối lập phủ quyết. Kế hoạch triển khai một phần NMD của Mỹ trên lãnh thổ Séc gây bất đồng sâu sắc giữa các đảng phái chính trị nước này. Phe ủng hộ gồm đảng Dân chủ công dân cầm quyền, nhưng không chiếm đa số ghế trong QH Séc.
 
Phe phản đối gồm Ðảng CS Séc và Moravia (CPCM), đảng Dân chủ xã hội và một số nghị sĩ thuộc đảng Xanh tham gia liên minh cầm quyền. Các nhà phân tích cho rằng, quyết định này sẽ gây trì hoãn việc phê chuẩn trong nhiều tháng, thậm chí có thể bị "đóng băng" trong thời gian dài. Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, hơn 70% số người Séc phản đối kế hoạch này và yêu cầu Chính phủ tiến hành trưng cầu ý dân về việc mở rộng NMD trên lãnh thổ Séc. Người dân Thủ đô Praha đã tham gia cuộc tuần hành do CPCM tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo 19 thành phố phản đối kế hoạch của Mỹ bố trí trạm ra-đa trên lãnh thổ Séc.

Trong khi đó, việc thông qua Hiệp ước Lisbon về cải cách thể chế của EU tại Séc gặp nhiều khó khăn do chưa được Thượng viện thông qua. Việc này có thể bị trì hoãn nhiều tuần hoặc lâu hơn do các thượng nghị sĩ cánh hữu yêu cầu nước này trước hết phải thông qua kế hoạch cho phép triển khai một bộ phận thuộc NMD trên lãnh thổ Séc. Ðộng thái này khiến tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, vốn đã gặp trở ngại do bị cử tri Ireland bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 6-2008, càng thêm khó khăn.
 
Trước đó, Hạ viện Séc đã lùi ngày thông qua với lý do cần có thêm thời gian để tranh luận và chuẩn bị một số điều khoản sửa đổi về pháp lý mà khối nghị sĩ đảng Dân chủ công dân cầm quyền yêu cầu gắn kèm với Hiệp ước Lisbon khi phê chuẩn. Hiện hai phe cánh hữu cầm quyền và cánh tả đối lập ở Thượng viện Séc đang bất đồng sâu sắc về kế hoạch của Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở nước này, trong đó phe cánh hữu muốn thông qua kế hoạch này đồng thời với Hiệp ước Lisbon.
 
Tình hình càng phức tạp hơn khi phe ủng hộ Tổng thống Séc V.Klaus vừa thành lập một chính đảng mới, đối lập với đảng Dân chủ công dân (CDP) cầm quyền, để ủng hộ đường lối chính trị, kinh tế của Tổng thống Klaus, trong đó nổi bật là quan điểm phản đối Hiệp ước Lisbon. Bất chấp những cải tổ Chính phủ của Thủ tướng M.Topolanek nhằm cải thiện hình ảnh của chính phủ sau những thất bại trong các cuộc bầu cử khu vực và Thượng viện năm 2008, Chính phủ Séc vẫn bị chỉ trích nặng nề. Chính phủ của Thủ tướng Topolanek từng bốn lần bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tại QH.

Theo các nhà phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ Séc không vượt qua được cuộc "sát hạch" lần thứ năm này là do cách điều hành nền kinh tế của chính phủ trước tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Như vậy, sau Lithuania và Hungary, Séc là nước thứ ba ở Ðông Âu mà chính phủ sụp đổ do khủng hoảng kinh tế. Ðảng Dân chủ xã hội đối lập đề nghị, do Séc đang giữ chức Chủ tịch EU nên Thủ tướng M.Topolanek có thể tiếp tục tại chức đến hết tháng 6-2009 khi Séc kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU nhưng Tổng thống Séc V.Klaus khẳng định sẽ sớm thành lập một chính phủ mới được đa số các đảng ủng hộ để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch EU.