Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - 13. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo
Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 và các hội nghị liên quan tổ chức tại Xinh-ga-po, ngày 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chúc mừng thành công của Ðại hội lần thứ 17 Ðảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời chuyển lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Ðào cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Trong không khí hữu nghị, chân thành và hiểu biết lẫn nhau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều khẳng định quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua có nhiều tiến triển mới và đang phát triển rất tốt đẹp theo phương châm 16 chữ (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và tinh thần bốn tốt (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt), đặc biệt là các chuyến thăm và gặp gỡ thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã góp phần tăng cường tin cậy về chính trị giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương tiếp tục phát triển.
Hai bên nhất trí cho rằng trong tình hình quốc tế hiện nay, việc tiếp tục tăng cường hợp tác nâng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên một tầm cao mới là phù hợp với lợi ích cơ bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước. Ðể đạt được mục tiêu đó, hai Thủ tướng đã tập trung trao đổi ý kiến về quan hệ kinh tế thương mại Việt - Trung và vấn đề biên giới lãnh thổ.
Về quan hệ kinh tế thương mại, hai Thủ tướng nhất trí cho rằng, với đà tăng trưởng thương mại hiện nay, mục tiêu nâng kim ngạch buôn bán giữa hai nước lên 15 tỉ USD vào năm 2010 sẽ được thực hiện sớm hơn. Phía Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu các mặt hàng lớn như dầu thô, than đá, thủy sản, rau quả của Việt Nam; đồng thời cung cấp ổn định những mặt hàng mà nền kinh tế Việt Nam có nhu cầu lớn để từng bước cân bằng thương mại giữa hai bên.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo hoàn toàn nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc hai bên cần sớm hoàn tất công tác soạn thảo quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc nhằm triển khai có hiệu quả "Hiệp định về phát triển sâu rộng quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc"; khẩn trương hoàn tất công tác điều tra nghiên cứu để triển khai các dự án cụ thể trong phạm vi hai hành lang, một vành đai kinh tế, trọng điểm là các dự án đường sắt, đường bộ để kết nối với hệ thống giao thông tương ứng của phía Trung Quốc, góp phần mở rộng không gian phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa các tỉnh ven vịnh Bắc Bộ và các tỉnh có chung biên giới nói riêng và giữa hai nước nói chung.
Hai bên cũng nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy các dự án lớn khác giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phía Trung Quốc sớm xem xét các dự án phía Việt Nam đã nêu ra nhằm sử dụng khoản vay ưu đãi 500 triệu USD của Chính phủ Trung Quốc.
Về vấn đề biên giới lãnh thổ, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc, hoàn tất công tác này trên toàn tuyến biên giới hai nước vào năm 2008, đúng thời hạn như lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.
Về vấn đề Vịnh Bắc Bộ, hai bên cũng đồng ý tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác về điều tra liên hợp nguồn lợi thủy sản, tuần tra liên hợp giữa hải quân hai nước và thăm dò dầu khí trong Vịnh Bắc Bộ; đồng thời kiên trì đàm phán về phân định khu vực cửa Vịnh đi đôi với trao đổi về khả năng hợp tác cùng phát triển với phạm vi, nội dung và phương thức hai bên chấp nhận được.
Về vấn đề Biển Ðông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan tâm tới một số vấn đề nảy sinh gần đây và đề nghị từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước, hai bên tăng cường chỉ đạo, giải quyết thỏa đáng trên tinh thần láng giềng hữu nghị, đồng chí anh em, chân thành và tin cậy lẫn nhau để tránh ảnh hưởng quan hệ hai nước; đồng thời tiếp tục trao đổi tìm kiếm lĩnh vực và hình thức hợp tác phù hợp tại những khu vực thật sự có tranh chấp, hoặc chồng lấn theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Ðông (DOC), tham khảo đầy đủ và bàn bạc đồng thuận với các bên liên quan.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng, hai bên cần nghiêm chỉnh thực hiện thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cố gắng hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, kiềm chế và bình tĩnh xử lý các vấn đề nảy sinh thông qua các biện pháp hai bên chấp nhận được, không để ảnh hưởng và phương hại đến quan hệ giữa hai nước; đồng thời tìm cách thúc đẩy hợp tác cùng khai thác. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác ba bên Việt Nam - Trung Quốc – Phi-lip-pin ở các khu vực đã thỏa thuận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trân trọng mời Thủ tướng Ôn Gia Bảo thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thuận tiện.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo bày tỏ cảm ơn và nhờ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển lời thăm và chúc tốt đẹp đến các nhà lãnh đạo Việt Nam.
* Tiếp tục chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 và các Hội nghị liên quan tại Xinh-ga-po, ngày 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Ðại sứ quán nước ta tại Xinh-ga-po và tiếp một số tập đoàn hàng đầu của ASEAN.
Nói chuyện với cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán nước ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, phải đưa đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong quá trình này, chúng ta vừa phải phát huy nội lực, vừa phải tranh thủ nguồn lực, sự trợ giúp của bạn bè quốc tế. Ðảng đã đề ra đường lối đối ngoại rộng mở: Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với các quốc gia, các dân tộc trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác cùng có lợi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ngành ngoại giao giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện đường lối này, vừa là cơ quan tham mưu, vừa là cơ quan triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Ðảng và Nhà nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu từng cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán trước hết phải thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Ðảng tại nước sở tại để thúc đẩy, khai thác hiệu quả Hiệp định kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Xinh-ga-po. Ðại sứ quán phải trở thành cầu nối tăng cường quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước, qua đó đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế...
Thủ tướng lưu ý Ðại sứ và nhân viên Ðại sứ quán nước ta tại Xinh-ga-po phải quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống và học tập tại đây, xây dựng tập thể đoàn kết, hoàn thành tốt trọng trách mà Ðảng và Nhà nước giao phó.
* Ngày 19-11, tại Xinh-ga-po, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hoà Phi-lip-pin Alberto Romulo. Tại cuộc gặp, hai Bộ trưởng đánh giá quan hệ và hợp tác song phương giữa Việt Nam và Philippines phát triển tốt đẹp; nhất trí trong thời gian tới hai nước sẽ nỗ lực triển khai các nội dung hợp tác đa dạng và toàn diện về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa và quốc phòng, theo định hướng đã được Lãnh đạo hai nước nhất trí trong chuyến thăm Phi-lip-pin của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây.
Về kinh tế, hai nước sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho các diễn đàn doanh nghiệp, các đoàn xúc tiến thương mại.
Về văn hóa, hai bên sẽ nghiên cứu các hình thức để triển khai hiệu quả hợp tác về văn hóa, giao lưu...
Về hợp tác trên biển, hai bên đánh giá kết quả hợp tác tốt giữa hai nước trong chương trình khảo sát hỗn hợp nghiên cứu khoa học biển Việt Nam - Philippines (JOMSRE), hợp tác giữa ba Công ty dầu khí quốc gia của Việt Nam, Phi-lip-pin và Trung Quốc về khảo sát địa chấn biển chung ở quần đảo Trường Sa, đồng thời tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai tốt Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Ðông (DOC), nhằm tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) vì an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dự cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam.
Tại cuộc gặp, các Bộ trưởng đã kiểm điểm và trao đổi hướng thúc đẩy hợp tác giữa ba nước trong khuôn khổ hợp tác hạ lưu sông Mê Công.
Các Bộ trưởng nhất trí cần đẩy nhanh việc hoàn tất và thông qua các dự án nhằm tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở và mạng lưới đường liên kết giữa ba nước./.
Hợp tác xã: Vấn đề cũ, cách nhìn mới  (20/11/2007)
Tăng trưởng Kinh tế Đông Á  (20/11/2007)
Cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững trên thế giới  (20/11/2007)
Để góp phần thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN  (20/11/2007)
Khuynh hướng xã hội chủ nghĩa bước đầu của cánh tả Mỹ La-tinh  (19/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên