Sau một thời gian khủng hoảng, suy thoái do sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ XX, ở Mỹ La-tinh đã xuất hiện xu thế thiên tả và ngày càng phát triển mạnh thành một trào lưu vào những năm đầu thế kỷ XXI.

Từ năm 1998 đến nay, các đảng cánh tả, tiến bộ đã thắng cử liên tiếp tại các cuộc bầu cử tổng thống trở thành đảng cầm quyền tại 9 quốc gia ở Trung và Nam Mỹ[1]. Thắng lợi của lực lượng cánh tả ở Mỹ La-tinh đã làm thay đổi bản đồ chính trị, tương quan lực lượng ở châu lục, khiến giới cầm quyền Mỹ lo ngại mất dần ảnh hưởng ở khu vực mà họ cho là "sân sau" của mình.

Trào lưu cánh tả ở Mỹ La-tinh

Trong những nhân tố thúc đẩy xu thế cánh tả ở Mỹ La-tinh, phải tính đến hậu quả kinh tế - xã hội do việc áp dụng mô hình chủ nghĩa tự do mới của các chính phủ cánh hữu. Sau gần 30 năm theo mô hình này, ngoài những kết quả kinh tế nhất định ở một số quốc gia, hầu hết các nước đều lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc: kinh tế trì trệ, nợ nước ngoài tăng nhanh[2], phân hóa giàu nghèo và tình trạng đói nghèo gay gắt, tệ nạn xã hội gia tăng và tỷ lệ người mù chữ cao. Tình hình kinh tế - xã hội trên đã tạo nên bầu không khí bất bình ngày càng tăng. Chính trong bối cảnh đó, các phong trào xã hội rộng lớn đã được hình thành, thể hiện nhu cầu bức thiết của đông đảo tầng lớp nhân dân, đòi có sự thay đổi. Đây là cơ sở xã hội khách quan cho sự hình thành xu thế thiên tả và thúc đẩy xu thế này trở thành trào lưu cánh tả hiện nay ở Mỹ La-tinh.

Ngoài ra, các diễn đàn quốc tế của các Đảng Cộng sản, cánh tả, tiến bộ được tổ chức hằng năm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thức tỉnh ý thức chính trị - xã hội của quần chúng, nhân dân các nước Mỹ La-tinh; mở đường, định hướng cho xu thế cánh tả trong khu vực. Sự ổn định và thành tựu kinh tế - xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa là niềm động viên, cổ vũ cho phong trào độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội tại đây.

Đến nay, các chính phủ cánh tả trong khu vực đều tiến hành, ở mức độ khác nhau, các cuộc cải cách về kinh tế - xã hội và chính trị mang tính dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, nhằm củng cố độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bảo đảm quyền dân sinh, dân chủ cho người dân.

Về đối nội, nhìn chung, các chính phủ cánh tả chủ trương tiến hành chiến dịch chống tham nhũng; thực hiện các chương trình xã hội như cải cách ruộng đất, xóa đói giảm nghèo, xóa nạn mù chữ, tạo công ăn việc làm, cung cấp vốn, tín dụng cho người có thu nhập thấp, xây dựng nhà ở cho người nghèo; cải thiện các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục...

Về đối ngoại, tuy chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ, song ở mức độ nhất định, các chính phủ cánh tả đã thể hiện khuynh hướng độc lập hơn với Mỹ; đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc; tăng cường liên kết, hợp tác khu vực; ủng hộ Cu-ba, phản đối chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cu-ba; ủng hộ quá trình dân chủ hóa các quan hệ quốc tế và cải tổ Liên hợp quốc; đấu tranh cho một trật tự thế giới mới dân chủ và bình đẳng, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Quyết tâm theo con đường chủ nghĩa xã hội

Theo Tổng thống Bô-li-vi-a Ê-vô Mô-ra-lết: “chủ nghĩa xã hội là niềm hy vọng của Mỹ La-tinh”. Tổng thống Ê-cu-a-đo Cô-rê-a tuyên bố xây dựng hiến pháp theo hướng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”. Tổng thống Ni-ca-ra-goa Đa-ni-en Oóc-tê-ga nguyện “hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước mình”. Và Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết kêu gọi “toàn thể nhân dân Vê-nê-xu-ê-la đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ mới”.

Cùng với những kết quả bước đầu về chính trị, kinh tế - xã hội của các chính phủ cánh tả, điều đáng quan tâm là những năm gần đây, quan điểm về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được các nhà lãnh đạo cánh tả cầm quyền đề cập và bàn luận nhiều.

Theo Tổng thống Bô-li-vi-a Ê-vô Mô-ra-lết, vị Tổng thống thổ dân đầu tiên ở Mỹ La-tinh, "chủ nghĩa xã hội là niềm hy vọng của Mỹ La-tinh". Khẳng định tinh thần chống chủ nghĩa đế quốc, ông coi Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô và Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết là những con người đáng khâm phục. ở Ê-cu-a-đo, ứng cử viên Tổng thống Cô-rê-a tuy bị thua ứng cử viên cánh hữu tại vòng 1, song với tuyên bố sửa đổi Hiến pháp theo hướng xây dựng "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI", ông đã giành thắng lợi tại vòng 2, trở thành Tổng thống hợp pháp của nước này. Tại lễ nhậm chức hồi tháng 1-2007, Tổng thống Ni-ca-ra-goa Đa-ni-en Oóc-tê-ga đã tuyên bố "hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước mình".

Trong số các nhà lãnh đạo cầm quyền ở Mỹ La-tinh tuyên bố sẽ đưa đất nước phát triển theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết là người đề cập nhiều nhất đến lý tưởng này. Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la do ông đứng đầu đã thực hiện nhiều chính sách tiến bộ vì nhân dân lao động.

Trong bài diễn văn nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 tổ chức tại Ca-ra-cát vào năm 2005, Tổng thống Cha-vết cho rằng cần xây dựng một xã hội, trong đó mọi người đều được quan tâm, không có người nghèo và mọi người đều được bình đẳng, công bằng; hòa bình với chính mình và hòa bình với các dân tộc trên thế giới; không sao chép mô hình các nước khác, thời đại khác. Ông kêu gọi toàn thể nhân dân Vê-nê-xu-ê-la đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ mới, xây dựng một mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, một mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa mới và một mô hình chính trị xã hội chủ nghĩa mới. Ngày 3-12-2006, ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống Cha-vết đã tái khẳng định Vê-nê-xu-ê-la sẽ tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI.

Quan niệm về chủ nghĩa xã hội

Quan niệm của Tổng thống U-gô Cha-vết về chủ nghĩa xã hội cùng những thành quả của cuộc cách mạng Bô-li-va đã thể hiện một số định hướng cơ bản: Về chính trị, nhấn mạnh tư tưởng "dân chủ cách mạng" (còn gọi là dân chủ tham gia" và "chính quyền nhân dân"), theo đó nhân dân có quyền, trách nhiệm tham gia quyết định vận mệnh của đất nước, tham gia xây dựng một nhà nước pháp quyền, công bằng xã hội. Về kinh tế, chủ trương thực hiện kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước và hợp tác xã nắm vai trò chủ đạo; nhấn mạnh việc giành lại chủ quyền quốc gia - dân tộc đối với tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu mỏ, nguồn nước.. Về xã hội, chủ trương phân phối công bằng của cải xã hội nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng và phân hóa xã hội. Về đối ngoại, thúc đẩy khối đoàn kết Mỹ La-tinh và quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, hợp tác thay cho cạnh tranh, hội nhập thay cho bóc lột và đấu tranh cho một thế giới đa cực, dân chủ.

Với các chương trình xã hội được thực hiện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong 6 năm qua, hơn 1,5 triệu người dân Vê-nê-xu-ê-la đã thoát nạn mù chữ, hàng triệu lượt người được khám chữa bệnh miễn phí mỗi năm; hàng trăm nghìn người được mổ mắt miễn phí; tỷ lệ nghèo đã giảm từ 49,4% (năm 1999) xuống còn 37,1% (năm 2005); tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan; GDP năm 2005 đạt 9,3%, năm 2006 đạt 10%.

Đầu tháng 9-2007, Đảng Lao động Bra-xin (đảng cầm quyền) đã tiến hành Đại hội lần thứ III tại thành phố Sao Pao-lô, Nghị quyết về Chủ nghĩa xã hội và Đảng Lao động đã được thông qua. Đại hội cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của Đảng hiện nay là tìm ra mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của Bra-xin và mô hình này đang trong quá trình hình thành về lý luận và thực tiễn. Nghị quyết chủ trương kết hợp đấu tranh chống bóc lột về kinh tế với đấu tranh chống mọi hình thức áp bức đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Theo Đảng Lao động Bra-xin, chủ nghĩa xã hội phải rất dân chủ, tức là mở rộng dân chủ tới mọi bộ phận trong xã hội, kết hợp hài hòa giữa tự do chính trị cá nhân, tập thể với các quyền kinh tế và xã hội. Về chính trị, Đảng Lao động Bra-xin cho rằng chủ nghĩa xã hội phải bảo vệ tự do dân chủ, bảo vệ quyền con người và tôn trọng nhà nước pháp quyền. Về kinh tế, phải tiến tới xây dựng một nền kinh tế mới, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phân phối công bằng lợi nhuận, tôn trọng vai trò nhà nước trong điều tiết nền kinh tế. Về đối ngoại, Đảng Lao động Bra-xin chủ trương xây dựng một thế giới đa cực, hòa bình, không còn đói nghèo, bệnh tật; đấu tranh vì đoàn kết khu vực và đoàn kết quốc tế, nhất là củng cố đoàn kết khu vực Nam Mỹ nhằm tăng sức mạnh trong quan hệ với các khu vực khác và thế giới nói chung.

Thành tựu ban đầu ở Vê-nê-xu-ê-la

Những năm qua, chính phủ Vê-nê-xu-ê-la do Tổng thống U-gô Cha-vết đứng đầu đã tiến hành cuộc cách mạng sâu rộng, triệt để với tên gọi "Cuộc cách mạng Bô-li-va". Năm 1998, chính phủ đã tiến hành soạn thảo và tổ chức trưng cầu dân ý thông qua Hiến pháp mới, khẳng định vai trò của nhân dân trong việc quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước, đổi tên nước từ Cộng hòa Vê-nê-xu-ê-la thành Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la để nhấn mạnh các tư tưởng của Người Anh hùng giải phóng dân tộc Xi-môn Bô-li-va về độc lập, tự do, công bằng, bình đẳng và bác ái. Sau khi thành lập Quốc hội mới, nhiều bộ luật quan trọng, phục vụ lợi ích đại đa số nhân dân lao động đã được thông qua; tiến hành quốc hữu hóa ngành dầu khí - nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước; sử dụng hàng chục tỉ USD lợi nhuận từ dầu khí để tiến hành nhiều chương trình xã hội như xóa nạn mù chữ, xóa đói, giảm nghèo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, xây dựng thêm nhiều bệnh viện, trường học... Trong 6 năm qua, với các chương trình xã hội kể trên, hơn 1,5 triệu người đã thoát nạn mù chữ, hàng triệu lượt người được khám chữa bệnh miễn phí mỗi năm; hàng trăm nghìn người được mổ mắt miễn phí; tỷ lệ nghèo đã giảm từ 49,4% (năm 1999) xuống còn 37,1% (năm 2005); tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan; GDP năm 2005 đạt 9,3%, năm 2006 đạt 10%.

Mới đây, để có cơ sở pháp lý cho định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, ngày 16-8-2007, Tổng thống Cha-vết đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi 33 điều trong Hiến pháp[3]. Với những thay đổi này, một khi được Quốc hội thông qua (sau khi tiến hành tham khảo ý kiến của toàn dân thông qua trưng cầu dân ý), sẽ thúc đẩy nhanh chóng quá trình cách mạng trên lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế và củng cố nền dân chủ. Nội dung chính của những điều khoản thay đổi bao gồm: tăng nhiệm kỳ của Tổng thống từ 6 năm lên 7 năm và không giới hạn số lần ứng cử tiếp theo; đặt tên cho quân đội là Lực lượng vũ trang Bô-li-va; hệ thống chính quyền bao gồm cấp Trung ương, cấp Bang, huyện thị và chính quyền nhân dân[4]; quy định 5 hình thức sở hữu: nhà nước, xã hội (toàn dân), tập thể, liên doanh và tư nhân; quy định giờ làm việc của người lao động không quá 6 tiếng/ngày và không quá 36 tiếng/tuần; nhà nước tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh tế theo nguyên tắc kinh tế xã hội chủ nghĩa và nhà nước nắm, quản lý việc khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là dầu khí cũng như một số ngành kinh tế mang tính chiến lược.

Cho đến thời điểm này, hầu hết các chính phủ cánh tả Mỹ La-tinh đều mới lên cầm quyền, sự nghiệp cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội còn rất non trẻ; cuộc đấu tranh về con đường phát triển của đất nước, của dân tộc còn quyết liệt, gặp nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, tiến trình cách mạng ở nhiều nước Mỹ La-tinh, nhất là ở Vê-nê-xu-ê-la, đã thể hiện được bước tiến mới của chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà các nước xã hội chủ nghĩa đạt được trong quá trình cải cách, mở cửa và đổi mới, những chuyển biến sâu sắc ở Mỹ La-tinh hiện nay là một thực tế lịch sử chứng minh cho sức sống và khả năng phát triển của chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.
 

[1] Vê-nê-xu-ê-la, Chi-lê, Bra-xin, ác-hen-ti-na, Pa-na-ma, U-ru-goay, Bô-li-vi-a, Ni-ca-ra-goa và Ê-cu-a-đo

[2] Năm 1985, nợ nước ngoài của Mỹ La-tinh ở mức 300 tỉ USD, năm 2003 là 750 tỉ USD

[3] Hiến pháp hiện hành được thông qua từ năm 1999, và đến nay có nhiều điều không phù hợp vì khi đó chưa đặt ra mô hình xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa

[4] Chính quyền nhân dân là khái niệm mới, áp dụng ở các cộng đồng dân cư, thị trấn, thành phố sẽ mở trong tương lai. Tại những nơi này, người đứng đầu sẽ do Tổng thống bổ nhiệm (Thống đốc Bang do dân bầu)