1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Bun-ga-ri

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Bun-ga-ri

Ngày 11-11-2008, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đoàn đại biểu quân đội Cộng hòa Bun-ga-ri, do Ðại tướng Dla-tan Ki-ri-lốp Stôi-cốp, Tổng Tham mưu trưởng dẫn đầu, đang thăm và làm việc tại nước ta. Thủ tướng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Bun-ga-ri về những tình cảm quý báu và sự ủng hộ thắm tình anh em đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
 
Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bun-ga-ri ngày càng phát triển và đã thu được những thành tựu rất đáng khích lệ, đồng thời mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển. Trên tinh thần này, Thủ tướng đánh giá cao chuyến thăm của Ðại tướng Dla-tan Ki-ri-lốp Stôi-cốp và các thành viên trong đoàn, hoan nghênh hai bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng lực lượng quân đội, trao đổi đoàn, đào tạo, huấn luyện thể dục thể thao. Ðại tướng Dla-tan Ki-ri-lốp Stôi-cốp cho rằng, tình cảm hữu nghị truyền thống là tài sản quý báu của nhân dân hai nước Việt Nam và Bun-ga-ri. Những tình cảm đó là cơ sở vững chắc để hai bên tiếp tục phát triển quan hệ trong tương lai vì mục tiêu phát triển của mỗi nước.
 
2. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Phi; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế của Nga và Nhật Bản

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Phi

Ngày 11-11-2008, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập khu vực và Pháp ngữ nước Cộng hòa Trung Phi Điêu-đôn Côm-bô I-a-i-a (Dieudonne Kombo Yaya) thăm Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá, chuyến thăm của Bộ trưởng là tín hiệu vui trong quan hệ giữa hai nước, mở ra triển vọng hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực trong tương lai. Chủ tịch nước hoan nghênh sáng kiến của Trung Phi về mô hình hợp tác ba bên, giữa Việt Nam với Trung Phi và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ; đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác song phương với Cộng hòa Trung Phi, chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp Trung Phi bảo đảm an ninh lương thực. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam và châu Phi, trong đó có Cộng hòa Trung Phi, có đủ điều kiện để tăng cường và mở rộng hợp tác đa dạng trên nhiều lĩnh vực.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vàng bạc, đá quý Etalon-Jenavi của Nga, nhân dịp sang Việt Nam triển khai kế hoạch hợp tác với Công ty Vàng bạc, đá quý Sài Gòn (SJC) và các đối tác khác của Việt Nam. Thông qua hợp tác với Công ty SJC, Chủ tịch nước mong Công ty Etalon-Jenavi trở thành nhân tố tác động tích cực để mời gọi thêm các nhà đầu tư của Liên bang Nga vào đầu tư tại Việt Nam. Chiều 11-11-2008, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi tiếp ông Ca-tô Xu-xu-mu (Kato Susumu), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật Bản - Việt Nam trong Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, các tập đoàn, tổ chức kinh tế của Nhật Bản đã có đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế. Chủ tịch nước tin tưởng, thế mạnh của các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hướng tới đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng hiệu quả hơn.

3. Việt Nam và Ai Cập đẩy mạnh hợp tác về dầu khí

Việt Nam và Ai Cập
 đẩy mạnh hợp tác về dầu khí

Ngày 12-11-2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Dầu khí Quốc gia Ai Cập (EGPC) ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai công ty, khẳng định sẽ cùng nhau thúc đẩy hợp tác, trước hết trong khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở Ai Cập, Việt Nam hoặc ở các nước thứ ba. Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ kỳ họp Uỷ ban hỗn hợp hợp tác Việt Nam - Ai Cập tại Cai-rô, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Dầu khí và Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế Ai Cập.
 
Theo thoả thuận, Petrovietnam sẽ tham gia các vòng đấu thầu hoặc mua tài sản dầu khí tại Ai Cập, và EGPC cũng làm tương tự như vậy ở Việt Nam. Hai bên cũng có thể cùng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại một nước thứ ba hoặc có thể trao đổi các dự án hiện có của mỗi bên.

4. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ma-lai-xi-a

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ma-lai-xi-a.

Ngày 12-11-2008, trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ma-lai-xi-a Rai I-a-tim (Rais Yatim) đang ở thăm Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tăng cường và mở rộng hợp tác với tất cả các nước, ưu tiên quan hệ với các nước ASEAN. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước sự phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu của quan hệ Việt Nam - Ma-lai-xi-a những năm qua, nhất là trên các lĩnh vực chính trị, thương mại, đầu tư, lao động, văn hóa, du lịch. Ma-lai-xi-a hiện đứng thứ hai trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, kim ngạch thương mại giữa hai nước liên tục có bước tăng trưởng. Bộ trưởng Rai I-a-tim khẳng định, Chính phủ Ma-lai-xi-a coi trọng mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam, mong muốn cùng Việt Nam giải quyết trên tinh thần hữu nghị những vướng mắc trong lĩnh vực hợp tác về lao động.

5. EU hỗ trợ Việt Nam thực thi những cam kết WTO

Ngày 14-11-2008, đại diện Bộ Công thương và Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam đã giới thiệu và khai trương Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn 3 (EU-Việt Nam MUTRAP 3), nhằm hỗ trợ Việt Nam thực thi những cam kết, nghĩa vụ WTO, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững và hội nhập mạnh mẽ với hệ thống thương mại toàn cầu. Dự án có tổng vốn 10,67 triệu euro, trong đó EU tài trợ 10 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án được thực hiện từ tháng 8-2008 đến tháng 6-2012. Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên đánh giá cao những đóng góp hiệu quả của các giai đoạn trước cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO của Việt Nam và bày tỏ tin tưởng, giai đoạn 3 của dự án lần này sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tốt. Đại diện Phái đoàn Ủy ban châu Âu, ông Vin-li Van-đen-béc (Willy Vandenberge), khẳng định, dự án là minh chứng sống động cho mối quan hệ song phương Việt Nam-EU và cam kết EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

6. Ký Hiệp định tài trợ Dự án Tài chính nông thôn III

Ngày 14-11-2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Mác-tin Ra-ma (Martin Rama) ký Hiệp định tài trợ "Dự án Tài chính nông thôn III" do WB tài trợ với giá trị vốn vay tương đương 200 triệu USD trong tổng giá trị vốn đầu tư dự án khoảng 279 triệu USD. Dự án Tài chính nông thôn III là dự án thứ ba trong loạt các dự án tài chính nông thôn do WB tài trợ cho Việt Nam. Chương trình tài chính nông thôn được Ngân hàng Thế giới thực hiện tại Việt Nam từ năm 1996. Qua hai dự án tài chính nông thôn trước, Ngân hàng Thế giới đã cung cấp hơn 345 triệu USD tín dụng để thực hiện cho vay phát triển khu vực nông thôn và giúp cải thiện năng lực của hệ thống ngân hàng.

7. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tiếp thân mật đại biểu cựu Thanh niên xung phong sáu tỉnh Việt Bắc

Ngày 15-11-2008, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã tiếp thân mật hơn 50 đại biểu cựu thanh niên xung phong (TNXP), đại diện cho 13.200 cựu TNXP các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên thuộc vùng Việt Bắc, nhân dịp đoàn về thăm Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư rất vui mừng và xúc động trong buổi gặp gỡ và chuyện trò với các cựu TNXP. Nhân dịp này, đồng chí gửi tới các cựu TNXP Việt Bắc và cả nước lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Các đại biểu TNXP đã báo cáo với Tổng Bí thư về tình hình tổ chức Hội Cựu TNXP ở địa phương, các hoạt động "nghĩa tình đồng đội", "uống nước nhớ nguồn" và bày tỏ một số tâm tư, nguyện vọng của mình. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đánh giá cao cống hiến của lực lượng TNXP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

8. Bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII

Ngày 15-11-2008, sau 26 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần đổi mới và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII thành công tốt đẹp và bế mạc. Tới dự, có các đồng chí Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Ðảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với 455 đại biểu đồng ý (bằng 92,29% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua toàn văn Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII. Với 472 đại biểu tán thành (bằng 95,74% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc năm 2009. Với 450 đại biểu tán thành (bằng 91,28% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc kỳ họp./.