Năm nay, cùng với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, chúng ta kỷ niệm 90 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, khi sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Lịch sử 90 năm qua đã diễn ra với biết bao thăng trầm, nhưng Cách mạng Tháng Mười với những giá trị lớn lao của nó vẫn đang tiếp tục tác động mạnh mẽ đến toàn bộ sự nghiệp cách mạng thế giới và công cuộc đổi mới của nước ta.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã ghi vào lịch sử thế giới hiện đại những trang chói lọi nhất. Đó là một cuộc cách mạng chưa từng có trong thế kỷ XX, một cuộc cách mạng mở đầu “một sự nghiệp mới mẻ” - “sự nghiệp sáng tạo ra một kiểu chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”, “mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới”(1). Lịch sử nhân loại đã từng có không ít các cuộc cách mạng có ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội, song Cách mạng Tháng Mười Nga là một cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử toàn cầu. Nó là cột mốc đánh dấu thời kỳ đấu tranh cách mạng mới vì những mục tiêu của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Sự thực là, từ đầu thế kỷ XX, nước Nga đã chín muồi các điều kiện khách quan, chủ quan và tình thế cho một cuộc cách mạng xã hội – cuộc cách mạng của đông đảo công nhân, nông dân và trí thức, những lực lượng không chỉ có yêu cầu lật đổ chế độ Nga Hoàng, xoá bỏ chế độ nông nô mà còn tiến lên lật đổ nhà nước tư sản, thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười là một tất yếu lịch sử, vì lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những khát vọng về một xã hội công bằng và bình đẳng của nhân loại đã “trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng ngàn triệu người vào hành động cách mạng vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(2).

Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi vĩ đại không chỉ của giai cấp vô sản và nhân dân các dân tộc Nga, mà còn là thắng lợi của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. V.I.Lê-nin từng khẳng định: “Không thể có bức tường ngăn cách giữa những chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười và những chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế”(3). Sự khẳng định đó đã được thực tiễn chứng minh. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, một thời đại mới đã được mở ra. Nó tạo cơ hội cho nhân loại thực hiện bước quá độ lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Bước quá độ ấy bao hàm cả khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đối với các nước đang phát triển, khi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân đã giành được quyền làm chủ đất nước, đã xây dựng được Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đó chính là điều kiện lịch sử, là thuận lợi khách quan mà thời đại mới đã tạo ra. Điều này đã được thực tiễn xác nhận và là điều không thể phủ nhận được, cho dù những biến động đầy bi kịch đã diễn ra ở đầu thập niên cuối của thế kỷ XX – sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu.

Xét trên bình diện lịch sử toàn thế giới, Cách mạng Tháng Mười Nga “mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”(4). Như vậy, theo quan điểm của V.I.Lê-nin, nội dung của thời đại mới này là xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đây là một quá trình lịch sử lâu dài và không phải là con đường thẳng tắp phẳng phiu, mà là con đường gập ghềnh đầy khó khăn, phức tạp.

Sau nhiều thập kỷ tồn tại và phát triển, giờ đây chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã không còn tồn tại với tư cách là một hệ thống thế giới, song điều đó không có nghĩa là con đường đi tới chủ nghĩa xã hội đã bị chặn lại. Trên phạm vi toàn thế giới, nhiều quốc gia, dân tộc vẫn phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, theo lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười. Điều đó cho phép chúng ta khẳng định rằng, đi tới chủ nghĩa xã hội là quy luật tiến hoá của xã hội loài người mà Cách mạng Tháng Mười Nga là mốc son đánh dấu thời đại, là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đầu tiên đó chưa phải là thắng lợi cuối cùng, nhưng nó đã mở ra một thời đại mới, một sự nghiệp mới trong lịch sử nhân loại – sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười có vinh dự là đã bắt đầu sự nghiệp ấy, còn “bao giờ và trong thời hạn nào thì những người vô sản nước nào sẽ hoàn thành được sự nghiệp ấy, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng, chính là băng đã tan, đường đã mở, lối đã vạch ra rồi”(5).

Trong bài viết cho báo Pra-vđa, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(6). Thật vậy, lịch sử thế giới sẽ mãi mãi ghi nhận ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười – một cuộc cách mạng đã làm “rung chuyển thế giới”, phá tung khâu yếu nhất của sợi dây chuyền đế quốc chủ nghĩa, mở đầu một thời đại mới, hình thành một hình thái kinh tế – xã hội hoàn toàn mới, khác về chất so với hình thái kinh tế – xã hội tư bản bản chủ nghĩa.

* * *

90 năm sau Cách mạng Tháng Mười, nhân loại đã chứng kiến nhiều biến động dữ dội trong đời sống chính trị của thế giới, trong đó, sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là sự kiện lớn nhất, bi thảm nhất. Nó ảnh hưởng không tốt đến phong trào cộng sản quốc tế và sự nghiệp cách mạng của các dân tộc đang đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Tổn thất này đã làm chậm bước tiến của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, song không thể vì thế mà phủ nhận ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười. Tổn thất nặng nề đó dẫu khiến cho cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới rơi vào giai đoạn thoái trào, song không thể vì thế mà chủ nghĩa xã hội bị coi là một “quái thai”, “dị dạng”, một xã hội không có khả năng phát triển; còn cách mạng xã hội chủ nghĩa thì bị coi là cuộc cách mạng “cực đoan”, “bạo loạn”, là cuộc cách mạng diễn ra “không theo đúng quy luật khách quan”, không theo đúng tiến trình phát triển lịch sử – tự nhiên của xã hội loài người.

Sự thật không thể phủ nhận được là, Liên Xô, con đẻ của Cách mạng Tháng Mười, từ một nước tư bản trung bình, sau một thời gian xây dựng đã trở thành một siêu cường, là lực lượng chủ yếu đã cứu nhân loại thoát khỏi thảm hoạ của chủ nghĩa phát-xít trong chiến tranh thế giới thứ hai, tạo điều kiện cho một loạt nước ở Đông Âu và châu Á, sau đó là Tây bán cầu tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã khai phá con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, con đường phát huy khả năng sáng tạo to lớn của nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, đưa con người đến “vương quốc tự do”. Nó khẳng định sức mạnh sáng tạo của con người trong sự nghiệp kiến tạo xã hội mới chưa từng có khuôn mẫu trong lịch sử hiện thực của nhân loại. Thực tế tại chính quê hương của Cách mạng Tháng Mười, sau một thời gian xây dựng cho thấy, Liên Xô đã có một nền khoa học hết sức phát triển, trong đó nhiều lĩnh vực đứng hàng đầu thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ. Bốn mươi năm sau Cách mạng Tháng Mười, ngày 4-10-1957, Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo của trái đất. Sau đó bốn năm, ngày 12-4-1961, Liên Xô lại là nước đầu tiên đưa con người vào vũ trụ. Phi công vũ trụ I.Ga-ga-rin đã thực hiện thành công chuyến bay quanh trái đất, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên chinh phục vũ trụ. Trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế,... Liên Xô cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Điều rất đáng tiếc là, sau một thời gian phát triển rực rỡ, sau những chiến công hiển hách trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cũng như sau những thành tựu lớn lao trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học - công nghệ, cường quốc xã hội chủ nghĩa tại chính quê hương Cách mạng Tháng Mười lại lâm vào trì trệ, khủng hoảng nghiêm trọng và cuối cùng, chế độ xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ nhanh chóng.

Các thế lực thù địch của chủ nghĩa xã hội hí hửng tuyên bố; nào là chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ có nghĩa là “lịch sử đã kết thúc” với sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản, như nhận định của Fu-ku-y-a-ma; nào là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản rồi đây chỉ “sẽ được nhớ lại như một sự lầm lạc kỳ lạ nhất về chính trị và trí tuệ của thế kỷ XX”, như tuyên bố của Brê-zin-xki... Họ không những tuyên bố mà kỳ vọng như thế. Nhưng thực tiễn hơn một thập kỷ qua, lại không diễn ra như thế lực thù địch của chủ nghĩa xã hội mong đợi. Các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Á và Tây bán cầu không những không sụp đổ, không những trụ vững, mà còn có bước phát triển rất đáng tự hào trong một thế giới đầy biến động phức tạp. Hơn nữa, những năm gần đây, phong trào ở các nước Mỹ La-tinh không thừa nhận con đường phát triển tư bản chủ nghĩa đang thức tỉnh lương tri của nhân loại vì một chế độ xã hội tốt đẹp hơn chế độ tư bản chủ nghĩa. Tất cả những điều ấy chứng rỏ rằng, mặc dù “chủ nghĩa xã hội đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử”(7).

Để làm rõ nhận định trên, chúng ta cần phân tích một cách cụ thể những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô.

Nguyên nhân sâu xa liên quan tới mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khuyết tật lớn của mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô là đã tuyệt đối hoá cơ chế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp, tuyệt đối hoá nguyên tắc tập thể, coi nhẹ vai trò chủ động và sáng kiến cá nhân, không chấp nhận một cách chủ quan, duy ý chí sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường; thực hiện bao cấp tràn lan, triệt tiêu động lực lợi ích và tính chủ động sáng tạo của người lao động cũng như của các đơn vị kinh tế. Hậu quả của việc thực hiện cơ chế quan liêu, bao cấp đã dẫn nền kinh tế Liên Xô rơi vào tình trạng phát triển chậm dần, sức sản xuất ngày càng tụt hậu, hiệu quả kinh tế ngày càng thấp, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, và cuối cùng, nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng nghiêm trọng. Khuyết tật của mô hình cũ còn được thể hiện cả trong lĩnh vực chính trị: hệ thống chính trị mà vấn đề nổi cộm là không phát huy được tính ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm nghiêm trọng. Tóm lại, chủ nghĩa giáo điều, xơ cứng trong tư duy lãnh đạo, sự “kiêu ngạo cộng sản”, như V.I. Lê-nin đã cảnh báo, vẫn không được khắc phục. Tất cả những khuyết điểm ấy dẫn tới chậm phát hiện các sai lầm chủ quan, duy ý chí. Do đó, công cuộc cải tổ (pe-rê-xtrôi-ka) đã bị thất bại.

Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là, trong cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phạm sai lầm nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phản bội chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trước hết ở một số người lãnh đạo cao nhất. Lợi dụng những khó khăn và đường lối sai lầm của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như của Đảng Cộng ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế đã đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình” để xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu một cách nhanh chóng.

Từ sự phân tích nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp ở trên, chúng ta càng thấy rõ, việc sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là một tổn thất nặng nề, song không phải do bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác - Lê-nin sinh ra. Vì vậy, việc coi sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu là sự kết thúc của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lê-nin là hoàn toàn vô căn cứ, hoàn toàn trái với lý luận, thực tiễn hết sức phong phú, sinh động đã và đang diễn ra trong đời sống chính trị của thế giới.

Về nguyên nhân cũng như các bài học kinh nghiệm lịch sử xung quanh sự kiện này sẽ còn được nghiên cứu một cách sâu sắc trong nhiều cơ hội tới đây, cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Trong lý luận về chủ nghĩa xã hội, vấn đề xác định mô hình chủ nghĩa xã hội là vấn đề phức tạp, không thể nhận thức một cách đơn giản, tuỳ tiện. Chính V.I. Lê-nin đã khẳng định: “Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó (con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội – NDQ) và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó, còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động”(8). Chính vì thế, ngay sau Cách mạng Tháng Mười, trước tình hình nền kinh tế lạc hậu của nước Nga bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918); tiếp đến là do ảnh hưởng của nội chiến và chiến tranh can thiệp của 14 nước đế quốc, V.I.Lê-nin đã đề ra “Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến” nhằm khôi phục, phát triển nền kinh tế. Sau một thời gian thực hiện, V.I.Lê-nin nhận thấy chính sách này không còn phù hợp với tình hình mới nên đã đề ra “Chính sách kinh tế mới” (NEP). Nhờ thực hiện chính sách này mà chỉ trong một thời gian ngắn, nền kinh tế nước Nga được khôi phục nhanh chóng và đạt nhiều thành tựu mới. Nhưng sau khi V.I.Lê-nin qua đời, đường lối đúng đắn này không được tiếp tục thực hiện. V.I.Lê-nin đặc biệt quan tâm đến vấn đề năng suất lao động vì nó là yếu tố, xét đến cùng, quyết định thắng lợi hoàn toàn của chế độ mới. Để có thể đạt được năng suất lao động cao, chủ nghĩa xã hội phải tiêu biểu cho những thành tựu mới trong các lĩnh vực mà nhân loại đã đạt được. Như cách nói hiện nay, nội lực phải kết hợp với ngoại lực, sức mạnh của dân tộc phải kết hợp với sức mạnh của thời đại. V.I. Lê-nin cho rằng: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài; chính quyền xô viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ, v.v. = å(9), = chủ nghĩa xã hội(10).

Như vậy, những chỉ dẫn của V.I. Lê-nin rất quan trọng về cả mô hình, bước đi cụ thể để giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội. Nhưng rất đáng tiếc, tại chính quê hương của ông – quê hương Cách mạng Tháng Mười, những chỉ dẫn đó không những không được quán triệt để thực thi mà còn bị phản bội, thậm chí bị bôi nhọ, lên án. Hơn thế, những kẻ phản bội chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa xã hội còn cho rằng, thời kỳ Liên Xô là một thời kỳ đen tối của lịch sử...

Thực tế không phải như vậy. Chính thời kỳ Liên Xô là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của lịch sử nước Nga, như ở trên đã phân tích và chứng minh. Những thành tựu của Cách mạng Tháng Mười và của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô là không thể phủ nhận. Cách mạng Tháng Mười khẳng định xu thế phát triển tất yếu của thời đại chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mặc dù con đường phát triển đó vô cùng quanh co, phức tạp. Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, dân tộc Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của các đế quốc sừng sỏ ở thế kỷ XX, nêu gương sáng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh – người cộng sản Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác-Lê-nin, đã khẳng định : “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới”(11).

Dưới ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng giàu tinh thần cách mạng, sáng tạo, gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn luôn là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Trong những thời điểm phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự khủng hoảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta vẫn vững vàng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vượt qua thách thức đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước tiến lên một cách vững chắc.

Sau hơn nửa thế kỷ tôi luyện và thử thách, khuynh hướng chính trị bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tiến lên chủ nghĩa xã hội đã trở thành một sức mạnh vật chất bám rễ sâu trong xã hội Việt Nam. Yếu tố chính trị này có vai trò quyết định trong việc thu hút, chuyển hoá nhân tố thời đại thành nguồn lực bên trong để xây dựng và bảo vệ đất nước. Thắng lợi của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo thực hiện đã đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài nhiều năm, tạo điều kiện thuận lợi đưa nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hơn 100 năm trước, khi nói về ý nghĩa của Công xã Pa-ri, C.Mác khẳng định: cách mạng có thể bị thất bại, nhưng cách mạng không bao giờ bị tiêu diệt. Điều đó vẫn hoàn toàn đúng khi chúng ta nói về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Cách mạng Tháng Mười tròn 90 tuổi, song đó không phải là thắng lợi đã thuộc về quá khứ của nhân loại. Lý tưởng cao đẹp của nó vẫn đang và sẽ tiếp tục cổ vũ nhân loại tiến lên trên con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh nghiệm thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười, của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời gian vừa qua cho chúng ta thấy rõ, không trở ngại nào, không xu hướng đối lập nào có thể cản trở sự nghiệp phát triển tiến bộ của nhân loại trên con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười đã đi vào lịch sử nhân loại với tính cách là sự đột phá, mở đường, vì thế nó không thể bị lãng quên, cho dù “cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế sẽ có thể trải qua những đột biến gian khổ đến mấy đi nữa”(12). Với Cách mạng Tháng Mười và với lý tưởng cao đẹp của nó, “cách mạng quốc tế tương lai sẽ xây dựng lên lâu đài xã hội chủ nghĩa của mình”(13).



(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t44, tr184, 185

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t12, tr303

(3) V.I. Lê-nin: Sdd, t36, tr625

(4) V.I. Lê-nin: Sdd, t44, tr184-185

(5) V.I. Lê-nin: Sdd, t44, tr187

(6)Hồ Chí Minh: Sđd, t12, tr300

(7) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr314

(8) V. I. Lê-nin: Sđd, t34, tr152-153

(9)Có nghĩa là tổng số, tổng kết lại

(10)V.I.Lê-nin: Sdd, t36, tr684

(11) Hồ Chí Minh: Sdd, t12, tr301

(12)V.I.Lê-nin: Sdd, t36, tr473

(13)V.I.Lê-nin: Sdd, t36, tr473