Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam cam kết nỗ lực nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA
Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2009 (Hội nghị CG 2009) do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức diễn ra trong hai ngày 3 và 4-12 với chủ đề "Phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững" khai mạc sáng 3-12 tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng các nhà tài trợ.
Hội nghị lần này thu hút gần 500 đại biểu từ khối doanh nghiệp, cơ quan Chính phủ, các nhà tài trợ, tập trung thảo luận các chủ đề thiết thực đối với Việt Nam như: đánh giá tình hình và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tái cấu trúc nền kinh tế; cải cách doanh nghiệp nhà nước; giảm nghèo bền vững; cải cách hành chính; hiện đại hóa dịch vụ công; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống tham nhũng...
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, sau khi điểm lại những nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vai trò của nguồn vốn ODA đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Năm 2009, vốn ODA ký kết dự kiến đạt 5,85 tỉ USD, là mức ký kết ODA cao nhất từ trước đến nay. Và cũng trong năm 2009, Việt Nam dự kiến giải ngân khoảng ba tỉ USD, tăng gần 59% so với năm 2008, là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Vốn ODA thật sự là một nguồn lực quan trọng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường thể chế, phát triển các lĩnh vực xã hội, như y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, đặc biệt là trong công tác xóa đói, giảm nghèo - tỷ lệ đói nghèo giảm từ khoảng 58% năm 1992 xuống khoảng 11% năm 2009.
Trước những đóng góp không nhỏ của nguồn vốn ODA cũng như sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng nhà tài trợ dành cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục đưa ra các cam kết mạnh mẽ về việc sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn quý giá này. Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường trong nước". Bên cạnh đó, Việt Nam nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo một bước tiến mới trong cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng (phấn đấu đạt 6,5% năm 2010).
Việt Nam có chính sách hỗ trợ thích hợp để kích thích phát triển kinh tế trung và dài hạn, tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng mạnh vào nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường hài hòa với phát triển kinh tế; đẩy nhanh chương trình giảm nghèo vững chắc; tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội và an sinh xã hội; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết bằng tinh thần trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA".
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam là nước sản xuất 1/5 lượng gạo xuất khẩu của thế giới, bởi vậy, nếu không đối phó hiệu quả với vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng không những cho Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới an ninh lương thực thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ dành cho Việt Nam trong đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, bà V. Qua-qua, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cơ quan đồng tổ chức Hội nghị, cho rằng, trong năm 2009, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tránh được những tác động tiêu cực do suy thoái kinh tế toàn cầu và đạt được mức tăng trưởng khá. "Kết quả này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận", bà V. Qua-qua khẳng định. Bà V. Qua-qua mong muốn các nhà tài trợ, đại diện các tổ chức quốc tế thẳng thắn đánh giá về tình hình cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trước những thời cơ và thách thức mới của tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới; góp phần chung tay cùng Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm cho Việt Nam ngày càng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài...
Trong phiên họp ngày 3-12, Hội nghị thảo luận, nghe các báo cáo về các vấn đề liên quan đến các biện pháp duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư trình bày; đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam do Quỹ Tiền tệ thế giới trình bày; các vấn đề về thách thức mới cho giảm nghèo ở Việt Nam; vấn đề về tăng cường quản trị công và chống tham nhũng... do các cơ quan chức năng của Việt Nam trình bày./.
Đã đến lúc cần đổi mới Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu  (04/12/2009)
Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép công bố Dự thảo Hiệp ước An ninh châu Âu  (04/12/2009)
Bắc Ninh tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (03/12/2009)
Cần có sự chung tay, góp sức của tất cả các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu  (03/12/2009)
Nghị quyết về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại Tập Ðoàn, Tổng công ty nhà nước  (03/12/2009)
Bắc Giang làm theo lời Bác  (03/12/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên